Danh sách bài viết

Âm nhạc trong múa Khơ me Nam Bộ

Cập nhật: 27/12/2017

PGS-TS LÊ NGC CANH

 Âm nhạc trong múa Khơ me Nam Bộ là một phần trong
công trình nghiên cứu có tên gọi 
Nghệ thuật múa truyền 
thống Khơ me Nam Bộ
 của PGS-TS Lê Ngọc Canh. Ông
đã trích và gửi cho Thông báo khoa học của Viện Âm
nhạc. Ban biên tập xin đăng toàn bộ phần viết này thay lời
cám ơn về sự cộng tác của ông với Thông báo khoa học.

                                                                       Ban biên tập

1.1. VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC KHƠ ME

TRONG NGHỆ THUẬT MÚA KHƠ ME NAM BỘ 

1.1.1. Âm nhạc tạo nên bản sắc múa Khơ me Nam Bộ

Âm nhạc và múa là những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất, đã tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa loài người. Âm nhạc và múa luôn gắn bó mật thiết với nhau, múa luôn đòi hỏi phải có nhạc. Mối quan hệ ấy có tính quy luật hoạt động của nghệ thuật múa, chúng là sự đồng hành tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong múa vốn cũng đã tồn tại những yếu tố nội sinh của âm nhạc. Múa nhanh, chậm, mạnh, nhẹ, nhịp, phách... là những yếu tố âm nhạc tự thân vốn đã có trong múa.

Thuở ban đầu, khi chưa hình thành các nhạc cụ, các bài nhạc, con người nhảy múa thường vừa múa vừa hò, reo theo nhịp vỗ tay, nhịp dậm chân.  Những yếu tố đó đã trở thành tiết tấu của múa. Khi tư duy phát triển, con người đã biết dùng những cục đá, thanh đá, rồi đến các công cụ lao động bằng tre, nứa, gỗ gõ vào nhau tạo ra tiết tấu, nhịp phách của âm nhạc. Đó là âm nhạc thuở sơ khai và cũng là âm nhạc múa.

Tiến lên bước phát triển mới, con người đã chế tạo ra các nhạc cụ, như đàn đá, khánh đá, tù và đá. Tiếp theo là chế tác các nhạc cụ bằng chất liệu đồng, gỗ, da, tre nứa, đó là: trống đồng, cồng, chiêng, trống da và các loại khèn, kèn và các loại nhạc cụ khác. Rồi những loại nhạc cụ đó cũng đã trở thành những nhạc cụ, những dàn nhạc đệm cho múa, ngày càng được hoàn thiện.

Như vậy, âm nhạc và múa luôn có nhau trong tiến trình lịch sử hình thành, phát triển văn hóa của loài người nói chung và của từng dân tộc, từng quốc gia nói riêng. Âm nhạc của tộc người Khơ me Nam Bộ không nằm ngoài quy luật phát triển đó. Với người Khơ me Nam Bộ thì quy luật này, mối quan hệ này rất rõ, rất đậm nét. Đó cũng là đặc điểm, tính cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc của họ, có nhạc là có múa. Một dân tộc có sở trường và yêu thích ca hát, nhảy múa. Họ không chỉ múa theo tiết tấu, nhịp phách, giai điệu của âm nhạc mà họ còn vừa múa, vừa hát và hô, hét, hò trên nhịp điệu tiết tấu của âm nhạc ấy. Lối trình diễn như vậy đã khắc họa đặc điểm, bản sắc của múa Khơ me Nam Bộ. Điều này rất hiếm thấy ở các dân tộc khác.

Đặc trưng âm nhạc của người Khơ me Nam Bộ là “đa âm”, “phức điệu”, “phức tiết tấu”. Điều này được thể hiện rõ nét trong các nhạc cụ gõ: Ronet êk, Ronet thung, Kông thom, Xomphon… Người trình diễn nhạc cụ hai tay cầm hai búa gõ trên các thanh đàn. Chính vì vậy nó tạo ra sự phong phú, đa dạng, sôi nổi cho nghệ thuật múa, tạo ra bản sắc của nghệ thuật múa. Nói cách khác bản sắc âm nhạc, đặc trưng âm nhạc cũng là bản sắc, đặc trưng văn hóa Khơ me Nam Bộ ẩn chứa trong nghệ thuật múa. Chúng là mối quan hệ đồng hành và thuộc phạm trù quy luật của văn hóa, nghệ thuật của người Khơ me Nam Bộ.

1.1.2. Âm nhạc thể hiện tâm hồn tính cách múa Khơ me Nam Bộ

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: Âm nhạc là linh hồn của múa, múa nhất thiết phải có âm nhạc, âm nhạc góp phần tạo nên đặc điểm, tính cách múa. Nhận định ấy có cơ sở khoa học và lịch sử. Nó đã được chứng minh bằng thực tiễn.  Người Khơ me Nam Bộ là vậy, hễ có tiếng nhạc, điệu hát là họ vui múa bên nhau. Âm nhạc, hát múa là sự hòa quện với nhau để biểu hiện tâm hồn, tình cảm, tính cách múa của người Khơ me Nam Bộ.

Theo sự hiểu biết và trải nghiệm qua thực tế điền dã cho thấy, người Khơ me Nam Bộ là tộc người rất ưa thích hát múa để biểu cảm tâm hồn, tính cách của mình. Thường họ múa là họ hát, hát để múa. Kết hợp với hát múa là nhạc cụ các loại. Chính sự kết hợp này là điều kiện cơ bản, quan trọng để thể hiện tình cảm, tâm hồn, tính cách múa của người Khơ me Nam Bộ.

1.1.3. Vai trò của âm nhạc trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Phần trên đã trình bày nhạc với múa là đồng hành, tạo nên bản sắc văn hóa của người Khơ me Nam Bộ trong mọi lĩnh vực văn hóa cộng đồng, từ đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo đến sinh hoạt tinh thần của họ. Có thể nói rằng âm nhạc, múa không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng, và là một nhu cầu quan trọng trong đời sống văn hóa của người Khơ me Nam Bộ.

Có thể kể đến các lĩnh vực nhạc, múa tham gia vào như sau:

- Nhạc, múa trong tín ngưỡng

Tục lễ thần Arắc (thần bảo hộ)

Tục lễ thần Neakta (thần bảo vệ mùa màng)

Tục lễ Đôn Ta (cúng ông bà tổ tiên)

- Nhạc, múa trong phong tục

Tục cưới hỏi

Tục tang ma

- Nhạc, múa trong tôn giáo

Hội chùa hàng năm

Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Bảy

- Nhạc, múa trong lễ hội

Lễ hội Oóc om bóc

Lễ hội đua ghe ngo…

- Nhạc, múa trong sinh hoạt

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Giao lưu văn hóa

Trình diễn nghệ thuật

1.2. HỆ THỐNG NHẠC CỤ DÂN TỘC KHƠ ME NAM BỘ 

Trong lịch sử văn hóa, âm nhạc được hình thành từ buổi bình minh của loài người, nó hiện diện như một loại hình nghệ thuật tiên phong. Âm nhạc của người Khơ me Nam Bộ cũng vậy, là một loại hình sớm định hình phát triển, nó tham gia, phản ánh mọi lĩnh vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Âm nhạc biểu hiện tình cảm, tính cách, tư duy cấu trúc, thẩm mĩ của người Khơ me Nam Bộ. Đồng thời nó cũng bị tác động của môi trường tự nhiên, văn hóa, kinh tế, xã hội. Người Khơ me Nam Bộ thường tụ cư ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, lao động và cuộc sống gắn bó với môi trường sông nước. Có lẽ vì vậy mà người Khơ me Nam Bộ đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ theo hình thuyền, như đàn thuyền Ronet êk, đàn thuyền Kông thom và Kông tôết, đàn thuyền Ronet dek. Ngoài ra, còn các nhạc cụ khác, như: Trơ sơ loa (nhị trung), Hơpân (gáo dừa), Krap (phách) bằng tre… Nhạc cụ dân tộc Khơ me Nam Bộ gồm bốn hệ (loại) nhạc cụ: gõ, hơi, gảy, kéo.

1.2.1. Nhạc cụ gõ

Nhạc cụ gõ của người Khơ me Nam Bộ được xem như nhạc cụ chính yếu. Nhiều trường hợp sinh hoạt văn hóa cộng đồng chỉ cần một nhạc cụ gõ cũng có thể thực hiện được những yêu cầu, chức năng của âm nhạc. Bởi vậy nhạc cụ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền âm nhạc Khơ me Nam Bộ, nó là nhạc cụ chủ đạo.

Phổ biến các loại nhạc cụ gõ của dân tộc Khơ me Nam Bộ là để trên các giá, những giá đó thường theo hình thuyền hoặc đường dây cung và có trang trí, hoạ tiết, hoa văn, màu sắc rất đẹp. Đặc biệt là hai phía đầu của các đàn theo hình thuyền, thường có vẽ, khắc các hình vũ nữ với nhiều tư thế, tạo hình khác nhau. Đó cũng chính là tác phẩm điêu khắc vũ nữ Khơ me nhảy múa.

- Đàn Ronet êk, loại nhạc cụ gõ cấu tạo từ chất liệu tre, các thanh tre dài khoảng 0m50 được đẽo gọt thành những thanh đàn xếp liền kề nhau, có hai sợi dây xuyên qua các thanh đàn, đặt trên một cái giá theo hình thuyền. Người Khơ me gọi là đàn thuyền Ronet êk, tạo âm thanh như giọng trầm của nữ. Khi chơi đàn, hai tay cầm dùi gõ theo giai điệu, tiết tấu của bài nhạc, bài ca.

 

Đàn Ronet êk [1] 

- Đàn Ronet thung, loại nhạc cụ gõ chất liệu gỗ, các thanh gỗ dài khoảng 0m45 được đẽo gọt thành những thanh đàn xếp liền kề nhau. Cách cấu tạo hình thức, kiểu dáng cách chơi đàn giống như đàn Ronet êk. Khác là chất liệu cấu tạo các thanh đàn bằng gỗ, do vậy đã tạo ra âm thanh như giọng nam trầm.

 Đàn Ronet thung

 

- Đàn Kông thom, loại nhạc cụ được cấu tạo từ chất liệu đồng, tạo dáng, tạo kiểu như cồng (cồng có núm) với những kích thước to nhỏ khác nhau và xếp liền kề nhau đặt trên một cái giá đỡ hình bán nguyệt. Cồng nhỏ thì có âm cao, cồng lớn thì có âm trầm, cồng vừa thì có âm trung, chúng có nhiều âm khác nhau.Phương pháp kích âm bằng dùi có mấu. Hai tay cầm hai dùi gõ lên các cồng.

 Đàn Kông thom

- Trống Xkor thom (loại trống lớn),trống được cấu tạo từ chất liệu gỗ và da, trống bịt da hai mặt, cao khoảng 0m60 và để trống dựng khi đánh. Phương pháp kích âm là dùng hai dùi gõ lên mặt trống.

- Trống Xomphon, loại trống được cấu tạo từ chất liệu gỗ và da, trống bịt da hai mặt, kích cỡ tương tự như trống Xkor thom.Trống đặt nằm ngang trên một chiếc giá đỡ. Phương pháp kích âm là cầm hai dùi gõ trên hai mặt trống.

- Đàn Ronet dek, loại đàn được cấu tạo từ chất liệu sắt, gồm nhiều thanh đàn có độ dài khoảng 0m45 đến 0m50, rộng khoảng 0m04 được xếp liền kề nhau và đặt trên một chiếc giá hình thuyền. Cách cấu tạo kiểu dáng tương tự như đàn Ronet êk. Phương pháp kích âm là cầm hai dùi gõ (dùi theo hình thức búa gỗ).

 

Đàn Ronet dek

 - Trưng (chũm chọe), loại nhạc cụ được cấu tạo từ chất liệu sắt, nó có hình dáng tương tự như chiếc cồng nhỏ, không có thành, giữa núm cồng có một lỗ nhỏ sỏ dây cầm. Kích thước của Trưng (chũm chọe) có nhiều loại, có loại đường kính 0m10; 0m15; 0m20 hoặc lớn hơn. Nhưng thường 0m10 hoặc 0m15. Phương pháp kích âm là hai tay cầm hai chiếc Trưng (chũm chọe) đập vào nhau.

- Trống Xayăm, còn gọi là trống chân voi, trống được cấu tạo từ chất liệu gỗ và da. Trống có hình dạng gần như chân voi, đầu to mặt trống bịt da, rồi nhỏ thon dần, mặt còn lại nhỏ không bịt da. Phần trống bịt da có đường kính khoảng 0m30 hoặc 0m35, phần không bịt da có đường kính khoảng 0m15, trống dài khoảng 0m60 hoặc 0m80. Tùy từng nơi, trống có những kích thước khác nhau. Mặt trống thường bưng bằng da trăn, da trâu hoặc da bò. Phương pháp kích âm là dùng hai bàn tay vỗ trên mặt trống hoặc dùng khuỷu tay đánh trống. Khi chơi, người ta có thể dựng trống hoặc đeo ngang vai để vỗ trống.

 
Trống Xayăm

- Hơpâm (gáo dừa), loại nhạc cụ gõ rất độc đáo của người Khơ me Nam Bộ. Hơpâm được cấu tạo từ vỏ quả dừa khô. Hình ảnh cây dừa cũng là hình ảnh thân thương, hình ảnh của đồng quê Nam Bộ. Cũng như người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, hình ảnh thân thương là lũy tre làng. Từ nguyên liệu vốn có ở địa phương người Khơ me đã tạo thành hai chiếc gáo dừa khô (không có cán) thành một loại nhạc cụ dân gian. Phương pháp kích âm thanh là hai tay cầm hai chiếc gáo dừa đập vào nhau để tạo ra tiết tấu, âm thanh.

- Krap (thanh tre), loại nhạc cụ gõ được làm từ chất liệu tre. Cấu tạo gồm hai thanh tre (gần như phách của người Việt). Người Khơ me gọi là Krap, người Việt gọi là phách. Phương pháp kích âm là tay điều khiển hai thanh tre đập vào nhau tạo ra tiết tấu, âm thanh.

 

  Krap Chmôl và Krap Nhye

 

1.2.2. Nhạc cụ hơi

- Sáo Srolai pưnpết, loại nhạc cụ hơi được tạo từ chất liệu trúc nên còn gọi là sáo trúc, người Khơ me gọi là Srolai pưnpết, nó như sáo trúc của người Việt. Phương pháp kích âm là dùng hơi thổi.

- Sáo Khlui, loại nhạc cụ được cấu tạo từ chất liệu cây trúc, hình dáng, kiểu, kích thước, tính năng tương ứng như sáo trúc của người Việt. Phương pháp kích âm bằng hơi thổi. Đây là nhạc cụ thực hiện giai điệu.

1.2.3. Nhạc cụ gảy

- Đàn Khưm (đàn gảy), loại nhạc cụ được cấu tạo từ chất liệu gỗ và dây tơ. Hình dáng, kiểu, kích thước, tính năng tương tự như đàn nguyệt của người Việt.Phương pháp kích âm bằng miếng gảy. Đây là nhạc cụ thực hiện giai điệu.

1.2.4. Nhạc cụ kéo

- Đàn Trô sơ lea lànhạc cụ dây chi cung kéo, được cấu tạo từ chất liệu gỗ và da, thường là da trăn tạo thành hộp cộng hưởng, trên hộp đó có một chiếc cần bằng gỗ cắm xuyên qua hộp bịt da trăn. Đàn có hai dây tơ và một cái cung kéo, cọ sát vào hai dây để tạo ra âm thanh.

- Đàn Trô sơ lea hình dáng, cấu tạo, chức năng như nhị, hồ của người Việt. Phương pháp kích âm thanh bằng dây cung kéo. Cung kéo hình cánh cung cọ sát vào dây tạo ra âm thanh và thực hiện phần giai điệu những bản nhạc, những bài dân ca.

1.3. TỔ CHỨC DÀN NHẠC KHƠ ME NAM BỘ

Thuở xưa nhạc cụ của người Khơ me Nam Bộ phân chia các nhạc cụ thành hai dàn nhạc là dàn nhạc dân gian và dàn nhạc lễ. Ngày nay, trong thực tế ít có sự tách biệt mà thường là đan cài hỗn hợp các nhạc cụ tham gia vào mọi lĩnh vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khơ me. Tùy từng hoàn cảnh và điều kiện và cũng tùy vào từng phum, sóc mà người dân sử dụng các nhạc cụ vốn có ở địa phương mình. Vậy trong dàn nhạc dân gian có sử dụng nhạc cụ nghi lễ, và ngược lại dàn nhạc nghi lễ có sử dụng nhạc cụ dân gian?

Dàn nhạc đầy đủ thường gồm những nhạc cụ được chế tác từ năm loại chất liệu để tạo ra các âm thanh có âm sắc khác nhau mà người Khơ me Nam Bộ gọi là phléng pưu pết. Đó là năm chất liệu cấu tạo nhạc cụ khác nhau.

- Âm thanh từ chất liệu đồng (đàn Kông thom)

- Âm thanh từ chất liệu sắt (đàn Ronet dek)

- Âm thanh từ chất liệu da (trống Xkor thom, Xomphon)

- Âm thanh từ chất liệu gỗ, tre (đàn Ronet thung, Ronet êk)

- Âm thanh từ chất liệu trúc (sáo Srolai pưnpết)

Trước đây có một số nhà nghiên cứu xếp các nhạc cụ của người Khơ me Nam Bộ thành hai dàn nhạc, một là dàn nhạc dân gian, hai là dàn nhạc lễ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và trình bày hai loại dàn nhạc này.

1.3.1. Dàn nhạc lễ phlèng pưn pết

Một số nhà nghiên cứu gọiphlèng pưn pết là dàn nhạc lễ, bởi từ thuở xa xưa người ta chỉ dùng dàn nhạc này trong các dịp lễ, đám của nhà chùa là chủ yếu. Tuy nhiên dàn nhạcphlèng pưn pết cũng được dùng khi các gia đình có tang sự. Sau những dịp đó nhà chùa lại cất giữ, bảo quản. Dàn nhạc phlèng pưn pếtgồm các nhạc cụ sau:

- Đàn Ronet êk

- Đàn Ronet thung

- Đàn Kông thom

- Đàn Xkor thom

- Đàn Ronet dek

- Kèn Srolai pưnpết

- Trưng (chũm chọe)

- Trống Xom phon

1.3.2. Dàn nhạc dân gian

Âm nhạc dân gian là một phần trong kho tàng truyền thống âm nhạc của người Khơ me Nam Bộ, được nhân dân yêu thích, bảo lưu. Âm nhạc dân gian gồm các nhạc cụ và các bài nhạc cho nhạc cụ do nhân dân sáng tạo và được lưu truyền trong các phum, sóc của người Khơ me. Nhạc cụ dân gian có:

- Khlui (sáo trúc)

- Hơpâm (gáo dừa)

- Krap (thanh tre)

- Trôsôlea (đàn kéo)

- Trống Xayăm

Âm nhạc của người Khơ me Nam Bộ ngoài những nhạc cụ cổ truyền, tới nay vẫn còn tồn tại những bài nhạc dành cho các nhạc cụ độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát, cho múa. Nhạc đàn, nhạc hát, nhảy múa của người Khơ me Nam Bộ luôn kết hợp với nhau. Có một số trường hợp tên gọi nhạc cụ cũng là tên của điệu múa, như cặp gõ Gáo dừa thành tên điệu múa Gáo dừa, trống Xayăm thành tên điệu múa trống Xayăm.

1.4. VAI TRÒ CỦA HÁT
TRONGNGHỆ THUẬT MÚA KHƠ ME  NAM BỘ

Nhạc hát cũng như nhạc đàn có vai trò đáng kể trong sự phát triển nghệ thuật múa Khơ me Nam Bộ. Khi có nhu cầu nhảy múa thì người tham gia nhảy múa kết hợp với hát. Hát với múa đã trở thành một nét đặc trưng của người Khơ me Nam Bộ, có múa là có hát. Hát múa để thể hiện tâm tư, tình cảm, tư duy thẩm mỹ của con người. Cũng có thể nói hát, múa đã thấm đậm trong tâm hồn, tính cách của người Khơ me Nam Bộ. Hát có vai trò quan trọng như âm nhạc. Nó đã góp phần tạo nên tính cách, bản sắc, đặc trưng múa của người Khơ me Nam Bộ.

Nhạc hát của người Khơ me Nam Bộ gọi là Chriêng (Chòm riêng). Tùy theo chủ đề, nội dung phản ánh, nhạc hát  được chia thành nhiều loại như: hát về lao động, ngành nghề, phong tục, tập quán, lễ nghi, sinh hoạt, giao duyên. Nhạc hát rất phong phú, đa dạng và diễn ra trong những không gian, môi trường khác nhau. Có thể kể đến một số loại, nội dung phản ánh sau:

1.4.1. Nhac hát trong thực hành lao động

- Những bài hát khi lao động:

Hát quăng chài (Chriêng bong som nanh)

Hát chặt gỗ (Chriêng cap chlơ)

Hát bổ củi (Chriêng puốc)

Hát chăn tầm (Chriêng chinh chôm neang)

Những bài hát về lao động:  

Hát quay tơ (Chriêng rê quay sơt)

Hát dệt vải (Chriêng don bare)

Hát đập, dệt chiếu (Chriêng thbai côntel)

Hát thợ mộc (Chriêng cheang chhơ)

Hát thợ gốm (Chriêng smon Chnăng)

Hát đi săn (Chriêng pren bo banch)

Hát đâm cá (Chriêng khăc kooper)[2]

- Những bài hát về nghề nông:

Hát nhổ mạ (Chriêng dok Somnăm)

Hát cấy lúa (Chriêng stuôn)

Hát giã gạo (Chriêng bok sarâu)

Nội dung bài hát về nghề nông là ca ngợi sự chăm chỉ lao động của người phụ nữ Khơ me:

                                 Nàng làm ra hạt lúa

                                 Bằng chính đôi tay nàng

                                 Giã trắng bông hạt gạo

                                 Sẩy trấu cám để dành

                                 Ôi bàn tay đẹp lắm

                                 Như là năm cánh hoa

                                 Đêm nằm trước sân nhà

                                 Lắng nghe nàng giã gạo

                                 Như lời ông cha bảo

                                 Hạt lúa là hạt vàng

                                 Bằng đôi tay của nàng

                                 Không cái gì đem bỏ[3]

-  Nhạc hát trong tục cưới:

Chỉ riêng hát trong phong tục đám cưới cũng có vài chục bài với những nội dung, ý nghĩa, làn điệu khác nhau.

Hát chú rể đến nhà gái (Chriêng dom rây phơlưk tok)

Hát mở rào (Chriêng baikhon Chongday)

Hát quét chiếu (Chriêng Bos Kântel)

Hát cắt, rắc hoa cau

Một số tên bài hát đồng thời cũng là tên của điệu múa, như Múa mở rào, Múa quét chiếu, Múa rắc hoa cau, Hát cắt, rắc hoa caulà một tục lệ rất quan trọng trong đám cưới. Bài hát ca ngợi cô dâu xinh đẹp, khôn ngoan, hiếu thảo là niềm tự hào của mẹ và gia đình. Hát cắt, rắc hoa cau có ba bài: Bông cau lớn, Bông cau giữa, Bông cau út.

Nội dung bài Cắt hoa cau:

Chim phượng hoàng bay từ phương Bắc tới

Chim đỏ thắm ngậm một quầy cau

Đem cau về thượng giới

Nhìn bông sen vàng mọc đầy bưng, chật ao

Chim mang nàng yêu dấu

Về đặt trên ngực anh

Anh vô chùa ba năm

Sẽ về cùng cây lúa

Với cô nàng yêu dấu

Dạo chơi khắp cánh đồng[4]

Nội dung bài hát đưa chú rể đến nhà gái (Dom rây phơluk tok):

Con voi một ngà

Đến gần càng to

Ngàng đi đừng sợ

Đó là voi anh [5]

- Nhạc hát sinh hoạt:

Hát trữ tình

Hát đối đáp

Hát sinh hoạt

- Nhạc hát trữ tình, đối đáp:

Nhạc hát trữ tình, đối đáp là loại hát sinh hoạt rất phổ biến trong cộng đồng người Khơ me. Hát trữ tình, đối đáp là một cách, một phương tiện giao duyên thể hiện tình cảm của con người. Thanh niên nam nữ Khơ me Nam Bộ ai cũng yêu thích và biết hát dân ca trữ tình đối đápAyay.

Ayay là hình thức hát đối đáp, giao duyên. Nội dung hát Ayay phần lớn phản ánh về tình yêu nam nữ. Đặc điểm của hát Ayay là sự ứng tác, thể hiện sự thông minh, tài năng văn chương, ví von nhanh nhạy, của trai gái người Khơ me Nam Bộ. Một phần nội dung của hát đối đáp Ayay là từ các tích truyện, tục ngữ, dân ca. Hát Ayay có liên quan chặt chẽ với múa, thường là vừa hát vừa múa nên còn gọi là hát múa Ayay hay là múa Ayay. Đó cũng là nét đặc trưng văn hóa Khơ me, có hát, có múa, có điệu bộ múa.

Ví dụ một đoạn hát đối đáp Ayay:

Nữ:                 

Ơi! Anh chàng đen ơi!

                           Mẹ em bảo em đừng yêu chàng

                           Có thiếu gì những anh trai

                           Thật là đáng yêu, đáng yêu hơn anh nhiều lắm!

Nam:              

Ơi! Cô nàng vô duyên, tôi chẳng hề muốn

                           Mẹ tôi bảo tôi đừng yêu nàng

                           Có thiếu gì những cô gái đoan trang

                           Thật đáng cho tôi yêu

                           Đáng cho tôi yêu nhiều hơn cô gái vô duyên nhất đời

                           Ơi! Trời đất ơi!

                           Anh đâu có thừa

                           Em đâu có ế

                           Mà anh chàng xấu xí

                           Sống đơn độc như con ốc ngoài bờ ruộng

Mà cô nàng vô duyên đâu như cây vông ngoài đầu xóm.

                           Vẫn cứ ở một mình

                           Trai làng thì thật đông

                           Gái làng thì đếm hoài

Tới ngày anh và em già rời rủ nhau mà chết đI  [6]

Một khúc hát đối đáp khác- Drol Chung (ném cầu):

Nam:              

Anh quăng chúng tới

                        Chúng tung lên trời

                        Duyên ta sáng ngời

                        Đón lấy chúng anh

Nữ:                 

Em ném chúng anh

                        Chúng mắc trên cành

                        Anh đứng anh nhìn

                        Đón bắt chúng anh

Nam:              

Anh ném chúng sang

                        Tìm kiếm duyên lành

                        Ai là duyên anh

                        Hãy bắt được em

Nữ:                 

Em bắt được rồi

                        Hỏi bạn lứa đôi

                        Xin chớ quên lời

                        Đón lấy chúng em

Ngoài Ayay trao duyên còn có Ayay kể chuyện gọi là Ayay Rương.

1.4.2. Hò

Hò của người Khơ me gọi là Bon tô bót, hò có nhiều điệu như: Hò đua thuyền, Hò kéo dây, Hò hái sen. Hò gắn bó với những hoạt động của con người trong lao động và từ lao động họ sáng tạo ra những điệu hò, kèm theo là những động tác múa hoặc múa phụ họa cho lời ca.

Nội dung bài Hò hái sen:

Anh chèo ghe đi

                           Nghe tiếng kêu “Krúc kru” của nước

                           Để bẻ sen trong bờ lát

                           Ô, bông sen mọc ở bùn

                           Bùn hôi lắm ao sen vẫn cứ thơm

                           Cả củ và ngó sen

1.4.3. Đọc tụng

Đọc tụng còn gọi là hát lễ, là một nét độc đáo trong kho tàng ca hát dân gian của người Khơ me Nam Bộ, bởi nó gắn bó với nghi lễ, sinh hoạt văn hóa chùa. Chùa của người Khơ me là nơi sinh hoạt văn hóa lễ nghi của Phật giáo, trong nghi lễ Phật giáo hình thức đọc tụng (hát lễ) là một nhu cầu cần thiết không thể thiếu.

Quy ước, luật định của người Khơ me tất cả nam giới đến tuổi trưởng thành đều phải qua một thời gian tu ở chùa, nên họ thông thạo kinh kệ và ai cũng biết đọc tụng (hát lễ). Thông thường người chủ trì thực hiện đọc tụng (hát lễ) là thầy pháp (acha). Đọc tụng của các vị sư (ông lục) là âm nhạc trong nghi lễ nhà chùa.

1.4.4. Diễn xướng

Diễn xướng dân gian là một loại hình sinh hoạt văn hóa có nhiều yếu tố, thành tố nghệ thuật, bao gồm dàn nhạc, dân ca, dân vũ, tích trò, trò diễn (sân khấu). Hình thức sinh hoạt này rất phổ biến ở người Khơ me vùng đồng bằng sông Cửu Long và được nhân dân ưa thích. Nghệ thuật diễn xướng dân gian phản ánh đầy đủ, phong phú, sinh động nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người.

Nghệ thuật diễn xướng của người Khơ me Nam Bộ có ba hình thức phổ biến được lưu truyền trong nhân dân:

Hát múa       Ayay (đối đáp)

Hát múa       Sarikakeo (con sáo)

Hát múa       Um tuk (chèo thuyền)

Các hình thức diễn xướng trên hợp thành các yếu tố, thành tố nghệ thuật là Hát, nhạc, múa, văn thơ có khi có nhạc đệm hoặc không có nhạc đệm. Nhạc đệm có khi chỉ một, hai nhạc cụ như kèn Srolai pưnpết, hoặc đôi gáo dừa, hoặc nhạc cụ Trưng (chũm chọe nhỏ). Diễn xướng quy mô lớn thì có thêm các nhạc cụ như đàn Ronet êk, trống Xomphon

Nét đặc biệt diễn xướng dân gian Khơ me Nam Bộ là hát luôn kết hợp với múa và kết hợp với tình cảm sắc thái biểu diễn. Ví dụ như diễn xướng Ayay (đối đáp) thì hát luôn kết hợp với múa. Khi nghiên cứu lĩnh vực hát, múa riêng lẻ thì người ta còn gọi là Ayay hay là múa Ayay, tùy theo từng lĩnh vực tiếp cận nghệ thuật diễn xướng Ayay với những phương pháp khác nhau.

- Diễn xướng Ayay:

Diễn xướng Ayay là hình thức hát đối đáp nam nữ thể hiện sự tài hoa nghệ thuật hát múa và văn chương, cũng có thể xem như thi tài đối đáp văn chương, ngẫu hứng, ứng tác, nhanh trí, thông minh, duyên dáng hóm hỉnh. Đó cũng là nét đặc trưng của diễn xướng (hát múa) Ayay.

Trích đoạn lời hát trong diễn xướng Sarikakeo (con sáo):

Sáo ơi! Mày ăn gì mà tung tăng thế

Tao ăn trái plây lòn bon, ta vừa ăn vừa múa

Chim sáo nhỏ ăn trái trên cành cây

Chim ăn trái dom boong và đùa vui suốt ngày

Chân nó múa, miệng nó thổi kèn thật là hay

Trông trên cây cổ thụ kia kìa, em thân yêu ơi

Trích đoạn lời hát diễn xướng umtuk (bơi thuyền):

Tôi đi nhổ bông súng

Trên thuyền chỉ có em

Cho em xem đàn chim

Giữa trời xanh bay lượn

Con tích sà đám ruộng

Con chàng he ngó nghiêng

Còn tôi nhìn trộm em

Để dò theo tình ý

Ôi tôi thương em quá

Chỉ xin em nụ cười

Với lời khen của tôi

Với đôi tay ngoăn ngoắt

Mẹ cha ta để lại

Cây chuối trổ ngọn lên

Nó cao khỏi đầu mình

Anh ơi, đừng hy vọn

Diễn xướng Ao bà Om:

Sự tích Ao bà Om được lưu truyền trong toàn cộng đồng người Khơ me Nam Bộ bằng hình thức diễn xướng giữa bên nam và bên nữ. Sự tích này miêu tả một cuộc lao động với những ý niệm cầu mong cho sự tốt đẹp của con người. Và một phần cũng có ý nghĩa là đánh dấu một thời kỳ chuyển từ Bà la môn giáo sang Phật giáo tiểu thừa, chuyển chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ.

Sự tích Ao bà Om: “trong một cuộc lao động đào ao và đắp núi cát, ao sâu, ao rộng chứa được nhiều nước thì mùa màng sẽ tốt tươi. Núi cát tượng trưng như núi lúa, núi cát càng cao, càng lớn cũng biểu hiện cho mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc”. (Ao bà Om hiện còn vết tích ở Trà Vinh).

Diễn xướng Ao bà Om có xuất phát từ sự tích trên. Diễn xướng có bên nam và bên nữ mỗi bên có một trưởng trò. Họ quy ước với nhau là bên nào đào được ao sâu, đắp được núi cát cao hơn thì bên đó thắng. Cuộc thi đào ao, đắp núi bắt đầu từ tối đến khi sao Mai mọc là kết thúc. Bên nào thắng thì bên đó phải đến hỏi và đón bên thua về làm vợ hoặc làm chồng.

Khởi đầu diễn xướng là cuộc đào ao, đắp núi cát. Họ vừa lao động, vừa hò hát, kèm theo điệu bộ có yếu tố múa và thi tài đối đáp. Với điều quy ước là lao động vừa hát, hỏi và đáp, cứ thế diễn biến đến khi kết thúc, tức khi sao mai mọc. Mới đầu bên nam đào được ao sâu và núi cát cứ cao dần, bên nữ thì kém hơn, bên nam hân hoan phấn khởi càng hát hay, đáp giỏi, lao động tốt. Bên nữ cứ cần cù kiên nhẫn đào ao, đắp núi cát. Bên nam thấy bên nữ hát hay, hấp dẫn nên vừa làm, vừa chú ý nghe nữ hát với những động tác điệu bộ múa, dáng người đẹp, cuốn hút, bên nam mải nghe hát, mải ngắm nhìn các cô xinh đẹp nên lao động kém hiệu quả. Thế rồi bà Om lại nghĩ ra một kế là cho một người đi ra phía xa thắp một ngọn đèn, cho ngọn đèn ấy sáng dần. Các chàng trai nghĩ là sao mai đã mọc, nên cho mình là thắng cuộc. Trong khi đó bà Om động viên chị em hát hay, múa giỏi để thu hút nam giới chú ý. Quả nhiên nam giới mải mê đứng ngắm nhìn các cô gái xinh đẹp nên không lao động. Bên nữ cứ tiếp tục hăng say lao động, hát cũng hay, đến khi sao mai lên cao, lúc ấy bên nam vội vàng lao động thì đã muộn. Sao mai trên trời đã mọc tỏ, kết thúc cuộc thi. Ao bà Om sâu hơn, núi cát cao hơn nam giới, và đương nhiên là bên nữ thắng cuộc. Kể từ đó người nam giới phải tỏ tình trước, phải hỏi vợ, cưới vợ, đón vợ về nhà mình.

Phụ lục

MỘT SỐ BÀI NHẠC VÀ TIẾT TẤU MÚA

  

Một số tiết tấu trống để múa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số bản nhạc múa

 

 

 

 

 

 

 

2. SARAVAN  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3. DÂNG HOA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4. XAXON

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5. ROM VONG

 

 

 

 

 

 

 

 

6. CAI LƠ MÉCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7. LĂM LIÊU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1]. Những hình vẽ nhạc cụ trích từ sách: Nhạc khí dân tộc Khơ me Sóc Trăng. Tác giả Đào Duy Quyền - Sơn Ngọc Hoàng - Ngô Khị. Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

[2]. Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa, Minh Luân: Dân ca Hậu Giang - phần Dân ca Khơ me. Sở Văn hóa - Thông tin Hậu Giang xuất bản, 1986.

[3]. Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa, Minh Luân: Sđd.

[4]. Trường Lưu (chủ biên): Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993, tr 228.

[5]. Như chú thích trên.

[6]. Trích Dân ca Hậu Giang. Sđd, tr. 556.

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...