Ngày 24.10, tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã đề xuất được bổ sung hơn 2.300 biên chế để đảm bảo nhu cầu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Bình Phước hiện có 444 trường học các cấp từ mầm non đến THPT với gần 266.000 học sinh. Tỉnh cũng có 2 trường cao đẳng, 1 Trung tâm GDTX cấp tỉnh, 8 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX cấp huyện và đang xây dựng đề án để thành lập phân hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tại Bình Phước.
Đến nay, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 27 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc THPT. Tỉnh cũng có 77 trường đang triển khai thực hiện chương trình dạy song ngữ Việt – Anh, thu hút 46 trường mầm non ngoài công lập với trên 12.700 trẻ.
Một số khó khăn, tồn tại cũng được nêu tại buổi làm việc như xã hội hóa giáo dục còn hạn chế; trang thiết bị dạy học, biên chế cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu so với nhu cầu thực tế; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp…
Ngành giáo dục tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng liên quan điều chỉnh định mức giáo viên/lớp cho phù hợp với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để đảm bảo tính cân đối; sớm bổ sung hơn 2.300 biên chế giáo viên để đảm bảo nhu cầu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho rằng tiềm lực của tỉnh còn hạn chế. Do đó, việc đầu tư cho giáo dục phải lựa chọn những vấn đề cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Ngành giáo dục tỉnh cần chú trọng đến công tác xã hội hóa bằng việc mở rộng liên kết với bên ngoài, để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
"Việc nâng cao chất lượng giáo dục, không chỉ chăm chăm vào giáo dục mũi nhọn, mà cần phải ưu tiên cho giáo dục đại trà; bên cạnh giáo dục tri thức, cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục thể chất…", ông Cường nhấn mạnh.