Ba chị em Trần Thị Tú Linh, Trần Thị Huyền Trang và Trần Thị Thanh Tuyền hiện học tập, sinh sống tại phường 7, quận Gò Vấp. Linh và Trang tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế, còn Tuyền là sinh viên khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Văn Lang. Trong một lần đi tiêm vaccine Covid-19 hồi tháng 7, thấy các tình nguyện viên vất vả, lực lượng mỏng, Linh, Trang và Tuyền rủ nhau tham gia chống dịch.
"Chúng em cảm thấy áy náy, không làm đúng với trách nhiệm của mình nếu đứng ngoài cuộc. Ba chị em chỉ là những cá nhân nhỏ bé, cùng chung tay san sẻ vất vả với lực lượng y tế cũng là việc tốt, nên làm", Trang nói.
Chị em Trang hỏi ý kiến mẹ, hiện sống một mình ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nghe các con nói đi chống dịch, mẹ Trang cúp máy không nói gì. "Mẹ xem tin tức về dịch bệnh hàng ngày nên sợ và lo lắng cho các con. Tối hôm đó, chúng em gọi không được và hôm sau phải nói rằng không đi nữa, mẹ mới chịu nói chuyện", Trang, hiện làm tại phòng khám Răng Hàm Mặt của chị Linh, kể.
Ba chị em Tuyền (trái), Linh (giữa) và Trang trong một lần hỗ trợ tại điểm tiêm vaccine ở quận Gò Vấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cả ba sau đó giấu mẹ tham gia hỗ trợ khám sức khỏe ban đầu, tiêm, ghi chép, điều phối tại điểm tiêm vaccine ở quận Gò Vấp và đều đặn gọi điện về cho mẹ. Một lần đang làm nhiệm vụ, Trang nhận được điện thoại liên tục. Bộ đồ bảo hộ bùng nhùng, cùng với khẩu trang và kính chắn giọt bắn khiến Trang lỡ ấn vào nút camera. Trông thấy con mặc đồ màu xanh kín mít, mẹ Trang bất ngờ nhưng đành chấp nhận và dặn dò cẩn thận, giữ liên lạc thường xuyên.
Những ngày đầu tham gia, mặc bảo hộ nhiều giờ đứng làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng hay mưa giông bất chợt, Trang ốm sốt liên tục. Mệt mỏi và uể oải, nhưng cả ba luôn động viên nhau giữ gìn sức khỏe, vì chỉ cần một người ốm sẽ trở thành gánh nặng cho điểm tiêm.
Trang cho hay, hàng ngày điểm tiêm có 2.000-3.000 người đến xếp hàng, trong đó nhiều người lớn tuổi. Trang gặp khó khăn khi giao tiếp với các cụ qua hai lớp khẩu trang, màng chắn nên thường nói to và nhắc lại liên tục. Bác sĩ trẻ phải giải thích và mong các cụ thông cảm. Sau một ngày làm việc, cả ba trở về trong tình trạng họng đau rát, không trò chuyện nổi và phải ngậm kẹo để hôm sau tiếp tục.
Là em út trong gia đình có 6 chị em gái, Tuyền mới đầu sợ mắc bệnh khi chị rủ đi chống dịch. Nữ sinh năm nhất chưa từng tưởng tượng được một ngày mình mặc đồ bảo hộ giống như các y bác sĩ và tình nguyện viên. Được các chị động viên và gửi cho tài liệu chuyên môn để đọc, Tuyền dần không còn lo lắng.
Chị cả Tú Linh đang thăm khám ban đầu cho người dân trước khi tiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ban đầu, ba chị em được phân công ở những điểm tiêm khác nhau tại quận Gò Vấp. Không có các chị ở bên, Tuyền lạc lõng, không biết nói chuyện với ai, có thắc mắc cũng ngại hỏi. Nhà chỉ có hai xe máy nên mỗi sáng Tuyền đi bộ đến điểm tiêm cách nhà khoảng 300 m. Một thời gian sau, Tuyền và hai chị được chuyển về cùng điểm ở phường 11, quận Gò Vấp. Làm việc cùng các chị, Tuyền thấy yên tâm và tự tin hơn.
Hồi giữa tháng 8, Linh, Trang, Tuyền đăng ký tham gia đội cấp cứu lưu động tại nhà, với nhiệm vụ khám và cấp cứu cho các F0 ở quận 5. Ba chị em thường xin trực từ 14h đến 22h và khi nào có ca sẽ báo trước cho điểm tiêm sắp xếp.
Ba chị em phải mặc đồ bảo hộ cấp 4 vì tiếp xúc trực tiếp với F0, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhận được cuộc gọi của người nhà bệnh nhân, kíp trực sẽ gồm một lái xe và hai nhân viên y tế lên đường. Tuyền thường xin đi cùng chị Linh hoặc chị Trang để hỗ trợ và học hỏi.
Học chuyên ngành Răng Hàm Mặt, ít tiếp xúc với những ca nguy kịch nên lúc mới gặp Tuyền ám ảnh. Nữ sinh nhớ lần cùng chị Linh đi trong con hẻm sâu hút để tìm nhà F0. Bệnh nhân là cụ bà 70 tuổi, bị suy hô hấp. Lúc chị em Tuyền đến, bà lão được người nhà khiêng từ trên căn gác chật chội xuống. Sau khi Linh khám, Tuyền giúp chị cho bệnh nhân thở oxy và chuyển lên xe tới bệnh viện.
Bà lão sau đó mất trên xe cấp cứu, khi chưa kịp tới viện. "Đó là lần đầu tiên em chứng kiến một người qua đời. Cảm giác khi ấy buồn và bất lực", Tuyền nhớ lại.
Ngoài những lần trở về với tâm trạng nặng trĩu, chị em Tuyền cũng hạnh phúc khi tới cấp cứu kịp lúc, giúp nhiều người bệnh qua cơn nguy kịch.
Tuyền và Trang tranh thủ selfie trước khi đón người dân đến tiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Suốt gần hai tháng tham gia tình nguyện, từ một cô gái nhút nhát, được bao bọc, Tuyền thấy mình can đảm và trưởng thành hơn. Em cũng thấu hiểu những vất vả mà lực lượng tuyến đầu đang trải qua. Mỗi ngày trở về nhà, Tuyền và các chị lại kể cho nhau nghe những tình huống, câu chuyện xảy ra, không quên nhắc nhau sát khuẩn thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn.
"Đi tình nguyện giúp em có trải nghiệm thực tế. Kiến thức, kỹ năng học được từ các chị và y bác sĩ giúp em bản lĩnh hơn nhiều", Tuyền nói.
Bình Minh