Danh sách bài viết

Biện chứng trong "Tuyên ngôn độc lập"

Cập nhật: 27/12/2017

Bùi Thanh Quất(*)

Bài viết này chỉ đề cập tới một vài nét trong cái biện chứng được hiện hình ở Tuyên ngôn độc lập, chỉ ra các mặt đối lập mà sự thống nhất và đấu tranh của chúng làm nên hạt nhân phép biện chứng của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đó là sự đối lập giữa một bên là những kẻ ngoại bang xâm lược, thống trị và một bên là cộng đồng dân tộc Việt Nam với một bề dày truyền thống. Bài viết cũng chỉ ra biện chứng sáng ngời bản sắc Việt Nam thể hiện ở chỗ, chúng ta là đại diện cho cái nhân nghĩa đối mặt với cái phi nhân, phi nghĩa; biện chứng của tiến trình đấu tranh và sản phẩm của tiến trình ấy;… Biện chứng khách quan này đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tới việc hình thành nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và định hướng cho sự phát triển của Việt Nam trong hơn 60 năm qua. Nhiệm vụ của chúng ta là khai thác và phát huy sức mạnh biện chứng ấy trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

1. Thế giới tự nó là biện chứng. Con người không có phương thức tồn tại nào khác ngoài việc trực tiếp tác động vào thế giới, tạo ra cái cần thiết cho mình trong sự phù hợp với thế giới ấy. Không nhận thức đúng đắn bản chất của thế giới thì hoạt động của con người trong quan hệ với thế giới sẽ không thể đưa tới kết quả mong muốn. Nhận thức bản chất thế giới chính là nhận thức biện chứng của thế giới. Tiếc rằng, không phải ở đâu và không phải bao giờ, con người cũng nhận thức được biện chứng ấy của thế giới. Trong tiến trình phát triển của nhận thức, chỉ khi con người đạt tới trình độ tư duy biện chứng, thì biện chứng của thế giới mới có thể được con người tự giác nhận thức ra.

“Tuyên ngôn độc lập” là một văn bản thể hiện nhận thức của một con người đã đạt tới tầm tư duy biện chứng nhuần nhuyễn. Chính vì vậy, biện chứng của thế giới đã được khai thác và phản ánh khá triệt để trong “Tuyên ngôn độc lập”. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một vài nét trong cái biện chứng được hiện hình ở “Tuyên ngôn độc lập”.

2. Cốt lõi của phép biện chứng là sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập trong mỗi sự vật, hiện tượng. Cũng như muôn vàn các sự vật khác, xã hội Việt Nam cũng là một thể thống nhất của các mặt đối lập luôn tác động qua lại, đấu tranh với nhau, làm nên hạt nhân phép biện chứng của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, xã hội không phải là cái nhất thành bất biến, không phải là cái hình thành một lần là xong mà có quá trình vận động và phát triển. Xã hội Việt Nam cũng như vậy: nó đã trải qua tiến trình hình thành, vận động và phát triển hàng ngàn năm, qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử; do vậy, các mặt đối lập tạo nên biện chứng của xã hội Việt Nam cũng không giống nhau ở các thời kỳ lịch sử.

Trước khi Việt Nam bị phong kiến phương Bắc đặt ách đô hộ, xã hội Việt Nam còn trong tình trạng chưa có sự phân hoá gay gắt, các mặt đối lập tạo nên nó được cấu thành từ một bên là thiên nhiên hoang dã với sức mạnh hầu như chưa được nhận thức và chưa được chinh phục, với một bên là cồng đồng những con người của xã hội ấy đã trải qua hàng ngàn năm sinh thành, vừa nương dựa, vừa chống chọi lại sức mạnh của thiên nhiên hoang dã để sống và tồn tại. Cộng đồng này đã liên kết lại với nhau tạo ra xã hội Văn Lang - Âu Lạc.

Khi phong kiến phương Bắc đặt ách đô hộ ở xã hội Âu Lạc, xã hội Việt Nam được cấu thành từ hai mặt đối lập khác về chất so với trước đây: một bên là những kẻ ngoại bang thống trị được tổ chức trong bộ máy cai trị theo phương thức của nhà nước phong kiến Trung Hoa đương thời cùng với những người dân Trung Hoa theo chân kẻ xâm lược sang đất Âu Lạc tổ chức đời sống của mình theo phương thức của xã hội phong kiến Trung Hoa thời đó, một bên là cộng đồng những người dân Âu Lạc đã mất quyền làm chủ ngay trên Đất mẹ của mình

Từ năm 1858 trở đi, nói chính xác là từ sau năm 1884, xã hội Việt Nam lại được cấu thành từ hai mặt đối lập khác: một bên là những kẻ ngoại bang thống trị đến từ phương Tây, được tổ chức trong bộ máy cai trị theo phương thức thực dân của chủ nghĩa tư bản Pháp, cùng với những nhà tư sản và những người dân Pháp theo chân kẻ xâm lược sang đất Việt Nam tổ chức đời sống mọi mặt của mình theo phương thức của xã hội tư bản Pháp đương thời, một bên là cộng đồng dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm sinh thành trong nền văn minh lúa nước, với ngàn năm sống dưới ách nô lệ của phong kiến phương Bắc và ngàn năm tiếp đó tồn tại trong nhà nước phong kiến độc lập của mình. Hai mặt đối lập này tồn tại trong sự thống nhất và đấu tranh liên tục suốt gần 100 năm, cho tới khi Cách mạng tháng Tám thành công với “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Về mặt triết học, mỗi mặt đối lập trong bất kỳ sự vật nào đó tự nó cũng lại là một thể thống nhất cấu thành từ các mặt đối lập tương ứng làm nên biện chứng của nó. Do vậy, khi phân tích biện chứng của sự vật, người ta có thể thấy biện chứng của từng mặt đối lập cấu thành sự vật ấy. Tác giả của “Tuyên ngôn độc lập” – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ biện chứng này và đã tài tình ghi lại trong bản “Tuyên ngôn” bất hủ này.

Trước hết, đó là biện chứng của kẻ xâm lược: “… bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”(1). Kẻ tự nhận là người “bảo hộ” cho Việt Nam, thế mà “… trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”(2). Kẻ tự nhận là đại diện cho “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, khi Việt Minh “kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật”, thì “đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”(3).

Thứ hai, đó là biện chứng của dân tộc Việt NamTrong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám không phải chỉ có những kẻ ngoại bang đến gieo đau thương tang tóc lên đất nước này; chúng chỉ là một bộ phận, là một vế trong cái chỉnh thể xã hội Việt Nam thời đó mà thôi. Vế thứ hai trong cái chỉnh thể ấy là bản thân dân tộc Việt Nam. Dân tộc này cũng có cái biện chứng rất đặc thù của mìnhmột mặt, người Việt Nam là dân nô lệ mất nước “chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”(4). Những kẻ ngoại bang đô hộ “tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào”(5); “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”(6). Nhưng mặt khác, dân tộc ta vẫn giữ nguyên cái bản sắc lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”(Nguyễn Trãi). Kẻ thù hung ác đã mang tang tóc, đau thương đến cho ta, đối xử tàn bạo với đồng bào ta: không đáp ứng lời kêu gọi của Việt Minh để cùng liên minh chống phát xít Nhật; khi Nhật làm chính biến ngày 9 tháng 3 năm 1945, bọn thực dân Pháp thua chạy vẫn còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị của ta ở các nhà tù Yên Bái và Cao Bằng. Mặc dù thế, nhân dân ta vẫn “giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo” đối với người Pháp: “Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”(7). Vậy là, đối mặt với cái ác, chúng ta là đại diện cho cái Thiện, đối mặt với cái phi nhân, phi nghĩa, chúng ta là đại diện cho cái Nhân Nghĩa. Đó là cái biện chứng sáng ngời bản sắc Việt Nam được vẽ nổi bật trong “Tuyên ngôn độc lập”.

3. Cái biện chứng được hiện hình trong “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ dừng lại ở sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập tạo nên xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, mà còn là biện chứng của tiến trình và sản phẩm mà tiến trình ấy đưa lại. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, ngày 17 tháng 9 năm 1945, khi đánh giá ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc dân tộc cách mạng thành công này có những ý nghĩa rất to tát mà chúng ta cần phải nhận rõ. Ý nghĩa đó là: trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hoà. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”(8). Đó là sự kiện “xảy ra trong một thời gian rất vắn” nhưng mang “những ý nghĩa rất to tát”. Những người Việt Nam và những người có lương tri trên thế giới đều hiểu rất rõ rằng, sự kiện ấy là sản phẩm của một tiến trình lịch sử đấu tranh bền bỉ, lâu dài, cam go, phải đổi bằng xương máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam rất mực yêu nước, thương nòi. Ngay trong tiến trình lịch sử cận đại Việt Nam, dân tộc ta cũng thể hiện là “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay”(9). Với tiến trình đấu tranh như thế của một dân tộc, thì “dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” và một kết quả như một sản phẩm tất yếu của tiến trình này là “Nước Việt Nam… đã thành một nước tự do độc lập” (tác giả nhấn mạnh – B.T.Q.)(10). Đó thực sự là biện chứng khách quan mà bất cứ thế lực nào cũng không thể phủ nhận được!.

4. Một nét biện chứng đặc sắc được thể hiện rõ trong “Tuyên ngôn độc lập” là biện chứng của cái bộ phận và cái chỉnh thể.

Ngay trong đoạn đầu tiên của “Tuyên ngôn độc lập”, người ta có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu của biện chứng này mà người viết “Tuyên ngôn độc lập” đã rất có chủ ý khi nêu ra: nếu đã thừa nhận “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” thì hiển nhiên, phải thừa nhận “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng”(11), bởi mỗi người sinh ra đều thuộc về một dân tộc, một cộng đồng người xác định; mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều là cái chỉnh thể được tạo nên từ các bộ phận là những con người cụ thể trong cộng đồng đó. Hay nói cách khác, một mặt, con người làm ra cộng đồng của mình; mặt khác, cộng đồng tạo ra con người của nó. Như thế, nếu mỗi người đều thực sự bình đẳng khi sinh ra, thì hiển nhiên, các cộng đồng, các dân tộc cũng được bình đẳng thực sự với nhau ngay từ khi sinh ra. Thừa nhận quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người mà lại không thừa nhận quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của các dân tộc là phản biện chứng.

Mặt khác, mối quan hệ giữa bộ phận và chỉnh thể cũng được thể hiện trong việc “các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(12).

Thêm nữa, có lẽ nét đặc biệt độc đáo trong biện chứng giữa bộ phận và chỉnh thể mà tác giả “Tuyên ngôn độc lập” khai thác là ở mối quan hệ giữa Việt Nam và thế giới. Trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam bị mất tên trên bản đồ thế giới; người ta chỉ biết tới ba xứ:  Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ cùng hai xứ Ai Lao và Cao Miên trên bán đảo Đông Dương gộp lại thành một vùng đất thuộc Pháp – thường gọi là vùng “Đông Dương thuộc Pháp”. Nhưng với bản sắc nhân văn truyền thống của mình, với lòng yêu nước, thương nòi và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà người Việt Nam đã hun đúc từ ngàn xưa, dưới ngọn cờ vẻ vang của Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân Pháp và đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Nhờ thế, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”(13). Trên cơ sở đó, “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(14). Ở đây, chúng tôi muốn phân tích sâu hơn về nét biện chứng này trong Tuyên ngôn.

Từ giữa thế kỷ XIX, với “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” mà C.Mác và Ph.Ăngghen  công bố, chúng ta có thể coi lịch sử thế giới đã bước vào giai đoạn hiện đại với nhiều đặc trưng, trong đó có việc lịch sử trở thành lịch sử toàn thế giới với sự thống trị toàn diện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhờ đó, sức mạnh chỉnh thể của cả thế giới trở thành nguồn gốc sức mạnh cho mỗi bộ phận cấu thành thế giới này. Đó là biện chứng, là lôgíc khách quan của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, quy luật khách quan của xã hội chỉ được thực hiện và tác động thông qua hoạt động có ý thức của con người và cộng đồng, nên không phải ở nơi nào, lúc nào và ở cộng đồng nào, sức mạnh chỉnh thể này cũng được thể hiện và được khai thác như nhau. Mức độ của sự thể hiện và khai thác ấy lệ thuộc rất lớn vào con người và cộng đồng với tư cách chủ thể. Sức mạnh được nói ở đây là cả sức mạnh vật chất lẫn tinh thần, kinh tế  chính trị, văn hoá và xã hội.

Mặt khác, loài người vẫn đang trong thời đại phân đôi thành hai nửa đối lập về lợi ích do sự phân hoá giai cấp trong đời sống kinh tế – xã hội tạo ra; do vậy, sức mạnh của thế giới chỉnh thể cũng mang tính chất đối ngược- có sức mạnh của cái thiện, cái nhân văn, cái tiến bộ, cái xây dựng  có sức mạnh của cái ác, cái phi nghĩa, cái phản động, cái phá hoại. Việt Nam như một bộ phận cấu thành của thế giới chỉnh thể hiện đại ấy, cũng mang vác và chịu tác động của các loại hình sức mạnh này. Nhưng, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam với truyền thống văn hoá được kết tinh từ trong lịch sử nhiều ngàn năm đã trở thành chủ thể có bản sắc riêngtrong việc mang vác, tiếp nhận và sử dụng sức mạnh chỉnh thể toàn thế giới ấy cho sự tồn tại, vận động và phát triển của mình. Sức mạnh của cái ác, cái phi nghĩa, cái phản động, cái phá hoại không phải tới thời hiện đại mới tồn tại ở Việt Nam mà đã được đưa từ bên ngoài vào ngay từ thời Bắc thuộc, và cũng dần nảy sinh ngay trong lòng đất Việt cùng với sự vận động của lịch sử. Tuy nhiên, chỉ tới thời hiện đại,  nó mới mang quy mô và tầm vóc toàn cầu; đó là cuộc xâm lăng và thống trị của chủ nghĩa thực dân tư bản phương Tây từ nửa sau thế kỷ XIX, đó là ách đô hộ của chủ nghĩa phát xít nửa đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Nếu không thắng được sức mạnh quái ác mang tầm vóc toàn cầu ấy, thì dù đã có một ngàn năm độc lập, Việt Nam vẫn sẽ mãi mãi chẳng thể có tên trên bản đồ thế giới. Nhưng may thay, điều ấy đã không xảy ra. Sở dĩ như vậy chính là vì, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thời hiện đại đã vừa biết khai thác sức mạnh nhân văn từ truyền thống của mình, lại cũng vừa rất tài tình nhận thức ra, nắm bắt được và tận dụng được sức mạnh của cái thiện, cái nhân văn, cái tiến bộ, cái xây dựng của thế giới chỉnh thể hiện đại để tự bảo vệ mình, để lớn lên và chiến thắng được sức mạnh của cái ác, cái phi nghĩa, cái phản động, cái phá hoại mang tầm vóc toàn cầu. Chính do vậy, người Việt Nam đã tự khẳng định được mình như một bộ phận cấu thành trong tầm vóc toàn cầu của thế giới hiện đại, mà sự khẳng định mang tính lịch sử chói ngời ấy là sự thành công của Cách mạng tháng Tám với “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức tranh biện chứng giữa chỉnh thể và bộ phận ấy đã được vẽ trong Tuyên ngôn bằng lời “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập”(15).

Tư duy biện chứng Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó. Người còn nhận thức rất rõ về sự vận động và phát triển biện chứng của lịch sử Việt Nam hiện đại từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong sự vận động chỉnh thể của thế giới hiện đại ở tầm vóc toàn cầu: cuộc đấu tranh vẫn sẽ tiếp tục hết sức gay go, quyết liệt giữa cái thiện với cái ác, giữa cái tiến bộ, xây dựng với cái phản động, phá hoại. Chính vì lẽ đó, Hồ Chí Minh cũng “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(16). Nhìn lại chặng đường hơn sáu mươi năm đã qua, kể từ ngày những lời bất hủ ấy được trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới, với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, giành thống nhất trọn vẹn cho giang san, không chỉ người Việt Nam chúng ta, mà cả những người yêu chuộng chính nghĩa và hoà bình trên thế giới cũng đều thấy chính xác biết nhường nào lời tiên đoán của Hồ Chí Minh thể hiện biện chứng khách quan trong “Tuyên ngôn độc lập” đã được cả dân tộc Việt Nam, với sự ủng hộ và giúp đỡ của bè bạn năm châu, biến thành hiện thực trên dải đất hình chữ S thân yêu.

Cuối cùng, khi nói về những điều trên đây, chúng ta cũng còn thấy một nét chấm phá đơn sơnhưng lại hết sức có giá trị cho hành động trong bức tranh biện chứng mà Hồ Chí Minh đã vẽ trong “Tuyên ngôn độc lập” - đó là biện chứng giữa quần chúng và lãnh tụ, giữa cộng đồng và tổ chức. Hồ Chí Minh luôn nói: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố…” (tác giả nhấn mạnh – B.T.Q.)(17), hoặc “chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới…” (tác giả nhấn mạnh – B.T.Q.)(18). Chúng ta biết rằng, con người là động vật  xã hội, sức mạnh mà con người có được không dừng lại ở sức mạnh cá thể của bản thân, mà là sức mạnh của cộng đồng được tổ chức mà trong đó, mỗi người tồn tại như một thành viên. Xã hội càng phát triển, tính tổ chức càng cao thì sức mạnh càng lớn. Mặt khác, cộng đồng được tổ chức lại phải có những cá nhân thực hiện vai trò đại diện. Không dễ gì có thể tìm được một lãnh tụ như Hồ Chí Minh, đại diện cho một dân tộc được tổ chức lại một cách rộng rãi mà chặt chẽ trong mặt trận Việt Minh để có được sức mạnh cao nhất cho hoạt động sống còn của mình trong thời khắc lịch sử ngàn năm mới có một lần như thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945.

5. Biện chứng trong “Tuyên ngôn độc lập” là đường nét mà Hồ Chí Minh đã phác hoạ ra cho con thuyền Việt Nam vận động trong sóng gió 60 năm qua và vững vàng đến đích: thống nhất toàn vẹn cho đất nước, độc lập hoàn toàn cho dân tộc, cơm ăn, áo mặc và học hành cho người dân.

Ngày nay, Tổ quốc ta đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng được đẩy nhanh trên thế giới. Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có biết khai thác sức mạnh của biện chứng ấycho công việc của chúng ta hôm nay, làm cho dân thật sự giàu, nước thật sự mạnh, xã hội Việt Nam thực sự là một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; làm cho Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và tầm vóc của mình như một bộ phận không thể thiếu trong cái chỉnh thể thế giới toàn cầu thời hiện đại, trong tiến trình mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...