Danh sách bài viết

Các loại hoa quả và rau củ trông như thế nào trước khi được thuần hoá?

Cập nhật: 28/12/2017

Có khi nào bạn ăn một miếng dưa hấu hoặc một bắp ngô, mà tự hỏi rằng: các loại hoa quả hay rau củ này đã từng có hình dạng hay mùi vị như thế nào? Ngày nay, các loại thực phẩm biến đổi gene (GMOs) đã làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ, tuy nhiên thực ra con người cũng đã chỉnh sửa các đặc tính di truyền của các nông sản ưa thích qua hàng thiên niên kỷ. Trong khi các GMOs có thể bao gồm sự biên tập gene thông qua các loài sinh vật khác (ví dụ: vi khuẩn) để cung cấp cho thực vật các đặc tính mong muốn (như tính kháng sâu bọ), thì chọn tạo giống lai là quá trình chậm hơn qua đó người nông dân chọn và trồng các loại giống có các tính trạng tốt theo thời gian.

Dưới đây là một trong số các loại thực phẩm hoang dại, chúng hầu như hoàn toàn khác trước khi trở thành giống thuần.

Dưa hấu dại

Nguồn: Alvaro/Wikimedia Commons 

Bức tranh này được vẽ bởi hoạ sỹ Giovanni Stanchi vào thế kỷ 17, mô tả một quả dưa hấu nhưng lại hoàn toàn khác với các loại dưa hấu hiện nay. Trong bức hoạ được vẽ trong khoảng 1645-1672 này, qua lát cắt ngang của quả dưa chúng ta chỉ quan sát được các đường xoáy bên trong 6 múi hình tam giác.

Dưa hấu hiện nay

Nguồn: Scott Ehardt/Wikimedia

Qua thời gian, con người đã lai tạo các giống dưa hấu khác nhau để tạo ra giống dưa có ruột đỏ và đặc. Một vài người cho rằng quả dưa trong bức hoạ của Stanchi có thể chỉ là chưa chín hoặc không được tưới nước đầy đủ nhưng trong bức hoạ có thể thấy các hạt của quả dưa màu đen, chứng tỏ rằng nó thực sự đã chín.

Hình ảnh so sánh dưa hấu dại và dưa hấu ngày nay

Đường kính của quả dưa hấu đã tăng từ 50mm đến 660mm, tương đương với thể tích của quả dưa hấu được tăng lên 1680 lần. Trong khi tổ tiên của loài dưa hấu dại nặng không quá 80gr, thì dưa hấu được bày bán ở siêu thị hiện nay nặng từ 2kg đến 8kg, đặc biệt là kỷ lục Guiness thế giới đã ghi nhận quả dưa hấu nặng nhất là 121kg vào năm 2000. Hàng ngàn năm tiến hoá có sự tác động của con người đã tạo nên một kỳ tích đối với loại quả này.

Chuối dại

Nguồn: Genetic Literacy Project

Những cây chuối đầu tiên có thể đã được trồng ít nhất 7000 năm trước và có thể còn sớm hơn (khoảng 10 000 năm) tại lãnh thổ thuộc Papua New Guinea bây giờ. Chúng đồng thời cũng được trồng ở khu vực Đông Nam Á. Các loại chuối hiện tại được hình thành từ 2 giống, Musa acuminata và Musa balbisiana, có hạt to và cứng, giống trong hình.

Chuối hiện nay

Domiriel/Flickr Creative Commons

Quá trình lai tạo đã tạo ra giống chuối hiện nay với các tính trạng tiện dụng như có thể cầm nắm được và dễ bóc vỏ. So với tổ tiên của chúng, quả chuối hiện nay có hạt nhỏ hơn rất nhiều, vị ngon hơn và giàu dinh dưỡng hơn.

Cà dại

Nguồn: Genetic Literacy Project

Trải qua một tiến trình dài trong lịch sử, cây cà phát triển với rất nhiều hình dạng và màu sắc, ví dụ trắng, xanh, tím và vàng – giống trong hình. Một số cây cà đầu tiên được trồng ở Trung Quốc. Phiên bản nguyên thuỷ thường có gai ở chỗ nối giữa thân cây và hoa.

Cây cà hiện tại

Nguồn: YoAmes/Flickr

Nhưng lai tạo chọn giống đã chọn ra các giống cà như hiện tại, không có gai, to hơn, thuôn dài và có màu tím như được bày bán ở cửa hàng.

Cà rốt dại

Nguồn: Genetic Literacy Program

Những cây cà rốt đầu tiên được trồng vào thế kỷ X ở Ba Tư và Tiểu Á (Asia Minor, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Chúng được cho rằng là ban đầu có màu tím hoặc trắng với rễ mỏng và chia nhánh – giống như trong hình- nhưng chúng đã bị mất sắc tố màu tím và trở thành màu vàng.

Cà rốt hiện nay

Nguồn: TTL media/Shutterstock.com

Các nhà nông đã thuần hoá các giống có rễ mảnh và trắng, có vị mạnh và ra hoa 2 năm 1 lần này thành các giống có rễ to, vị ngon, màu da cam và là giống một năm, trồng vào vụ đông.

Cây ngô dại

Nguồn: Genetic Literacy Project

Có thể nói ví dụ điển hình nhất của chọn tạo giống là ngô ngọt bắc mỹ, loài được lai tạo ra từ giống cỏ teosinte hầu như không ăn được. Loài ngô hoang dại (ảnh) được thuần hoá lần đầu tiên vào năm 7000 TCN (trước công nguyên) trông rất khô.

Cây ngô hiện tại

Nguồn: Rosana Prada/Flickr

Ngày nay, bắp ngô lớn hơn 1000 lần, ngọt hơn 3.5 lần, dễ bóc và dễ trồng hơn rất nhiều so với 9000 năm trước. Hơn nữa, 6.6% thành phần là đường, so với chỉ 1.9% như ở cây ngô hoang dại. Nó đã không còn giống cây teosinte một chút nào nữa. Khoảng một nửa những thay đổi này diễn ra vào thế kỷ XV, khi mà người Châu Âu tiến hành quá trình chọn lọc mới lên các giống cây trồng để phù hợp với vị giác của họ.

Hình ảnh so sánh ngô dại và ngô ngày nay

Quả Đào

Hình ảnh phác hoạ sự khác nhau giữa đào dại và đào hiện nay

Quả đào đã từng rất nhỏ, hình dạng giống như quả anh đào và ít thịt. Chúng được thuần hoá lần đầu tiên khoảng 4000 năm trước công nguyên bởi người Trung Quốc cổ đại và có vị hơi mặn, gần giống như đậu lăng. Người nông dân đã chọn các hạt từ quả ngon nhất để tiếp tục trồng. Họ đã định hướng qua hàng ngàn năm và các loại quả trở nên to hơn, mọng nước hơn qua từng thế hệ. Sau 6000 năm chọn lọc nhân tạo, quả đào hiện nay đã to hơn 16 lần, mọng nước hơn 27% lần và ngọt hơn 4% so với đào dại, đồng thời cũng tăng một lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của con người. Hình ảnh phác hoạ sự khác nhau giữa đào dại và đào hiện nay.

Họ cải

Các cây họ cải (bắp cải, súp lơ, lơ trắng, cải xoăn, su hào) cũng là một ví dụ điển hình của chọn lọc nhân tạo. Chọn lọc nhân tạo đã tạo ra nhiều loại giống mới với các tính trạng tốt từ một tổ tiên chung.

Vì vậy nếu lần sau có ai đó nói bạn không nên ăn thực phẩm biến đổi gene, thì bạn có thể nói thật ra chúng ta đã ăn nó từ lâu rồi.

Tài liệu tham khảo:

Tanya Lewis, "Here's what fruits and vegetables looked like before we domesticated them",Sciencealert, 31 January, 2016.

Lược dịch Bạch Lăng Lăng

Nguồn: / 0