Danh sách bài viết

Cách mạng tháng Mười Nga và triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực

Cập nhật: 27/12/2017

Phùng Văn Thiết(*)

Khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga và triển vọng tươi sáng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ tính tất yếu, khách quan, hợp lôgíc và vai trò “đột phá khẩu” của Cách mạng Tháng Mười Nga; nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; những mâu thuẫn mà chủ nghĩa tư bản hiện thời không thể giải quyết được; xu hướng vận động trong những điều kiện mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thực tiễn cải tổ, đổi mới.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đã từ rất lâu, trong tâm khảm của những người cách mạng khắp năm châu bốn biển, Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử vĩ đại, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Chính vì thế, hiện nay, từ rất sâu trong tâm khảm của tất cả những ai còn thuỷ chung với ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là một nỗi đau chung, một thất bại cay đắng, khó lòng biện minh được trước lịch sử nhân loại.

Dẫu vậy, sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã có đủ thời gian và sự tỉnh táo để nhận ra rằng, lỗi lầm là bởi chúng ta chứ không phải tại Cách mạng Tháng Mười. Bởi vì, trong tính hiện thực lịch sử của nó, Cách mạng Tháng Mười vẫn, đã, đang và sẽ tiếp tục giữ một vị trí xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của nó trong thời đại vốn đầy biến động của chúng ta hôm nay.

1. Như chúng ta đã biết, gần 70 năm sau Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cái "bóng ma" luôn ám ảnh châu Âu đã trở thành hiện thực ở nước Nga bởi một cuộc cách mạng "Mười ngày rung chuyển thế giới" - Cách mạng Tháng Mười.

Kể từ đó đến nay, nhất là khoảng hai thập kỷ trở lại đây, những kẻ thù đủ loại của chủ nghĩa xã hội luôn tỏ ra hằn học với Cách mạng Tháng Mười. Họ coi cuộc cách mạng này nhiều nhất cũng chỉ là "một sai lầm vĩ đại của lịch sử", là một hiện tượng xã hội chính trị "thuần tuý Nga", thậm chí chỉ là một cuộc chính biến bạo lực "thuần tuý lêninnít", v.v..

Nhưng lịch sử đã chứng minh điều ngược lại. Từ trong bản chất của nó, Cách mạng Tháng Mười là kết quả hợp lôgíc của sự vận động khách quan của lịch sử, trước hết là sự vận động tổng hợp của các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản đương thời; sau đó là kết quả hợp lôgíc của sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác về cách mạng vô sản của V.I.Lênin vào thực tiễn nước Nga những năm đầu của thế kỷ XX.

Có một sự thật là, cả C.Mác và Ph.Ăngghen, vào thời đại của mình, đều tiên đoán cách mạng vô sản chỉ có thể nổ ra và giành thắng lợi ở hàng loạt nước tư bản chủ nghĩa, ít ra cũng là cùng một lúc ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. Nhưng, cũng còn một sự thật khác nữa, đó là việc cả C.Mác và Ph.Ăngghen, vào những năm cuối đời, bằng việc mục kích những biến thái mới của hệ thống tư bản chủ nghĩa, đã dự cảm một cách tinh tế rằng, "dù cho kết cục của chiến tranh có như thế nào chăng nữa, thì cuộc cách mạng ở Nga đã chín muồi và không bao lâu nữa sẽ bùng nổ...", khi nhìn thấy những tiền đề cho sự xuất hiện của một kiểu "công xã Nga". Và, đi xa hơn nữa, các ông đã dự báo: "Một khi tình hình đã dẫn đến cách mạng ở Nga thì bộ mặt của toàn châu Âu sẽ biến đổi"(1). Nói cách khác, với sự mẫn cảm chính trị đặc biệt của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tiên đoán về sự nảy sinh những khả năng mới của cách mạng vô sản trong bối cảnh có sự biến động của hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới.

Trong khi đó, bản thân V.I.Lênin lại rất thận trọng với vấn đề nhạy cảm này. Đơn giản không phải chỉ vì đây là vấn đề rất mới đối với nước Nga, mà còn vì và chủ yếu vì, điều kiện tiên quyết bảo đảm thắng lợi cho một cuộc cách mạng như thế, nếu nó nổ ra, theo di huấn của C.Mác và Ph.Ăngghen - sự ủng hộ của giai cấp vô sản đã thắng lợi ở các nước tư bản phát triển - vẫn chưa có.

Chính vì thế, phải mất tới gần 20 năm, trên cơ sở phân tích những hệ quả tất yếu do sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản, nhất là trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin mới có câu trả lời dứt khoát cho vấn đề hóc búa này. Theo đó, "chủ nghĩa xã hội không thể đồng thời thắng lợi trong tất cả các nước. Trước hết, nó thắng lợi trong một nước, hoặc trong một số nước, trong khi các nước khác, trong một thời gian nào đó, vẫn còn là những nước tư sản hay tiền tư sản"(2).

Chỉ sau đó và trên cơ sở đó, bằng sự phân tích khoa học về thời cuộc, về xã hội Nga nói chung và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga nói riêng, V.I.Lênin mới đi đến kết luận rằng, nước Nga đã trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản sẽ mở đầu bằng cuộc cách mạng ở Nga. Ông giải thích: "Những cái làm cho giai cấp vô sản Nga, trong một thời gian nhất định, có thể là rất ngắn, trở thành con chim đầu đàn của giai cấp vô sản cách mạng toàn thế giới, thì không phải là những phẩm chất đặc biệt, mà chỉ là những điều kiện lịch sử đặc biệt thôi. Nước Nga là một nước nông dân, một trong những nước lạc hậu nhất ở châu Âu. Chủ nghĩa xã hội không thể ngay lập tức thắng lợi trực tiếp ở đó được…, nên tính chất nông dân của nước Nga có thể làm cho cuộc cách mạng dân chủ – tư sản ở Nga có một quy mô rộng lớn và làm cho cuộc cách mạng  của chúng tôi trở thành màn mở đầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới, thành một nấc tiến lên cuộc cách mạng đó”(3).

Như vậy, có thể nói, lúc đầu xuất hiện với tư cách là kết quả của một tư duy chính trị nghiêm túc, sáng tạo, phản ánh đúng đắn và tập trung xu hướng vận động tất yếu của lịch sử tại điểm nút trong tiến trình phát triển tự nhiên của nhân loại, nhưng ngay sau đó, đến lượt nó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười lại trở thành "đột phá khẩu" mở ra cả một thời đại mới.

2. Đương nhiên, vô luận thế nào thì chúng ta vẫn cứ phải quay về với một thực tế là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới do Cách mạng Tháng Mười mở ra đã sụp đổ. Và, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này cũng cho thấy, việc vi phạm những nguyên tắc lêninnít trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn là nguyên nhân cơ bản nhất.

Theo đó, không thể không lưu ý rằng, rất lâu sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I.Lênin vẫn luôn trung thành với di huấn của C.Mác và Ph.Ăngghen về điều kiện bảo đảm thắng lợi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước mà chủ nghĩa tư bản chưa phát triển đầy đủ. Trong các bài phát biểu  nhân kỷ niệm 3 năm Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I.Lênin đều nhấn mạnh vấn đề này. Ông thừa nhận: "Chúng ta đã bắt đầu sự nghiệp của chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào cuộc cách mạng thế giới... Chúng ta đã đặt hy vọng vào cuộc cách mạng thế giới. Chúng ta luôn biết và chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng sự nghiệp của chúng ta là một sự nghiệp quốc tế, và chừng nào trong tất cả các nước, kể cả những nước giàu nhất và văn minh nhất, cách mạng chưa nổ ra được thì chừng ấy thắng lợi của chúng ta mới chỉ là thắng lợi một nửa, và có thể còn kém hơn nữa"(4). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười sẽ không thể bền vững "nếu nó không được cuộc cách mạng ở phương Tây ủng hộ. Muốn đạt tới một thắng lợi bền vững, chúng ta phải đạt được thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản trong tất cả các nước tư bản, hoặc chí ít trong các nước tư bản chủ yếu"(5).

Thế nhưng, hy vọng đó của V.I.Lênin đã không trở thành hiện thực. Nước Nga đã phải một mình chiến đấu để tồn tại và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, chính sách cộng sản thời chiến, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đã bắt đầu bộc lộ như một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện của nước Nga đương đại. Số phận của chủ nghĩa xã hội ở Nga và do vậy, cả triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới sau này, phụ thuộc một cách quyết định vào quyết sách chính trị mới của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga (B). Chính sách kinh tế mới (NEP) ra đời trong hoàn cảnh ấy và với nó, V.I.Lênin thừa nhận: "Toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản"(6). Nói cách khác, với V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, NEP đã vượt qua ý nghĩa của một giải pháp tình thế để trở thành một định hướng chiến lược lâu dài, thành rường cột cho mô hình của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện lịch sử mới.

Tuy nhiên, ngay tại quê hương của Cách mạng Tháng Mười, NEP của V.I.Lênin cũng chưa có cơ hội và thời gian để phát huy tác dụng. Bởi vì, chỉ một thời gian ngắn sau khi NEP ra đời, triệu chứng của một cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm vào Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết ngày càng lộ rõ. Trong bối cảnh nghiệt ngã ấy, cũng như những năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Mười phải thực hiện chính sách cộng sản thời chiến, Nhà nước Xô viết không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng một cơ chế kế hoạch hoá tập trung cao - cơ chế cho phép huy động tối đa các nguồn lực để nhanh chóng biến nước Nga lạc hậu thành một cường quốc công nghiệp, biểu trưng cho sức mạnh hiện thực của chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đang đến gần.

Vai trò to lớn của mô hình "chủ nghĩa xã hội thời chiến" ở Liên Xô - nếu có thể gọi như vậy - là không thể phủ nhận. Nhưng đáng tiếc là, trong một thời gian dài, người ta đã tìm mọi phương cách để duy trì cái mô hình đặc biệt mang tính lịch sử này như một mô hình của chủ nghĩa xã hội nói chung và đi liền với nó là việc lãng quên những chỉ dẫn của V.I.Lênin về tính chất chiến lược, lâu dài của NEP trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghã xã hội. Tình hình ấy, cộng với những sai lầm chủ quan của các Đảng Cộng sản trên các lĩnh vực tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa... đã trở thành nguyên nhân sâu xa làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa suy yếu và ngày càng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện trên phạm vi toàn cầu.

Hơn nữa, bằng sức mạnh của tư duy biện chứng, chúng ta dễ nhận ra có một cái gì đó rất giống nhau giữa tình cảnh của nước Nga trước khi bước vào giai đoạn thực hiện NEP với tình cảnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực trước cải tổ, cải cách và đổi mới. Cũng có một sự tương đồng nào đó giữa NEP của V.I.Lênin với chiến lược cải tổ, cải cách và đổi mới của các Đảng Cộng sản. Nhưng, một điều rõ ràng là, đã có sự khác nhau về nguyên tắc trong thái độ của các Đảng Cộng sản đối với vấn đề hệ trọng này. Hệ luỵ của nó, do đó, cũng có sự khác nhau về căn bản: sự sụp đổ hay sự phục hồi của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nói cách khác, cải tổ, cải cách, đổi mới là tất yếu, nhưng sự sụp đổ không phải là tất yếu. Điều đó cũng có nghĩa là, tương lai và triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực phụ thuộc một cách trực tiếp vào nhân tố chủ quan, trước hết là vào bản lĩnh chính trị, tầm cao trí tuệ và tính năng động, sáng tạo của các Đảng Cộng sản trong quá trính cải tổ, cải cách và đổi mới. Bí quyết của mọi bí quyết cho thành công của công cuộc này, trên phương diện mà chúng ta đang nghiên cứu, là phải kiên định một cách sáng tạo những nguyên tắc lêninnít trong NEP. Nhận định trên đây không phải là kết quả suy diễn của một tư duy tư biện, mà trái lại, đó là một bài học xương máu được rút ra từ thực tế lịch sử.

3. Mặc dù luôn cần thiết những màn giáo đầu về lý luận, nhưng bản thân các cuộc cách mạng lại không được thực hiện bởi các đơn đặt hàng.Vì thế, bài học rút ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, trước hết và trên hết phải là bài học về phát huy tinh thần cách mạng của quần chúng công nông dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản chân chính, dũng cảm và không ngừng sáng tạo.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, hệ thống tư bản chủ nghĩa đã bị phá vỡ một mảng lớn, cục diện trên bản đồ chính trị thế giới, vì thế, đã có sự thay đổi căn bản. Trong bối cảnh ấy và từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết, V.I.Lênin đã tiếp tục hoàn thiện lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, với đề xuất về những điều kiện bảo đảm cho nó trở thành hiện thực. Trên thực tế, tất cả các nước lựa chọn sự phát triển xã hội theo con đường này, với những cách thức khác nhau, đều khai thác, tận dụng những điều kiện ấy.

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, nhất là trước những lời tuyên bố hung hăng của các triết gia và chính trị gia tư sản về cái gọi là "cái chết tất yếu của những cuộc thử nghiệm cộng sản", không ít người tỏ ra nghi ngờ về tính hiện thực của quá trình phát triển xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, khi cho rằng, những điều kiện bảo đảm cho nó đã mất.

Cần có quan điểm biện chứng trong nhận thức về những điều kiện cần thiết cho một cuộc chuyển đổi xã hội. Bản thân những điều kiện ấy không phải là bất biến. Hoàn cảnh lịch sử mới sẽ quy định những điều kiện mới, cần thiết cho các cuộc chuyển đổi này. Sự thay đổi của những điều kiện không hề xoá bỏ tính quy luật của sự phát triển xã hội, mà chỉ thay đổi cách thức, bước đi của nó trong hiện thực mà thôi.

Trong tình hình hiện nay, có thể khả năng thích ứng của chủ nghĩa tư bản là rất lớn do việc ứng dụng nhanh nhạy các thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, cũng như khả năng mẫn cảm trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nhưng khả năng đó là có giới hạn do chính bản chất của xã hội ấy quy định. Mâu thuẫn cơ bản quy định sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản không mất đi trong quá trình "điều chỉnh", mà trái lại, ngày càng gay gắt. Thực tiễn lịch sử đang cho thấy, mỗi bước điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, trong mối liên hệ tất yếu của nó, không những không góp phần vào việc giải quyết căn bản các vấn đề của thời đại, mà còn làm cho những vấn đề ấy trầm trọng thêm. Chế độ tư bản chủ nghĩa không những không phải là tương lai của nhân loại, mà trái lại, nó đang dẫn đến một thế giới ''không thể chấp nhận đư[jc". Đây không chỉ là kết luận của những người cộng sản. Không ít học giả tư sản cũng rút ra kết luận như vậy, khi phân tích thực trạng và xu hướng phát triển của xã hội tư bản hiện nay(7).

Ngay ở các nước đã diễn ra các cuộc "cách mạng" dưới đủ sắc màu để thủ tiêu chủ nghĩa xã hội, thì bản thân chủ nghĩa tư bản cũng đang mất dần ánh hào quang giả tạo ban đầu. Không chỉ các tầng lớp nhân dân, mà ngay cả những người lãnh đạo ở đây cũng từng bước nhận ra rằng, một mô hình vay mượn của phương Tây không phải là cứu cánh giúp đất nước họ thoát khỏi các cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Hệ giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội đã từng bị "đạp đổ" trước đây, giờ đang trở thành nhu cầu thiết thân của khối quần chúng ngày càng đông đảo. Và, điều đó cũng có nghĩa là, những người cộng sản chân chính ở đây đang có thêm những điều kiện thuận lợi để chuẩn bị cho tương lai và triển vọng của chủ nghĩa xã hội.

Cuối cùng, cũng cần nói thêm một điều là, mặc dù lịch sử không có chỗ cho những "nếu như", nhưng rất có thể tình cảnh hiện nay của chủ nghĩa xã hội hiện thực sẽ tốt hơn, nếu như những điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mà V.I.Lênin đã khái quát không bị hậu thế tiếp cận và vận dụng với nhiều lệch lạc. Theo đó, tính chất lỗi thời của chủ nghĩa tư bản thường được đồng nghĩa với việc "bỏ đi" tất cả những gì thuộc về chủ nghĩa tư bản nói chung; còn bản chất tốt đẹp của chính đảng kiểu mới, của chủ nghĩa xã hội thì lại thường được xem như một cái gì đó đương nhiên, nhất thành bất biến. Những chủ trương học hỏi, kế thừa những thành tựu mà loài người đạt được trong chế độ tư bản chủ nghĩa, một thời gian dài, hoặc là vắng bóng trong các chương trình nghị sự của chúng ta, hoặc nếu có cũng không được triển khai một cách nghiêm túc. Đi liền với nó và với sự "giúp sức" của một căn bệnh dễ nhiễm nhưng khó thấy mà V.I.Lênin đã cảnh báo – “bệnh kiêu ngạo cộng sản” - nên chúng ta không tin và không muốn tin về những sai lầm, những khuyết tật, những cuộc khủng hoảng bên trong của chủ nghĩa xã hội. Và, lịch sử đã bắt chúng ta phải trả giá cho căn bệnh ấu trĩ, tả khuynh ấy. Thêm vào đó, sự ủng hộ quốc tế thường được đồng nghĩa với sự giúp đỡ một chiều, vô điều kiện và không hoàn lại của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước. Trong khi đó, các nước xã hội chủ nghĩa này, đặc biệt là Liên Xô, luôn phải căng mình ra để đảm trách vai trò là trụ cột của hoà bình, là thành trì của cách mạng thế giới, nhưng lại không nhận được sự giúp đỡ cần thiết, tương ứng. Thực tế cho thấy, đó chính là một "lỗi hệ thống" mà những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội đã sớm phát hiện ra, bám lấy và tìm mọi phương sách, nhất là phương sách chạy đua vũ trang, để làm cạn kiệt tiềm năng phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nhất này và qua đó, kéo theo sự khủng hoảng của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, toàn bộ những vấn đề đã đề cập đến trên đây, tự bản thân nó, không hề chứng minh cho sự "cáo chung của lịch sử" như kẻ thù của chúng ta tuyên bố. Trái lại, nó chỉ nói lên rằng, tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một sự nghiệp vĩ đại, nhưng cũng hết sức khó khăn và gian khổ. Con đường phát triển chưa từng có tiền lệ trong lịch sử này, do tính chất đặc biệt của nó quy định, luôn có quyền đòi hỏi cho mình những điều kiện tương ứng - những điều kiện không những phải phản ánh được hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, mà còn phải phản ánh được đặc điểm của thời cuộc ở các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Những điều kiện đó hiện nay, đối với trường hợp Việt Nam, theo quan điểm của Đảng ta là: "Chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế"(8).

Vì thế, cái mất đi sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa không phải là tính hiện thực của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, mà là những nhận thức còn ấu trĩ và giản đơn của chúng ta về con đường ấy. Thời đại hiện nay, với tất cả tính chất quanh co và phức tạp vốn có của nó, vẫn cho thấy, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu không thể đảo ngược. Rất có thể, những thắng lợi liên tiếp của các lực lượng cánh tả và xã hội chủ nghĩa ở châu Mỹ La tinh vừa qua sẽ đem lại cho chủ nghĩa xã hội hiện thực những luồng gió mới, những gợi ý mới. Nhưng, rõ ràng rằng, những thành tựu to lớn về nhiều mặt của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam, đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực mới cho xu hướng phát triển này của thế giới trong thời đại hiện nay.     

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...