Cập nhật: 30/12/2017
Ca dao có câu: Ăn no rồi lại nằm khoèo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem... khiến ta liên tưởng đến đời sống thanh bình, no ấm về vật chất và cũng thể hiện cuộc sống tinh thần gắn liền với nghệ thuật chèo của người dân xưa.
Nghệ thuật chèo cổ xưa đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ, với những vở chèo cổ như: “Quan âm Thị Kính”, “Kim Nham”, “Lưu Bình-Dương Lễ”... Đây là những vở chèo chứa đựng chất trí tuệ, thâm thúy, sâu sắc mà ý nhị.
Thời kỳ chiến tranh, chúng ta đã có những vở chèo về “con người mới, cuộc sống mới”, cho dù có thể còn những hạn chế, nhưng đích thực là chèo, không hề xa lạ với bản sắc dân tộc. Đó là những vở của các tác giả, đạo diễn tâm huyết và am hiểu về chèo như: “Chị Trầm”, “Con trâu hai nhà”, “Đường đi đôi ngả” của Trần Bảng; “Mối tình Điện Biên” của Lưu Quang Thuận; “Đường về trận địa” của Tào Mạt, Hoài Giao; “Sợi tơ vàng” của Việt Dung, “Những cô thợ dệt” của Trần Huyền Trân... Chính những vở chèo với đề tài hiện đại này đã góp phần làm nên một thời kỳ cực thịnh của sân khấu nói chung, chèo nói riêng, vào những năm 60, 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX.
Sau một thời gian dài tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật chèo đề tài hiện đại, qua các Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, nhiều vấn đề trong cuộc sống đương đại được khơi gợi, khiến người xem phải nghĩ ngợi, băn khoăn. Từ nỗi lo "chẳng còn đất mà chôn" của bà mẹ nông dân trước hiện thực đất làng bị chiếm dụng trong "Đất làng" (Nhà hát Chèo Thái Bình); đến câu chuyện trái ngang dang dở của mối tình "tay tư" trong "Thương nhớ trầu cau" (Nhà hát Chèo Quân đội); hay nghị lực phi thường của người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới ở "Trăng khuyết" (Nhà hát Chèo Nam Định)... đều là những câu chuyện đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, sau các kỳ liên hoan, nhiều nghệ sĩ lão thành bày tỏ sự trăn trở, khi các vở diễn có đề tài hiện đại về đời sống hôm nay vẫn còn rất mờ nhạt, nghiêng về sinh hoạt đời thường mà không tạo dựng được các hình tượng nhân vật tiêu biểu, đại diện trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là với các nhân vật người nông dân của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều tác phẩm chèo đã mải mê khai thác những mảng hiện thực nóng hổi tính thời sự mà xao lãng phát huy ngôn ngữ đặc trưng của chèo hoặc ngược lại, dẫn đến hiện tượng được mặt nọ, hụt mặt kia, nên vở diễn rơi vào tình trạng nhạt nhòa. Nhiều kịch bản chắp nhặt dễ dãi, có khi tùy tiện, làm cho chuyện kịch diễn ra lỏng lẻo, bản chất mờ nhạt...
Cảnh trong vở “Ba ngày làm Vua” của Nhà hát Chèo Quân đội, kịch bản: NSƯT Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng. Ảnh: Thu Thủy
Trước nay, chúng ta luôn khẳng định đề tài lịch sử, cổ tích, dân gian... rất phù hợp với tính chất trữ tình-chất thơ của chèo. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay lại vô cùng năng động, phức tạp... Nghệ thuật chèo bên cạnh các chức năng vốn có, còn cần đến một chức năng quan trọng, đó là: Phản ánh con người và cuộc sống đương đại. Vậy chúng ta phải làm sao để chèo hiện đại dễ đi vào lòng người giống như chèo cổ? Phải làm sao để chèo hiện đại mang đầy đủ các đặc trưng cơ bản của chèo cổ? Đây là điều khiến các nhà làm chèo phải nhức nhối vắt óc suy nghĩ từ nhiều năm nay. Và theo tôi, một tác phẩm chèo đề tài hiện đại muốn thu hút được người xem phải bảo đảm nhiều yếu tố, từ kịch bản, đạo diễn đến mỹ thuật, âm nhạc, biên đạo múa và trên hết là tài năng, tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ diễn viên. Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng trầm trọng về đội ngũ sáng tác như hiện nay, để dàn dựng những tác phẩm chèo đề tài hiện đại có sức thu hút đối với công chúng là vô cùng khó khăn.
Chính vì vậy, khi đưa đề tài hiện đại vào chèo, trước tiên tác giả, đạo diễn và ê-kíp sáng tạo phải am hiểu về nghệ thuật chèo truyền thống, sau đó phải hết sức khéo léo trong việc xây dựng “mô hình”, xử lý và chuyển hóa các “mô hình” của nghệ thuật truyền thống như: Hệ thống các nhân vật, các làn điệu, các lối nói... sang “mô hình” hiện đại biến tấu làm sao để không bị mất đi cái “chất” của chèo. Vậy “chất chèo” ở đây là gì? Trong cuốn “Khái luận về chèo”, trang 187, nhà nghiên cứu Trần Bảng đã nói: “Nói chất người ta thường nói tới đặc trưng, đặc điểm của sự vật. Về đặc trưng của chèo, người ta thường nói tới tính tự sự, tính ước lệ. Điều ấy là đúng nhưng lại phải thấy rằng, đây không những là đặc trưng chung của cả chèo và tuồng mà còn chung cho nhiều kịch chủng khác trên thế giới, đặc biệt là các kịch chủng phương Đông. Cái “chất” đặc biệt của chèo chưa hình thành một khi những đặc trưng, đặc điểm của thể loại còn ở dạng những khái niệm trừu tượng. Cái chất đặc biệt ấy chỉ hình thành khi tất cả những đặc trưng, đặc điểm ấy được cụ thể hóa trong cấu trúc sinh động và riêng biệt của kịch chủng. Ví dụ: Cấu trúc của hát chèo, cấu trúc của múa chèo, cấu trúc của hình tượng nghệ thuật chèo, cấu trúc của trò diễn chèo... Tất cả những cấu trúc ấy hòa hợp với nhau trong một tổ chức hữu cơ, gọi là chèo. Chính cái cấu trúc mang tính riêng biệt ấy đã tạo nên một làn điệu “Sa lệch”, một Thị Kính, một Lão say mà ở đó một khán giả bình thường không cần lý luận cũng có thể nhận thấy chất chèo. Cho nên muốn giữ được “chất chèo” trong các vở sáng tạo mới, cái cần kế thừa đầu tiên không phải là cái hồn trừu tượng của truyền thống mà là cái cấu trúc cụ thể của kịch chủng.
Thực tế những năm qua đã chứng minh rằng, những vở chèo mới biết tiếp nối cách thức truyền thống, biết xây dựng, xử lý và chuyển hóa các mô hình thì dù viết về đề tài gì (có tích, lịch sử hay hiện đại) đều được khán giả công nhận là có chất chèo”.
Đề tài lịch sử, dân gian hay hiện đại đều có vị trí quan trọng trong lòng công chúng khán giả. Mỗi đề tài lại có thế mạnh, điểm yếu riêng. Và chúng ta, những nhà sáng tạo chèo cần biết phát huy thế mạnh của mỗi đề tài, sao cho thật hài hòa, hấp dẫn thì mới thu hút được công chúng khán giả. Ví dụ: Khi chúng ta chọn đề tài hiện đại thì phải biết kế thừa nghệ thuật truyền thống trong việc xử lý, chuyển hóa “mô hình” của chèo cổ. Còn nếu chúng ta chọn đề tài lịch sử, dân gian thì bên cạnh việc xử lý, chuyển hóa “mô hình”, chúng ta phải tìm thấy được “tư tưởng thời đại” trong đó.
Tóm lại, nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại vẫn luôn là mối quan tâm không chỉ của riêng “làng chèo” mà còn của cả giới sân khấu và các cơ quan quản lý nhà nước. Để bảo tồn và phát triển chèo, cần phải có sự chung tay, chung sức của cả xã hội, từ sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, đến sự nỗ lực của người quản lý, của mỗi nghệ sĩ. Nhưng “cải biên, cải tiến, phát triển, cách tân” như thế nào để khi đưa đề tài hiện đại vào chèo vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc đáo của nó, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các nghệ sĩ sân khấu, trên bước đường suy ngẫm, tìm tòi, khám phá và sáng tạo.
TRẦN PHƯƠNG HẠNH
Nguồn: / 0