Tiếng Anh tích hợp: Từ 18 đến 160 trường...
Chương trình tiếng Anh tích hợp được triển khai từ năm học 2014-2015 tại 18 trường ở 3 quận, huyện với 600 học sinh tham gia. Đến năm học 2024-2025, TP.HCM đã có 160 trường ở 20 quận, huyện tổ chức chương trình này và có trên 30.000 học sinh tham gia. Đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình đều có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế như TESOl, CELTA hoặc TEFL. Ngoài ra giáo viên còn được tham gia các khóa tập huấn chuyên sâu về giảng dạy các môn toán và khoa học bằng tiếng Anh.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá kết quả học tập của học sinh tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp luôn đạt mức cao, đặc biệt là ở các môn toán và khoa học. Báo cáo từ các trường, cho thấy tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi trong các bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ môn toán và khoa học bằng tiếng Anh luôn đạt từ 85%-90%. Trong đó bậc tiểu học trên 93% học sinh khá, giỏi; tỷ lệ này ở bậc THCS, THPT là trên 80%. Đặc biệt tỷ lệ học sinh TP.HCM dự thi chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel có kết quả mức Đạt (Pass) trung bình 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học trong 10 năm qua, ở tiểu học là 86%; THCS 92%; THPT 96%.
"Việc sử dụng tiếng Anh thường xuyên còn giúp học sinh nhà trường đáp ứng được các yêu cầu tổ chức các hoạt động ngoại khóa của các tổ chức chuyên môn, góp phần đa dạng hóa việc sử dụng tiếng Anh trong nhà trường. Học sinh học tiếng Anh tích hợp không chỉ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với học sinh quốc tế mà còn có thể chủ động thực hiện nhiều nội dung khác như dẫn chương trình, giới thiệu về lịch sử văn hóa, hoạt động của nhà trường, tổ chức trò chơi hoàn toàn bằng tiếng Anh", ông Quốc nói.
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng giám đốc EMG Education (đơn vị đồng hành cùng Sở GD-ĐT TP.HCM để triển khai thực hiện Đề án 5695-chương trình tiếng Anh tích hợp tại TP.HCM), cho biết chương trình được thiết kế đảm bảo mục tiêu và chuẩn của chương trình giáo dục Việt Nam và chuẩn Pearson Edexcel của Vương quốc Anh cho các bộ môn toán, tiếng Anh và khoa học. Nhờ vậy, học sinh vừa nắm vững kiến thức theo khung chương trình quốc gia, vừa tiếp cận với kiến thức và kỹ năng theo chuẩn quốc tế, giúp các em phát triển toàn diện và sẵn sàng cho môi trường học tập và làm việc toàn cầu.
Việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, tạo điều kiện để học sinh áp dụng ngôn ngữ này không chỉ trong giờ học tiếng Anh mà còn trong các môn học chính yếu khác. Điều này giúp học sinh phát triển khả năng tư duy bằng tiếng Anh, sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực học thuật. Song song với đó là việc học các môn toán và khoa học bằng tiếng Anh giúp học sinh tiếp cận thuật ngữ, khái niệm chuyên môn và cách diễn đạt mà các chương trình quốc tế thường sử dụng.
Bên cạnh đó, đại diện của EMG Education cho biết, chương trình tổ chức nhiều nội dung học tập qua dự án (project-based learning), các hoạt động STEM, bài tập nhóm, thuyết trình, các dự án làm phim bằng tiếng Anh… giúp học sinh có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh ở bên ngoài giờ học. Từ đó không chỉ nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, nghiên cứu khoa học và các chủ đề học thuật bằng tiếng Anh mà còn rèn luyện khả năng phân tích, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Học sinh được đặt vào môi trường sử dụng ngôn ngữ tích hợp với kiến thức, được thực hành tư duy từ đó ứng dụng tiếng Anh để khám phá và hiểu sâu hơn các kiến thức khoa học và toán học, phát triển khả năng lập luận và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tầm nhìn và quyết tâm dám nghĩ dám làm của TP.HCM
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ghi nhận, biểu dương kết quả của Đề án 5695 mà ngành giáo dục TP.HCM đạt được. Ông Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, Đề án 5695 được thực hiện kịp thời, đúng mục tiêu, thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo TP và quyết tâm dám nghĩ dám làm của Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai cụ thể Nghị quyết 29, chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả này tạo động lực cho việc triển khai hiệu quả việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai ngay sau Kết luận số 91.
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Đề án 5695 thể hiện tính hiệu quả của công tác xã hội hóa. "Nếu không có xã hội hóa thì trên 30.000 học sinh của TP không có cơ hội tiếp cận chương trình chất lượng như vậy; hợp tác công tư phù hợp với xu thế. Đây là kết quả của hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục", Thứ trưởng khẳng định.
Trong đó, Đề án 5695 có nhiều chữ "được": Học sinh được nâng cao phẩm chất toán, khoa học, tiếng Anh, giáo viên được nâng cao trình độ, nhà trường được tăng cường cơ sở vật chất nâng cao chất lương; Học sinh được tự tin giao tiếp trong cuộc sống, đủ tự tin để học các môn học khác; phụ huynh được niềm tin với nhà trường và ngành giáo dục..
Đồng thời ông Thưởng cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm thành công của đề án là: Có sự quan tâm của lãnh đạo TP và các quận, huyện; Sự chủ động tham mưu của lãnh đạo Sở GD-ĐT; Công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai minh bạch về chương trình; Ý nghĩa của hợp tác công tư, tìm được đối tác đủ năng lực; Và quyết định nhất là yếu tố con người, từ những người lãnh đạo cao nhất TP đến quận, huyện và giáo viên.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ ngành giáo dục TP.HCM tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm số trường, số lớp và một số môn học khác ngoài toán và khoa học trong điều kiện có thể để có thể giảng dạy bằng tiếng Anh, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.