Danh sách bài viết

Curcuma Cotuana - Một loài ngải mới được phát hiện tại Tây Giang, Quảng Nam

Cập nhật: 25/12/2017

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái học Miền Nam gần đây vừa phát hiện và mô tả một loài ngải mới thuộc chi Nghệ – Curcuma (thuộc họ gừng – Zingiberaceae).

Ngải là một loại thảo mộc có mang ít nhiều độc tố có nguồn gốc từ thiên nhiên, được các thầy thuốc dân tộc sử dụng trong điều trị những bệnh hiểm nghèo mang yếu tố tâm linh thần bí. Một số thầy cúng trong làng bản sử dụng ngải như một bí quyết riêng có tính chất gia truyền trong gia đình, như một kiến thức bản địa của riêng từng nhóm dân tộc khác nhau.

Loài ngải mới được tìm thấy một cách tình cờ bởi nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái học Miền Nam khi đến thăm một miếu thờ thiêng liêng của người Cơ Tu nằm sâu trong rừng già của huyện Tây Giang, mọc dưới một cây đa cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Lúc đầu người đồng bào Cơ Tu thấy bọn khỉ mẹ trong rừng sau khi sanh thường mang con non đến ăn những củ của loài này, sau đó họ đã mang về nhà trồng và sử dụng như loại thuốc ngải cho phụ nữ trong gia đình. Người dân Cơ Tu rất trân trọng loài cây này vì họ tin rằng loài cây này mang lại may mắn cho dân làng, tránh được nhiều điều xấu có thể xảy ra, cho nên họ thường trồng ở trước cửa nhà. Bên cạnh đó, với tác dụng kháng khuẩn, củ ngải này cũng là một thứ gia vị truyền thống, được kho với thịt gà, dùng cho phụ nữ sau khi sinh, ăn vào sẽ giảm đau rất hiệu quả. Và để kỷ niệm cho sự phát hiện ra một loại thuốc và gia vị đặc biệt này, các tác giả đã lấy tên gọi Cơ Tu để để đặt tên cho loài ngải mới.

loaingaicotumoi.1 loaingaicotumoi.2
 Hình thái cụm Hoa của Curcuma cotuana (Anh: Lưu Hồng Trường)  Bao phấn của Curcuma cotuana

 loaingaicotumoi.3

Loài ngải Cơ Tu thường được trồng trước cửa nhà người đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang, Quảng Nam (Ảnh: Trần Hữu Đăng)

Ngải Cơ Tu thuộc chi phụ Ecomatae của chi Curcuma. Loài ngải này có hình thái gần giống với 3 loài nghệ được mô tả gần đây là Curcuma vitellina, Curcuma rhomba và Curcuma sahuynhensis, nhưng khác biệt ở hình dạng của bao phấn và các đặc điểm của hoa. Củ của loài ngải mới nhỏ hơn so với nghệ nhà, đường kính chỉ khoảng 5 mm và có màu vàng nhạt, mùi the nhẹ.

Phát hiện mới này là kết quả của đề tài “Xây dựng bộ dữ liệu đa dạng sinh học huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam làm cơ sở quy hoạch thành lập khu BTTN Tây Giang, tỉnh Quảng Nam”, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bài báo được chính thức đăng trên tạp chí nghiên cứu chuyên về thực vật Nordic Journal of Botany, vào ngày 17/10/2017: http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/njb.01594/abstract?campaign=woletoc

Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học miền Nam

Nguồn: / 0