Cứ 4 quốc gia thì có 1 quốc gia thừa nhận tình trạng thiếu GV; cứ 3 quốc gia thì có 1 quốc gia ghi nhận nhu cầu cần cải thiện điều kiện làm việc và vị thế của GV…
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nêu dự báo: Đến năm 2045, VN cần bổ sung khoảng 500.000 GV, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp học, tương đương với khoảng 43.000 GV mỗi năm.
Trong khi đó, mạng lưới đào tạo GV có độ bao phủ rộng khắp các vùng và địa phương, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo GV từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, sự phân bổ chưa đồng đều, với sự tập trung của các trường ĐH sư phạm lớn tại các trung tâm KT-XH, trong khi vai trò của các trường CĐ sư phạm ngày càng mờ nhạt. Hầu hết các cơ sở đào tạo GV hoạt động độc lập, thiếu một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu và việc chia sẻ nguồn lực còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả chung của công tác đào tạo trong ngành.
GS Vinh cho rằng cần quy hoạch hệ thống đào tạo GV bằng cách ưu tiên 2 - 3 trường ĐH trọng điểm và 5 - 6 trường ĐH khu vực đảm nhận 70% chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao khả năng đáp ứng và hiệu quả của hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cũng nêu sự quan tâm đặc biệt đến tuyển sinh sư phạm, cần vận hành theo cách nào để thu hút, có nên giao chỉ tiêu cho trường sư phạm theo mô hình của công an, quân đội. Tức là đào tạo theo chỉ tiêu, phân công công việc sau khi ra trường… Tuy nhiên, nếu làm theo mô hình này thì việc đáp ứng theo nhu cầu xã hội sẽ thế nào vì cũng có nhiều người học sư phạm với mục đích làm GV tự do hoặc giáo dục con cái…
TS Li Tingzhou (Trung tâm đào tạo GV, ĐH Sư phạm Thượng Hải, Trung tâm đào tạo cấp độ 2 của UNESCO), nêu thực tế tại Trung Quốc, tình trạng thiếu GV là không đáng kể. Hiện nay, có 226 trường ĐH sư phạm đào tạo GV và gần 2.000 trường ĐH tận dụng thế mạnh chuyên ngành để đào tạo GV tiểu học và trung học. Có khoảng 10 triệu người đăng ký thi tuyển chứng chỉ GV mỗi năm, trong đó có khoảng 500.000 người trở thành GV.