Danh sách bài viết

ĐẠO GIÁO (2): CÁC PHÂN NHÁNH VÀ BIẾN THỂ Ở TRUNG HOA PHONG KIẾN

Cập nhật: 27/12/2017

Quan niệm phổ biến hiện nay cho rằng các học giả có xu hướng Đạo gia là những người theo Đạo giáo. Điều này e rằng không được xác đáng. Các tư tưởng Đạo gia có từ thời Tiên Tần như của Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử… mặc dù có ảnh hưởng lớn đến nhiều tông phái của Đạo giáo, nhưng người ưa thích triết lý vô vi, thích lối sống tiêu diêu tự tại không hẳn đã chấp nhận các yếu tố khác của Đạo giáo như phong thủy, dịch số, chiêm tinh, bùa phép… Thái độ “quy ẩn” do ảnh hưởng từ học thuyết Đạo gia xuất hiện trong tư tưởng của nhiều Nho sĩ với tư tưởng xuất thế. Tôi sẽ quay lại bàn kỹ hơn về tư tưởng xuất thế ở chùm chủ đề về Nho giáo sau khi hoàn thành chùm bài về Đạo giáo. Ở đây, tôi muốn nói rằng các quan điểm về sống theo lẽ tự nhiên, quy ẩn, xuất thế, tiêu diêu tự tại không phải “thương hiệu độc quyền” của Đạo giáo. Đạo giáo chỉ mượn tư tưởng Đạo gia để bồi đắp cho các hệ thống tín ngưỡng dân gian của mình mà thôi. Do vậy, khi tìm hiểu các phân nhánh và biến thể của Đạo giáo, tôi sẽ không đề cập đến các học phái Đạo gia, mà chỉ xem xét Đạo giáo như một tổ chức tín ngưỡng.

Như đã đề cập ở bài Đạo giáo (1): Các nền tảng hình thành , Đạo giáo chỉ thực sự trở nên có hệ thống bởi Ngũ đấu mễ đạo và Thái bình đạo. Trước đó, Phương tiên đạo dù rất có ảnh hưởng nhưng vẫn chỉ dừng ở một trào lưu phương thuật chứ chưa có hệ thống tổ chức. Ngũ đấu mễ đạo và Thái bình đạo sau những biến loạn thời Tam Quốc, đã có nhiều thay đổi trong cách thức hoạt động.

Ảnh hưởng của Thái Bình đạo

Thái Bình Đạo với cái chết của Vu Cát và sự kiện loạn giặc Khăn Vàng bị triệt hạ thì đã dần bị yếu thế. Tuy nhiên, các tín đồ của Thái Bình Đạo vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Ở bài trước, tôi đã nhắc đến các đạo sĩ hiện nay vẫn mặc y phục vàng cùng với gậy chín khúc như ở thời Thái Bình Đạo. Nhiều giáo phái đời sau có liên quan đến các cuộc nổi loạn chính trị như Minh giáo và Bạch Liên giáo đều chịu ảnh hưởng của Thái Bình đạo.

Minh giáo có xuất xứ từ Mani giáo ở Trung Đông. Mani giáo cho rằng những lời giảng của Zarathustra, Jesus và Đức Phật là khiếm khuyết, chỉ lời của đức giáo chủ Mani của họ là đúng đắn. Theo truyền thuyết của Mani giáo, Mani đã nhận được sự khải thị lần đầu vào năm 12 tuổi và một lần nữa vào năm 24 tuổi. Do đó, Mani cho rằng con người sẽ được giải thoát khi khai mở nguồn ánh sáng vốn đã bị che lấp và các giáo đồ phải phục dịch những vị đã được khải thị. Bên cạnh đó, Mani giáo còn có màu sắc mạt thế luận do ảnh hưởng của sách Khải Huyền mà sau này khi du nhập vào Trung Quốc lại tiếp thu thêm hình tượng Phật Di Lặc của Phật giáo có vai trò cứu rỗi trong ngày tận thế. Mani giáo được truyền vào Trung Quốc từ thời Đường cuối thế kỷ thứ 7 cùng với cuốn Nhị Tông Kinh của tôn giáo này. Các học giả Việt Nam, trong đó có Nguyễn Duy Chính đều cho rằng Mani giáo có ảnh hưởng đến Thái Bình đạo và các chi phí Đạo giáo từ trước thời Đường, nhưng chưa chỉ ra được cơ sở chắc chắn cho nhận định ấy. Chỉ biết rằng, khi Mani giáo xuất hiện ở Trường An thì Đạo giáo đã rất phát triển. Vào thế kỷ thứ 8, một trung tâm của Mani giáo đã được xây dựng ở Trường An có tên gọi Hán tự là Đại Vân Quang Minh, cùng với rất nhiều cơ sở khác tại Lạc Dương, Thái Nguyên, Thiệu Hưng, Nam Dương. Đến thế kỷ thứ 9, Mani giáo bị tiêu diệt ở Trung Quốc, 17 nữ tu bị giết ở Trường An, do đó họ bắt đầu cải biến và hoạt động ngoài vòng pháp luật. Mani giáo đổi tên thành Minh giáo và tôn Trương Giác, thủ lĩnh giặc Khăn Vàng của Thái Bình Đạo làm giáo chủ đầu tiên và cúng bái thần Quang Minh hay còn gọi là Quang Minh Phật. Từ đó, Minh giáo bắt đầu kết hợp giữa tín ngưỡng Mani giáo với các tàn dư của Thái Bình Đạo trong Đạo giáo. (1) Nghi vấn lịch sử lớn nhất đến Minh giáo là vấn đề liên quan đến vị vua đứng đầu triều Minh. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có khả năng là tín đồ của Minh giáo. Những người từng đọc “Ỷ thiên đồ long ký” của Kim Dung hẳn đều đã quen thuộc với nghi vấn lịch sử về chữ “Minh”. Không giống với các triều đại khác như Hán, Đường, Tống… đều đặt tên triều đại theo vùng đất khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương đặt tên triều đại của mình là Minh, tương ứng với Minh giáo. Khi mới khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hồng Cân. Cuộc khởi nghĩa mở đầu bằng lời kêu gọi “Di Lặc giáng sinh, Minh vương xuất thế”, nhưng chính Chu Nguyên Chương đã công khai phản bội nghĩa quân và chửi rủa quân Hồng Cân là “yêu khấu”, sai người ám sát các thủ lĩnh khác của cuộc khởi nghĩa (2). Bạch Liên giáo ở thời Thanh sau này cũng bắt chước các tuyên truyền về mạt thế của Minh giáo trong phong trào “Phản Thanh phục Minh”.

Không chỉ dung hợp với Mani giáo để tạo ảnh hưởng về chính trị mà các thuật trị bệnh bằng bùa chú được sử dụng từ thời Phương Tiên giáo cho đến Thái Bình Đạo vẫn rất phổ biến trong dân gian. Bùa do Thái Bình Đạo dùng để trị bệnh là loại bùa nước, từ đó mới phát sinh khái niệm “phù thủy” để gọi các đạo sĩ ở Việt Nam. Các Đạo giáo ảnh hưởng Thái Bình Đạo thường được gọi là Đạo giáo phù thủy, có thiên hướng làm bùa, tổ chức các nghi lễ cầu đảo quỷ thần.

Ảnh hưởng của Ngũ đấu mễ đạo

Ngũ đấu mễ đạo được thành lập bởi Trương Lăng có xu hướng gần với Lão tử và các thuật trường sinh hơn so với Thái Bình đạo. Khi Trương Lăng qua đời, con trai là Trương Lỗ tiếp tục lãnh đạo Ngũ đấu mễ đạo, thành lập 24 giáo khu được gọi là “trị”, lãnh đạo giáo dân trừ bỏ các đền thờ dâm thần, coi trọng thuật dưỡng sinh. Giáo dân quy thuận Trương Lỗ rất đông và chiếm đóng ở Hán Trung 30 năm. Khi Tào Tháo đánh chiếm Hán Trung thì không giết Trương Lỗ mà lại kết thành liên minh, chỉ di dời giáo dân khỏi Hán Trung. (3)

Trương Thịnh, con trai Trương Lỗ, từ chối nhận chức quan của nhà Ngụy do Tào Phi, con trai Tào Thái kiến lập, mà quy ẩn ở Long Hổ Sơn, Giang Tây. Từ đó, Long Hổ Sơn trở thành thánh địa của Đạo giáo. Đây vốn là nơi Trương Lăng khi còn sống đã lập hai đạo quán, đến nay vẫn còn lưu giữ. Do địa vị gắn liền với Đạo giáo của Trương gia, Long Hổ Sơn trở thành một trong bốn ngọn núi thiêng của Trung Quốc. Long Hổ Sơn thuộc khu vực của Đông Ngô trong thời Hán, do đó có khả năng rằng Vu Cát, người sáng lập Thái Bình đạo cũng từng là đệ tử của Ngũ đấu mễ đạo. Ngoài ra, một trong các cuốn kinh điển của Ngũ đấu mễ đạo có tên là  “Thái bình động cực chi kinh”, có thể chính là gốc tính của cái tên “Thái Bình” trong Thái Bình đạo. (3)

Ngũ đấu mễ đạo có địa vị tối quan trọng trong Đạo giáo, có thể coi là nguyên mẫu. Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”, trước tác kinh điển về lý luận văn học Trung Quốc viết: “Trên thì lấy tiêu chuẩn là Lão Tử, dưới nữa là thuật đạo thần tiên, thấp nữa tập theo Trương Lăng” (4) . Khi Ngũ Đấu mễ đạo chuyển về Long Hổ Sơn đã đổi tên là Chính Nhất đạo. Đến đời Nguyên, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã cho phép Thiên sư đời 36 của phái này là Trương Tông Diễn quản lý toàn bộ Đạo giáo ở Giang Nam. Đến đời Thiên sư thứ 38 thì toàn bộ các tông phái Đạo giáo ở Giang Nam đã trở thành một phần của Chính Nhất Đạo. Nhà Minh lật đổ nhà Nguyên, Chính Nhất Đạo còn được đề cao hơn, được quyền thống lĩnh toàn bộ Đạo giáo của Trung Hoa. Chỉ đến thời Thanh, Chính Nhất đạo mới mất đi vị thế và suy yếu dần do không có được sự bảo trợ từ triều đình (5).

Ngũ Đấu mễ đạo đã trải qua hai lần cải cách ở thời Nam Bắc triều (420 – 589) do đạo sĩ Lục Tu Tĩnh và Khấu Khiêm Chi đề xướng trong thế kỷ thứ 5. Khấu Khiêm Chi tu theo tiên đạo, luyện thuật tịch cốc (thuật tu không sử dụng tinh bột) ở núi Hóa Sơn (chúng ta vẫn quen gọi là Hoa Sơn, một trong 5 ngọn của Ngũ Nhạc). Khấu Khiêm Chi tuyên truyền rằng mình được Thái Thượng Lão quân ban cho sách, lại nương vào triều đình Bắc Ngụy của họ Thác Bạt để kêu gọi cải cách Ngũ đấu mễ đạo, từ đó chia ra Nam – Bắc phái, mà đại diện của miền Bắc là Khấu Khiêm Chi (6). Nam phái được cải cách bởi Lục Tư Tĩnh, vốn là một nho sĩ yêu thích tu đạo, là tổ sư đời thứ 7 của Thượng Thanh phái. Lục Tu Tĩnh rất được triều đình nhà Tống ngưỡng vọng cho thấy Thượng Thanh phái có địa vị cao vào thời Tống. Không giống như Khấu Khiêm Chi đặt ra các vấn đề về nghi lễ, Lục Tu Tĩnh đề cao việc trai giới và cho chỉnh đốn kinh điển. (7)

Ở thời Tống, các vua đều sùng tín Đạo giáo. Tống Sử ghi chép nhiều câu chuyện liên quan đến sự ra đời của Tống Chân Tông (968 – 1022) có nhiều màu sắc thần tiên. Khi Tống Chân Tông ra đời, tương truyền ánh sáng đỏ tràn ngập khắp phòng, ở chân có chữ “Thiên”. Trước đó, mẹ ông nằm mơ thấy mặt trời rồi mang thai (8). Dưới thời Tống Chân Tông, các quan vốn được tuyển qua hệ thống Nho học cũng có lối hành xử rất… “mê tín”. Các quan tìm được Thiên Thư (sách trời, Tống Chân Tông đã từng nằm mơ thấy cuốn sách kỳ ảo này) đều được Tống Chân Tông trọng dụng. Ông thường xuyên tổ chức các lễ tế lớn, tự ảo tưởng đang sống trong cảnh thái bình, còn cho xây cung Chiêu Ứng rất hoành tráng để thờ cúng Thiên Thư, dù lúc bấy giờ ở nước Tống thiên tai triền miên khiến người dân rất đói khổ. Cũng bắt đầu thời Tống Chân Tông, địa vị Ngọc Hoàng được đề cao và tôn xưng là chúa tể của Thiên đình (9). Những sự kiện dưới thời Tống Chân Tông cho thấy ảnh hưởng của Đạo giáo rất sâu đậm, kết hợp với quan niệm cổ xưa về thiên mệnh được Nho giáo lưu giữ, đã tạo nên một không khí hoang đường bao trùm triều đại này.

Toàn Chân Đạo, hướng tới tu đạo chân chính

Toàn Chân giáo do Vương Trùng Dương lập vào đầu đời Kim (thế kỷ 12). Toàn Chân giáo khó có thể nói là thừa hưởng giáo lý và cách thức của Ngũ Đấu Mễ Đạo hay Thái Bình Đạo. Vương Trùng Dương khi lập phái không có xu hướng mở rộng giáo phái của mình mà chủ yếu muốn tuyển chọn những người có căn cơ. Ông quản lý giáo phái rất nghiêm, chỉ giữ lại bảy đệ tử xuất sắc nhất, tạo thành Toàn Chân Thất Tử. (10) Vương Trùng Dương và Toàn Chân Thất Tử đều được nhắc đến trong các tác phẩm “Võ Lâm ngũ bá”, “Anh hùng xạ điêu”, Thần điêu hiệp lữ” của Kim Dung.

Vương Trùng Dương dựng Toàn Chân Am ở trong nhà của đại đệ tử Mã Ngọc, đó chính là khởi đầu của tên gọi Toàn Chân Đạo. Vương Trùng Dương dạy tín đồ học theo “Đạo Đức Kinh”, “Hiếu Kinh”, “Bát Nhã tâm kinh”, cho thấy sự dung hợp giữa Nho – Phật – Lão trong Toàn Chân Đạo. Chủ trương tu hành của Toàn Chân Đạo đó là hướng tới thoát ly khỏi vòng sinh tử, khá tương đồng với Phật giáo. Năm 1169, Vương Trùng Dương “thành tiên” (không rõ là có chết hay không), giao lại giáo phái cho Mã Ngọc thừa kế truyền đạo. Khi Mã Ngọc tổ chức truyền đạo ở Quan Trung thì xảy ra mâu thuẫn với quan lại vùng này, nên ông giao lại nhiệm vụ cho Khâu Xứ Cơ rồi quy ẩn(10). Mã Ngọc cũng để lại nhiều trước tác quan trọng cho Toàn Chân đạo. Khâu Xứ Cơ trên thực tế không giống với nhân vật nóng nảy trong tiểu thuyết Kim Dung. Khâu Xứ Cơ rất được nhà Kim coi trọng, sau đó ông còn nhận lời mời của Thành Cát Tư Hãn đến tận Tuyết Sơn ở Tây Vực để gặp mặt và được tiếp đón long trọng. Toàn Chân Đạo từ đó bước vào giai đoạn hưng thịnh nhưng cũng từ đó chia nhỏ thành nhiều phái khác nhau.

Qua đạo truyền của Khâu Xứ Cơ, ta càng khẳng định rằng Toàn Chân Đạo là một sự ly khai khỏi xu hướng Đạo giáo theo mô hình của Ngũ đấu mễ đạo và Thái Bình đạo. Cũng giống như Vương Trùng Dương, Khâu Xứ Cơ có tư tưởng xuất thế thoát tục: “Người ta ở đời suốt ngày tranh danh đoạt lợi, tham vợ yêu con, vạn nhất sự Vô thường đến, muôn việc thành không. Người cho rằng việc đời đều là thật, còn ta coi nó như sương sớm mây nổi”. Khâu Xứ Cơ khi truyền đạo, đề xướng tam giáo hợp nhất, bỏ thuật luyện ngoại đan và phù thủy cũ, thực hành “tính mệnh song tu”, tức là trước thì luyện Tính, sau tu luyện Mệnh (luyện nội đan Tinh – Khí – Thần). Dưới thời Khâu Xứ Cơ, Toàn Chân Đạo đạt địa vị ngang ngửa với Chính Nhất đạo. (11)

Tương truyền, Vương Trùng Dương thời đang tu luyện đã có cơ duyên gặp hóa thân của Lã Động Tân và Chung Ly Quyền  và được truyền đạo. Sự xuất hiện của Lã Động Tân và Chung Ly Quyền trong truyền thuyết của Toàn Chân Đạo rất khác so với việc gặp Thái Thượng Lão Quân của Trương Lăng. Hai vị tiên này đều là những người đi ra từ cõi tục, hướng tới giải thoát, nên có thân phận tương đồng với Vương Trùng Dương. Sau đó, ông tới núi Chung Nam ở Thiểm Tây, dựng một thảo am, đào mộ huyệt, tự gọi nơi ấy là Hoạt tử nhân mộ, nghĩa là mộ của người chết còn sống. Trước mộ còn ghi “Vương hại phong linh vị” ý muốn nói đây là mộ của mình. Xây dựng mộ huyệt cho mình khi còn sống là một thái độ gần với Phật giáo, thể hiện ý nguyện đoạn tuyệt với thế tục. Hiện nay, tổ đình của phái Toàn Chân ở núi Chung Nam rất bề thế và được gọi là Toàn Chân Cung. (12)

Phái Toàn Chân duy trì thế đối trọng với Chính Nhất Đạo tức Ngũ đấu mễ đạo cho tới khi Trương Tam Phong chủ trương dung hợp hai Đạo phái này. Chính bởi sự dung hợp ấy mà sự khác biệt giữa Toàn Chân Đạo và Chính Nhất Đạo không còn nữa. Năm sinh và năm mất của Trương Tam Phong không rõ, chỉ biết rằng các vua đầu nhà Minh rất trọng vọng ông và tìm cách gặp ông mà không thành. Minh Thế Tổ Chu Nguyên Chương nhiều lần cho người đi tìm ông, Minh Thành Tổng tuy chưa gặp nhưng trong chiếu chỉ vẫn gọi ông là “lão sư”. Trương Tam Phong càng thể hiện ý nguyện sống cuộc đời tiêu diêu tự tại, còn thoát khỏi sự ràng buộc của giới luật. Tinh thần này phản ánh trong bài thơ của ông:

“Khoái khoái khoái, hồng trần ngoại

Nhàn nhàn nhàn, bạch vân gian

Diệu diệu diệu, tùng nhai nhất thanh khiếu

Lai lai lai, bồng lai đảo hoa khai”

Nghĩa là:

“Mau mau mau, ra ngoài bụi trần

Nhàn nhàn nhàn, giữa vùng trắng mây

Diệu diệu diệu, hú một tiếng ven bờ ùng

Đến đến đến, đảo Bồng Lai hoa nở rộ” (13)

Trương Tam Phong là người sáng lập ra Nội gia quyền, rất có ảnh hưởng với Võ học Trung Quốc,  vậy nên Võ Đang (nơi ông tu luyện) trở thành thánh địa của người luyện võ và tu đạo. Trương Tam Phong cũng là đại diện tiêu biểu nhất của ảnh hưởng Đạo giáo trong võ học. Truyền thống này có thể có từ Vương Trùng Dương và Toàn Chân Thất Tử vì Vương Trùng Dương được mô tả là người văn võ toàn tài từ thời ông chưa học đạo. Tuy nhiên, do không có tư liệu nào ghi chép mối liên hệ trực tiếp của Vương Trùng Dương với võ học cũng như không có sự tích nào kể về khả năng võ thuật của ông nên chúng ta có thể tạm coi Trương Tam Phong là người mở đầu cho xu hướng đưa Đạo giáo vào võ học.

Từ Vương Trùng Dương đến Trương Tam Phong, Đạo giáo bắt đầu có xu hướng quay trở về với Đạo gia. Trong giai đoạn này, những Đạo sĩ độc lập hướng tới tu luyện chân chính, không thờ quỷ thần, tri thức uyên bác có địa vị trong xã hội hơn hẳn so với các phái Đạo giáo phù thủy. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, xu hướng thờ quỷ thần lại dần dần chiếm ưu thế tại Trung Quốc. Tính đến nay, Đạo giáo chính thức đã được chia thành 14 đạo, 16 phái, 7 tông, 1 giáo (Huyền giáo). Khi vào Việt Nam, Đạo giáo còn có nhiều biến thể khác, kết hợp với tín ngưỡng cổ bản địa. Chi tiết về sự biến thể này sẽ có ở bài Đạo giáo (3): Tiến trình du nhập và phát triển tại Việt Nam. 

Hà Thủy Nguyên

CHÚ THÍCH:

(1) Thông tin về Minh giáo: http://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/doc-sach-truc-tuyen-doc-kim-dung-tim-hieu-van-hoa-trung-quoc-b3557/chuong-6-minh-giao-ti6

(2) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 60)

(3) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 393)

(4) Nguyễn Tôn Nhan dịch

(5) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 390)

(6) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 395)

(7) https://religion.moi.gov.tw/Knowledge/Content?ci=2&cid=378

(8) Tống sử, quyển 6

(9) Jonathan D. Spence. God’s Chinese Son. New York, 1996 ( tr 42)

(10) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 396)

(11) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 414)

(12) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 438)

(13) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 434)

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...