Danh sách bài viết

Đạo Phật có đơn thuần là tôn giáo không?

Cập nhật: 29/12/2017

B. Alan Wallace

 

Việc xem đạo Phật có phải là “tôn giáo” không đương nhiên tùy thuộc vào định nghĩa của chúng ta cho từ này.

Theo nhà tôn giáo học Van Harvey thì chúng ta gọi một hệ gồm các đức tin cùng với phép thực hành là một tôn giáo khi mối quan tâm chủ đạo của nó là về những yếu tố cơ bản và phổ quát của nhân sinh, trong đó các yếu tố này nảy sinh do mong ước có tự do và cuộc sống đích thực  của nhân loại. (Harvey 1981: chương 8).

Nếu định nghĩa tôn giáo là như thế thì đạo Phật quả thực có thể được coi là một tôn giáo. Mặt khác nếu xét theo định nghĩa về tôn giáo của Edward Wilson (Tôn giáo là một tập hợp những câu chuyện huyền hoặc về nguồn gốc và định mệnh con người, cũng như lý do buộc họ phải tuân theo nghi lễ hay thánh điển) thì đạo Phật không hội đủ tiêu chí để được xem là một tôn giáo.

Cốt lõi của đạo Phật là Bốn Chân Lí Màu Nhiệm (Tứ Diệu Đế): chân lí về khổ đau, chân lí về nguồn gốc khổ đau, chân lí về diệt khổ, và chân lí về con đường diệt khổ.

Nghĩa là đạo Phật có rất ít những gì như Wilson quan niệm về tôn giáo.

Những giả định và suy đoán của Wilson về tôn giáo được trình bày trong quyển Consilience của ông rõ ràng phần lớn dựa vào truyền thống Cơ Đốc giáo trong khi lại bỏ qua nhiều đặc tính của nhiều truyền thống tâm linh khác trên khắp thế giới.

Nếu biết là ngày nay ngôn ngữ phương Tây đã có được một lượng thông tin dồi dào về tất cả các truyền thống tâm linh lớn trên thế giới thì sự sơ suất này hơi vô lí.

Nhưng thật không may là cái kiểu vị chủng tộc (ethnocentricity) này là khá phổ biến kể cả trong giới nghiên cứu học thuật về tôn giáo hiện nay. Nhà tôn giáo học Richard King đã chỉ ra thói quen cố hữu của các học giả Đông Phương học ở phương Tây là mang những giả định về bản chất tôn giáo của Cơ Đốc giáo gán cho đạo Phật.

Giới Phật học hàn lâm có thói quen xem Phật tử châu Á như là “nguồn thông tin bản địa” (native informant). Ông viết:

Giới Phật học hàn lâm cho là giới Phật tử châu Á chỉ đóng vai trò phụ so với việc thu thập nhận thức từ chuyện nghiên cứu cẩn trọng kinh điển của các nhà Phật học cổ. Việc nghiên cứu này cũng được xem là cách hiệu quả nhất nhằm lĩnh hội được tinh hoa đúng nghĩa của đạo Phật.

Hệ quả của xu hướng trên là “đạo Phật nguyên dạng” (pure Buddhism) lại không nằm ở cuộc sống, ở trải nghiệm và hành trì của các Phật tử tại châu Á mà lại nằm trong văn khố hay trong các thư viện đại học châu Âu, nhất là trong những văn bản hay bản dịch được biên tập bằng sự nâng đỡ của các học giả Đông Phương học người phương Tây. (King 1999: 150)

Để hiểu được đạo Phật theo đúng nghĩa của từ này, điều cấp thiết là người phương Tây chúng ta phải nhận ra đặc thù văn hóa của minh chứa trong các thuật ngữ religion (tôn giáo), philosophy (triết học) và science (khoa học), và trước tiên đừng cho rằng đạo Phật sẽ thích hợp với những loại hình ngôn ngữ cũng như ‎ý thức hệ của chúng ta theo một cách nào đó.

Dễ thấy là đạo Phật chứa những thành tố tâm linh uyên thâm như Harvey đã phác họa, đồng thời chứa một nền tảng triết lí cũng như luận lí vững chắc ngay từ khởi thủy. Đạo Phật ngay ban đầu còn có một nền tảng quan trọng nhất là đề tài cho quyển sách này, đó là việc đưa ra nhiều phương pháp nghiêm ngặt để khám phá bằng trải nghiệm thực các hiện tượng cá nhân và phi cá nhân đã làm nên thế giới tự nhiên.

Những phương pháp này, mà hầu hết đều được gọi bằng một thuật ngữ tiếng Anh là meditation (thiền định), thường đòi hỏi sự quan sát cẩn trọng dựa trên những chiêm nghiệm một cách sáng suốt.

Nói ngắn gọn là, một số thành tố trong Phật pháp và hành trì đạo Phật đáng được coi là có tính khoa học. Nhưng nói thẳng ra, lối xếp loại đạo Phật như là một tôn giáo cho dù theo đặc tính khoa học hay triết lí là hoàn toàn thiếu sót.

Những kiểu độc đoán tư tưởng như thế hiện diện thường xuyên trong các tác phẩm của giới Phật học phương Tây cho đến ngày nay.

Chẳng hạn nhà Phật học Luis Gómez mô tả giáo lí đạo Phật đơn thuần là một dạng “ý thức hệ tôn giáo” (religious ideology)  trái ngược với bất kì loại hình suy luận chung nào dựa trên lí tính. (Gómez 1999: 369)

Từ những kinh điển ghi lại lời dạy của Đức Phật, từ lịch sử phong phú của phép biện chứng trong đạo Phật cũng như quá trình tranh luận chi li một cách công khai tại Ấn Độ hay Tây Tạng, rất dễ thấy nhiều luận thuyết đạo Phật biểu đạt phép suy luận dựa trên lí tính. Nên quan điểm  những ai không chứa tinh thần tâm linh mới có độc quyền về suy lí như trên là hoàn toàn không vững.

Hơn thế, người Phật tử đã có truyền thống lâu đời trong việc chiêm nghiệm về tinh thần, diễn giải chức năng của tinh thần bằng mô tả lí tính, đối trị với phiền não và phát triển hoạt động tinh thần theo hướng lành mạnh.

Gómez biểu lộ sự lúng túng khi đương đầu với thuật ngữ Tâm lí học đạo Phật, và ông xem thuật ngữ này không có gì khác với cụm từ Hóa học Cơ Đốc giáo. Bằng việc đưa ra điểm tương đồng sai lạc giữa tâm lí học đạo Phật và hóa học Cơ Đốc giáo, ông đã lờ đi một lượng lớn các chuyên luận hay sách vở đang tăng nhanh viết về tâm lí học đạo Phật cùng tương quan của nó với tâm lí học hiện đại do giới tâm lí học cũng như Phật học thực hiện.

Mặt khác không có ai bàn bạc nghiêm túc chuyện có hay không cái gọi là Hóa học Cơ Đốc giáo. Lí luận của Gómez có vẻ là, do Phật tử thiếu công cụ cùng phương pháp của ngành tâm lí học phương Tây hiện đại nên bất kể họ đã nghiên cứu về tinh thần bằng cách nào, bất kể họ kết luận ra sao thì cũng không được coi là thuộc ngành tâm lí.

Kiểu lập luận như vậy cũng được dùng để loại trừ triết học đạo Phật ra khỏi các khoa triết tại hầu hết chốn hàn lâm châu Âu hay Hoa Kì: nếu người Phật tử không triết lí theo quy tắc giống với triết gia phương Tây thì họ chẳng có tí triết lí nào cả.

Nhưng nếu chúng ta cần phải tuân theo suy luận theo kiểu này thì về mặt phản chứng (nguyên bản: ad absurdum), bởi trong đạo Phật không tồn tại bất cứ khái niệm nào về một Đấng sáng thế cai quản toàn vũ trụ, trừng phạt kẻ nghịch và ban thưởng người thuận như những tôn giáo nguyên nghĩa chẳng hạn Cơ Đốc giáo, thì đạo Phật không thể được xem là tôn giáo. Vậy nên kiểu lập luận về đạo Phật như trên chẳng đi đến một kết quả nào.

Sự thật là đạo Phật không phù hợp với bất cứ sự phân loại nào của chúng ta, dù là tôn giáo, triết học, hay khoa học. Bởi lí do đơn giản là đạo Phật không xuất phát từ phương Tây là nơi mà những khái niệm về tôn giáo, triết học hay khoa học nảy sinh và phát triển.

Đạo Phật đưa ra một cái gì đó tươi mới và trong chừng mực nào đó là những thứ chưa có tiền lệ trong văn minh phương Tây của chúng ta. Đóng góp chính của đạo Phật là những phương pháp đa dạng để khám phá nội tâm, biến đổi nội tâm bằng chứng nghiệm đột khởi. Vậy mà nhiều học giả tôn giáo kể cả giới Phật học đã cho thấy sự thiếu sót khi tưởng là truyền thống đạo Phật dường như chỉ khai triển vài dạng hiểu biết vốn đã được triển khai từ trước ở phương Tây rồi.

Ví như Gómez xem thiền định trong đạo Phật là một loại “hành vi có tính lễ nghi” được “lập lại” với hi vọng rằng “tuân theo” sự sắp xếp đó sẽ chuyển hóa người này người kia một cách có ích (368). Nhà Phật học Roger R. Jackson cũng xem thiền định đạo Phật tương tự như thế, là một hành động lễ nghi (Jackson 1999: 231).

Đúng là mô tả như trên phù hợp với vài loại hình thiền định đạo Phật, nhưng họ đã lầm nếu nói như vậy về hành trì thiền quán (Samatha) và quán sát (Vipasyana) vốn là hai dạng thiền định chính trong đạo Phật. Phương pháp thiền quán đòi hỏi sự trau dồi tính quân bình và thông tuệ một cách nghiêm ngặt, là cách thức liên quan mật thiết tới thuyết tâm lí của William James về sự chú tâm (1998, 1999a).

Còn kĩ thuật phong phú của đạo Phật trong việc trau dồi khả năng quán sát dựa vào việc ưu tiên thực tập thanh lọc tâm, cũng liên hệ nhiều với lí thuyết hiện đại về tâm lí học nhận thức và clinical psychology (tâm lí học chẩn trị?).

Cái mà nhiều nhà Phật học hay làm là nhét đạo Phật vào một loại hình quen thuộc nào đấy, như là “tôn giáo” hay “triết học”, mà lại không nhận rõ được đạo Phật vốn không phù hợp với bất cứ phân loại nào của người phương Tây chúng ta.

Xếp loại đạo Phật một cách thoải mái như trên mà lại không nảy sinh thách thức nào với quan niệm đã có về tôn giáo, triết học hay khoa học, những nhà Phật học này chế ra một lớp người khởi xướng cách nhìn riêng cho đạo Phật vốn sẵn truyền thống lâu đời: là một lớp học giả dùng thời gian để đọc sách của người khác, và tự mình viết sách để nói về tác phẩm của người khác.

Trong khi nhiều nhà Phật học hiện thời được coi trọng với tư cách Phật học gia chuyên nghiệp thì chỉ một ít  trong số này tự coi mình hay được coi là thiền giả kì cựu trong lòng đạo Phật. Sự mâu thuẫn giữa một bên là tính chuyên nghiệp trong học thuật và bên kia là sự thiếu trải nghiệm thiền định cho thấy khuynh hướng rõ rệt tồn tại trong giới Phật học hàn lâm thời nay (Wallace 1999b).

Một minh chứng rành rành cho khuynh hướng trên nằm trong tác phẩm của nhà tôn giáo học Paul Griffiths. Trong nhiều ấn phẩm lớn bàn về bản chất và mục đích thiền định đạo Phật,  Griffiths thật thà thừa nhận là theo phương pháp luận của chính mình thì ông thậm chí chẳng hề đề cập tới việc có hay không những bậc đạo sư có khả năng đạt đến trạng thái “diệt tận định” (nirodhasamapatti) vốn là mục đích tiên quyết trong hành trì thiền định.

Dựa theo phân tích về văn bản học của mình, ông kết luận diệt tận định là “một loại hôn mê sâu nhưng vẫn giữ tư thế (profound cataleptic trance), là một dạng tình trạng biểu hiện ở những bệnh nhân loạn thần kinh (psychotic patient) hay bệnh nhân hôn mê sâu kéo dài (long-term coma patient)” (Griffiths 1986: 11).

Khi đưa ra kết luận như vậy, ông không suy xét tại sao thiền giả đạo Phật phải trải qua nhiều năm trau dồi về triết học (Wallace 1980), về nguyên tắc đạo đức, thanh lọc tâm, về suy luận dựa trên thực chứng và thiền định, chỉ để đạt được một trạng thái mà có thể làm được không khó khăn mấy bằng một dụng cụ gõ nhanh vào đầu một cách liên tục, trực tiếp. (Chú của Kan: có lẽ tác giả đang nói về chuyện sư Lâm Tế hay dùng gậy đánh để khai ngộ cho học trò).

Đây là một lối kết luận vô lí bắt nguồn từ cách tiếp cận của giới học giả Đông phương học, đã được nhiều Phật học gia sử dụng ngay từ thời sơ khởi của ngành này trong giới học thuật ở phương Tây (Almond 1988; Wallace 1999c). Điều kì quặc nhất là cách tiếp cận kiểu này được những người cổ súy cho nó xem là có tính khoa học. Ngược lại là đằng khác, khoa học hiện đại được coi là lực lượng chống lại cái kiểu suy luận phi lí, giáo điều và ngụy học thuật như trên.

Bỏ qua tính phi khoa học tồn tại phổ biến trong giới hàn lâm nghiên cứu Phật học ở phương Tây, thì câu hỏi còn lại là những yếu tố nào của đạo Phật có thể được coi là có tính khoa học, theo một nghĩa nào đó cho thuật ngữ này. Wilson đã mô tả chính xác khoa học là “công việc thu thập tri thức về thế giới có hệ thống, có tổ chức và cô đọng tri thức thành nguyên lí và định luật kiểm chứng được”.

Công việc này có chủ đích liên hệ tới mạng lưới nguyên nhân và hệ quả qua suốt các giai tầng sát nhau trong một cấu trúc (adjacent levels of organization). Nó được định hình dựa trên kinh nghiệm luận (empiricism) theo hướng đối lập rõ ràng với tiên nghiệm luận (transcendentalism) vốn thuộc phần cốt lõi của rất nhiều triết học hay thần học.

Trở về với nền tảng cốt lõi của Phật pháp và hành trì phật Pháp – đó là bản chất khổ đau, nguồn gốc gây nên khổ đau, triển vọng đạt tới tự do và nguyên tắc đạt được sự tự do ấy – chúng ta thấy rằng đạo Phật cũng chủ đích liên hệ tới yếu tố nhân quả bên trọng trải nghiệm của con người.

Theo nghĩa này thì đạo Phật là một dạng tự nhiên luận (naturalism) chứ không phải tiên nghiệm luận. Đạo Phật, giống như khoa học, là một thực thể bao gồm những tri thức có hệ thống về thế giới tự nhiên, đặt ra một chuỗi đa dạng nhiều giả định và lí thuyết có thể kiểm chứng về bản chất tinh thần cùng quan hệ của nó với môi trường vật chất.

Những lí thuyết này coi như đã được kiểm chứng và chứng nghiệm thực tế rất nhiều lần suốt hai ngàn năm trăm năm nay bằng những phương pháp thiền định tái lập được (Wallace 2000: 103 – 118). Cũng theo nghĩa này thì đạo Phật là một dạng duy nghiệm luận hơn là tiên nghiệm luận.

Dù vậy cũng không phủ nhận trong giới Phật tử có đa dạng quan điểm về bản chất tự nhiên, về ý nghĩa của từng dạng quán chiếu thiền định. Cũng như trong lịch sử khoa học thì qua mỗi thế hệ, những lí thuyết và khám phá khoa học được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau.

Điểm khác biệt chính giữa khoa học và đạo Phật đó là, khoa học gia loại trừ kinh nghiệm chủ quan khỏi thế giới tự nhiên và cho rằng kết cục có tính nhân quả chỉ áp dụng cho hiện tượng vật chất. Đạo Phật trái lại, coi hiện tượng chủ quan thuộc tinh thần ít nhất cũng có vai trò nghiêm túc tương đương với hiện tượng khách quan của vật chất, và đưa ra một lớp các mối liên hệ nhân quả tương thuộc giữa hai loại hiện tượng đó.

Lấy ví dụ cụ thể. Đạo Phật cung cấp nhiều phương tiện nghiêm ngặt để nghiên cứu nguyên nhân cần và đủ (necessary and sufficient causes) của khổ đau hay hạnh phúc hơn, so với ngành tâm lí học hiện đại là nhiều hơn hẳn. Đạo Phật không chỉ đối trị đối trị với khổ đau đã xảy ra mà còn nhận diện, đối trị khi chúng chưa hình thành.

Hiện tượng có điều kiện (conditioned phenomena) sinh ra do nhiều nguyên nhân, mà nền tảng trọng tâm của đạo Phật là nhận diện nguyên nhân bên trong của nỗi khổ niềm vui, bởi chúng được coi là quan trọng hơn nhiều so với nguyên nhân bên ngoài hay nguyên nhân vật chất.

Có lẽ đây là mặt có tính khoa học hơn cả trong đạo Phật, đề cập đến nhiều chủ điểm trong phạm vi trải nghiệm cùng suy nghĩ của con người là cái mà khoa học hiện đại thường bỏ qua. Chắc chắn là kết luận rằng con người thiên về sự không thỏa mãn đơn giản bởi đó là “bản chất con người”, là phi khoa học. Vậy mà đây lại là giả định phổ biến trong tâm lí học hiện đại!

Quan niệm đạo Phật về bản chất tinh thần hay trí tuệ (consciousness) là những phát kiến chân thực hiểu theo nghĩa khoa học cho thuật ngữ này: chúng có thể được lập lại bởi nhà nghiên cứu nào rành rẽ những huấn thị thiết yếu. Nhưng cách thức được viện dẫn để tạo ra những phát kiến trên có chặt chẽ hay không?

Chúng đương nhiên là không định lượng, cũng chẳng dẫn đến một công thức toán học nào cả. Phải thấy rằng tiêu chuẩn về tính chặt chẽ trong một lĩnh vực chẳng hạn khám phá các quá trình vật chất khách quan, thì lại trở nên thừa thãi hoặc không hữu dụng trong ngành khác chẳng hạn như việc khám phá kinh nghiệm chủ quan và liên hệ của nó tới môi trường xung quanh.

Một phương pháp được xem là chặt chẽ hay không còn tùy thuộc vào mục đích hướng tới là cái gì. Trong vài ngữ cảnh thì việc đo lường định lượng chính xác là thiết yếu để có được quan sát chính xác, nhưng trong bối cảnh khác thì lại chẳng phù hợp hay không thể làm được. Khi đó cần có những tiêu chuẩn mới về tính xác thực cho phù hợp với mục đích lí trí và thực tiễn (epistemic and pragmatic goals) của nghiên cứu.

Người ta hay nói về điểm khác biệt chủ yếu nhất giữa khoa học và truyền thống thiền định là, khoa học thì kế thừa một tri thức chung của nhân loại trong khi trải nghiệm thiền định chỉ có tính cá nhân và không thể chia sẻ được. Như Edward Wilson đã chỉ ra “Tính khắt khe trong cộng đồng khoa học là ở chỗ một phát kiến sẽ không tồn tại cho đến khi nào nó được thẩm tra và công bố”.

Điều ông nói hiển nhiên có nghĩa là một phát kiến sẽ không được cộng đồng khoa học chấp nhận cho đến khi nào nó được công bố và thẩm định. Sự quả quyết hợp lí như vậy cũng không bác bỏ được thực tế rõ ràng là một phát kiến chân xác đương nhiên phải có trước việc công bố nó. Và ngay cả khi nó đã được công bố thì cũng chỉ có một nhóm nhỏ các chuyên gia trong chuyên ngành đó mới thẩm định được.

Các nhà khoa học ngành khác cũng như công chúng thừa nhận phát kiến trên là dựa trên niềm tin họ dành cho các chuyên gia này. Tình huống vừa rồi không khác mấy với phát kiến trong thiền định đạo Phật. Phát kiến do vị hành giả tìm ra bằng kinh nghiệm đột khởi, sau đó được thuật lại bằng lời hay bằng văn bản.

Lời dạy của vị thiền sư sẽ được thiền sinh thẩm định lại, có thể bằng cách tranh luận về tính đúng đắn của phát kiến đã nêu. Còn những phê phán của những ai không phải là thiền giả đích thực thì cũng chẳng khác mấy người không phải khoa học gia lại phê phán về lí thuyết khoa học.

Việc khẳng định đạo Phật có yếu tố khoa học không có nghĩa là gạt đi những yếu tố tâm linh rất rõ trong truyền thống này. Giống như Stephen Jay Gould đã nói về tôn giáo như trên, đạo Phật đề cập rất nhiều đến mục đích, ý nghĩa, giá trị của nhân sinh.

Mặt khác tương tự khoa học, đạo Phật còn liên quan đến việc tìm hiểu lĩnh vực thuộc trải nghiệm tinh thần cũng như cảm xúc. Đạo Phật cũng đề cập đến vấn đề vũ trụ được cấu thành bởi cái gì và vận hành ra sao theo cả góc độ chủ quan lẫn khách quan.

Còn theo diễn giải của Langdon Gilkey về tôn giáo thì đạo Phật đúng là cũng đề cập tới vấn đề về mục đích ý  nghĩa cuộc đời, về nguồn gốc tối hậu cũng như số phận của chúng ta, về trải nghiệm của đời sống nội tâm.

Nhưng chỉ có bấy nhiêu yếu tố thì không thể đơn thuần xếp loại đạo Phật theo nghĩa tôn giáo hay khoa học gì cả. Muốn tìm hiểu về đạo Phật chúng ta cần bỏ bớt những quan niệm quen thuộc đã bám chặt lấy mình, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận đôi điều khác biệt tận gốc rễ có thể thách thức những quan niệm sâu xa nhất của chúng ta.

Kan (dịch)

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...