Danh sách bài viết

Đến với sinh hoạt Trống quân vùng đất Tổ

Cập nhật: 27/12/2017

PHẠM MINH HƯƠNG

Tác giả bài viết đã đề cập đến những điểm khác biệt về diễn xướng, lời ca, âm nhạc và
các lề lối sinh hoạt Trống 
quân hiện còn ở tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh những điểm tương
đồng với các loại hình Trống quân ở các vùng khác, Trống quân ở Phú Thọ còn hình 
thành những đặc trưng riêng, có nguồn gốc từ đời sống văn hóa của cư 
dân vùng
đất Văn Lang, Âu Lạc cách nay nhiều ngàn năm lịch sử.

Từ khóa:Phạm Minh Hương, Nhạc cổ, Trống quân

“Đất Tổ” là tên gọi mà các soạn giả cuốn Địa chí Vĩnh Phú - Văn hóa dân gian vùng đất Tổ[1]đã sử dụng để chỉ vùng đất Vĩnh Phú trước kia (nay thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) dựa vào những đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội của nó. Nằm ở vị trí hợp lưu của ba con sông: sông Đà, sông Thao và sông Lô, vùng đất này được chọn là trung tâm của nước Văn Lang xưa, nơi hàng ngàn năm trước các vua Hùng đã đóng đô dựng nước, và kể từ đó nó đã trở thành “chứng nhân” cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ là “vùng đất Tổ”, nơi này còn là “vùng đất cổ” với niên đại địa chất tồn tại từ cách đây khoảng trên 1.200 triệu năm và di chỉ khảo cổ học cho thấy có hàng chục thị tộc nguyên thủy đã sinh sống trên vùng đất này từ cách đây hơn một vạn năm. Và như thế, bề dày lịch sử của vùng đất Tổ không phải chỉ bắt đầu từ thời đại các vua Hùng dựng nước mà còn xa xưa hơn nữa với những vết tích cư trú lâu đời của con người nguyên thủy.

Từng bước đi của lịch sử đã được phản ánh và để lại những dấu ấn đậm nét trong các sinh hoạt văn hóa dân gian nơi đây. Có thể kể ra một số sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm sắc thái của văn hóa thời kỳ Văn Lang-Âu Lạc như trò cướp kén ở Dị Nậu, hội Trò trám tế Nõ nường ở Đức Bác, trò múa Tùng Dí ở Chu Hóa, múa “gà phủ” ở Phú Lộc…[2]

Về âm nhạc dân gian, ngoài hai thể loại âm nhạc đặc sắc và độc đáo là Hát Xoan và hát Ghẹo, vùng đất này còn có những thể loại âm nhạc tương tự như những nơi khác như hát Ví, Đúm, Xẩm, Ca trù… của người Kinh; Xường của dân tộc Mường; Sịnh ca, Vèo ca  của dân tộc Cao Lan; Soọng cô của dân tộc Sán Dìu…; nhưng chúng đều mang một sắc thái địa phương riêng. Trống quân cũng là một thể loại trong số đó. Bài viết này sẽ tìm hiểu về một số sinh hoạt Trống quân ở vùng đất Tổ.

 1.  Vài nét phác thảo về Trống quân ở vùng đất Tổ

Trước đây, Trống quân là một hình thức sinh hoạt văn hóa âm nhạc dân gian phổ biến ở nhiều địa phương khác nhau thuộc vùng đất Tổ.

Dựa theo mục đích diễn xướng, có thể chia các loại hình Trống quân nơi đây[3] thành hai nhóm chính:

 1.1.    Nhóm các loại hình Trống quân mang mục đích tín ngưỡng

Thuộc nhóm này, có Trống quân ở làng Đức Bác, xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và Trống quân ở làng Hữu Bổ, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Mặc dù cùng gắn với mục đích thờ cúng, nhưng diện mạo sinh hoạt của Trống quân ở hai địa phương này có nhiều nét khác nhau.

* Trống quân ở làng Đức Bác, xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là Trống quân Đức Bác)

 Sinh hoạt hát Trống quân nơi đây gắn liền với Lễ Khai xuân cầu đinh của làng diễn ra từ mồng 1 đến mồng 3 tháng Hai âm lịch tại đền Thượng- nơi thờ Đức Thánh Mẫu, với mục đích cầu cho thiên nhiên thuận hòa, mùa màng tốt tươi, nhân đa vật thịnh, các gia đình sinh được đông con nhiều cháu. Cuộc hát Trống quân là sinh hoạt nghệ thuật mở đầu cho lễ hội, diễn ra song song với nghi thức tế lễ được thực hiện tại đền Thượng vào buổi chiều ngày đầu tiên. Ngoài hát Trống quân, trong lễ hội còn có hát Xoan, hát Đúm.

Không giống với các loại hình Trống quân khác, thành phần tham gia diễn xướng Trống quân Đức Bác được giới hạn cố định gồm các chàng trai làng Đức Bác và các đào Xoan thuộc phường Xoan Kim Đức đến từ làng Phù Ninh ở bên kia sông.

Đón các đào Xoan từ dưới thuyền lên, các chàng trai Đức Bác trao cho các cô đào những chiếc trống nhỏ và cuộc hát Trống quân chính thức được bắt đầu. Họ chia thành nhiều tốp, gọi là “dây” (thường là 3- 4 dây). Mỗi “dây” Trống quân có thể là một đôi nam nữ hoặc nhiều hơn, cùng sử dụng một chiếc trống có đường kính khoảng 20-22cm, cao 7cm do các chàng trai Đức Bác tự làm để đệm giữ nhịp. Chiếc trống này được một cô đào đeo vào cổ hoặc bưng (nếu không có dây đeo) để khi hát bên nam sẽ cầm dùi gõ vào trống. Nếu như các loại hình Trống quân khác thường được trình diễn cố định ở một vị trí, thì cuộc hát Trống quân Đức Bác lại diễn ra trên suốt dọc đường đi từ bến đò lên đến đền Thượng. Các chàng trai cô gái vừa hát Trống quân, vừa di chuyển theo cách “đào đi ngược nam đi xuôi”, có nghĩa là đào sẽ tiến thẳng mặt hướng lên phía đền, còn nam đứng đối diện với đào, đi giật lùi mặt nhìn xuôi về bờ sông. Có nghệ nhân còn miêu tả kỹ rằng: các đào đứng hơi xoay lưng vào nhau mặt hướng ra ngoài, nhìn về phía đền, còn trai làng đứng thành hình vòng cung bao quanh, quay mặt đối diện với đào. Khi hát, họ đi ngược chiều kim đồng hồ theo hình vòng tròn mở, gần như dạng đường xoáy trôn ốc. Trong cuộc hát, nếu bên nữ thắng bên nam, các đào sẽ được tiến lên ba bước và ngược lại, nếu nữ thua nam thắng thì các đào sẽ bị du ngược trở lại ba bước. Khi hát, các chàng trai, cô gái phần nhiều đều hát đồng thanh cả bài, song cũng có khi chỉ hát đồng thanh mỗi câu kết, còn phần hát chính dành cho người có câu ứng đối. Các dây Trống quân cứ thế du đi du lại mãi cho đến chập tối mới tới được cửa đền.

Một cuộc hát Trống quân Đức Bác có thể tạm chia thành ba chặng:

Chặng 1: Chặng này gọi là Hát đón, được diễn ra ở ngoài bến sông, bao gồm các phần hát đón đào, hát mời đeo trống và hát luật cấm.

Chặng 2: Hát vận (còn gọi là chặng Rước đào trên đường). Đây là phần chính của cuộc hát với nội dung lời ca phong phú xoay quanh chủ đề giao duyên, diễn ra trên đường từ bến sông về đến đền Thượng.

Chặng 3: Hát kết. Chặng này gồm những câu hát kết của hai bên nam nữ khi về gần tới cửa đền, trong đó có nhắc tới những nơi mà “dây” Trống quân đã đi qua.

* Trống quân ở làng Hữu Bổ, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (gọi tắt là Trống quân Hữu Bổ)

Sinh hoạt hát Trống quân ở Hữu Bổ được người dân xưa gọi là Hát thờ, chỉ được tổ chức vào hai kỳ lễ hội tại sân đền thờ Thành hoàng làng, đó là: tiệc “Cầu vật”[4] (hội xuân) mở từ ngày 12 đến hết ngày 14 tháng Giêng và tiệc “Cầu mát”[5] (hội thu) vào ngày 12-13 tháng Tám. Bản thân cách gọi này của dân làng đã phản ánh rõ nét mục đích tín ngưỡng, tính chất thiêng của sinh hoạt văn hóa này trong lễ hội. Họ tổ chức hát Trống quân và đấu vật để thờ thánh, cầu mong một năm no đủ, sức khỏe dồi dào, nhân đa vật thịnh. Mục đích này cũng được bộc lộ ngay trong lời ca của hát Trống quân:

Trống quân em hát thờ vua
Không phải hát đùa với chúng anh đâu

Cuộc hát Trống quân trong tiệc "Cầu vật" diễn ra cùng lúc với lễ chính tế thực hiện ở trong đền vào chiều ngày 14 tháng Giêng. Cuộc hát này kéo dài đến tận đêm khuya. Còn cuộc hát Trống quân trong tiệc "Cầu mát" diễn ra vào tối ngày 12 tháng Tám - ngày ông chủ tế mổ trâu làm lễ cáo tế.

Nếu như sinh hoạt Trống quân Đức Bác được chia thành nhiều nhóm hát, thì Trống quân ở Hữu Bổ chỉ tổ chức thành một nhóm hát gồm khoảng 10 người, đứng quây xung quanh một chiếc trống do 3-4 nữ bưng. Chiếc trống đệm của Trống quân Hữu Bổ có kích thước to hơn trống của Trống quân Đức Bác, đường kính khoảng
40 cm và cao khoảng 25 cm. Đối tượng tham gia cuộc hát Trống quân được chọn lựa là những nam nữ trong làng có khả năng hát hay, có tài ứng đối, do đó, đa phần thường là người đứng tuổi. Vào cuộc hát, sẽ có hai người hát chính đối đáp nhau (gọi là “cái“ hoặc “trống cái“) và ba bốn người hát đệm, nhắc lại câu cuối cùng của mỗi người hát chính (gọi là “con“ hoặc “quân“ hay “trống con“). Người hát chính có thể thay đổi lẫn nhau, không nhất thiết cố định một người. Người “cái“ vừa hát vừa gõ trống.

Theo kể lại, trước kia một cuộc hát bao giờ cũng phải trải qua một trình tự quy định: đầu tiên là các bài hát thờ, sau mới đến các bài hát vui, hát chia tay. Tuy nhiên, đến nay không ai còn nhớ được cụ thể rõ ràng và đầy đủ về quy trình hát cũng như hệ thống bài bản của cuộc hát Trống quân xưa. Những gì chúng tôi thu thập, sưu tầm được ngày nay chỉ là những “mảnh vỡ“ được lưu lại trong trí nhớ của những người đã từng chứng kiến các cuộc hát Trống quân trước đây. Chúng tôi đã dựa vào đó để tìm hiểu về âm nhạc của hình thức hát Trống quân này.

1.2.    Nhóm các loại hình Trống quân mang mục đích vui chơi giải trí

Hiện chúng tôi chỉ sưu tầm được một số loại hình Trống quân mang mục đích này, đó là Trống quân ở làng Kinh Kệ, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và Trống quân ở làng Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ở một số địa phương khác cũng có Trống quân nhưng cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chỉ được nghe kể lại về hình thức diễn xướng Trống quân xưa mà chưa tìm được người nào hát được làn điệu Trống quân. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra xem xét hai loại hình Trống quân kể trên.

* Trống quân ở làng Kinh Kệ, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (gọi tắt là Trống quân Kinh Kệ)

Trống quân Kinh Kệ cũng chỉ được hát trong ba dịp lễ hội của làng: từ mùng 7-9 tháng Giêng, tối mùng 9 tháng Hai và tháng Tám, nhưng không mang mục đích cầu cúng. Vào buổi tối các ngày lễ hội, nam nữ thanh niên trong làng kéo nhau ra sân đình thờ Thành hoàng tổ chức hát Trống quân vui chơi với nhau. Hai bên nam nữ đứng hai bên một chiếc trống da to, đặt ở dưới đất hát đối đáp với nhau. Lối hát Trống quân ở đây được mô tả lại cũng theo hình thức: "cái" hát dẫn trước, "con" cùng hát đồng ca những câu sau. Cái là những người hát giỏi, có khả năng đối đáp. Mỗi cuộc hát có vài ba người "cái" thay nhau đối đáp. Âm nhạc Trống quân Kinh Kệ đơn giản và cũng chỉ có một làn điệu được hát với các lời ca khác nhau.

* Trống quân ở làng Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (gọi tắt là Trống quân Hiền Quan)

Trống quân Hiền Quan là một dạng hát Trống quân khá đặc biệt, khác rất xa với các hình thức Trống quân thông thường. Trống quân nơi đây được tổ chức thành đội hát. Trước kia, đội Trống quân thường gồm 5 nữ: một người “cái” và bốn người “con”. Họ cùng nhau đi hát ở sân chùa của các làng lân cận vào những dịp hội chùa từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm. Khi hát, người “cái” đứng ở giữa hoặc đứng ở một bên hát chính; bốn người “con” đứng chia thành hai hàng vừa hát đế theo vừa múa. Theo lời các nghệ nhân, tham dự vào các cuộc hát như thế còn có mặt các quan chức của làng sở tại như các ông lý trưởng hay chánh tổng... Các vị này vừa ngồi thưởng thức vừa điểm trống cái theo điệu hát. Nếu đội Trống quân không tìm hiểu trước mà vô tình hát phải những từ phạm “húy” của làng, lập tức sẽ nghe thấy tiếng “cắc” đánh vào tang trống từ phía các vị quan chức và không được hát tiếp. Ngoài chiếc trống cái mang chức năng thưởng phạt, Trống quân Hiền Quan hoàn toàn không sử dụng trống để đệm cho hát như các hình thức Trống quân khác. Tham gia vào điệu hát Trống quân Hiền Quan chỉ là những đạo cụ múa như­ sênh tiền hay quạt [6].

Hệ thống bài bản của Trống quân Hiền Quan theo kể lại xưa kia rất phong phú. Nghệ nhân Bùi Thị Dục cho biết: “Ngày xưa đi hát Trống quân nhiều giọng lắm nhưng bây giờ quên hết rồi. Đầu tiên là múa Quạt, Sênh tiền, Nhà tơ, còn có xẩm Xoan” [7]. Theo bà Bùi Thị Thủy thì: “Có 3 điệu: Sênh tiền, Múa quạt, Nhà tơ” [8]. Và trong cuốn Hát xoan, nhà nghiên cứu Tú Ngọc cũng viết: “…trên đất Phú Thọ cũng có một vài lối hát gọi là “Trống quân” ở một số nơi khác nhau… Khác với Đức Bác và Hữu Bổ, hát Trống quân ở Hiền Quan có một số làn điệu thay đổi nhau chứ không chỉ có một khuôn hình âm điệu[9] nhưng ông không nói rõ đó là những làn điệu gì. Tuy nhiên, đến nay các nghệ nhân chỉ còn nhớ “lõm bõm“ đôi ba điệu như Múa quạt, Nhà tơ, Múa sênh tiền, Xẩm Xoan. Chỉ dựa vào tên gọi cũng có thể thấy các làn điệu của Trống quân Hiền Quan khác hẳn với các lối hát Trống quân khác. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng bài Đèn giời cũng một trăm tiền[10] và bài Trống quân Hiền Quan được in trong cuốn Dân ca người Việt của tác giả Tú Ngọc (Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994) để bước đầu đưa ra những đối chiếu, so sánh.

 2. Lời ca và âm nhạc của Trống quân vùng đất Tổ

Ngoài những điểm khác biệt về diễn xướng, lời ca và âm nhạc của các sinh hoạt Trống quân ở vùng đất Tổ cũng có nhiều nét đáng chú ý:

2.1.    Lời ca

Cũng như nhiều thể loại dân ca khác, lời ca các bài Trống quân ở vùng đất Tổ cũng sử dụng phần lớn là thể thơ lục bát, đôi khi là lục bát biến thể. Lời ca được kết cấu theo “trổ”. Mỗi trổ thường là một cặp câu thơ lục bát, đôi khi nhiều hơn gồm hai hoặc ba cặp câu thơ lục bát (hiện chỉ được thấy ở Trống quân Đức Bác). Trong đa phần các loại hình Trống quân vùng đất Tổ, mỗi trổ lời ca tương ứng với một lượt hát của nam hay nữ. Riêng đối với Trống quân Hiền Quan, mỗi trổ là một lượt hát của “người cái”. Kết cấu lời ca này tác động đến sự hình thành một cấu trúc âm nhạc phù hợp.

Do các loại hình Trống quân ở vùng đất Tổ thường được diễn xướng theo phương thức hát dẫn và đồng ca nên ranh giới phân ngắt khá rõ ràng giữa các trổ chính là phần lời ca nhắc lại của “người con”. Riêng các loại hình Trống quân tín ngưỡng như Trống quân Đức Bác và Trống quân Hữu Bổ, ngoài dấu hiệu này, còn có thêm những dấu hiệu phân ngắt đặc biệt khác:

- Trống quân Đức Bác luôn có một cụm từ cố định - "Kia hỡi Trống quân", nhắc đi nhắc lại ở cuối mỗi trổ hát. Nó chính là dấu hiệu phân ngắt giữa các trổ hát. Ngoài ra, nó còn có thể xuất hiện ở đầu trổ như sự khẳng định đặc trưng thể loại ngay từ đầu.

Ví dụ 1:

Đợi đào từ bến đò ngang
Đò mà đến bến đào sang hát thờ

                                      Kia hỡi Trống quân

- Trống quân Hữu Bổ cũng có một dấu hiệu phân ngắt đặc trưng giữa các trổ là việc đảo từ thứ 8 lên trước từ thứ 7 ở tất cả các vế 8 cuối mỗi trổ.

 Ví dụ 2:

Chàng ngược em đón bên bờ
Chàng xuôi em đón ở bờ (Quan) Tam Quan
Chàng xuôi em đón ở bờ (Quan) Tam Quan

Về các thủ pháp ca từ, lời ca của đa phần các bài Trống quân ở vùng đất Tổ đều phổ thơ theo kiểu xuôi chiều như nhiều loại hình Trống quân ở các địa phương khác (12/17 bài). Ngoài ra, người ta vẫn bắt gặp ở đây một số thủ pháp ca từ thông thường như điệp câu, điệp từ, đảo cụm từ, đảo từ, làm mở rộng khuôn khổ lời ca và âm nhạc.

2.2.    Làn điệu âm nhạc

Âm nhạc Trống quân của mỗi địa phương ở vùng đất Tổ hầu như chỉ có một làn điệu cơ bản, được hát với nhiều lời ca khác nhau. Duy chỉ có Trống quân Hiền Quan theo kể lại là có nhiều điệu khác nhau, nhưng trên thực tế chúng tôi mới chỉ sưu tầm được một điệu. Như thế, dựa trên những tư liệu chúng tôi sưu tầm được, âm nhạc Trống quân ở vùng đất Tổ sẽ có:

- 1 làn điệu Trống quân Đức Bác

- 1 làn điệu Trống quân Hữu Bổ

- 1 làn điệu Trống quân Kinh Kệ

- 1 làn điệu Trống quân Hiền Quan

Ngoài ra, trong các sách xuất bản, chúng tôi tìm thấy 9 bài Trống quân ở vùng đất Tổ, bao gồm:

- 1 bài Trống quân ở Lâm Thao, Phú Thọ (trong tập Dân ca trung du xuất bản năm 1962)

- 1 bài Trống quân Phú Thọ (trong sách Dân ca người Việt của tác giả Tú Ngọc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994)

- 2 bài Trống quân Đức Bác (trong sách Dân ca người Việt của tác giả Tú Ngọc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994)

- 4 bài Trống quân Đức Bác (trong sách Hát Xoan của tác giả Tú Ngọc, Viện Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1997)

- 1 bài Trống quân (hát ở sân chùa) ở Hiền Quan, Phú Thọ (trong sách Dân ca người Việt của tác giả Tú Ngọc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994)

Tuy nhiên, trong số các bài bản được in trong các sách xuất bản, chỉ có hai bài bản có giai điệu âm nhạc khác biệt, đó là Trống quân Phú Thọ và Trống quân (hát ở sân chùa) ở Hiền Quan, Phú Thọ (trong sách Dân ca người Việt của tác giả Tú Ngọc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội 1994). Còn giai điệu bài Trống quân ở Lâm Thao, Vĩnh Phú và Trống quân Đức Bác thực chất chỉ là các dị bản của làn điệu Trống quân Kinh Kệ và Trống quân Đức Bác kể trên mà thôi.

Như vậy, về mặt bài bản làn điệu, Trống quân ở vùng đất Tổ trong các tài liệu mà chúng tôi nắm giữ, chỉ có 06 làn điệu khác nhau ở các địa phương.   

 2.3.    Thang âm điệu thức

Dạng thang âm được thấy phổ biến trong âm nhạc Trống quân ở vùng đất Tổ là thang 3 âm, trong đó đa phần có kết cấu: quãng 4 Đúng + quãng 2 Trưởng (17/20 bài có sử dụng thang 3 âm), với các thang âm cụ thể như g-c-d, d-g-a, c-f-g, a-d-e, h-e-fis, e-a-h. Ngoài ra, còn có hai dạng kết cấu thang 3 âm khác chỉ thấy xuất hiện trong giai điệu các bài Trống quân Hiền Quan: quãng 4 Đúng + quãng 3 thứ (cis-fis-a) và quãng 3 thứ + quãng 2 Trưởng (h-d-e).

Bên cạnh thang 3 âm, các thang 4 âm cũng được sử dụng không ít trong các bài bản Trống quân ở vùng đất Tổ. Có thể kể ra các dạng thang 4 âm sau:

Thang 4 âm với cấu trúc 3+2+2[11] (g-b-c-d, h-d-e-fis, a-c-d-e)

Thang 4 âm với cấu trúc 5+2+3 (g-c-d-f hay c-f-g-b)

Thang 4 âm với cấu trúc 5+2+2 (g-c-d-e)

- Thang 4 âm với cấu trúc 2+3+2 (a-h-d-e, h-cis-e-fis hay g-a-c-d)

- Thang 4 âm với cấu trúc 2+5+2 (a-h-e-fis hay f-g-c-d)

- Thang 4 âm với cấu trúc 4+5+2 (g-h-e-fis)

- Thang 4 âm với cấu trúc 3+2+3 (cis-e-fis-a)

- Thang 4 âm với cấu trúc 2+2+3 (g-a-h-d)

Được bắt gặp ít hơn cả là các dạng thang 5 âm, gồm:

-  Thang 5 âm với cấu trúc 3+2+2+2 (g-b-c-d-e)

-  Thang 5 âm với cấu trúc 2+3+2+2 (f-g-b-c-d hay a-h-d-e-fis, g-a-c-d-e)

2.4.    Giai điệu

Giai điệu các bài Trống quân ở vùng đất Tổ về tổng thể cũng không nằm ngoài đặc điểm chung của giai điệu các loại hình Trống quân và dân ca khác với các bước tiến hành theo hình làn sóng. Điểm đáng chú ý trong giai điệu các bài Trống quân ở vùng đất Tổ là việc phối hợp các bước tiến hành quãng. Ngoài các bước nhảy gấp khúc quãng 4, quãng 5 (đặc biệt được thấy xuất hiện khá nhiều trong bài Đèn giời cũng có trăm tiền thuộc Trống quân Hiền Quan) và các bước đi bình ổn phản chiều với bước nhảy, các bước tiến hành phối hợp với quãng 2 hoặc quãng 3 cùng chiều trước và sau bước nhảy cũng thấy được khai thác phổ biến.

Về mặt nhịp điệu, nhìn chung âm nhạc các bài Trống quân ở vùng đất Tổ có nhịp điệu đều đặn, bình ổn với âm hình tiết tấu móc đơn chiếm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, so với các bài Trống quân tín ngưỡng mang mục đích thờ cúng, âm hình tiết tấu trong các bài Trống quân giao duyên, vui chơi giải trí có phần đa dạng hơn với sự xuất hiện nhiều hơn âm hình móc kép, chấm dôi móc giật, làm cho giai điệu âm nhạc có phần uyển chuyển hơn. 

Riêng ở các bài Trống quân Hữu Bổ và bài Trống quân Phú Thọ luôn xuất hiện một mô hình tiết tấu cố định tại các vị trí mở đầu mỗi câu nhạc ứng với vế 6, những chỗ kết nối giữa các câu, các đoạn và đôi khi thậm chí cả ở những điểm mở đầu cho một vài câu nhạc ứng với vế 8. Mô hình này được thấy xuất hiện cả ở phần đệm trống, càng làm nổi rõ một nét riêng về mặt nhịp điệu của Trống quân Hữu Bổ.

Ví dụ 3: Trống quân Hữu Bổ

Một điểm đặc biệt chỉ thấy trong lối hát Trống quân Đức Bác ở vùng đất Tổ, là hiện tượng giai điệu hát của nữ khi hát được dịch chuyển lên một quãng 4 so với phần hát của nam. Trên thực tế, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với qui luật tự nhiên về độ cao chênh lệch giữa giọng nam và giọng nữ.

2.5.    Cấu trúc âm nhạc

Các bài Trống quân ở vùng đất Tổ đều được kết cấu theo trổ hát. Mỗi trổ hát thường là một hay nhiều đoạn nhạc tùy theo số lượng câu thơ có trong một trổ. Mỗi đoạn nhạc thường gồm 2 câu nhạc tương ứng với 2 vế của cặp câu thơ lục bát, cá biệt có đoạn nhạc trong một số bài Trống quân Hữu Bổ, Trống quân Kinh Kệ, Trống quân Đức Bác, Trống quân Phú Thọ là gồm 3 câu nhạc do có hiện tượng điệp câu trong lời ca.

Ngoài phần giai điệu âm nhạc tương ứng với lời ca chính, Trống quân Đức Bác và bài Trống quân Hiền Quan Đèn giời cũng có trăm tiền còn có một nét giai điệu cố định để kết thúc (đôi khi cả mở đầu trong một số bài Trống quân Đức Bác) mỗi trổ nhạc.

Ví dụ 4:

Nếu đối chiếu so sánh với các dạng cấu trúc âm nhạc của phương Tây, thì cấu trúc của các bài Trống quân ở vùng đất Tổ có thể xếp vào dạng cấu trúc biến tấu, trong đó mỗi trổ hát là một biến khúc với sơ đồ a1 a2 a3… an.

Riêng đối với Trống quân Đức Bác và bài Trống quân Hiền Quan Đèn giời cũng có trăm tiền, là dạng cấu trúc biến tấu có tính rondo. Yếu tố rondo ở đây nằm ở chính những nét nhạc kết hoặc nét nhạc cuối cố định được xuất hiện nhắc đi nhắc lại sau mỗi trổ hát. Có thể sơ đồ hóa cấu trúc của chúng như sau:

                                     a b a1 b a2 b a3 b …an b

Trong đó, a là một trổ hát (có thể gồm 1 hoặc nhiều đoạn nhạc), b là nét nhạc kết cố định. Do sự không cân đối về khuôn khổ cũng như chức năng âm nhạc giữa a và b, nên cấu trúc âm nhạc của các bài này chỉ dừng lại ở mức độ có tính rondo. Tuy nhiên, bản thân yếu tố rondo ở đây cũng có những điểm khác so với cấu trúc rondo thông thường của âm nhạc phương Tây. Nếu như yếu tố cố định trong sơ đồ cấu trúc rondo của âm nhạc phương Tây là một trong những phần âm nhạc chính tạo tính xuyên suốt cho toàn tác phẩm, được trình bày đầu tiên, thì yếu tố cố định trong cấu trúc các bài Trống quân này cũng tạo nên đặc trưng thống nhất nhưng chỉ là nét nhạc kết xuất hiện sau phần nhạc chính với tính chất của một “điệp khúc”.    

2.6.  Phần đệm

Ngoại trừ Trống quân Hiền Quan không sử dụng trống đệm, còn tất cả các loại hình Trống quân khác ở vùng đất Tổ đều có phần đệm tiết tấu của trống. Đối với một số loại hình Trống quân nơi đây như Trống quân Đức Bác, Trống quân Hữu Bổ, có những mô hình đệm trống tương đối cố định như:

Ví dụ 5:

Đối với các bài Trống quân Kinh Kệ hay Trống quân ở Lâm Thao, Phú Thọ (trong sách Dân ca trung du, xuất bản năm 1962), tiết tấu trống đệm thường trùng với tiết tấu lời ca, tức là họ thường gõ trống vào từng ca từ được hát.

Ví dụ 6:

Trên đây là những đặc điểm về diễn xướng và nghệ thuật của các sinh hoạt Trống quân vùng đất Tổ. Từ đó, có thể tạm thời rút ra một số đặc trưng chung của Trống quân vùng đất Tổ.

 3.  Đặc trưng chung của Trống quân ở vùng đất Tổ

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Trống quân vùng đất Tổ có 6 đặc trưng có thể phân biệt chúng với Trống quân các vùng khác, đó là:

3.1.  Giai điệu của nhiều bài bản Trống quân vùng đất Tổ được tiến hành trong khoảng âm vực hẹp

Giai điệu của 9/20 bài Trống quân vùng đất Tổ được xây dựng trong khoảng âm vực hẹp - quãng 5 Đúng. Mặc dù các bài còn lại (11/20 bài) có giai điệu được tiến hành trong khoảng âm vực rộng hơn (quãng 6, quãng 7, quãng 8 hoặc quãng 9, quãng 10) nhưng rất nhiều các câu nhạc hay đoạn nhạc trong các bài đó lại chỉ có khoảng âm vực là quãng 5, hay thậm chí quãng 4 (câu nhạc thứ nhất của bài Trống quân Hiền Quan in trong cuốn Dân ca người Việt của Tú Ngọc)[1] do giai điệu của chúng chỉ được xây dựng trên thang 3 âm.

3.2.  Tần suất xuất hiện của thang 3 âm chiếm một số lượng đáng kể trong giai điệu các bài Trống quân vùng đất Tổ

Trong số các dị bản Trống quân ở vùng đất Tổ chúng tôi hiện nắm giữ có 5/20 bài bản có toàn bộ giai điệu được xây dựng trên thang 3 âm, trong khi chỉ có 3/20 bài có toàn bộ giai điệu được tiến hành trên thang 4 âm. Đối với 12 bài còn lại, tỉ lệ sử dụng thang 3 âm được thống kê là 61/160 lần xuất hiện của tất cả các dạng thang âm khác nhau. Ngoài các số liệu cụ thể đã nêu, trên thực tế, ở giai điệu các bài bản hay những đoạn giai điệu Trống quân được xây dựng trên thang 4 hoặc 5 âm, đường tuyến tiến hành cũng được thấy hầu như chỉ xoay quanh một trục 3 âm chính. Điều này cho thấy vị trí nổi bật của kết cấu trục 3 âm trong giai điệu Trống quân vùng đất Tổ.

3.3.  Toàn bộ các loại hình Trống quân vùng đất Tổ đều được diễn xướng theo kiểu hát dẫn và đồng ca

Hát dẫn và đồng ca là lối hát được thấy khá phổ biến trong các loại hình diễn xướng mang tính nghi lễ ở đồng bằng Bắc bộ như hát Xoan, hát Dô, hát Chèo tàu… Ở vùng đất Tổ, các loại hình Trống quân, bao gồm cả Trống quân mang mục đích tín ngưỡng và vui chơi giải trí đều khai thác lối diễn xướng này (ngoại trừ Trống quân Đức Bác có thể diễn xướng theo hai cách: đồng ca hoặc hát dẫn và đồng ca). Điều đáng nói là hiện chưa tìm được dữ liệu về một loại hình sinh hoạt Trống quân ở những nơi khác có sử dụng lối hát này. Vì thế, có thể xem đây là một đặc trưng riêng của Trống quân vùng đất Tổ.

3.4.  Âm nhạc của hai loại hình Trống quân vùng đất Tổ có dạng cấu trúc mang tính rondo

Như trên đã viết, trong các loại hình Trống quân ở vùng đất Tổ, âm nhạc Trống quân Đức Bác và âm nhạc bài “Đèn giời cũng có trăm tiền” thuộc Trống quân Hiền Quan được thấy có cấu trúc mang tính rondo - một dạng cấu trúc không thấy trong âm nhạc Trống quân ở các vùng khác.

3.5.  Gần như tất cả các loại hình Trống quân vùng đất Tổ đều sử dụng trống da làm nhạc cụ đệm

Ngoài Trống quân Hiền Quan không sử dụng trống, các loại hình Trống quân còn lại ở vùng đất Tổ đều sử dụng trống da làm nhạc cụ đệm, thay vì trống đất - một nhạc cụ đệm độc đáo của sinh hoạt hát Trống quân ở nhiều địa phương khác. Trống da được dùng trong các sinh hoạt Trống quân vùng đất Tổ là loại trống có tang thấp với hai loại kích cỡ vừa và nhỏ, thường do bên nữ bưng hoặc đeo vào cổ. Đây cũng là một đặc điểm khác biệt với một số sinh hoạt Trống quân ở nơi khác có sử dụng trống da làm nhạc cụ đệm. Chẳng hạn như ở Khánh Hà, Hà Tây (nay là Hà Nội), khi hát Trống quân nếu sử dụng trống da, họ sẽ đặt chiếc trống lên trên một chiếc ghế hoặc bàn kê giữa hai bên nam nữ.

3.6. Trống quân vùng đất Tổ là những loại hình Trống quân mang nhiều yếu tố cổ xưa nhất so với Trống quân các vùng khác

Tính cổ xưa trong Trống quân vùng đất Tổ biểu hiện ở những khía cạnh sau:

* Các loại hình Trống quân kể trên được sinh ra ở vùng đất có lịch sử lâu đời, còn lưu giữ những di tích đậm đặc của cư dân trên đất nước ta từ thời Phùng Nguyên cách đây khoảng 4000 năm

Dựa vào những di chỉ khảo cổ và những đặc điểm về lịch sử, văn hóa, cho thấy những địa phương có sinh hoạt Trống quân đều nằm trong vùng văn hóa cổ. Do đó, dấu ấn cổ xưa trong các sinh hoạt văn hóa nơi đây là điều thường gặp.

* Duy nhất chỉ có một số loại hình Trống quân ở vùng đất Tổ mang chức năng tín ngưỡng

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: mục đích tín ngưỡng là mục đích nguyên thủy ban đầu của thể loại hát giao duyên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan viết:“ở một số tộc người (nếu không phải là ở mọi tộc người), chẳng hạn như ở người Việt, hát đối đáp giao duyên nam nữ nói chung đã từng gắn bó với đời sống tâm linh tín ngưỡng và có thể từ thủơ xa xưa nó đã nảy sinh chính từ môi trường sinh hoạt văn hóa này trước khi tách ra thành một thể loại dân ca mang tính thế tục”[2]. Nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh cũng chia sẻ với quan điểm nêu trên. Theo ông, chức năng xã hội khởi nguyên của thể loại hát giao duyên là mang tính nghi lễ, chứ chưa mang tính đời thường.

Đối chiếu với những nhận định đó, các loại hình Trống quân mang mục đích tín ngưỡng có thể được xem là thuộc tầng đầu tiên trong diễn trình tồn tại và phát triển của thể loại hát giao duyên này.

* Dấu ấn của các hình thức tín ngưỡng nguyên thủy như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ Mặt trời được thấy trong các loại hình Trống quân vùng đất Tổ.

 - Những biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực:

+ Thời điểm diễn xướng của các loại hình sinh hoạt Trống quân ở vùng đất Tổ chủ yếu vào mùa xuân - mùa của cây trái đâm chồi nảy lộc, mùa của sự sinh sôi nảy nở, khác hẳn với thời điểm sinh hoạt Trống quân ở các địa phương khác, thường vào các buổi tối mùa thu. Các sinh hoạt giao duyên được diễn ra trong thời gian này, đặc biệt lại vào các dịp cầu cúng thiêng liêng, thì ngay cả khi không gắn với mục đích thờ cúng, cũng có thể mang ẩn ý làm mẫu cho vạn vật bắt chước duy trì và phát triển nòi giống, với niềm mong ước có được một năm sung túc, nhân đa vật thịnh

+ Cách thức sử dụng một chiếc trống da do bên nữ bưng hoặc đeo vào cổ, còn bên nam cầm dùi đánh để đệm cho hát có thể khiến cho người ta liên tưởng đến một hình ảnh cách điệu của hoạt động tính giao.

- Những biểu hiện của tín ngưỡng thờ Mặt trời:

+ Đội hình diễn xướng đứng quây thành hình vòng tròn ở các loại hình Trống quân tín ngưỡng vùng đất Tổ (Trống quân Đức Bác và Trống quân Hữu Bổ), mặc dù cũng vẫn chia thành hai phe nam và nữ. Đây là một đặc điểm khác hẳn với đa phần các loại hình Trống quân ở các vùng khác, thường có sự phân tách rõ rệt thành hai bên nam-nữ khi diễn xướng: đứng hoặc ngồi đối xứng, đối diện hay thậm chí cách biệt hẳn về vị trí (trong nhà-ngoài sân; hai bên bờ sông; trên bến-dưới thuyền…). Đây rất có thể là hệ quả phản ánh của một dấu vết tín ngưỡng thờ Mặt trời?

+ Lối diễn xướng di chuyển theo đường tròn mở ngược chiều kim đồng hồ của các dây Trống quân trong sinh hoạt Trống quân Đức Bác[3].

* Âm nhạc giản đơn, biểu hiện ở tầm âm hẹp và kết cấu thang 3 âm - một dạng kết cấu ở những thời kỳ đầu của diễn trình phát triển giai điệu âm nhạc Việt Nam, tương ứng với 3 nhóm thanh điệu[4].  

 Như vậy, bên cạnh những điểm tương đồng với các loại hình Trống quân ở địa phương khác, Trống quân trên vùng đất Tổ còn hình thành những đặc trưng riêng khác biệt, bắt nguồn từ chính điều kiện lịch sử, môi trường văn hóa của vùng đất mà nó được nuôi dưỡng. Chúng không chỉ là những nét đặc sắc mang tính địa phương mà còn đem lại những giá trị không thể phủ nhận cho Trống quân nơi đây, đặc biệt là về mặt lịch sử. Các loại hình Trống quân ở vùng đất Tổ là nơi duy nhất còn lưu giữ lại được rất nhiều dấu ấn cổ xưa, biểu hiện rõ ràng thông qua những đặc điểm cụ thể về chức năng xã hội, phương thức diễn xướng, đặc điểm âm nhạc. Do đó, chúng sẽ là những ví dụ minh chứng đáng giá cho việc khẳng định lại một lần nữa những luận điểm của các nhà nghiên cứu về diễn trình lịch sử phát triển của âm nhạc nói chung và thể loại hát giao duyên nói riêng.

Ngoài tính cổ xưa, sự đa dạng về làn điệu âm nhạc cũng là một đặc điểm đáng chú ý của Trống quân vùng đất này. Dựa trên số lượng tư liệu chưa được đầy đủ mà chúng tôi nắm giữ, như trên đã thống kê, ở đây xuất hiện tới 6 làn điệu Trống quân khác nhau - điều mà không phải địa phương nào cũng có được. Thêm vào đó, sự độc đáo trong lối diễn xướng, trong cấu trúc âm nhạc mang tính rondo là những nét đặc biệt chỉ thấy ở Trống quân nơi đây. 

Tất cả những đặc điểm vừa nêu chính là những yếu tố cần thiết để nhận dạng ra Trống quân vùng đất Tổ trong đại gia đình các sinh hoạt Trống quân ở miền Bắc Việt Nam. Đáng tiếc cho đến nay, ngoại trừ sinh hoạt Trống quân Đức Bác được phục hồi, và được tiếp tục duy trì do gắn với Hát Xoan - một di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trống quân Hiền Quan vẫn được hát do gắn với các dịp lễ chùa, các loại hình Trống quân khác ở vùng đất Tổ gần như đã mai một đi rất nhiều. Không biết rằng liệu số phận của chúng rồi có như một số thể loại dân ca khác chỉ còn được biết đến trên sách báo và trong các kho lưu trữ?
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Duy (1952), “Hát Trống quân”, Báo Mới năm thứ nhất, số 2.
  2. Vũ Hồng Đức (1993), “Hải Hưng có hát Trống quân”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 5.
  3. Lê Văn Hảo (1963), “Sơ khảo về hát Trống quân dân ca Bắc Việt”, Tạp chí Tập san Đại học Huế, số 31.
  4. Bùi Trọng Hiền (1999), “HátTtrống quân ở Dạ Trạch”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 10.
  5. Phạm Minh Hương (2004), Trống quân Đức Bác, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa dân gian
  6. Trần Văn Khê (1958), “Hát hội”, Tạp chí Bách Khoa, số 42.
  7. Phạm Khương (1984), “Ca nhạc dân gian Vĩnh Phú”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4.
  8. Phạm Khương (1986), Âm nhạc/văn hóa dân gian vùng đất Tổ, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú.
  9. Nguyễn Thụy Loan (1998), “Tín ngưỡng tôn giáo và ca nhạc cổ truyền”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 2.
  10. Ngô Quang Nam - Xuân Thiêm (chủ biên) (1986), Địa chí Vĩnh Phú- Văn hóa dân gian vùng đất Tổ, Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú.
  11. Tú Ngọc (1975), “Những bài hát lễ nghi phong tục ở Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3.
  12. Tú Ngọc (1983), “Những bài hát giao duyên”, Tạp chí Âm nhạc, số 1.
  13. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  14. Tú Ngọc (1997), Hát xoan, dân ca lễ nghi- phong tục, Viện Âm nhạc- Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  15. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Trống quân, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  16. Tô Ngọc Thanh (1998), Bài giảng về văn hóa dân gian và âm nhạc dân gian Việt Nam tại Viện Âm nhạc, Tư liệu chép tay.
  17. Nguyễn Hữu Thu (1981), “Hát Trống quân, hình thức diễn xướng dân gian của người Việt”, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
  18. Nguyễn Hữu Thu (1981), “Âm nhạc và phong tục lễ nghi tôn giáo, hội hè”, Thông báo Dân tộc học, Viện Dân tộc học.
  19. Nguyễn Hữu Thu (1983), “Tìm hiểu một số làn điệuTtrống quân và quá trình phát triển của chúng”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 3.
  20. Nguyễn Hữu Thu (1991), “Lề lối hát Trống quân”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3.
  21. Dân ca Trung du (1962), Tư liệu lưu trữ tại thư viện Viện Âm nhạc, ký hiệu VB/G 171.

[1]. Ngô Quang Nam - Xuân Thiêm (chủ biên): Địa chí Vĩnh Phú - Văn hóa dân gian vùng đất Tổ. Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú, 1986.

[2]. Ngô Quang Nam - Xuân Thiêm (chủ biên): sách đã dẫn, trang 12.

[3]. Trong bài viết, sẽ chỉ đề cập đến các loại hình Trống quân mà hiện chúng tôi sưu tầm và thu thanh được ở vùng đất này. Có một số địa phương trước kia có sinh hoạt hát Trống quân nhưng nay chúng tôi chỉ sưu tầm được những thông tin về cách thức sinh hoạt từ ký ức của những người đã từng tham dự, chứ không tìm được những người còn nhớ và hát lại làn điệu Trống quân xưa như ở xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao. Đối với loại hình Trống quân ở những nơi này, mặc dù chúng tôi không đề cập đến một cách đầy đủ, nhưng những chi tiết thu thập được về nó cũng sẽ được sử dụng như những dữ liệu tham khảo để đối chiếu. Hoặc có thể có những địa phương có hát Trống quân nhưng chúng tôi chưa có điều kiện đến cũng không có mặt trong nội dung bài viết này.

[4]. Đây là tên gọi người dân địa phương sử dụng để chỉ các dịp lễ hội này.

[5]. Như chú thích 4.

[6]. Theo nghệ nhân Bùi Thị Thủy (1929) ở xóm Đồng Ghềnh, làng Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ: “Hát Trống quân không có trống, chỉ múa quạt với sênh tiền. Đến điệu nào sẽ phải múa điệu ấy. Nếu là điệu Sênh tiền thì phải múa sênh tiền, nếu là điệu Quạt thì phải múa quạt. Đấy là thời xa xưa” (Băng phỏng vấn nghệ nhân thu thanh tại Tam Nông, Phú Thọ ngày 24/11/2005. Tư liệu lưu trữ tại thư viện Viện Âm nhạc).

[7]. Băng phỏng vấn bà Bùi Thị Dục (1919) ở xóm Đồng Ghềnh, làng Hiền Quan,  xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Thu thanh tại Tam Nông, Phú Thọ ngày 24/11/2005. Tư liệu lưu trữ tại thư viện Viện Âm nhạc.

[8]. Băng phỏng vấn bà Bùi Thị Thủy (1929) ở xóm Đồng Ghềnh, làng Hiền Quan,  xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Thu thanh tại Tam Nông, Phú Thọ ngày 24/11/2005. Tư liệu lưu trữ tại thư viện Viện Âm nhạc.

  [9]. Tú Ngọc: Hát Xoan - Dân ca lễ nghi - phong tục. Viện Âm nhạc - Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà nội, 1997, trang 25, 26.

[10]. Tư liệu thu thanh tại làng Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày 24/11/2005 hiện được lưu trữ tại thư viện của Viện Âm nhạc.

[11]. Các số ở đây chỉ số lượng nửa cung có trong khoảng cách giữa 2 bậc liền nhau lần lượt từ thấp lên cao của thang âm. Ví dụ: 3+2+2 có nghĩa là 3 nửa cung+2 nửa cung+2 nửa cung, tương đương với quãng 3 thứ+quãng 2 Trưởng+ quãng 2 Trưởng.

[12]. Văn bản ví dụ số 46 về Trống quân Hiền Quan, trích trong cuốn Dân ca người Việt của tác giả Tú Ngọc, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1994, trang 130.

[13]. Nguyễn Thụy Loan: Tín ngưỡng tôn giáo và ca nhạc cổ truyền. Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 2/1998, trang 73.

[14]. Nhà nghiên cứu âm nhạc Tô Ngọc Thanh cho rằng: đường đi ngược chiều kim đồng hồ là biểu kiến của Mặt trời và là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng thờ Mặt trời - một loại hình tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Giáo sư giải thích biểu kiến là thuật ngữ chỉ đường đi của Mặt trời từ đông sang tây theo quan niệm của người nguyên thủy. Người xưa thấy Mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở phía tây nên họ cho rằng Mặt trời đi từ đông sang tây, có nghĩa là đi theo chiều từ phải sang trái, ngược với chiều chạy của kim đồng hồ hiện nay. Do đó, trong mọi hành động mang tính nghi lễ tín ngưỡng, họ đều bắt chước theo chiều đi này của Mặt trời.  (lời giải thích được đưa ra trong cuộc nói chuyện với Giáo sư qua điện thoại ngày 7/7/2004).

[15]. Theo cách phân chia của nhà nghiên cứu Tú Ngọc trong cuốn Dân ca người Việt (Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994), dân ca người Việt nếu phân loại về mặt thời gian dựa trên “thước đo” thang âm điệu thức có thể chia thành ba tầng dân ca:

-   Tầng dân ca cổ nhất gồm những điệu hát, đoạn hát có thang 2 âm hoặc 3 âm.

-   Tầng dân ca tương đối cổ là những bài dân ca có thang 4 âm hoặc thang 5 âm hẹp với tầm âm không rộng lắm.

-   Tầng dân ca muộn hơn gồm những bài xây dựng trên thang 5 âm nhưng có tầm âm rộng.

Ông cũng cho rằng trong số những tiêu chí có thể dùng để phân loại về mặt thời gian của dân ca, thang âm điệu thức là thước đo tương đối dễ nhận thấy nhất (tr. 221).

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...