ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển dụng 65 nhà khoa học trong năm 2024
Sáng nay (28.2), ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tọa đàm chương trình VN350: Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam (gọi tắt là chương trình VNU350). Trong đợt đầu tiên của năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển dụng 65 chỉ tiêu, làm việc tại các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Để tham gia ứng tuyển chương trình VNU350, các ứng viên cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như: Có trình độ tiến sĩ; có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng ít nhất một trong 4 tiêu chí sau: Có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; có bằng phát minh, sáng chế đã được đăng ký thành công; có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực: Đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học-công nghệ; có công trình công bố trên các chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế (là thành viên của các tổ chức khoa học-công nghệ quốc tế; tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; biên tập, phản biện bài báo cho các tạp chí quốc tế…).
3 nhân tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết có 3 nhân tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tới làm việc. Thứ nhất, là không gian tự chủ, sáng tạo hay nói cách khác là sự trao quyền. Nhà khoa học về công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM có cơ hội đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh, trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trưởng ngành đào tạo mới, được hỗ trợ nguồn lực tài chính để chủ động thực hiện kế hoạch nghiên cứu.
Thứ hai, theo PGS-TS Quân, là không gian đóng góp, cống hiến. Với sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao là nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới, khi các nhà khoa học về làm việc tại ĐH Quốc gia TP.HCM, họ sẽ có cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài, dự án nghiên cứu lớn; mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước; tham gia đào tạo, hướng dẫn sinh viên xuất sắc, học viên cao học, nghiên cứu sinh để hiện thực hóa khát vọng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
"Thứ ba, đó là không gian phát triển và thăng tiến. Các nhà khoa học sẽ xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp như kế hoạch trở thành phó giáo sư, giáo sư, trở thành nhà khoa học đầu ngành, hướng đến các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước. ĐH Quốc gia TP.HCM cam kết đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học trong lộ trình phát triển nghề nghiệp", Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin thêm.
Chỉ tiêu tuyển dụng của các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2024 gồm: Trường ĐH Bách khoa tuyển 9 chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển 8 chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tuyển 5 chỉ tiêu; Trường ĐH Quốc tế tuyển 5 chỉ tiêu; Trường ĐH Công nghệ thông tin tuyển 13 chỉ tiêu; Trường ĐH Kinh tế-Luật tuyển 5 chỉ tiêu; Trường ĐH An Giang tuyển 5 chỉ tiêu; Viện Môi trường và Tài nguyên tuyển 5 chỉ tiêu; Khoa Y tuyển 5 chỉ tiêu; Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) tuyển 3 chỉ tiêu; Viện Công nghệ nano tuyển 2 chỉ tiêu.
Chính sách thu hút cụ thể ra sao?
Về đãi ngộ, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ ĐH Quốc gia TP.HCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.
Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ ba, được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỉ đồng). Năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỉ đồng. Năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.
Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỉ đồng. Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỉ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.
Nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).
Tiến sĩ Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin thêm về chính sách thu hút từ các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, chính sách thu nhập gồm thu nhập theo quy định nhà nước 5,4 triệu đồng/tháng, lương theo vị trí việc làm 15-30 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý là chính sách thu hút 1 lần tại một số đơn vị như Trường ĐH Kinh tế-luật, giáo sư 350 triệu đồng/người, phó giáo sư 250 triệu đồng/người, tiến sĩ 150 triệu đồng/người. Trường ĐH An Giang chi mức 60 triệu đồng/người. Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác như vé máy bay, khen thưởng thành tích nghiên cứu khoa học…