Danh sách bài viết

Hướng dẫn nghiên cứu "Kinh Tạng Nikāya"

Cập nhật: 28/12/2017

Như một mảnh ghép lịch sử, Kinh Tạng Pāli cần được nghiên cứu trong tương quan đối chiếu với các văn bản tương đương khác. Đây cũng chính là tâm nguyện và kỳ vọng của Hòa thượng Minh Châu khi thực hiện bản luận án và xây dựng nền học thuật Phật giáo tại Việt Nam.

LỜI GIỚI THIỆU

Về phần Kinh Tạng do Ngài Minh Châu dịch

 

Phần Kinh Tạng trong văn học Pāli là một nguồn tư liệu quan trọng vào bậc nhất cho nghiên cứu Phật học bởi dạng thức ngôn ngữ, tính đầy đủ và niên đại của nó. Các kinh văn này chứa những lời dạy gần nguyên bản nhất của đức Phật. Nó còn mang giá trị to lớn trong đời sống tâm linh của không chỉ riêng những người sùng mộ đạo Phật. Truyền thống Phật giáo Việt Nam, qua các biến thiên của lịch sử, chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Hán truyền; việc tìm về thánh điển Pāli là một luồng gió mới không chỉ đối với Phật giáo đất nước mà còn cho cả tư tưởng dân tộc.
 

Cho tới tận bây giờ, đối với đa số đại chúng, việc đọc thông viết thạo ngoại ngữ, nhất là cổ ngữ - mới có thể tiếp nhận được tư tưởng truyền tải qua các tác phẩm - là một yêu cầu quá khắt khe. Dịch thuật, do vậy, kết nối và kiến thiết thế giới này đi từ con đường thấu hiểu. Đối với những kiệt tác, nhất là khi nó mang nặng tính tôn giáo, yêu cầu đặt ra cho việc dịch thuật càng không thể hời hợt. Người dịch một mặt phải nắm rõ tư tưởng cũng như bối cảnh của nguyên tác, mặt khác phải thuần thục trong văn hóa tiếp nhận của nơi muốn truyền đạt. Đó là một sự cân bằng giữa dịch sát và dịch thoát, nói theo phương Tây, hay hài hòa về cả tín, đạt và nhã, nói theo phương Đông.
 

Bản dịch của ngài Minh Châu làm khá tốt những điều nói trên. Đây là bản dịch đầu tiên có quy mô đủ lớn để khởi đầu cho luồng gió mới về tư tưởng trong Phật học nước nhà. Cho đến nay, đây vẫn được xem là bản dịch trọn vẹn nhất về Kinh Tạng Pāli. Bản dịch này được dịch đối chiếu với các bản dịch khác bao gồm Anh, Hoa, Nhật mà ngài có khi đó. Điều này là tuyệt đối cần thiết vì văn hóa tiếp nhận của người Việt vốn đã có bề dày chịu ảnh hưởng của Hán truyền, việc thống nhất các thuật ngữ và đối chiếu cách diễn đạt là sự tương tích cần thiết cho nền Phật học Pāli Việt Nam tồn tại trong nước và đối thoại dễ dàng với thế giới.
 

Văn học chính tạng Pāli chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn học chú giải cũng của ngôn ngữ này. Việc phân biệt và nhận thức rõ tầm quan trọng của văn học chú giải đã được ngài Minh Châu đề cập trong lời giới thiệu của những ấn bản ban đầu. Tuy nhiên bản dịch không chỉ vượt qua khỏi phạm vi ảnh hưởng của cách giải thích áp đặt của truyền thống Pāli mà còn đề cập đến một số sự đối chiếu với các bản tương đương Hán Tạng giúp ích cho công việc nghiên cứu so sánh để hình dung về diện mạo Phật giáo nguyên thủy dựa trên những tài liệu được cho là nguyên bản nhất.

 

Tuy nhiên, bản dịch của ngài Minh Châu, như mọi thứ khác trên đời, tất nhiên có những hạn chế của nó.

 

• Sự hạn chế đầu tiên nằm ở cách diễn đạt, thuật ngữ và quan điểm dịch thuật vốn chịu sự phê bình bởi các vị Theravāda trong nước. Điển hình như thuật ngữ về món sūkaramaddave trong bữa ăn cuối cùng của đức Phật.
 

• Quy chuẩn đánh mã kinh điển là một vấn đề khác. Nó chịu ảnh hưởng của quy ước PTS cứng nhắc theo số trang trong ấn bản của hội này.
 

• Ngoài ra, do phụ thuộc hoàn toàn vào văn bản Pāli của Pali Text Society, bản dịch giữ lại những khiếm khuyết của bản gốc này.


• Và cuối cùng, bản dịch này vẫn chưa hoàn thành phần cuối của Tiểu Bộ.
 

Những hạn chế này là điều khó tránh với nhân duyên lúc công trình dịch thuật được tiến hành. Mặc dầu vậy, bấy nhiêu thành tựu cũng đủ để ta khâm phục tâm huyết và nỗ lực của một bậc vĩ nhân của dân tộc.
 

Trong lần tái bản này, chúng tôi một mặt vẫn giữ nguyên bản dịch ban đầu của ngài hòa thượng, mặt khác tiến hành một số hiệu đính nhỏ để thích hợp cho công việc nghiên cứu.
 

• Trước hết là việc viết lại cho đúng các từ Pāli với đầy đủ dấu. Các kí hiệu ngữ căn √ đều bị ghi thành chữ v trong bản mới, ở đây chúng tôi cũng đã sửa lại.
 

• Kế tiếp, chúng tôi điền thêm tên Pāli của các bài kinh bên cạnh tên dịch để tiện cho đối chiếu, với Tương Ưng Bộ và Tăng Chi Bộ, cũng như phần Tiểu Bộ được dịch.
 

• Thứ ba, các bài kinh đều được đánh mã lại theo nguyên tắc logic được sử dụng phổ biến của cộng đồng quốc tế hiện nay. Đây là việc rất khó cho khoảng gần 3,000 bài kinh của Tương Ưng Bộ. Sự điều chỉnh này sẽ khó có thể hoàn thành nếu chúng tôi không có cơ hội được làm việc chung với Sutta Central.

 

• Như đã đề cập ở trên, có một số bài kinh bị bỏ sót so với văn bản Pāli khiến cho việc đánh số không được trọn vẹn. Chẳng hạn, các bài SN 23.35-46, SN 24.19-96, SN 35.82, SN 45.70-76, AN 5.16… trong văn bản của PTS có phần nội dung nhưng bản dịch chỉ dịch phần tiêu đề. Một số bài, như SN 22.148, thiếu trong văn bản của PTS nhưng đã được bổ sung trong bản CST4 cũng được chúng tôi thêm vào ở đây. Ở đây chúng tôi đã bổ sung những bài còn thiếu đó theo văn dịch của ngài Minh Châu dựa trên văn bản của kỳ kết tập thứ 6 vì văn bản này có sự chỉnh lý bổ sung đầy đủ hơn. Tuy nhiên, vì tôn trọng nguyên bản dịch phẩm, chúng tôi chỉ giữ những bổ sung này ở phần cước chú và có đánh dấu hiệu đính đầy đủ.
 

• Về phần chú thích của ngài Minh Châu, lần tái bản gần đây của Viện nghiên cứu có khôi phục một số nhưng diễn lại và bỏ bớt chưa được hợp lý, mà cũng không ghi rõ quá trình này. Ở đây, để hợp lý trong lượng thông tin ghi chú, chúng tôi dựa vào các ấn bản ban đầu của Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, chỉ giữ lại các ghi chú quan trọng liên quan đến giáo nghĩa, sửa lại các ghi chú về đánh mã văn bản theo cách đánh mới, bỏ qua các ghi chú về ghi chữ gốc Pāli, về địa danh và nhân danh, hay về các thông tin lặp lặp trong chính văn. Các chữ “tập sớ” được chuyển thành “aṭṭhakātha”. Các ghi chú bổ sung đều được đánh dấu là [HĐ].
 

• Các lời nói đầu trong các bản dịch đầu tiên, các bài viết liên quan đến quá trình xuất bản trong tờ Tư Tưởng cũng được dẫn lại trong bài nghiên cứu ở tập hướng dẫn này nhằm giúp chúng ta bổ sung được các kiến thức cần thiết cho từng phần kinh điển đồng thời hiểu hơn về hoàn cảnh dịch thuật lúc bấy giờ.
 

• Để tiện cho phần nghiên cứu đối sánh, chúng tôi đã bổ sung các bản tương đương trong các ngôn ngữ Hán, Tạng, Sanskrit, Thổ-lỗ-phồn... theo quy chuẩn của Sutta Central.
 

Những hiệu đính nói trên hầu hết là nỗ lực tỉ mỉ của đạo hữu Nguyễn Anh Tú. Với cá nhân mình, tôi cho rằng đây là những điều chỉnh thiết yếu phải có trước khi đi xa hơn về nghiên cứu.
 

Phần Bổn Sanh, hay Chuyện Tiền Thân, được dịch bởi ngài Minh Châu, sau đó là thầy Trần Tuấn Mẫn và cô Trần Phương Lan, không nằm trong nội dung tái bản lần này bởi phần nội dung rất dài này được dịch từ bản tiếng Anh, có kèm cả các đoạn chú giải nhưng lại giản lược về văn bản chính tạng. Các bộ còn lại của Tiểu Bộ như Nghĩa Thích, Vô Ngại Giải Đạo, Phật Sử, Hạnh Tạng, cho đến Minlinda Vấn Đạo, Dẫn Đạo Luận, và Tạng Thích là những trước tác về sau trong dòng văn học Pāli. Các bản dịch tiếng Việt của các bộ này mới được thực hiện gần đây bởi các dịch giả khác cũng không nằm trong nội dung ấn bản lần này.
 

Về hình thức trình bày, chúng tôi in bộ kinh ở khổ A5 để tiện cho việc cầm đọc. Cách chia quyển dựa theo cấu trúc tam tạng Pāli. Cụ thể như sau:

 

• Trường Bộ chia thành 3 quyển dựa theo 3 phẩm. Tên các phẩm này không có trong các bản dịch ban đầu của ngài Minh Châu, ở đây chúng tôi dịch bổ sung từ Pāli.
 

• Trung Bộ cũng chia thành 3 quyển dựa theo ba chương. Tên các chương và 15 phẩm này không có trong các bản dịch ban đầu của ngài Minh Châu, ở đây chúng tôi dịch bổ sung từ Pāli.
 

• Tương Ưng Bộ chia thành 5 quyển dựa theo 5 thiên. Riêng quyển 5 phân thành 2 phần 5.1 và 5.2 theo cách chia quyển của tam tạng Tích-lan.
 

• Tăng Chi Bộ có 11 chương, chia thành 5 quyển: gom ba chương đầu thành quyển 1; chương 4 là quyển 2; chương 5 và 6 là quyển 3; chương 7, 8, 9 là quyển 4; hai chương còn lại là quyển 5.
 

• Tiểu Bộ chia thành 4 quyển. Quyển 1 gồm Tiểu Tụng, Pháp Cú, Phật Tự Thuyết, Phật thuyết Như Vầy. Quyển 2 là Kinh Tập. Quyển 3 là Thiên Cung Sự và Ngạ Quỷ Sự. Quyển 4 là Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ. Trong nội dung tập 3 và 4, phần thi kệ thuộc về chính tạng, phần trường hàng trích từ chú giải để làm rõ nghĩa. Chúng tôi đã dẫn chứng lại điều này trong lời giới thiệu của chính các dịch giả của những phần này để nêu ở đầu mỗi tập. Các phần còn lại của Tiểu Bộ, như đã nói, không thuộc nội dung xuất bản lần này.
 

Mỗi quyển sẽ có hai số thứ tự, một số tính trong nội bộ từng bộ kinh và một số khác tính trong nội bộ Kinh Tạng. Các phần kinh tương đương đối chiếu chúng tôi lập thành bảng, để sau mục lục đối với Trường và Trung Bộ. Còn đối với Tương Ưng, Tăng Chi và Tiểu Bộ, so các bài kinh tương đối ngắn và số lượng nhiều, nên để tiện tra cứu, chúng tôi để phần bản tương đương ngay ở tiêu đề kinh.
 

Về tập hướng dẫn nghiên cứu Kinh tạng Nikāya
 

Nói về tập này, khiêm tốn thì gọi là “nhập môn” hay “dẫn nhập” gì đấy. Thế nhưng nội dung trình bày đa phần đã quá đào sâu, chạm vào những chỗ chuyên môn của giới hàn lâm, nên e nói thế có phần không hợp nên mới tạm gọi là “Hướng Dẫn Nghiên Cứu Kinh Tạng Nikāya”.
 

Nói về hướng dẫn, tức như dẫn đường, chúng tôi không có ý đem mình là quy chuẩn, chỉ là đem kể lại những điều mà người mới nhập môn phải đều nên biết, nếu chẳng biết thì thành ra loay hoay mà mất thì giờ. Cũng như người chuyển đến ở chỗ mới chưa lâu, tuy chưa rành phong thổ, chưa tường lịch sử, nhưng bạn bè ở xa tới chơi cũng có thể dẫn đi đây đi đó mà giới thiệu được vậy.
 

Sự về nghiên cứu, cũng chẳng đặt ở nghĩa lý nghiền ngẫm suy xét, chỉ lấy cốt yếu ở cái chí cầu học cho tường tận ngọn ngành mà không qua loa đại khái. Ấy vậy mà bể học vô bờ, sâu đến chừng nào, rộng đến mức nào, thấu đến độ nào âu đành tùy cái nhân duyên của mỗi người. Ở đây theo điều sở học, chúng tôi chỉ xin được nói cái mình cho là những bước đầu tiên, chẳng phải kiện toàn, cũng chẳng phải giáo khoa, mà có khi còn điều sai sót. 

 

Hầu hết Kinh Tạng Pāli và các bộ A-hàm Hán dịch tương đương cùng các mảnh Sanskrit, Prakit… còn sót lại đều có thể được coi là kinh điển nguyên thủy Phật giáo. Tuy nhiên các hệ thống kinh điển này không phải xuất phát từ giai đoạn Phật còn tại thế mà cũng không phải được hoàn chỉnh khi Phật giáo chưa phân chia. Các kinh điển nêu trên, như chúng ta có ngày nay, là sản phẩm của các bộ phái Phật giáo, được biên tập theo tư tưởng tương ứng và ghi lại thành văn bản vào thời gian sau đó. Có lý do để tin rằng mỗi bộ phái đều có một phiên bản tam tạng cho riêng mình. Tuy nhiên, theo những thăng trầm của lịch sử Phật giáo Ấn-độ, các bản tam tạng này đã thất truyền. Hiện nay thế giới chỉ còn lưu giữ được phần tạng Pāli của nhánh Theravāda hiện còn; các bản A-hàm Hán dịch thuộc 3 bộ phái khác nhau, nếu tính luôn các bản biên dịch thì sẽ nhiều hơn; các mảnh văn bản cổ ngữ được giới khảo cổ cập nhật; những đoạn trích trong các luận thư hậu kỳ; chưa kể đến những gì có thể có trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng vẫn chưa được tìm hiểu hết. Các văn bản này là những mảnh ghép mang màu sắc tông môn của sự thật lịch sử cho điều Phật đã dạy. 

Do vậy để tìm hiểu lời Phật dạy thông qua các tư liệu trên thì không thể không biết đến sự phân chia bộ phái. Đây là một chủ đề khó khăn và phức tạp bởi sự phân hóa đa dạng và sự thiếu sót cũng như độ chính xác của dữ liệu. Trong tập hướng dẫn này, chúng tôi chỉ xin trích lại một phần nghiên cứu ban đầu của bà Rhyd Davids được trình bày trong nghiên cứu về bộ Kathāvatthu cho chủ đề này mà chúng tôi đã có dịp trình bày trong quyển Nam Phương số 2 để khởi nguồn cho sự tìm hiểu. Luận thư này cũng là văn bản chính thức nhất, cả trong Theravāda lẫn toàn bộ truyền thống Phật giáo, cho nên có lẽ dẫn nó ở đây là rất phù hợp.
 

Vì đặc trưng ngôn ngữ của văn Kinh Tạng Nikāya chính là tiếng Pāli, điều hiển nhiên cần thiết là phải có ý niệm về ngôn ngữ này trước khi đi vào nội dung văn bản. Ở đây chúng tôi giới thiệu bài viết Pāli là gì? của giáo sư Gombrich, một người có thẩm quyền về chủ đề này hiện nay. Bài viết sẽ tiếp cận về ngôn ngữ này dưới góc độ ngôn ngữ học, hơn là sự suy tôn đơn thuần của hệ phái sử dụng nó. Bài viết này cũng đã được chúng tôi giới thiệu trong quyển Nam Phương 1 trước đây.
 

Để tìm hiểu tạng Kinh nói riêng và Tam Tạng nói chung trong văn hệ Pāli, chúng ta cần biết về cấu trúc của Tam Tạng, tức là nó bao gồm những bộ loại nào, nội dung sơ lược của các phần trong đó. Một phân tích về Chính tạng Pāli của Russell Web là một bài viết thích hợp cho chủ đề này. Nó đi kèm theo một danh mục tham khảo các tài liệu nghiên cứu về văn hệ này trên thế giới. Đây cũng là một gợi ý cần thiết cho chúng ta học về Tam Tạng. Và vì thế giới vẫn vận hành, trong khi chúng ta đọc những dòng này thì sự học hiểu của nhân loại đang còn tiếp tục đi xa thêm nữa.
 

Các đề cập về văn hệ Pāli cũng như Phật giáo thường dùng một hệ mã tham chiếu đến riêng biệt. Để tránh cho người chưa quen đỡ phải lạ lẫm khi bắt gặp đâu đó trong cách biên tập các ấn bản kinh điển, chúng tôi có tổng hợp ở đây một bài viết cho chủ đề này. Nó sẽ đặc biệt hữu dụng cho những ai quan tâm đến so sánh văn bản Phật học.
 

Văn học chính tạng Pāli nói chung và Kinh Tạng Pāli nói riêng được giảng giải một cách chính thống bởi hệ phái Theravāda qua dòng văn học chú giải. Thuật ngữ chú giải chúng tôi dùng ở đây một mặt chỉ chung cho tất cả các tài liệu mang tính giải thích kinh điển nói chung, nhưng trong một số trường hợp cụ thể là chỉ cho các bộ aṭṭhakātha được các chú giải sư biên soạn. Chú giải sư nổi tiếng nhất của Theravāda là Buddhaghosa. Ông đã tập hợp các bản chú giải trước đó, có thể thuộc các bộ phái khác nhau, để soạn lại các bộ chú giải chính thống bằng tiếng Pāli theo tư tưởng của phái Đại Tự của Tích-lan lúc bấy giờ. Các chú giải sư khác tiếp bước ông có thể kể đến Dhammapāla và Buddhadatta. Các bản aṭṭhakātha này lại có tài liệu giải thích bổ sung là các bộ ṭīkā mà chúng tôi gọi là các sớ giải. Cả chính tạng lẫn văn học chú giải đều được điều chỉnh cho tương thích với nhau như một hệ thống. Để tìm hiểu chính tạng Pāli nói chung và Kinh Tạng Pāli nói riêng không thể không bước qua dòng văn học này. Tuy nhiên, vẫn chưa có các bản Việt dịch đủ tốt của chúng cho bất cứ sự tìm hiểu hay nghiên cứu nào. Người đọc trong khi chờ đợi có thể tham khảo các bản dịch tiếng Anh. Tuy nhiên, các bản chú giải cho 4 bộ Nikāya chính thậm chí vẫn chưa được dịch ra tiếng Anh. Ở đây, chúng tôi trình bày lại bài nghiên cứu của bà Goonesekere, người biên tập cho bộ Bách Khoa Toàn Thư Phật Giáo, về đề tài này. Những khái quát này khá tỉ mỉ với các dẫn chứng đầy đủ cho ai muốn tìm hiểu về mảng này. Bài viết này, chúng tôi cũng lại có dịp giới thiệu trong quyển Nam Phương 1 trước đây, tuy nhiên lần này có bổ sung thêm một số phụ lục cho nó.
 

Ngoài văn học chú giải, cũng có một số tác phẩm khác thuộc văn hệ Pāli góp phần làm phong phú cho cách hiểu về Phật giáo của hệ phái Theravāda. Đa phần các văn bản này đều còn ở nguyên bản Pāli. Ở đây, chúng tôi xin dẫn bài viết về Ngoại phần tam tạng của Access To Insight để nói cấu trúc các bộ loại này. Bên cạnh đó, một bài viết nữa tổng hợp một số ghi chép về quá trình hình thành nền văn học Pāli tại Tích-lan của nhiều tác giả cũng được chúng tôi kèm theo cho những ai muốn tìm hiểu thêm.
 

Quá trình phiên dịch Kinh Tạng Pāli, trong đó chủ yếu là phần dịch thuật của Hòa thượng Minh Châu, là một chủ đề cần phải tìm hiểu để biết về văn hóa tiếp nhận cũng như những ưu và khuyết điểm của thời đại. Chúng tôi rất may mắn có được nghiên cứu chi tiết về Lịch sử phiên dịch kinh tạng Pāli Việt Nam của đạo hữu Nguyễn Anh Tú. Bài này đã được trình ở Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội vào năm 2015.
 

Các bản tương đương được nêu trong lần xuất bản này dựa theo thông tin được cung cấp bởi Sutta Central. Các quy ước liên quan việc đánh bản tương đương được chúng tôi dịch lại từ thông cáo của hội này. Quá trình tìm kiếm các bản tương đương, bên trong và bên ngoài các nguồn tài liệu Pāli, vẫn đang được các nhà nghiên cứu tiến hành. Đến giờ phút này, đây là những gì tốt nhất ta có thể biết được.
 

Ngoài việc xem xét các bản tương đương chính thức, một chủ đề mới lạ, ít người biết đến, cho học thuật tỷ giảo Pāli Việt Nam là vấn đề dị bản của Pāli. Chúng tôi dịch bài viết mở đầu của Tam Tạng Dhammachai cho chủ đề này. Đây là một công trình đầy tham vọng, có thể coi là duy nhất cho nghiên cứu quy mô về mảng này trên thế giới.
 

Như một mảnh ghép lịch sử, Kinh Tạng Pāli cần được nghiên cứu trong tương quan đối chiếu với các văn bản tương đương khác. Đây cũng chính là tâm nguyện và kỳ vọng của Hòa thượng Minh Châu khi thực hiện bản luận án và xây dựng nền học thuật Phật giáo tại Việt Nam. Đúng như ngài nói, Việt Nam với nền tảng tương giao văn hóa, có rất nhiều điều kiện để phát triển về tỷ giảo học. Tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ như nó vẫn chưa phát triển được như nó nên là. Tôi hy vọng bài viết của mình Về tỷ giảo học kinh tạng Nikāya có thể khái quát một số kiến thức cơ sở, nguồn tài liệu, cũng như phương pháp xử lý cần thiết để thực hiện ước vọng này.

 

LỜI TRI ÂN
 

Trước nhất và trên hết, hàng hậu học chúng con xin dành sự tri ân sâu sắc đến công đức của cố Hòa thượng Minh Châu. Ngài đã dành trọn đời mình để cống hiến cho việc phiên dịch kinh điển Pāḷi và xây dựng nền Phật học Việt Nam. Những thành quả ấy, cho đến hiện giờ, vẫn chưa ai có thể so sánh được! Sự nghiệp dấn thân, khai phóng, vô vị lợi của Ngài là tấm gương sáng cho muôn đời phật tử Việt Nam noi theo.
 

Chúng con cũng chân thành tri ân Ôn Tuệ Sỹ và Thầy Lê Mạnh Thát đã khuyến khích và có những góp ý quý báu cho công việc học hỏi và nghiên cứu kinh điển của chúng con. Tinh thần và sở học của các Ngài mãi là ngọn đèn dẫn lối cho các thế hệ Phật học Việt Nam hôm nay và mai sau.
 

Ngoài ra, phải kể đến tín tâm, lòng nhiệt thành, sự cổ võ và giúp đỡ của Chư tôn đức ni: Thích Nữ Thanh Trang, Thích Nữ Thanh Hương; cùng chư vị thiện hữu xa gần, nhất là gia đình đạo hữu Lý Hữu Đức, đạo hữu Nguyễn Kỳ Ái Minh, đạo hữu Vương Thị Hoa, đạo hữu Andrul Huê, đạo hữu Tống Thị Phương Lan, đạo hữu Đỗ Thị Việt Hà, đạo hữu Trịnh Ngọc Trác, đạo hữu Nguyễn Thanh Hậu, đạo hữu Nguyễn Cung Thạc, đạo hữu Đào Quang Dũng, đạo hữu Diễm, đạo hữu Chung Barca, đạo hữu Trịnh Đức Vinh, gia đình đạo hữu Đào Trọng Trác… nếu không có sự giúp sức của quý vị thì phật sự này đã chẳng thể thành tựu.
 

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Phiên dịch và biên soạn
Nguyễn Quốc Bình - Nguyễn Anh Tú

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...