Danh sách bài viết

Huyện Tân Định được tái sinh

Cập nhật: 27/12/2017

Huyện Tân Định được tái sinh

 

ninhhoa (21-11).gif

Nguyễn Văn Nghệ

 

     Chiều ngày 07/07/2015 toàn thể đại biểu dự kỳ họp thứ 10, Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa khóa V đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chánh Thị xã Ninh Hòa để thành lập huyện mới Tân Định.

    Địa giới hành chánh huyện mới Tân Định: Phía Đông giáp thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; Phía Tây giáp huyện M’Drak tỉnh Daklak và huyện Khánh Vĩnh; Phía Nam giáp huyện Khánh Vĩnh; Phía Bắc giáp huyện M’Drak tỉnh Daklak và huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên.

   Huyện Tân Định trong quá khứ.

   Tháng 3 năm Quý Tỵ(1653), vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lộc hầu(không rõ họ) làm Thống binh, Xá sai Minh Vũ(không rõ họ) làm Tham mưu, lãnh 3000 quân đi đánh. Quân vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, đánh thẳng vào thành, nhân đêm phóng lửa đánh gấp, cả phá được. Bà Tấm trốn chạy. Lấy được đất đến sông Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng. Hùng Lộc hầu đem việc báo lên. Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang(nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh(nay là Diên Khánh). Phủ Thái Khang có hai huyện: Quảng Phước và Tân Định; phủ Diên Ninh có ba huyện: Phước Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Đặt dinh Thái Khang(nay là Khánh Hòa) cho Hùng Lộc trấn giữ (1)

   Như vậy đơn vị hành chánh huyện Tân Định được khai sinh từ năm 1653. Dưới thời các chúa Nguyễn, những ghi chép về huyện Tân Định trong sử sách rất mờ nhạt.

    Huyện Tân Định thời vua Gia Long đến thời vua Tự Đức

   Tháng 11 năm Canh Ngọ(1810) vua Gia Long “ hạ lệnh cho từ Quảng Bình trở về Nam đến Bình Hòa( nay là Khánh Hòa- TG)làm địa bạ. Chiếu rằng: “Chính sự tốt trước hết là từ cương giới. Triều trước kinh lý việc dân, ruộng đất có sổ, cương giới rõ ràng. Từ khi biến cách về sau(nội chiến giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn-TG), sổ sách tản mát, đầu thời trung hưng chưa kịp sửa chữa. Gián hoặc có người xin trưng và tranh kiện, thì phần nhiều mờ mịt, không do đâu mà quyết định. Vậy hạ lệnh cho các dinh trấn báo khắp cho xã dân, đều cứ theo số ruộng đất công tư, thực trưng và bỏ hoang, ghi rõ mẫu sào, đẳng hạng ,xứ sở, bốn bên, hạn trong ba tháng làm xong sổ dâng lên. Quan sở tại phải nghiêm cấm nha lại, không được tạ sự quấy nhiễu” (2)

   Qua các địa bạ của các xã, thôn trong huyện Tân Định khai báo năm 1811 còn lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hệ thống và cho xuất bản tác phẩm “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- Khánh Hòa” vào năm 1995. Từ đó chúng ta mới biết vào năm 1811 huyện Tân Định có 3 tổng: tổng Hạ, tổng Thượng, tổng Trung (3)

                       Tổng Hạ gồm có 10 xã, 8 thôn,1 xứ :

       – An Phú xã                                                  – Mỹ Thuận thôn

       – An Phước thôn                                           – Ngòi Láng thôn

       – An Thạnh Đông xã                                     – Phú Lộc xã

       – An Thạnh Tây xã                                        – Phước Thạnh xã

       – Bàu Than xứ                                               – Tân Lập thôn

       – Hội An xã                                                    – Thanh Châu xã

       – Hội Bình xã                                                 – Thuận An xã

       – Mỹ An Đông xã                                           – Vạn An xã

       – Mỹ An Tây thôn                                          – Vạn Phước thôn

       – Mỹ Chánh thôn

     Đường thiên lý đi qua các xã, thôn, xứ của tổng Hạ huyện Tân Định: An Thạnh Tây x. (1959 tầm),Bàu Than xứ(305 tầm),Mỹ An Tây t.(210 tầm), Phú Lộc x.(1850 tầm), Thuận An x.(104 tầm 2 thước 5 tấc), Vạn An x.(55 tầm),Vạn Phước t.(500 tầm).

                   Tổng Thượng gồm có 14 xã, 18 thôn:

     – An Đằng An Thuận thôn                             – Hòa An xã

     – An Lâm thôn                                               – Hội Sơn thôn

     – An Phú Lộc Sơn thôn                                  – Mỹ Lộc xã

     – An Xuân xã                                                  – Ngọc An thôn

     – Bàu Đá thôn                                                 – Phú Mỹ xã

     – Bình An xã                                                   – Phú Quý thôn

     – Chiêm Dân Đồng Hương xã                        – Phước An thôn

     – Diêm Tràng xã                                             – Quy Phú xã

     – Đại An xã                                                     – Sơn Điền Nàng Hai thôn

     – Đông An thôn                                               – Tân An xã

     – Đồng Cam thôn                                             – Thạnh An tứ chánh thôn 

      – Đồng Tre thôn                                              – Thạnh Toàn xã

     – Đồng Xuân thôn                                            – Thuận An xã

     – Gò Găng Đại thôn                                          – Trường Lộc xã

     – Gò Găng tiểu thôn                                          – Tứ Chánh thôn

     – Gò Trại thôn                                                   – Vạn Toàn thôn

   Các xã Đồng Xuân, xã Hòa An và thôn Ngọc An đã mất địa bạ. Tổng Thượng, huyện Tân Định không có đường Thiên lý đi qua. Riêng xã Chiêm Dân Đồng Hương  (nay thuộc xã Ninh Thượng) có sở đất diện tích 6 thước 2 tấc là thần từ miếu thờ Thiên Y. Theo lời truyền miệng của người xưa là cho đến thời vua Gia Long xã Chiêm Dân Đồng Hương vẫn còn người Chiêm Thành (Chàm) sinh sống cho nên mới có tên “ Chiêm Dân”.

             Tổng Trung có 13 xã , 9 thôn

    – An Ấp xã ( nay là Phong Ấp)       – Phước An thôn

    – An Hòa xã (Xuân Hòa)                 – Phước An xã (Phước Lý)

    – An Phụng xã (Nghi Phụng)          – Phước Lộc xã

    – An thành xã (Bình Thành)            – Quang Hiện thôn (Quang Vinh)

    – Đồng Dài thôn                              – Tân Thủy thôn

    – Hương Thạnh xã                           – Thạch Thành xã

    – Mỹ Cang thôn (Phụng Cang)        – Thạnh Mỹ xã

    – Mỹ Hoa xã (Mỹ Lợi)                    – Toàn Thạnh xã ( Mỹ Hiệp)

    – Phú Đa thôn( Phú Đa )                 – Tuân An thôn (Tuân Thừa)

    – Phú Hòa thôn                                – Vĩnh Phước thôn

    – Phú Vinh xã                                  – Xuân An xã ( Điềm Tịnh)

    Hai thôn mất địa bạ thôn Phú Hòa (An Phú Hòa Hương) và thôn Tân Thủy. Đường Thiên lý qua hai xã của tổng Trung: xã Toàn Thạnh (911 tầm) và xã Mỹ Hoa (830 tầm).

    Đầu đời Gia Long chưa đặt chức Tri phủ phủ Bình Hòa và chức Tri huyện huyện Tân Định, công việc hành chánh do Quản đạo đồn Bình Hòa quản lý. Năm Minh Mạng thứ nhất(1820) bỏ chức Quản đạo đồn Bình Hòa, đặt Tri huyện huyện Tân Định kiêm lý công việc huyện Quảng Phước. Năm Minh Mạng thứ 7(1826), bỏ chức Tri huyện huyện Tân Định, giao cho Phủ kiêm lý. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đặt lại chức Tri huyện huyện Tân Định, thuộc Phủ thống hạt (4)

      Huyện lỵ của huyện Tân Định ở xã Mỹ Thạnh(sau đổi Mỹ Hiệp- TG), dựng năm Minh Mạng thứ 13(1832)

     Dưới thời vua Gia Long, tổng Hạ huyện Tân Định không tiếp giáp với đầm Nha Phu, do các xã, thôn ven biển nằm dưới sự quản lý của đơn vị hành chánh thuộc Hà Bạc, huyện Quảng Phước. “ Buổi quốc sơ mở mang bờ cõi, dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi, ven biển thì lập làm Thuộc” (5). Đến tháng 5 năm Đinh Hợi (1827) “ Đổi các Thuộc từ Thừa Thiên trở vào Nam đến Bình Hòa làm Tổng, cho thuộc các huyện sở hạt. Trước đây Thuộc vẫn là Thuộc, không lệ vào huyện, đến bây giờ mới sai xét theo địa thế, nơi nào gần tiện thì đổi lệ vào” (6). Như vậy những xã thôn ven biển, ven đầm Nha Phu của Thuộc Hà Bạc trước đây giáp với huyện Tân Định từ đây được sáp nhập vào huyện Tân Định.

  Vào cuối thời vua Tự Đức huyện Tân Định lãnh 3 tổng 74 xã thôn và chỉ ghi vắn tắt như vậy mà thôi,không thấy ghi tên các xã, thôn.  (7)

      Huyện Tân Định thời vua Đồng Khánh

     Theo như quyển Đồng Khánh dư địa chí tỉnh Khánh Hòa bằng chữ Hán được soạn vào đầu thời vua Đồng Khánh (1886-1888)ghi chép về huyện Tân Định:, “ Ninh Hòa phủ thống hạt, huyện lỵ tại Hiệp Trung tổng, Mỹ Thạnh xã địa phận, tứ diện trúc ly, thông trường tam thập trượng…Huyện hạt tam tổng, đinh cai nhất thiên tam bách bát thập nhị nhân” (thuộc phủ thống hạt, huyện lỵ ở tại địa phận xã Mỹ Thạnh ,tổng Hiệp Trung, bốn mặt rào tre, chu vi 30 trượng…Trong huyện có 3 tổng dân đinh cộng là 1382 người).

      Quyển Đồng Khánh dư địa chí là quyển địa chí duy nhất dưới triều Nguyễn có ghi rõ tên tổng, xã, thôn trong tỉnh Khánh Hòa. Huyện Tân Định gồm 3 tổng, 74 xã, thôn, ấp, hộ.

            Tổng Thân Thượng (thời Gia Long là tổng Thượng) gồm 25 xã, thôn, ấp:

   – Nghi Xuân xã          – Đồng Hương xã        – Tân Lâm xã       – Tân Phong xã

   – Mỹ Thành xã           – Nhĩ Sự xã                  – Đại Cát xã         – Ngũ Mỹ xã

   – Vạn Hữu xã             – Phú Hội thôn             – Dục Mỹ thôn     – Đại Tập thôn

   -Đại Mỹ thôn             – Phước Lâm thôn       – Vân Thạch thôn – Tương Lạc thôn

   – Phụ Đằng thôn        – Tân Tứ ấp                  – Thuận Lễ xã       – Tân Lộc xã

   – Hòa Thuận thôn      – Tân Quý ấp                – Gia Kỳ thôn       – Trường Lộc xã

   -Tân Trúc ấp.

              Tổng Hiệp Trung (thời Gia Long là tổng Trung) gồm 22 xã, thôn:

   – Phú Lễ xã              – Điềm Tĩnh xã (8)        – Nghi Phụng xã      – Xuân Hòa xã

   – Bình Thạnh xã      – Mỹ Thạnh xã             – Phước Lý xã          – Hương Thạnh xã

   – Phú Hòa xã           – Thạch Thành xã         – Phong Ấp xã          – Phú Lộc xã

   – Thạnh Mỹ xã(8)   – Phụng Cang x             – Mỹ Hòa xã            – Phước Mỹ xã

   – Quang Vinh xã     -Phú Đa xã                    -Vĩnh Phước thôn    – Tuân Thừa thôn

   – Bình Trị thôn        – Trường Châu thôn

              Tổng Ích Hạ (thời Gia Long là tổng Hạ và thuộc Hà Bạc) gồm 27 xã,thôn, hộ:

   – Phong Phú xã        – Hội Phú xã                  – Thanh Châu xã     – Hậu Phú xã

   – Phong Thạnh xã    – Vạn Khê xã                 – Thuận Hòa xã       – Mỹ Trạch xã

   – Phú Hữu xã           – Hội Bình xã                 – Vạn Phước thôn   – Mỹ Chánh thôn

   – Phú Thứ thôn        – Phú Thạnh thôn           – Hà Liên thôn        – Mỹ Lợi thôn

   – Tân Khê thôn        – Tân Ngọc thôn            – Cát Lợi thôn         – Ngọc Diêm thôn

   – Tân Thủy thôn      – Tam Ích thôn               – Lương Sơn thôn   – Mỹ Thuận thôn

   – Tân Phú thôn        – Ninh Đức thôn             – Tân Kiều hộ

    Huyện Tân Định sau thời vua Đồng Khánh

    Theo như một số Niên giám hành chánh Đông Dương phần tỉnh Khánh Hòa bằng tiếng Pháp các năm 1899, 1910,1914,1915,1917,1918,1919,1920,1921,1922,1924,1928,1931 đang lưu giữ tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa cho thấy số xã ,thôn trong huyện Tân Định dao động trong khoảng 73-75 xã thôn. Năm 1910 và 1914,huyện Tân Định có 73 xã thôn (tổng Hiệp Trung 22 xã thôn; tổng Thân Thượng 23 xã thôn; tổng Ích Hạ 28 xã thôn). Năm 1915,1917,1918 huyện Tân Định có 74 xã thôn. Năm 1919,1920,1921 có 75 xã thôn. Năm 1922 và 1924 có 74 xã thôn. Riêng năm 1928 và 1931 số tổng trong huyện Tân Định tăng lên 4 tổng (tên tổng thứ 4 tôi chưa cập nhật được) và số xã thôn tăng lên 88 xã thôn.

   Số dân đinh năm 1899 là 1737; 1910 là 2795; 1915: 2972;1918 :3096; 1921: 3180; 1922: 3457;1924: 3992; 1928: 5741; 1931: 6512

    Phủ Ninh Hòa thống hạt huyện Tân Định

    Tháng 10 năm Bính Tuất (1826) bắt đầu đặt chức Tri phủ ở các phủ Bình Hòa (sau đổi Ninh Hòa)và phủ Diên Khánh, sai quan dinh trấn chọn đất làm phủ lỵ để ở (phủ Bình Hòa kiêm lý huyện Quảng Phước, phủ Diên Khánh kiêm lý huyện Hoa Châu, các phủ lỵ đều đặt ở nơi huyện kiêm lý) (9)

     Phủ lỵ Ninh Hòa đầu tiên ở tại xã Phước Đa, huyện Quảng Phước (tả ngạn sông Dinh), năm 1831 dời qua thôn Vĩnh Phú cũng thuộc huyện Quảng Phước Phước. Sau nhân có biến cố phủ lỵ Ninh Hòa dời qua xã Thạnh Mính, tổng Phước Hà ,huyện Quảng Phước (xã Thạnh Mính tức thôn Thạnh Danh, Ninh Diêm hiện nay. Xét theo nguyên văn chữ Hán thì phải đọc Thạnh Mính chứ không phải Thạnh Danh. Bởi vì viết theo nét chữ Hán: bên trên chữ “Danh” có bộ “Thảo đầu” phải đọc là “Mính”, nhưng riêng ở làng Thạnh Danh có trường hợp ngoại lệ, viết chữ “Mính” nhưng lại đọc là “Danh”. Cho nên các dịch giả nếu không am tường địa phương khi dịch văn bản sẽ ghi là “Thạnh Mính”). Thời Đồng Khánh(1886-1888) phủ lỵ Ninh Hòa vẫn còn tại thôn Vĩnh Phú, bốn mặt rào tre, chu vi 68 trượng.(Phủ lỵ tại Phước Khiêm tổng, Vĩnh Phú thôn địa phận, tứ diện trúc ly, thông trường lục thập bát trượng). Sau đó phủ lỵ Ninh Hòa lại được dời về chỗ cũ  xã Phước Đa. ( Hiện nay địa điểm phủ lỵ Ninh Hòa tại Phước Đa được mang tên là Phủ Cũ. Từ Ngã Ba Ngoài Ninh Hòa đi vào hướng chợ Ninh Hòa khoảng 200 mét rẽ phải là đường lên Phủ Cũ) (10). Do phủ lỵ Ninh Hòa đóng trên địa bàn huyện Quảng Phước nên viên Tri phủ Ninh Hòa kiêm lý huyện Quảng Phước (Kiêm lý là viên Tri phủ phủ Ninh Hòa vừa làm việc phủ Ninh Hòa, vừa coi cả việc huyện Quảng Phước, vì huyện Quảng Phước không có viên Tri huyện) và thống hạt huyện Tân Định (Thống hạt là viên Tri phủ phủ Ninh Hòa được quyền điều khiển và kiểm soát công việc của viên Tri huyện huyện Tân Định) .

     Dưới thời vua Duy Tân để tinh giảm bộ máy hành chánh thì huyện nào có phủ lỵ thì xóa bỏ đơn vị hành chánh của huyện ấy. Trước đây tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ(Diên Khánh và Ninh Hòa) và 4 huyện( Phước Điền, Vĩnh Xương, Quảng Phước và Tân Định) thì nay còn 2 phủ(Diên Khánh và Ninh Hòa) và 2 huyện(Vĩnh Xương và Tân Định) (11) .

   Đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, thực dân Pháp mở Quốc lộ 21 (nay là QL 26) đi Daklak, cho nên phủ lỵ Ninh Hòa được di dời từ Phước Đa sang địa bàn huyện Tân Định(nơi giáp ranh của làng Phong Ấp, Mỹ Hiệp và Phước Lý).Địa bàn huyện Quảng Phước trước đây bị thu hẹp lại và ranh giới được đẩy lùi từ sông Dinh ra đến Dốc Đá Trắng (ranh giới giữa xã Ninh An và Vạn Hưng hiện nay) và lấy tên là huyện Vạn Ninh. Địa danh Vạn Ninh bắt đầu xuất hiện từ đây. Mặc dù Phủ lỵ đóng trên địa bàn huyện Tân Định nhưng đơn vị hành chánh huyện Tân Định vẫn hoạt động cho đến ngày triều Nguyễn cáo chung.

     Sau năm 1954 các đơn vị hành chánh phủ và huyện trước đây đều biến đổi thành đơn vị “Quận”. Phủ Diên Khánh trở thành quận Diên Khánh, huyện Vĩnh Xương thành quận Vĩnh Xương. Vào thời điểm ấy phủ lỵ Ninh Hòa nằm trên địa bàn huyện Tân Định nên địa bàn huyện Tân Định trở thành quận Ninh Hòa. Để cho phù hợp với địa danh hành chánh mới, nên những nơi có liên quan đến địa danh Tân Định được đổi thành Ninh Hòa. Ví dụ Văn chỉ huyện Tân Định (thờ Khổng tử cùng các tiên hiền, tiên nho) tọa lạc tại thôn Phước Lý  cũng đổi tên thành Văn chỉ Ninh Hòa. Địa danh Tân Định được “khai tử” trên bản đồ hành chánh từ ấy.

    Huyện Tân Định sắp được “tái sinh”

  Ngày 25/10/2010 huyện Ninh Hòa được nâng lên thành thị xã Ninh Hòa. Thị xã Ninh Hòa (gồm 27 đơn vị hành chánh trực thuộc):

  – 7 phường: Ninh Hiệp (Thị trấn Ninh Hòa trước đây), Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Hà, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Hải.

  – 20 xã: Ninh Sơn, Ninh Thượng, Ninh Tây,Ninh Trung, Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Thân, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Ích,Ninh Lộc, Ninh Hưng, Ninh Tân, Ninh Đông, Ninh Phụng.

   Theo như Nghị quyết của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa vào chiều ngày 07/07/2015 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Ninh Hòa để thành lập huyện mới Tân Định thì diện tích huyện mới Tân Định là 80.313,52 ha, dân số 102.291 người của 12 đơn vị cấp xã phía tây của thị xã Ninh Hòa gồm các xã:Ninh Quang (có các thôn: Phú Hòa; Phước Lộc;Quang Vinh; Tân Quang; Thạch Thành; Thạnh Mỹ;Thuận Mỹ;Trường Châu; Vạn Hữu)Ninh Bình (gồm các thôn: Bình Thành;Bình Trị; Hiệp Thạnh; Hòa Thuận;Phong Ấp; Phụ Đằng; Phước Lý;Tân Bình; Tuân Thừa ),  Ninh Tây  (gồm các thôn, buôn: thôn Xóm Mới; Buôn Lác;Buôn Sim;Buôn Sông Búng; Buôn Suối Mít; Buôn Tương)Ninh Hưng ( gồm các thôn: Gò Sắn;Phú Đa;Phụng Cang; Phước Mỹ; Trường Lộc)Ninh Phụng ( gồm các thôn: Đại Cát; Điềm Tịnh; Nghi Phụng; Phú Bình; Vĩnh Phước; Xuân Hòa)Ninh Sim ( gồm các thôn: Đống Đa; Lam Sơn; Nông Trường, Tân Khánh 1; Tân Khánh 2; Tân Lập), Ninh Xuân ( gồm các thôn: Ngũ Mỹ; Phước Lâm; Tân Mỹ; Tân Phong; Tân Sơn)Ninh Tân ( gồm các thôn: Bắc; Nam; Trung; Suối Sâu)Ninh Thượng (gồm các thôn: Đồng Thân; Đồng Xuân; Tân Hiệp; Tân Lâm; Tân Tứ; Thôn 1; Thôn 2), Ninh Trung(gồm các thôn: Mông Phú; Phú Sơn; Phú Văn; Quảng Cư; Tân Ninh; Thạch Định; Vĩnh Thạnh)Ninh Thân ( gồm các thôn: Chấp Lễ; Đại Mỹ; Đại Tập; Lỗ Bò;  Mỹ Hoán; Nhĩ Sự; Suối Méc; Tân Phong),  Ninh Sơn ( gồm các thôn: 1; 2; 3; 4; 5).

    Trung tâm hành chánh huyện lúc đầu dự kiến tại thôn Phước Lâm xã Ninh Xuân.Nhưng trong tháng 11/2017 lại thay đổi dự kiến trên để thành lập thị trấn Ninh Sim(12)

    Huyện Tân Định sau khi được “khai tử” khoảng một “lục thập hoa giáp”(60 năm) nay sẽ được “tái sinh”. Huyện Tân Định “tái sinh” có diện tích nhỏ hơn huyện Tân Định vào thời vua Gia Long và cũng không còn giáp biển và đầm Nha Phu nữa.

 

 

 

  Chú thích: 

  • Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, trg 62.
  • Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, trg 801.
  • Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- Khánh Hòa, Nxb TP.HCM,trg 155-194.
  • Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, trg 90-91.

Đại Nam nhất thống chí quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên &Khánh Hòa, Nxb Nha Văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa 1964, trg 62-63.

  • Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, trg 140.
  • Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, trg 618.
  • Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, trg 91.
  • Theo mặt chữ Hán phiên âm là “Điềm Tĩnh xã” nhưng dân địa phương lại phát âm là “Điềm Tịnh xã”.Địa danh Thạnh Mỹ nhưng hiện nay lại gọi là Thanh Mỹ
  • Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, trg 546-547.
  • Đại Nam nhất thống chí quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên&Khánh Hòa, Nxb Nha Văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa 1964, trg 69.
  • Annuaire Administratif de L’Indochine 1910 (1914;1915; 1917; 1918; 1919; 1920; 1921; 1922; 1924; 1928; 1931) Province de Khanh Hoa, HaNoi Imprimerie d’Extrême- Orient, page 534 ( 270; 254; 246; 248; 255; 263; 268; 276; 291; 328; 379)(Niên giám hành chánh Đông Dương năm 1910( 1914;1915…)tỉnh Khánh Hòa, trang 534 (270,246…)
  • baokhanhhoa.com.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/201507/se-thanh-lap-them-huyen-tan-dinh-2397096/

   –  http://www.baokhanhhoa.com.vn/chinh-tri/201711/hdnd-thi-xa-ninh-hoa-lay-y-kien-ve-de-an-thanh-lap-huyen-tan-dinh-va-thi-tran-ninh-sim-8058692

Nguồn: / 0

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 20 (có đáp án): Vương quốc Phù Nam

Lịch sử

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 20: Vương quốc Phù Nam có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 19 (có đáp án): Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X

Lịch sử

Với 13 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 19: Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 18 (có đáp án): Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X

Lịch sử

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 18: Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 17 (có đáp án): Cuộc đấu tranh bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Việt

Lịch sử

Với 10 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 17: Cuộc đấu tranh bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Việt có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 16 (có đáp án): Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu giành độc lập trước thế kỉ X

Lịch sử

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 16: Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu giành độc lập trước thế kỉ X có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 15 (có đáp án): Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc và sự chuyển biến của xã hội Âu Lạc

Lịch sử

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 15: Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc và sự chuyển biến của xã hội Âu Lạc có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc...

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 14 (có đáp án): Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

Lịch sử

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 14: Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 13 (có đáp án): Giao lưu văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X

Lịch sử

Với 11 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 13: Giao lưu văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 12 (có đáp án): Sự hình thành và bước đầu phát triển của các vương quốc phong kiến ở Đông Nam Á

Lịch sử

Với 15 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 12: Sự hình thành và bước đầu phát triển của các vương quốc phong kiến ở Đông Nam Á có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.

Trắc nghiệm Lịch Sử 6 Kết nối tri thức Bài 11 (có đáp án): Các quốc gia sơ kì ở Đông Nam Á

Lịch sử

Với 10 câu hỏi trắc nghiệm Lịch Sử lớp 6 Bài 11: Các quốc gia sơ kì ở Đông Nam Á có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch Sử 6.