Hôm nay (2.8), Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức hội thảo "Vai trò của các trường ĐH đối với sự phát triển về giáo dục và khoa học công nghệ của TP.HCM-Lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường". Hội thảo thu hút đại diện nhiều trường ĐH và THPT tham gia.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết hội thảo được tổ chức tại thời điểm khá đặc biệt, khi đợt đăng ký nguyện vọng tuyển sinh ĐH năm 2024 vừa khép lại. "Sở dĩ tôi nhắc đến sự kiện này, là bởi vì kết quả của các đợt đăng ký trong những năm gần đây cũng đặt ra cho tôi nhiều trăn trở về việc hướng nghiệp, phân luồng cho các em học sinh", PGS Toàn nói.
Giải thích rõ hơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trích dẫn số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT về kết quả tuyển sinh 2 năm 2022 và 2023, khi mà cả lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường cũng như khoa học sự sống đều chỉ đạt tỷ lệ dưới 1% tổng số thí sinh trúng tuyển. Con số này thấp hơn rất nhiều lần so với các lĩnh vực tốp đầu như kinh doanh và quản lý (khoảng 24%), máy tính và công nghệ thông tin (khoảng 11%).
PGS Toàn cho biết các trường ĐH đào tạo lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy công tác tuyển sinh. Mặc dù vậy, các con số trên đều cho thấy dường như thế hệ trẻ và có lẽ là cả phụ huynh, vẫn chưa thực sự hiểu rõ về tầm quan trọng và tiềm năng của lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường.
Trong khi đó, theo ông Toàn, tầm quan trọng của các lĩnh vực này đang ngày càng được khẳng định và ứng dụng rất nhiều trong mọi mặt của đời sống như y tế sức khỏe, nông nghiệp, y học và các ngành công nghiệp dược phẩm và khoa học thực phẩm. "Do đó nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao các ngành: sinh học, công nghệ sinh học, nông lâm, thủy sản, bảo tồn thiên nhiên… sẽ ngày càng tăng cao", Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT công bố 4 lĩnh vực đào tạo đứng đầu danh sách tuyển sinh khó nhất liên tục trong 3 năm liền (2020-2022) gồm: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội. Theo đánh giá của Bộ, đây là các ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp.
Cũng tại hội thảo, tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Phó trưởng khoa Nông học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ số liệu gây chú ý. Cụ thể, năm 2023 trong khoảng 600.000 thí sinh trúng tuyển vào ĐH, thì 20% thí sinh không nhập học. Trong số đã nhập học thì chỉ sau một năm tiếp tục có 5-7% phải đăng ký xét tuyển lại, có nghĩa nhiều thí sinh đã chọn sai ngành, sai trường. Điều này để lại nhiều hệ lụy cho bản thân người học và xã hội.
Nhưng theo tiến sĩ Thịnh, công tác hướng nghiệp thời gian qua đang nói lên nhiều bất cập. "Khi được hỏi vì sao em học ngành này, câu trả lời thường là ngành đang 'nóng' trên thị trường, cơ hội việc làm cao, lương cao… Rõ ràng đây đều là chọn nghề theo cảm tính, theo ý kiến của người khác hoặc chọn nghề theo trào lưu chung", ông Thịnh nói.
Theo tiến sĩ Thịnh, vai trò của hướng nghiệp cho học sinh trong hướng đi, chọn nghề phù hợp vô cùng cần thiết. Trong đó, trường ĐH và các THPT có sự ảnh hưởng nhiều nhất đến nhận thức của học sinh về các yếu tố hướng nghiệp.
"Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào khối ngành này ở mức thấp. Ngoài công tác hướng nghiệp sớm với người học, cần có thêm chính sách khuyến khích hợp lý dành cho người học với khối ngành này", Phó trưởng khoa Nông học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ý kiến.