Cập nhật: 07/10/2020
Trung tâm khuyến công tỉnh Long An vừa đưa vào vận hành mô hình dây chuyền xử lý, phân loại và đóng gói sản phẩm chanh sau thu hoạch với công suất 20 tấn/ngày, tại hộ anh Nguyễn Văn Chiến ở ấp 7, xã Lương Hoà (huyện Bến Lức).
Dây chuyền này có tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng, trong đó nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại do gia đình anh Chiến đầu tư.
Mô hình trên gồm các hạng mục: nhà xưởng, băng tải, máy rửa chanh, dây chuyền phun thuốc bảo quản và sấy, máy phân loại và đóng gói.
Ưu điểm của hệ thống xử lý, đóng gói chanh nhằm rút ngắn thời gian xử lý, thay thế lao động thủ công cho các công đoạn sau thu hoạch như rửa, phân loại, bảo quản, đóng gói…
Cụ thể, với sản lượng 20 tấn/ngày thì với 20 lao động chỉ mất thời gian 7 giờ/ngày. Không chỉ thế, chất lượng sản phẩm tươi, ngon hơn, loại bỏ được nấm mốc, vi khuẩn và thời gian bảo quản lâu, tiêu thụ ổn định.
Trong khi đó, nếu xử lý bằng thủ công với sản lượng 20 tấn/ngày và với 20 lao động, nhưng mất thời gian tới 14 giờ/ngày; đồng thời, không loại bỏ được nấm mốc, vi khuẩn, thời gian bảo quản ngắn…
Với hệ thống dây chuyền xử lý chanh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thời gian bảo quản, phục vụ nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh Long An có diện tích gần 4.000 ha, chủ yếu tập trung ở huện Bến Lức, Đức Hòa và Thủ Thừa, với sản lượng hàng năm có trên 100 ngàn tấn.
Thời gian qua, người trồng chanh thường gặp khó khăn về giá cả bấp bênh do chanh có nhược điểm vỏ mỏng, bảo quản vận không được lâu, vận chuyển rất khó dẫn đến không có xuất khẩu được và chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Theo Trung tâm khuyến công Long An, dây chuyền xử lý, đóng gói chanh là mô hình đầu tiên được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy với ưu điểm của mô hình này, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Nguồn: /