NÊN BAN HÀNH THÔNG TƯ VỀ QUY CHẾ CHỐNG DẠY THÊM TIÊU CỰC
Tại khoản 2 điều 11 chương II dự thảo luật Nhà giáo quy định về những điều nhà giáo không được làm, trong đó có việc "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức". Đây là điểm mới trong quy định đối với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Song nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của "lệnh cấm" này, nếu triển khai áp dụng thì hình thức nào để chế tài, phân công ai giám sát và các hình thức xử lý kỷ luật ra sao?
Hiệu trưởng một trường ở Hà Nội cho rằng việc dạy thêm, học thêm phức tạp vô cùng, không văn bản nào có thể bao quát hết được. Học thêm, dạy thêm vốn là nhu cầu từ hai phía: người học và người dạy. Làm sao tạo thuận lợi cho việc học thêm lành mạnh (tự nguyện) và dạy thêm chính đáng, không bị nhầm lẫn với các hiện tượng tiêu cực là việc vô cùng khó khăn đối với các cơ quan quản lý giáo dục.
Dù vậy, vị hiệu trưởng cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý cần có cách thức để đẩy lùi nạn dạy thêm tiêu cực từ lớp 1 đến lớp 12 vì thực trạng này diễn ra lâu nay đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau xót "bào mòn sức khỏe học sinh (HS), cưỡng bức tiền của phụ huynh, xúc phạm lương tâm nhà giáo".
Điều mà dư luận đang quan tâm là làm sao để ngăn chặn cho được việc dạy thêm do giáo viên (GV) ép buộc HS (dạy thêm tiêu cực). "Vì thế, không có bất cứ lý do gì để biện minh cho việc dạy thêm tiêu cực. Lương không đủ sống ư? Có thể làm bất cứ việc gì hợp pháp để có thu nhập chính đáng", nhà giáo này bày tỏ quan điểm.
Vẫn theo vị hiệu trưởng, Bộ GD-ĐT nên ban hành thông tư về quy chế "chống dạy thêm tiêu cực". Quy chế này gồm 3 phần: Định nghĩa thế nào là dạy thêm tiêu cực, nêu những điều cấm và cách xử lý vi phạm. Khó nhất là phần xử lý. "Dạy thêm tiêu cực diễn ra âm thầm, đa dạng, khắp nơi… nguy hại vô cùng, cần dẹp bỏ", nhà giáo nhấn mạnh.
Dù vậy, nhà giáo này cũng lưu ý: "Người học trong mọi hoàn cảnh học thêm đều không có tội. Người dạy thêm thì có thể "có tội". Nhưng cách xử sự với nhà giáo trong trường hợp này không thể như với người "buôn gian, bán lận" hoặc kẻ "trộm cắp, cướp giật"… Cứ tưởng tượng một lớp học thêm đang diễn ra, đội liên ngành ập vào, thầy trò ngơ ngác… phản giáo dục vô cùng".
HẠN CHẾ SỰ LỆ THUỘC VÀO THI CỬ, ĐIỂM SỐ
Lâu nay, khi biện minh cho việc dạy thêm, không ít ý kiến so sánh tại sao bác sĩ được mở phòng khám bệnh ở ngoài còn GV thì không được mở lớp dạy thêm.
Dự thảo quy định mới về dạy thêm, học thêm mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến cũng thay đổi theo hướng bỏ quy định cấm GV dạy HS của mình và điều này vấp phải nhiều phản ứng của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến nêu thực tế hiện nay đa số phụ huynh cho con đi học thêm chính GV đang dạy con mình chủ yếu là… buộc phải tự nguyện. Nếu không cũng khó có thể yên tâm trước các gợi ý, chê trách, đánh giá… của GV.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục VN, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cũng nhấn mạnh cần có giải pháp quản lý việc dạy thêm, học thêm khả thi đi kèm, tránh đưa ra nguyên tắc nhưng khó thực hiện hoặc có hiệu quả thấp khi triển khai. Ông bày tỏ băn khoăn, lo ngại khi Bộ GD-ĐT dự kiến cho phép GV dạy thêm chính HS của mình, không chỉ ngoài nhà trường mà trong chính kế hoạch giáo dục của nhà trường. Bởi nhà trường có thể có hai chương trình dạy học là chính khóa và dạy thêm cùng tồn tại. Một chương trình chính khóa, người dạy hưởng lương của nhà nước và một chương trình dạy thêm có phí do cha mẹ các em đóng góp. Như vậy, dạy thêm, học thêm đã được hợp lý hóa chính thức trong các cơ sở giáo dục. Điều này khiến mong ước về "trường học hạnh phúc" chắc chắn sẽ còn rất xa vời.
Ông Đặng Tự Ân khẳng định dạy thêm, học thêm chỉ đi đúng hướng khi nhà trường có trách nhiệm giúp một bộ phận HS có trình độ kiến thức dưới chuẩn, nâng lên đạt chuẩn về yêu cầu cơ bản. Mức phí có thể không thu hoặc thu một phần bồi dưỡng cho thầy cô dạy. Như vậy, không thể tổ chức dạy thêm, học thêm đồng loạt, đại trà như tổ chức dạy học chính khóa.
Liên quan đến nội dung này, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, cho rằng nên bổ sung quy định nhà giáo không được trực tiếp kinh doanh một số hoạt động không phù hợp khi người bán hàng là người dạy, còn người mua hàng là người học, ví dụ như mở quán game cho HS chơi hoặc bán bảo hiểm cho cha mẹ HS. Bác sĩ thì có thể mở phòng mạch để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, đấy là điều rất tốt nhưng thầy giáo không thể mở lớp dạy thêm dạy cho chính HS của mình. Luật không cần quy định cụ thể hoạt động nào không được kinh doanh mà nên trao quyền này cho địa phương và nhà trường quy định.
Cũng theo ông Cường, cần phải xây dựng một bảng lương riêng cho 70% đội ngũ viên chức nhà giáo để phù hợp với đặc điểm và vị trí công việc của mỗi người. Chế độ tiền lương cần phải bù đắp thỏa đáng hao phí lao động để GV yên tâm, tâm huyết với nghề, không phải lo làm thêm để kiếm sống.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục VN, phản ánh thực tế việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu là chạy theo trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho HS. Vì vậy, theo ông Tùng Lâm, việc đặt ra quy định dạy thêm ở trường, GV dạy thêm chính HS của mình nên được cân nhắc kỹ. Với những HS không theo kịp chương trình, GV có trách nhiệm phụ đạo, có sự hỗ trợ từ ngân sách và không coi đây là dạy thêm, học thêm. "Bộ GD-ĐT cũng cần nghiên cứu phương án tuyển sinh vào các trường chuyên, hạn chế sự lệ thuộc vào thi cử, điểm số, từ đó sẽ giảm áp lực cho HS, hạn chế được bất cập, bức xúc" , ông Tùng Lâm đề nghị. (còn tiếp)
Quản lý thay vì cấm ?
Dù vậy, không ít ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận về luật Nhà giáo mới đây lại cho rằng cần có biện pháp quản lý thay vì đưa ra quá nhiều điều cấm, bởi dạy thêm cũng là quyền kiếm thêm thu nhập chính đáng của GV.
Nhìn nhận đây là nội dung khó, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ KH-ĐT ban hành một nghị định, một thông tư để hướng dẫn, bởi thực chất việc học thêm là nhu cầu thực tế của xã hội. "Dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng, một là cấm, hai là quản lý. Vậy, chúng ta không quản lý được thì chúng ta đi cấm. Trong khi có thực tế là hiện nay các thầy, cô giáo và phụ huynh HS rất cần; chúng ta cần phải có cơ chế quản lý để bảo vệ", đại biểu Khánh nêu quan điểm.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng chỉ khi việc học thêm với mục đích để có điểm không đúng với năng lực thực sự của HS do người dạy thêm không khách quan mới là điều cần chấm dứt. Ông Cảnh đề xuất xây dựng một ngân hàng đề thi đủ lớn, nếu cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô của mình dạy chính HS của mình thì các bài kiểm tra ở đó phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi với đầy đủ các độ khó để phản ánh đúng năng lực HS, đảm bảo công bằng cho tất cả các em.
Đáp lại các ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.