Danh sách bài viết

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO CỦA NGƯỜI VIỆT MIỀN TÂY NAM BỘ QUA CUỘC ĐỜI CÁC VỊ DANH TĂNG

Cập nhật: 30/12/2017

  • PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền

  • (Trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG-HCM)

 
Phan Thu Hiền. Đặc điểm văn hóa Phật giáo của người Việt ở Tây Nam Bộ
 

Từ cuộc đời các vị danh tăng như những nhân cách tiêu biểu, có thể nhận diện một số đặc điểm quan trọng của văn hóa Phật giáo người Việt miền Tây Nam Bộ qua những thể hiện cụ thể, sinh động, đầy thuyết phục. Báo cáo này thử tìm đặc điểm văn hóa Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ theo hướng đó.

          Tăng bảo là một trong Tam bảo của Phật giáo. “Tăng bảo được coi là thành phần trọng yếu, nhờ có tăng hoằng pháp mà Phật pháp được mở rộng (…). Đạo Phật thịnh hay suy là căn cứ ở con người…”. Đặc biệt, sự xuất hiện các vị danh tăng / cao tăng (những vị tăng “phần thực hành, hành động cao vời”, có danh tiếng lẫy lừng) đánh dấu sự phát triển hưng long của Phật giáo. [Thích Thanh Kiểm – Lời giới thiệu Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX: 4].  

          Qua cuộc đời các vị danh tăng như những nhân cách tiêu biểu để nhận diện đặc điểm của văn hóa Phật giáo, theo chúng tôi, có thể là một hướng tiếp cận hữu hiệu. Báo cáo này thử tìm đặc điểm văn hóa Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ theo hướng đó.

          Nguồn tư liệu mà chúng tôi khảo sát là bộ sách Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX gồm 2 tập, 2006 trang in khổ 16x24 cm, viết về 200 danh tăng Việt Nam thời cận đại, do Hòa thượng Thích Đồng Bổn chủ biên, với tập thể biên soạn và cộng tác viên, ban cố vấn, hội đồng kiểm định gồm nhiều bậc Tôn đức, thức giả, nhiều nhà khoa học (lịch sử, tôn giáo học, văn hóa học) uy tín trong cả nước. Bộ sách là công trình nghiên cứu công phu của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tuân thủ những nguyên tắc khoa học cẩn trọng: “sử liệu về cuộc đời của các bậc Cao đức cận đại cần được viết trung thực theo tinh thần sử học (…) “nhanh chóng ghi lại hành trạng của chư Tôn đức viên tịch chưa lâu, vẫn còn có nhiều nhân chứng hiểu biết cuộc đời các vị ấy, hoặc chưa bị năm tháng quá dày làm lãng quên…”. Nhóm biên soạn đã “tìm đến địa điểm lịch sử lúc tiền bối còn sinh thời để tìm tư liệu”, không sử dụng “các giai thoại hoặc các cảm nhận, đánh giá, phẩm bình…” chủ quan, “để cho bộ sử hoàn toàn khách quan và đúng bản chất sử học”.

          Tìm hiểu văn hóa Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ qua cuộc đời các vị danh tăng trong bộ sử này, đề tài của chúng tôi giới hạn phạm vi không gian là miền Tây Nam Bộ, như một trong bảy vùng văn hóa Việt Nam. Phạm vi thời gian là lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại từ khoảng đầu thế kỷ XX đến năm 1993 (khi nhóm biên soạn kết thúc giai đoạn sưu tầm tư liệu). Phạm vi chủ thể là những vị cao tăng sinh quán ở miền Tây Nam Bộ (phần khá đông cũng tham học, hoằng đạo, cống hiến cho Phật giáo chủ yếu ở khu vực này). Một số vị là người Việt gốc Hoa hay gốc Khmer, nếu truyền đạo, cống hiến cho Phật giáo chỉ trong cộng đồng người Hoa hay người Khmer thì không thuộc đề tài, nhưng nếu hoằng đạo, cống hiến trong cả cộng đồng người Việt thì vẫn thuộc đề tài của chúng tôi.

          Khảo sát cuộc đời và sự nghiệp các danh tăng, chúng tôi không chỉ chú ý đến cá nhân các vị mà còn quan tâm đến các thông tin lịch sử về tăng chúng, quần chúng tín đồ, hoạt động và thành tựu của Phật giáo nói chung trong bối cảnh xã hội, thời đại rộng lớn.

          Chúng tôi chủ yếu dùng phương pháp quy nạp dựa trên khảo sát văn bản của chính bộ sử, vận dụng các tư liệu nghiên cứu liên quan như nguồn bổ trợ. Báo cáo tập trung vào một số đặc điểm khái quát tiêu biểu nhất trong văn hóa Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ.   

           1. Miền đất sùng mộ Phật giáo

           Trong 200 vị danh tăng Việt Nam thế kỷ XX được tôn vinh, có đến 71 vị danh tăng sinh quán ở miền Tây Nam Bộ, chiếm 35,5% tổng số danh tăng cả nước.

table

Theo thống kê năm 1999, tỉ lệ Phật tử trên số dân của Tây Nam Bộ cũng cao hơn Đông Nam Bộ và cao hơn nhiều so với Bắc Bộ.  

table

Cần nói thêm rằng, ở Việt Nam, đến 70-80% người dân có cảm tình, có thiên hướng, có tâm thức Phật giáo, tuy nhiên, số Phật tử, theo thống kê chính thức của nhà nước chỉ có khoảng 10 triệu, chiếm gần 12% dân số. So như vậy, có thể thấy Nam Bộ là vùng trù mật nhất của Phật giáo Việt Nam, trong đó, Tây Nam Bộ còn đậm hơn Đông Nam Bộ.   

          Các danh tăng phần nhiều xuất thân trong những gia đình có truyền thống đạo đức nhân ái, kính tín Tam bảo. Nhiều trường hợp, song thân của các vị là cư sĩ hoặc thường lễ chùa, không hiếm khi cơ duyên khiến các vị đến với Phật giáo là ở những lần theo mẹ lên chùa, khi lên chùa cầu siêu cho cha... Nhiều trường hợp song thân cho phép, song thân trực tiếp dẫn con tới chùa cho làm lễ quy y. Một số vị, khi xuất gia, thoạt tiên đã ở chùa có người ông, người cậu, người anh của mình trụ trì / tu tập, nên “trong đạo nghĩa thầy trò còn có tình huyết thống”. Không hiếm vị danh tăng có nhiều anh chị em trong gia đình cùng xuất gia, thậm chí cùng thành những vị tăng có uy tín (3 trong số 7 anh chị em của HT Thích Đạt Thanh, cả 4 anh chị em trong gia đình HT Thích Bửu Lai, 5 trong 7 anh chị em của HT Thích Huệ Hưng, cả 6 anh em của HT Thích Đạt Hảo…).

           Không hiếm các vị danh tăng xuất gia từ khi còn nhỏ (6-7-8-9-11-12 tuổi…). HT Thích Huệ Pháp từ nhỏ đã nặn tượng Phật bằng đất. HT Thích Thiện Hoa quy y từ nhỏ, lấy pháp danh làm thế danh…. Một số vị trước khi xuất gia đã cất am tu, cốc nhỏ trong vườn, nhà, tự cạo tóc, ăn chay, nằm đất, học hành suy niệm (HT Thích Chánh Hậu, HT Thích Huệ Pháp, Tổ Minh Đăng Quang…). Bên cạnh đó, cũng có những vị đã kết hôn, lập nghiệp, thành đạt trong đời, vẫn quyết lòng theo Phật sau khi thu xếp trách nhiệm gia đình. (HT Thích Chánh Hậu khuyên vợ về bên ngoại rồi quy y, người vợ của ông sau này cũng trở thành ni sư. HT Thích Bổn Viên từ chùa về thăm nhà, thấy mẹ bệnh nặng đã tận tình chăm sóc, sau đưa mẹ về chùa, hướng dẫn tu tập. HT Thích Hoàng Đức, HT Thích Bửu Lai xuất gia ở tuổi 47, 54…).  

          Niềm sùng mộ với Phật giáo của giới Phật tử cũng như đông đảo quần chúng thể hiện qua nhiều hoạt động hữu tâm với Phật sự. Nổi bật nhất là việc kiến thiết, tu bổ chùa chiền. Nếu ở Bắc Bộ, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, chùa chiền được nhà nước hoặc làng xã xây dựng, thì ở Nam Bộ, nhiều chùa do tư nhân xây dựng. Chính các vị danh tăng hoặc song thân của họ, không hiếm trường hợp, “cải gia vi tự”, cải tạo ngôi nhà từ đường thành ngôi Tam bảo, lập tịnh thất gần nhà, bỏ tiền xây chùa (HT Thích Đạt Hảo, HT Thích Định Quang, HT Thích Đạt Thanh, HT Thích Từ Huệ…). Qua cuộc đời các vị danh tăng, ta thấy rất phổ biến hiện tượng những đại thí chủ, những người giàu có (điền chủ, bá hộ, thương nhân, doanh nhân…) hiến đất dựng cơ sở tôn giáo, phát tâm xây chùa, rồi cung hiến cho các vị danh tăng mà họ kính tín hoặc cung thỉnh các vị về trụ trì. Hầu hết các vị danh tăng đều có công rất lớn trong việc xây dựng, trùng tu các cơ sở tôn giáo. Nhiều vị danh tăng trong đời đã vận động quyên góp, tổ chức kiến thiết, tôn tạo hàng chục chùa chiền. (HT Thích Minh Trực đứng ra xây dựng mười mấy ngôi chùa cùng mang tên Phật Bửu tại nhiều tỉnh miền Trung và miền Tây, miền Đông Nam Bộ. HT Thích Từ Huệ tổ chức xây dựng 12 ngôi Đạo tràng tịnh xá…).  

          2. Phật giáo với tính dung hợp và tính năng động cao

          Qua cuộc đời các danh tăng, có thể thấy Phật giáo miền Tây Nam Bộ rất đa dạng, phong phú các giáo phái. Cả Phật giáo Bắc tông lẫn Phật giáo Nam tông. Trong Phật giáo Đại thừa gồm cả Tịnh Độ tông, Thiền tông (Tào Động và Lâm Tế) lẫn Mật tông (Các hành giả Mật Tông ở Đông Nam Bộ nhiều hơn Tây Nam Bộ).  

          Tính tổng hợp của Phật giáo Tây Nam Bộ thể hiện qua khả năng dung hợp những giáo phái khác nhau. Theo HT Thích Minh Trực, “muốn nhiếp hóa đồ chúng dễ dàng, phải kết hợp cả Thiền lẫn Tịnh, cả đốn lẫn Tiệm. Về Thiền, Ngài căn cứ vào yếu chỉ kinh tạng Đại Thừa đốn ngộ: Duy Ma Cật, Viên Giác, Pháp Bảo Đàn… Về Tịnh độ, Ngài y cứ váo các kinh Di Đà Đại Bổn, Thiền Môn Nhựt tụng mà Ngài diễn dịch rất chu đáo để hướng dẫn đồ chúng trên đường tu học” [Thích Đồng Bổn 2002: 429].  Minh Đăng Quang đã kết hợp Bắc - Nam tông, trở thành vị tổ đầu tiên của hệ phái khất sĩ mang bản sắc Việt Nam. Ngài để lại bộ kinh Chơn Lý, gồm 69 tiểu luận, đúc kết căn bản giáo lý, phép luật của hệ phái khất sĩ. Ngài « đã dung hợp những tinh hoa Phật pháp của cả Nam lẫn Bắc Tông theo yếu chỉ trung đạo của Phật giáo. Theo đó, người Khất sĩ phải thực hiện đúng mục đích của hệ phái là: trang bị tinh thần không mưu cầu tích trữ vật dụng, tiền bạc... không gia đình; mỗi sáng ôm bình bát đi khất thực, không ở nơi nào nhất định... » [Thích Đồng Bổn 1996 : 267].

          Miền Tây Nam Bộ có sự cộng cư của người Việt, người Hoa, người Khmer nên Phật giáo ở đây cũng phần nào mang dấu ấn của giao lưu, tiếp biến những ảnh hưởng văn hóa Phật giáo của người Hoa, người Khmer. HT Thích Minh Đàng khi chủ xướng trùng tu chùa Vĩnh Tràng đã kết hợp phong cách những ngôi chùa Khmer với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Các chùa người Hoa, người Khmer ở Tây Nam Bộ với những cách thức tu tập, những lễ hội đặc thù cũng thu hút sự tham gia và phần nào cũng ảnh hưởng đến người Việt.

          Tính năng động của Phật giáo Tây Nam Bộ cũng thể hiện rất rõ. Trước hết qua phong trào Chấn hưng Phật giáo, hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những thập niên 1920, 1930. HT Thích Huệ Quang đọc sách tân thư, tìm hiểu kinh nghiệm chấn hưng Phật giáo của Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia; HT Thích Thiện Chiếu “giỏi chữ Nho, chữ Quan thoại, chữ Pháp”, tiếp xúc với các trào lưu văn hóa Phương Tây, tân thư của Trung Hoa, Nhật Bản và các vị đã vận dụng trong chấn hưng Phật giáo ở miền Tây Nam Bộ… HT Thích Chánh Hậu, vốn gốc Minh Hương, cũng tiếp thu ảnh hưởng của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, vận dụng vào chấn hưng Phật giáo nước nhà. Phong trào nhằm ba mục tiêu lớn: (1) Chỉnh đốn tăng già, (2) Kiến lập nhiều Phật học đường để nâng cao trình độ tu học của tăng sĩ, (3) Diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Nhiều danh tăng đã tham gia vào việc xây dựng, quản lý, giảng dạy, đóng góp bài vở ở những Hội Phật học (Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Kiêm Tế…), những Phật học đường, những Phật học tùng thư (Khánh Hòa tùng thư…), những tạp chí, nguyệt san Phật học (Pháp Âm là tập san Phật học đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, tạp chí Từ Bi Âm, tạp chí Duy Tân, tạp chí Tiến Hóa…) những nhà xuất bản (Hương Đạo), nhà in của Phật giáo. Trong phong trào này, cư sĩ Phật tử nhiều nơi, dưới sự vận động và tổ chức của các danh tăng, đã thỉnh và hiến cúng Tam Tạng kinh (Tháng 8 năm 1929, các đàn việt thiện tín Trà Vinh chung sức hiến cúng bộ Đại Tạng toàn bản, gồm có 750 quyển lớn, tôn trí tại chùa Linh Sơn để làm tài liệu cơ bản cho việc nghiên cứu...).

          Phật giáo Tây Nam Bộ có rất nhiều danh tăng (15 vị) kiên trì dịch kinh ra quốc ngữ, biên soạn các kinh sách, để lại tổng số công trình nhiều hơn gấp nhiều lần so với danh tăng các khu vực khác. HT Tịnh Sự dịch hoàn thành bộ Tạng luận Pali. HT Hộ Tông là Tổ khai sơn của Phật giáo Nam tông người Việt, để lại 16 kinh sách mà Ngài phiên dịch và biên soạn. HT Bửu Chơn để lại 19 kinh sách. HT Thích Thiện Chiếu ngay cả khi nằm trên giường bệnh suốt 3 năm, vẫn tiếp tục viết sách, để lại sự nghiệp trước tác 12 cuốn, nhiều cuốn được giới thanh niên, trí thức quan tâm, hứng thú vì những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ. Ngài còn viết nhiều bài tranh luận với các nhà Tây học trên báo chí, nhiều nhất là ở báo Tân phong.

          Miền Tây Nam Bộ đã sớm đến với chữ quốc ngữ, báo chí, in ấn phần nhiều do những đóng góp như vậy của các vị danh tăng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo.

          Trong khi đó, trước đây, so với miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ rất ít các trí thức Nho học danh tiếng. Từ sự thịnh phát của Phật học ở chính tiểu vùng này, có thể gợi suy nghĩ về học phong của miền Tây Nam Bộ, có lẽ cư dân ở đây đã hướng đến cái học, phần nhiều không để thi thố mà muốn thực sự giúp đời chăng?

        Quá trình tham học của nhiều danh tăng là quá trình vân du qua các ngôi chùa lớn ở nhiều địa phương, học với nhiều vị cao tăng thạc đức, khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, ra cả miền Trung, miền Bắc, như những con ong cần mẫn, nhờ đó hút được tinh hoa Phật pháp từ nhiều nguồn uy tín (HT Thích Thiện Hoa ra Huế, Quy Nhơn tu học đạo suốt 8 năm…).

         Quá trình hoằng đạo của nhiều danh tăng cũng trải rộng qua nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, ra cả miền Trung. Năm 1957, HT Thích Thiện Hoa chủ xướng và trực tiếp giảng dạy các khóa học mang tên Như Lai sứ giả huấn luyện trụ trì, các khóa huấn luyện tăng ni trở thành giảng sư có thể đi diễn giảng khắp nơi. Nhiều thế hệ tăng ni đã trưởng thành từ những khóa học đó, đi truyền giảng nhiều địa phương, đúng theo tinh thần Phật giáo “mang đến mọi người món quà lớn hơn mọi món quà là Phật pháp”.

         Không chỉ như vậy, phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của nhiều vị danh tăng miền Tây Nam Bộ còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

        HT Thích Huệ Pháp trên đường tầm sư học đạo đã sang Campuchia, Lào, Thái Lan suốt 10 năm, học những tinh hoa Phật pháp Nam Tông và cả những bí pháp của họ. Tổ Minh Đăng Quang thoạt tiên cũng sang Campuchia học Phật pháp 4 năm. HT Hộ Tông học tập Phật pháp ở Campuchia, trở về xây dựng Tổ đình Bửu Quang (tại ấp Gò Dưa, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, Sài Gòn) là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông người Việt. HT Tịnh Sự học Phật pháp ở Campuchia, học tiếp ở Thái Lan 7 năm.

HT Thích Huệ Pháp đã dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Lào, HT Tịnh Sự dựng chùa ở Campuchia cho Việt kiều tu tập. HT Thích Huệ Hưng sang Campuchia giảng dạy Phật pháp. HT Thích Thiện Quảng trong chuyến hành hương qua xứ Phật, đã được vua Thái Lan ngưỡng mộ đạo hạnh, xây cất chùa riêng cho Ngài, và Ngài đã ở lại hàng chục năm, hỗ trợ việc hoằng đạo cho Phật giáo Thái Lan. HT Thích Huệ Pháp 10 năm vân du hóa đạo ở Lào, Campuchia, mang kinh sách sang tặng hai vương quốc này, góp phần “gieo giống Bồ đề khắp ba nước Đông Dương để Phật giáo được hoằng dương rộng rãi”. HT Thích Duy Lực hoằng dương Thiền học tại Mỹ, Canada, Úc, Hồng Kông, Đài Loan…

           Tính tổng hợp, tính năng động, tính mở của miền Tây Nam Bộ thể hiện thật rõ nét trong văn hóa Phật giáo ở đây. Có thể nói, Phật giáo miền Tây Nam Bộ mang tính khai phá, chứ không chỉ giữ gìn truyền thống.  

          3. Phật giáo với tính nhập thế mạnh mẽ

          Phật giáo miền Tây Nam Bộ nổi bật tinh thần “Vì đạo pháp - Vì dân tộc”. Từ những năm 1920, nhiều vị danh tăng, nhiều ngôi chùa đã gắn với hoạt động yêu nước, chống ngoại xâm của các hội kín như Thiên địa hội, phong trào Đông kinh nghĩa thục… Nhiều vị danh sư cùng tăng chúng, Phật tử, tín đồ đã hỗ trợ, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Cách Mạng tháng Tám 1945. Rồi những hoạt động sôi nổi của Hội Phật giáo cứu quốc sánh bước cùng dân tộc trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Geneve, thống nhất đất nước, đấu tranh chống chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm... Tăng chúng tạm xếp tăng bào lên đường cứu nước cứu dân. Mái chùa nhiều phen trở thành nơi trú náu cho những thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự để họ không phải cầm súng bắn vào anh em đồng bào (HT Thích Huệ Hòa…).

          Rất nhiều danh tăng đã đóng góp hết mình cho dân tộc. Họ vận động quyên góp tiền của, tài vật cho kháng chiến, tham gia in truyền đơn (HT Thích Hoàng Minh…), chế tạo vũ khí (HT Thích Pháp Tràng…). Nhiều chùa trở thành nơi hội họp, nơi che giấu cán bộ Cách Mạng (HT Thích Bửu Chung cho đóng những hộc chứa lúa lớn trong chùa làm nơi ẩn trốn cho cán bộ, HT Thích Thiên Trường canh cho cán bộ hội họp và khi có động, giấu cán bộ trong tủ thờ Hộ pháp có sức chứa đến 15 người…). Chùa Sắc Tứ Linh Thứu là trụ sở của tạp chí Pháp Âm đồng thời cũng là trụ sở của báo Dân cày, nơi liên lạc của Tỉnh ủy Mỹ Tho. HT Thích Đạt Hương tham gia đốt pháo lệnh cho phong trào tấn công “diệt ác phá kềm”. Sự kiện đêm 30-1-1882, HT Minh Hòa – Hoan Hỷ cùng nghĩa quân đột nhập vào tận Phủ đường, giết tên Đốc phủ Ca tàn ác, “sau này được nhắc nhở như một tấm gương nhập thế tích cực, “sát nhất mưu, cứu vạn thử” [Thích Đồng Bổn 1996: 50].

           Vì hoạt động Cách mạng, nhiều vị danh tăng bị mật thám theo dõi, bắt giam tra tấn, nhiều ngôi chùa bị dội bom, nhưng các vị vẫn một lòng sắt son với sự nghiệp của dân tộc. HT Thích Pháp Long bị giam ở Chí Hòa, HT Thích Hoàng Minh bị đày sang Lào, rồi bị giam ở Hỏa Lò, Kontum… Nhiều danh tăng bị đày ra Côn Đảo: HT Thích Thành Đạo bị đày 4 năm; HT Thích Thiện Chiếu bị tra tấn đến bại xuội; HT Thích Trí Thiền bị đày 5 năm, tuyệt thực mà chết trong phòng giam; HT Thích Đạt Thanh sau 4 năm tù khổ sai, vượt ngục, may mà được người thương gia trên con thuyền buôn cứu thoát… Nhiều vị danh tăng có lúc đã phải rời chùa, ra chiến khu (HT Thích Thái Không), về đời thường hoạt động cho Cách Mạng (HT Thích Thiện Chiếu)… Nhiều vị đã bị thương (HT Thích Pháp Trừng), hy sinh trên đường tranh đấu, “giữa đường ngộ nạn, nhuộm máu với giang san” (HT Thích Thiện Quảng…).

          Tính nhập thế mạnh mẽ của Phật giáo Nam Bộ còn được thể hiện ở sự gắn bó Phật học và các khoa học đời sống. Nhiều vị danh tăng, trước hoặc sau khi xuất gia, đã theo học nghề thuốc (HT Thích Khánh Thông học Đông y với cụ Đồ Chiểu, HT Thích Quảng Ân học với cha mình…). HT Thích Thiện Hoa dạy cho tăng ni cả Phật pháp lẫn kiến thức chẩn trị y học, đem nghề thuốc chữa bệnh cứu đời. HT Thích Huệ Pháp nhờ tài cứu chữa những bệnh nan y, được xem là vị “Phật sống”, được vời sang chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu Campuchia và được xứ này kính vọng. Tài thầy thuốc của nhiều vị danh tăng đã trở thành phương tiện giúp cảm hóa dân chúng - có những tín đồ cảm công ơn cứu sống của các vị đã cúng hiến chùa chiền hay đi theo con đường tu tập. Nhiều vị danh tăng mở các phòng thuốc phước thiện, các bệnh xá trong chùa cứu giúp người nghèo khó. HT Pháp Trị kiến tạo ở Thủ Đức “một Xá Lợi Phật Đài nguy nga đồ sộ bên cả một rừng cây thuốc Nam phong phú, giúp ích thiết thực cho đời và đạo” [Thích Đồng Bổn 2002: 672].

          Hệ thống các trường phổ thông của Phật giáo gọi chung là các trường Bồ Đề được mở khắp nơi, nhiều vị danh tăng trực tiếp lãnh đạo và tham gia giảng dạy, theo phương châm đào tạo toàn diện “Trí – Đức – Dũng – Nhân”.

          Hầu hết các danh tăng đều mở trường gia giáo để đào tạo Tăng tài. HT Thích Chánh Hậu thường mời các bậc túc nho, phần nhiều là các chiến sĩ Văn Thân, Cần Vương lánh nạn ẩn tích và các bậc lương y trong vùng đến giảng dạy cho Tăng Ni.  Theo HT Thích Thiện Chiếu, Tăng Ni cần phải hiểu biết sâu rộng cả nội điển (Phật học) lẫn ngoại điển (kiến thức xã hội). Trong đào tạo Tăng Ni, nhiều danh tăng miền Tây Nam Bộ thấm nhuần điều đó. Phật học Kiêm Tế chủ trương đào tạo trau dồi Phật học và kinh bang tế thế.

          HT Bửu Chung khi trụ trì ở chùa Phi Lai, Châu Đốc, chủ trương làm kinh tế để chùa có thể tự cấp tự túc. Nhận thấy ruộng gò cho năng suất thấp, Ngài cho đào đất nung gạch bán, gạch của chùa với hiệu Bửu Tân Long nổi tiếng, tiêu thụ tận Sài Gòn, mà ruộng được hạ sâu trở nên màu mỡ hơn, trồng được hai vụ lúa. HT Thích Duy Lực sau bao năm sống ở Mỹ trở về đã thành lập một trang trại lớn trồng rau sạch tại huyện Củ Chi để làm kinh tế tự túc cho Thiền đường.   

          4. Phật giáo với tính thực tiễn, tính bình dân, dân chủ   

          Hướng đến việc truyền bá Phật pháp sao cho đáp ứng nguyện vọng và phù hợp trình độ của đông đảo cư dân miền Tây Nam Bộ vốn chủ yếu là những người nông dân, những công trình dịch và biên soạn kinh sách của các danh tăng phần nhiều đều là chuyển sang quốc ngữ, trích yếu những tác phẩm cốt lõi, những giáo lý căn bản, những hướng dẫn giáo lý Phật giáo phổ thông (Thí dụ HT Thích Thiện Hoa để lại 80 cuốn với 8 loại chuyên đề, trong đó có Phật học phổ thông – 12 quyển, Bản đồ tu Phật – 10 quyển, Phật học giáo khoa các trường Bồ đề, Giáo lý dạy gia đình Phật tử, Bài học Ngàn Vàng – 8 tập, Đại cương Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác lược giải, Tâm Kinh, các loại tạp luận, sự tích…; Trong các công trình của HT Thích Thiện Chiếu có Phật giáo tổng yếu, Phật học vấn đáp, Tại sao tôi cảm ơn đạo Phật…). Trong nhiều kinh sách mà HT Thích Đạt Thanh để lại có bộ Tân Lục Vân Tiên Truyện, Ngài sáng tác, dựa trên tình yêu của cư dân Tây Nam Bộ đối với danh tác của cụ Đồ Chiểu để truyền bá những bài học Phật giáo chính là đạo làm người. Khi giảng kinh cũng như dịch và viết sách, HT Thích Từ Huệ luôn “dùng những lời lẽ bình dị, đơn giản, thấm sâu vào lòng những tín đồ Phật tử” [Thích Đồng Bổn 2002: 745]. HT Thích Thiện Chiếu “hướng dẫn Phật tử nghi thức thực hành thờ cúng Phật đơn giản, nhưng vẫn tròn đầy niềm tin nơi chánh pháp”.

         Tinh thần thiết thực trong đạo cứu khổ chúng sinh của truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam: “Dù xây chín bậc thù đồ / Không bằng làm phúc cứu cho một người” biểu lộ ở miền Tây Nam Bộ vô cùng rực rỡ. Các danh tăng đều nêu gương, vận động tăng chúng, Phật tử, tín đồ làm các công việc phúc lợi xã hội và làm từ thiện.

        Ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, nhiều cây cầu, bến đò được những cá nhân các cư sĩ, tín đồ Phật giáo bỏ tiền xây dựng giúp cho dân chúng đi lại dễ dàng. Người dân Cần Giuộc, Long An vẫn còn nhắc mãi cầu ông Thìn, bến đò bà Tổng Sách do nội Cao Tổ và ngoại Tổ của HT Thích Từ Nhẫn xây. HT Thích Từ Nhẫn nhiều lần tổ chức thủy lục trai đàn lớn để cầu siêu cho những người chết đuối sông rạch, dân chúng mang ơn sâu sắc. HT Thích Nhựt Minh vận động quyên góp, chủ trì việc xây Bảo tượng Quan Thế Âm cao 20 mét ở Kiên Giang đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân địa phương, nhất là ngư dân cầu mong ơn tế độ của Bồ Tát cho những chuyến đi biển.

          Nhiều chùa mở các cô nhi viện, ký nhi viện nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật; trại dưỡng lão, hội tương tế giúp người già cô độc; mở trường mẫu giáo, lớp học tình thương cho trẻ em nhà nghèo. HT Thích Thiện Hoa mở những lớp học ban đêm xóa nạn mù chữ, chính Ngài còn biên soạn tập sách Vần chữ O đơn giản, giúp người học dễ tiếp thu. Không hiếm chùa xây nghĩa trang, lò thiêu tại chùa cho những người chết nghèo khổ. Nhiều chùa cứu trợ đồng bào bị thiên tai; giúp đồng bào nghèo khó mỗi dịp Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán…

           Phật giáo miền Tây Nam Bộ cũng thể hiện tính dân chủ cao.

           Nhiều danh tăng trong quá trình hoằng đạo, quan tâm giúp đỡ tiến bộ của hàng hậu bối, chăm lo lập Tổng đoàn Thanh niên Tăng Ni (HT Thích Minh Đức), xuất bản tập san Phật học Tân thanh niên (HT Thích Thiện Chiếu)...

          Nhiều danh tăng quan tâm đến cả Tăng lẫn Ni, mở Ni trường Phật học (HT Thích Khánh Hòa. HT Thích Thiện Hoa…), mở các khóa học Như Lai sứ giả huấn luyện trụ trì, huấn luyện giảng viên cho cả các Ni (HT Thích Liễu Thiện, HT Thích Thiện Hoa…). Do vậy, ở miền Tây Nam Bộ, Ni giới hoạt động rất mạnh, nhiều Ni là giảng sư thuyết pháp.

          Một số danh tăng huấn luyện cho cả các cư sĩ để họ cũng có thể trở thành giảng viên, mang bài học Phật giáo đến đông đảo quần chúng.

          Khi giáo hóa quần chúng, ngay cả những người lầm lỗi, các danh tăng cũng không xa lánh. Năm Đinh Hợi (1947), HT Thích Minh Đức đến vùng Chợ Lớn dựng thảo am để vận động quần chúng ủng hộ kháng chiến, đã “chọn Bến Hàm Tử là nơi gần chợ và nhiều dân cư lao động, đồng thời có nhiều tệ nạn xã hội nhất, dựng một ngôi chùa nhỏ đặt tên Tăng Phường, hiệu Giác Hoàng để thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời khuyến hóa quần chúng tu tập. Riêng Ngài hàng năm tại đây, vào mùa kiết hạ, tháng giêng và tháng chín Ngài chuyên tu “Chuẩn Đề ngũ hối sám nghi”. Đây là phương pháp tu mà Ngài cho là chóng đạt được Phật lực cần thiết để cảm hóa người khác” [Thích Đồng Bổn 1996: 422].

          Tóm lại, từ cuộc đời các vị danh tăng, có thể nhận diện một số đặc điểm quan trọng của văn hóa Phật giáo người Việt miền Tây Nam Bộ qua những thể hiện cụ thê, sinh động, đầy thuyết phục. Việc phân tích, lý giải những đặc điểm này, đặt trong so sánh với vùng Đông Nam Bộ và các vùng văn hóa khác để làm sáng rõ những đặc trưng của  văn hóa Tây Nam Bộ, chúng tôi xin được tiếp tục đi sâu trong những công trình kế tiếp.        

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU

1/ Thích Đồng Bổn (chủ biên): Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (Tập 1). Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1995.

2/ Thích Đồng Bổn (chủ biên): Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (Tập 2). NXB Tôn giáo, 2002.

 

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...