Danh sách bài viết

Nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây Bời lời nhớt (Litsea glutinosa) nhằm định hướng khai thác sử dụng hiệu quả

Cập nhật: 25/12/2017

Bời lời nhớt là cây thuốc dân gian có tên khoa học Litsea glusinosa C. B. Rob thuộc họ Long não (Lauraceae). Cây còn có tên gọi là Mò nhớt, Sàn thụ, Sàn cảo thụ, Bời lời dầu, Nhớt mèo. Ở nước ta, cây mọc ở bờ rào, rừng còi, khắp nơi từ Lạng Sơn đến An Giang. Có thể thu hái vỏ cây và lá quanh năm, nhất là vào mùa hè và mùa thu. Các bộ phận của cây đều có chứa chất nhớt. Trên thế giới, Bời lời nhớt được phân bố ở miền Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Malayxia, Indonesia, Campuchia. Theo Đông y, Bời lời nhớt có vị đắng, thanh nhiệt, tiêu sưng, trị viêm. Các bộ phận của cây đều có tác dụng làm thuốc. Vỏ cây tươi giã nát dùng để chữa bong gân, chấn thương, tụ máu, đau khớp, kiết lị, ỉa chảy. Nước ngâm của vỏ Bời lời nhớt còn dùng để chải tóc mượt và bóng mà không bị dị ứng da đầu. Lá Bời lời nhớt dùng chữa ung nhọt, áp se, viêm vú, trị nhức đầu trong thiên đầu thống. Rễ được dùng để trị viêm ruột, viêm tuyến mang tai, mụn nhọt và đái tháo đường. Bột và quả của Bời lời nhớt còn dùng làm sáp chế xà phòng, dùng làm chất kết dính trong kỹ thuật làm giấy, hương nén, dùng để thắp đèn.

Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Bời lời nhớt. Tuy nhiên việc nghiên cứu phân lập các hợp chất có hoạt tính sinh học từ cây Bời lời nhớt cho đến nay chưa được thực hiện ở Việt Nam. Trong khi đó cây Bời lời nhớt là cây được tìm thấy khắp nơi ở nước ta, cây dễ trồng, cho năng suất cao, khả năng tái sinh nhanh, đặc biệt được dùng làm cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền trung. Vì vậy, với mục tiêu tìm kiếm các hoạt chất sinh học từ cây Bời lời nhớt ở Việt Nam, đề tài: “Nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây Bời lời nhớt (Litsea glutinosa) nhằm định hướng khai thác sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thực vật này” được Viện Hóa học thực hiện trong hai năm từ 1/2015-12/2016, do TS. Trần Thị Phương Thảo làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc hướng đa dạng sinh học và các hoạt chất có hoạt tính sinh học, đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả đạt loại xuất sắc vào ngày 02/08/2017.

boiloinhot
Lá và quả cây Bời lời nhớt và Cây Bời lời nhớt

Có thể nói đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Bời lời nhớt thu hái tại các vùng miền khác nhau, các kết quả nghiên cứu cụ thể gồm:

  • Về thành phần hóa học, cây Bời lời nhớt ở Việt Nam có chứa nhiều hoạt chất quý như aporphin alkaloit, flavonoit glycosit, megastiman, diterpen. Từ mẫu cây Bời lời nhớt thu hái tại Thừa Thiên Huế và Thái Nguyên, các nhà khoa học đã phân lập được 21 chất trong đó có 15 chất lần đầu tiên được phân lập từ cây Bời lời nhớt Litsea glutinosa.
  • Về hoạt tính sinh học, lần đầu tiên công bố về hoạt tính hạ đường huyết in vitro và in vivo của dịch chiết cồn nước từ lá và vỏ cây Bời lời nhớt. Kết quả cho thấy các dịch chiết đều có hoạt tính ức chế enzym α-glucosidase. Dịch chiết cồn nước của vỏ cây Bời lời nhớt cho hoạt tính hạ đường huyết tốt ở liều 250 mg/kg trọng lượng chuột thí nghiệm, có tác dụng gần tương đương với acarbose là một thuốc thương phẩm đang được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường. Kết quả thử nghiệm hoạt tính của 11 chất sạch phân lập được cho thấy một số hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa, hạ đường huyết và ức chế tăng sinh tế bào.
  • Chế phẩm được điều chế từ dịch chiết cồn nước vỏ cây Bời lời nhớt được thử nghiệm độc tính cấp trên chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy chế phẩm có hoạt tính hạ đường huyết nhưng không gây độc (thuộc nhóm không độc, LD50 > 20g/ kg).

Đề tài đã công bố 02 bài báo, trong đó có 01 bài trên tạp chí thuộc danh mục SCIE và 01 bài báo trên tạp chí trong nước.

Các kết quả của đề tài đã góp phần bổ sung các dữ liệu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của cây Bời lời nhớt ở Việt Nam. Đây là những kết quả bước đầu để định hướng cho các nghiên cứu sâu hơn về hoạt tính sinh học của cây Bời lời nhớt, đặc biệt là hoạt tính hạ đường huyết, góp phần giải thích cho việc sử dụng cây Bời lời nhớt làm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường trong dân gian.

Nguồn tin: TS. Trần Thị Phương Thảo- Viện Hóa học 

Nguồn: / 0