Danh sách bài viết

NHẠC KHÍ DÂN GIAN CỦA NGƯỜI KHƠME Ở TRÀ VINH

Cập nhật: 28/12/2017

NHẠC KHÍ DÂN GIAN CỦA NGƯỜI KHƠME Ở TRÀ VINH

 

1. Vài nét về người Khơme ở tỉnh Trà Vinh

Trà Vinh là một tỉnh thuộc ĐBSCL, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 2 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển. Phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Sóc Trăng, phía bắc giáp tỉnh Bến Tre, có đường bờ biển kéo dài 65km.

Về ngôn ngữ, người Khơme có chữ viết riêng, hệ thống chữ cái gồm có 33 nguyên âm, 21 phụ âm, còn có thêm 14 phụ âm kết hợp với chữ Bali. Ngôn ngữ của người Khơme không chính xác là ngôn ngữ Bali, chữ viết Bali khó hơn chữ Khơme. Về phát âm, cùng một chữ viết (theo tiếng Khơme và tiếng Bali) nhưng có sự phát âm khác nhau.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Khơme ở Việt Nam có số dân 1.260.640 người, có mặt tại nhiều tỉnh Nam Bộ. Tính riêng ở Trà Vinh, người Khơme có 317.203 người, chiếm 31,6 % dân số toàn tỉnh và 25,2 % tổng số người Khơme tại Việt Nam.

Người Khơme ở Trà Vinh chủ yếu làm nông nghiệp, họ trồng thêm cây ăn quả như dừa, chuối... và chăn nuôi gia súc như trâu, bò, gà, vịt, lợn...

Về nhà ở, người Khơme thường sống tập trung với nhau theo phum, sóc. Phum là đơn vị cư trú bao gồm một số gia đình người Khơme sống quây quần trong một không gian nhất định, trên những dãy đất cao (thường được gọi là đất giồng hay giồng cát). Xung quanh phum thường trồng tre gai thay cho tường bảo vệ. Tùy Theo vùng, số lượng nhà trong phum có thể từ 5-10 hộ. Việc quản lý phum do một người lớn tuổi, có uy tín đảm nhận, không phân biệt đàn ông hay đàn bà. Sóc cũng là một đơn vị cư trú nhưng lớn hơn phum, thường trải dọc theo các giồng đất, mỗi sóc gồm nhiều phum. Thông thường, mỗi sóc có một ngôi chùa, nếu sóc lớn có thể có hai ngôi chùa. Việc quản lý sóc sẽ do ban quản trị sóc đảm nhiệm, đó là những người đàn ông lớn tuổi, có uy tín, có trình độ học vấn, am hiểu về phong tục, tập quán... do nhân dân tuyển chọn.

2. Nhạc khí dân gian của người Khơme ở Trà Vinh

Cách xếp loại nhạc khí dân gian

Nhạc khí của người Khơme Nam Bộ được chế tác từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên như gỗ, tre, trúc, có loại kết hợp giữa các chất liệu thiên nhiên với kim loại, có nhạc khí hoàn toàn bằng kim loại. Nhạc khí của người Khơme cũng có bốn loại như: dây, hơi, màng rung và thân vang.

Có thể xếp loại các nhạc khí như sau: loại nhạc khí chế tác từ các chất liệu có trong thiên nhiên: gỗ, gáo dừa, tre, đá...; loại nhạc khí được chế tác kết hợp giữa các vật liệu trong thiên nhiên với kim loại (dây bằng sắt); loại nhạc khí chế tác hoàn toàn bằng kim loại: côông vông thum, côông vông tốch...

Có hai nguyên tắc để phân loại nhạc khí của người Khơme: dựa vào nguồn vật liệu chuyển động tạo ra âm thanh, từ nguồn này chia ra làm bốn bộ lớn: bộ dây, bộ hơi, bộ màng rung và bộ tự thân vang; dựa vào phương pháp kích âm để chia từ bộ thành các chi. Ví dụ: bộ dây chia thành dây dùng cung vĩ kéo, dùng phím gảy hoặc dây gõ.

Nhạc khí Khơme cũng được phân loại theo nguyên tắc phân loại của phương Tây, gồm:

Bộ dây chia thành 3 nhóm: dây gõ (khưm tôch, khưm thum); dây gảy (chapây chomrieng, tà khê, say điêu); dây kéo (truô sô, truô u, tru khse).

Bộ hơi chia thành 3 nhóm: nhạc khí hơi lỗ thổi (khlôy, pâypuôc); nhạc khí hơi dăm kép (srolay pưnpét, srolay rôbăm, sây o); nhạc khí hơi môi (pôông snenh, pây slâc).

Bộ màng rung chia làm 2 nhóm: nhạc khí màng rung gõ (skô yeam, skô thum); nhạc khí màng rung vỗ (skô chhay dzăm, skô sam phô, trống aday).

Bộ thân vang chia làm 2 nhóm: thân vang gõ (rônek ek, rônek thung, rônek đek, côông vông tôch, côông vông thum, khmuốs, kôông môông, krap, lôô, t’ro chôôt); tự thân vang đập (chhưng, chapp, ek khleng).

Dàn nhạc Lakhone Bassăk

Khưm thum: là nhạc khí dây gõ không cần đàn, đây là nhạc khí phổ biến trong nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khơme. Khưm thum có dạng hình thang, kích thước chiều ngang phía trước là 110cm, chiều ngang mặt sau là 70cm, chiều dọc thân đàn 45cm, đàn có 40 dây. Mặt đàn làm bằng gỗ nhẹ như thông, dông, ngô đồng. Mặt đàn được khoét hai lỗ tròn để âm thanh thoát ra ngoài, trên mặt đàn có gắn 2 dãy ngựa đàn để chia âm vực của dây đàn thành ba tầm âm.

Khưm tôch: là nhạc khí gõ của dân tộc Khơme, có dạng hình con bướm đang xòe cánh. Đàn chế tác bằng loại gỗ như sao, cồng... mặt trên và dưới làm bằng gỗ nhẹ như thông, dông... mặt trên có khoét 2 lỗ tròn để âm thanh phát ra ngoài. Mỗi bên của thân đàn có 2 dãy trục đàn để gắn dây và lên dây. Có 2 dãy ngựa đàn, mỗi dãy có 7 ngựa đàn phân chia dây đàn thành 3 hàng âm: trầm, trung và cao. Khưm tôch có 35 dây.

Truô sô: là nhạc khí dây kéo (cung vĩ) của người Khơme từ rất lâu đời. Truô sô có loại lớn và nhỏ, được làm bằng ống tre hoặc gỗ cứng dáng như mu rùa. Truô sô lớn thường dài khoảng 12cm, đường kính khoảng 9cm. Mặt đàn bịt bằng da trăn hoặc da rắn. Cần đàn dài khoảng 62 - 65cm. Trục đàn làm bằng gỗ cứng cắm xuyên qua trục đàn, dài khoảng 12 - 14cm. Truô sô có 2 dây làm bằng sợi tơ se, ngày nay thường làm bằng đồng hoặc thép. Dây đàn được lên theo quãng 5 đúng. Nơ đàn là những sợi lông đuôi ngựa hoặc bằng sớ của cây thơm, đôi khi cũng làm bằng dây nhựa cực nhỏ. Cung vĩ được làm bằng tre hoặc gỗ cứng, được uốn cong như hình cánh cung. Vĩ đàn dài khoảng 75cm, được đưa vào nằm giữa hai dây đàn không lấy ra được.

Truô u: là nhạc khí dây kéo (cung vĩ), đàn còn được gọi với những tên khác như Truô nguk, Truô lea. Là nhạc khí phổ biến của người Khơme và rất nhiều người biết sử dụng. Bầu cộng hưởng làm bằng gáo dừa. Mặt đàn làm bằng da trăn hoặc gỗ thông, đường kính khoảng 15 - 16cm. Cần đàn làm bằng gỗ cứng để chịu lực khi lên dây, thường dài khoảng 75cm. Trục đàn dùng để lên dây dài khoảng 18 - 19cm, làm bằng gỗ cứng, một đầu to, một đầu nhỏ. Truô u có 2 dây, ngày xưa được làm bằng tơ hay nylon, nay làm bằng dây đồng có vỏ bọc, một dây to và một dây nhỏ. Cung đàn được làm bằng tre hoặc gỗ uốn cong hình cung. Cung vĩ dài khoảng 75 - 85cm, được mắc nơ đàn ở 2 đầu.

Khlôy: là nhạc khí hơi thổi dọc của dân tộc Khơme Nam Bộ, đã có từ lâu đời và được nhiều người yêu thích. Nó gần giống với tiêu của người Việt, ống ối của dân tộc Mường, đinh klía của dân tộc Ê đê... Khlôy là nhạc khí hơi có lỗ thổi phổ biến trong các tổ chức dàn nhạc của người Khơme Nam Bộ. Khlôy được làm bằng ống trúc hoặc gỗ tốt được khoét ruột, rỗng hai đầu. Đường kính thường khoảng 1cm, dài 25cm. Đầu được trám bằng một loại gỗ mịn (ổi hoặc cật bần) có một đường thông hơi để thổi. Cách đầu Khlôy khoảng 2cm có một lỗ hình vuông để âm thanh phát ra. Âm thanh của Khlôy trầm ấm, trữ tình, du dương, êm dịu.

Krap: là nhạc cụ thân vang của dân tộc Khơme Nam Bộ. Có 4 loại Krap: Krap Chhay Dzăm, Krap cái, Krap đực và Krap dàn nhạc Môhôri. Mỗi loại có cấu tạo và chức năng sử dụng riêng trong các tổ chức dàn nhạc. Krap là nhạc cụ dùng đánh nhịp sử dụng trong biểu diễn âm nhạc cũng như trong các tiết mục múa, ca, nhạc tổng hợp của người Khơme.

Lôô: là nhạc khí thân vang gõ (không định âm) của dân tộc Khơme Nam Bộ, khi dùng trong dàn nhạc Lakhône bassăk thì người ta gọi là Lôô. Lôô được chế tạo bằng thau hoặc hợp kim đồng thiếc, hình tròn, phồng lên ở giữa, xung quanh là thành (sâu khoảng 2cm, có khoét 2 lỗ tròn để xỏ dây quai). Dùi làm bằng gỗ, đầu dùi có quấn vải mềm nhằm làm cho âm thanh bớt chói tai. Lôô có âm sắc ngân vang, đánh giữa mặt Lôô âm thanh nghe đầy, đánh ở cạnh nghe chói tai. Khi diễn, nghệ nhân một tay cầm quai dây, một tay cầm dùi đánh.

Trống lớn (Skô thum): là nhạc khí màng rung gõ, luôn được sử dụng một cặp. Thân trống được làm từ gỗ mít hoặc gỗ thốt nốt, ở giữa phình ra. Hai mặt trống bịt bằng da trâu, da bò hoặc da kỳ đà. Hai mặt trống có đường kính khoảng 40cm, thân trống khoảng 50cm. Cặp dùi trống làm từ gỗ tốt, chắc nặng để tạo lực cho trống vang xa. Cặp dùi trống dài khoảng 30 cm, có hai đầu vuốt tròn. Âm thanh của Skô thum vang xa, khỏe, trầm. Một trống có âm trầm và một trống có âm bổng. Khi diễn hai âm trầm bổng hòa quyện vào nhau. Khi diễn, hai trống được đặt trên một giá đỡ song song nhau.

Về môi trường diễn xướng, dàn nhạc Lakhone Bassăk được dùng trong đệm cho sân khấu dù kê. Hệ bài bản của dàn nhạc Lakhone Bassăk gồm 4 bài chính: Luôm, Nokoreach, Phach Chey, SomPôn. Từ 4 bài bản chính lại sinh ra những bài bản phụ khác, như Luôm có thêm Luôm Teng, Luôm Thu, Luôm Chom heang, Luôm Phon; Nokoreach sinh ra        Nokoreach ksei Pros, Nokoreach ksei Srey; Phach Chey có thêm Phach chey ksei pros, Phach chey ksei Srey; SomPôn sinh ra thêm bài Sompôn Phon, Sompôn Smos. Mỗi một bài bản tùy vào hoàn cảnh từng nhân vật mà được sử dụng linh hoạt.

Dàn nhạc ngũ âm (pưng peat)

Rôneat Ek (đàn thuyền): là nhạc khí có tầm âm cao nhất trong tổ chức dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khơme. Đây là nhạc khí không thể vắng mặt trong dàn nhạc ngũ âm, bởi nó đóng vai trò chủ lực về diễn tấu giai điệu trong dàn nhạc. Âm thanh của Rôneat Ek réo rắt, giòn giã, vang xa. Tầm cữ Rôneat Ek khoảng 3 quãng 8. Kỹ thuật diễn tấu đặc biệt của Rôneat Ek là dùng dùi (không quấn vải) đánh đồng âm quãng 8 đúng, hoặc đánh quãng 4, 5, 6 và trémolo ở những nốt ngân dài.

Rôneat Thung: là nhạc khí tự thân vang gõ nằm trong biên chế dàn nhạc ngũ âm của người Khơme Nam Bộ, có âm sắc trầm ấm, mềm mại, sâu lắng, không vang bằng Rôneat Ek. Tầm cữ Rôneat Thung là 2 quãng 8. Rôneat Thung không đánh đồng âm quãng 8 như Rôneat Ek mà đánh từng âm rời, thường sử dụng kỹ thuật trémolo quãng 3, 4, 5, 6 ở những nốt ngân dài. Rôneat Thung vừa diễn tấu giai điệu, vừa làm nền bè trầm cho Rôneat Ek và cho cả dàn nhạc. Rôneat Thung và Rôneat Ek được coi là một cặp song hành trong tổ chức dàn nhạc ngũ âm và trong tổ chức của các dàn nhạc khác.

Rôneat Đek: là nhạc khí tự thân vang gõ nằm trong biên chế dàn nhạc ngũ âm của người Khơme Nam Bộ. Nó còn có tên gọi khác là Rôneat Thônh, Rôneat Meás. Rôneat Đek có 21 thanh âm làm từ chất liệu sắt pha đồng, mỗi thanh có chiều rộng khoảng 4cm, hình chữ nhật, chiều dài 23 - 30cm, các thanh ngắn dần từ âm trầm đến âm cao. Âm thanh Rôneat Đek vang rất xa. Thanh âm được xếp theo hệ thống 7 cung đều, khi bị lệch người ta điều chỉnh bằng cách mài dũa hai đầu thanh âm cho chuẩn xác. Kỹ thuật diễn tấu giống Rôneat Ek, nghĩa là dùng dùi gõ đồng âm quãng 8 đúng hoặc quãng 4, 5, 6 hoặc trémolo những nốt ngân dài.

Kôông Vông Thum: là nhạc khí tự thân vang gõ nằm trong biên chế chính thức của dàn nhạc ngũ âm của người Khơme Nam Bộ. Kôông Vông Thum là cồng lớn, gồm 16 chiếc cồng có nấm như Kôông Vông Tôch nhưng đường kính to hơn, được chế tác bằng chất liệu đồng thau hoặc đồng pha gang. Kỹ thuật diễn tấu phổ biến của Kôông Vông Thum là diễn tấu giai điệu đồng âm với Kôông Vông Tôch, thường dùng kỹ thuật trémolo 2 nốt các quãng 3, 4, 5, 6 ở các nốt ngân dài. Nó còn có vai trò làm nền hòa âm bè trầm cho dàn nhạc.

Samphô: là nhạc khí màng rung vỗ nằm trong biên chế dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khơme ở Trà Vinh. Trống Samphô có 2 mặt da được đặt trên giá đỡ khi diễn tấu. Phần mặt trống to có âm thanh đục, trầm ấm. Phần mặt trống nhỏ có âm thanh giòn giã, vang xa. Ngoài ra, âm câm còn được tạo ra bằng cách đập mạnh và giữ yên bàn tay trên mặt trống, làm cho âm thanh bị ngắt, tạo ra tiếng pặc pặc.

Skô Thum: là nhạc khí màng rung - gõ, luôn được sử dụng một cặp. Thân trống được làm từ gỗ mít hoặc gỗ thốt nốt, ở giữa phình ra. Âm thanh của Skô Thum vang xa, khỏe, trầm. Một trống có âm trầm và một trống có âm bổng. Khi diễn hai âm trầm bổng hòa quyện vào nhau. Khi diễn, hai trống được đặt trên một giá đỡ song song nhau.

Srolay pưnpét: là nhạc khí thổi hơi dăm kép không loa đặc biệt chỉ sử dụng trong dàn nhạc pưnpét (dàn nhạc ngũ âm). Srolay pưnpét được làm bằng loại gỗ quý (thường là lõi gỗ mun) được khoét lỗ từ đầu đến cuối thân kèn. Màu âm của Srolay pưnpét êm dịu, hòa quyện với các nhạc khí gõ trong dàn nhạc ngũ âm làm cho âm thanh tổng hợp trở nên hài hòa, đa âm sắc.

Chhưng: là nhạc khí thân vang đập phổ biến của người Khơme ở Trà Vinh, được cấu tạo bằng hợp kim đồng thau hoặc đồng thiếc. Chhưng gồm 2 chiếc bằng nhau có hình dáng vung tròn như chiếc dĩa nhỏ, ở giữa có núm, giữa núm có khoét lỗ nhỏ để xỏ dây dài khoảng 20cm cột vào 2 đầu dây. Thân Chhưng có đường kính khoảng 20cm. Âm thanh Chhưng ngân vang như tiếng chuông, đánh mạnh âm thanh vang xa nhưng chói tai.

Dàn nhạc ngũ âm hay còn được hiểu là dàn nhạc lễ, được dùng trong các nghi lễ trong chùa và trong gia đình. Nghi lễ trong chùa có dùng dàn nhạc ngũ âm như: lễ dâng y (kathina). Đây là lễ chỉ tổ chức một lần trong năm theo quy định của Phật giáo vào tháng 10 âm lịch (tùy theo mỗi chùa mà sẽ có ngày tổ chức khác nhau, nhưng chỉ trong 29 ngày quy định), là lễ khi chư tăng nhập hạ sau ba tháng tại chùa, thiện nam tín nữ phát tâm trong sạch dâng những vật dụng như áo cà sa, bàn ghế, tủ, chén, cà mên, mùng mền, bát…

Dàn nhạc ngũ âm sẽ diễn tấu bài tổ (sathuka - là bài chính thống nhưng hiện ít còn sử dụng trong thực tế). Ngày nay, bài  Kravnay-kravok được sử dụng nhiều, thịnh hành và cũng được xem là một bài lớn.

Ngoài ra còn có các lễ như: lễ xuất gia (đi tu). Nghi thức tu tâm học đạo của những người con trai làm lễ tại nhà, sau đó đưa vào chùa. Bài bản được sử dụng như lễ dâng y. Các lễ hội Chol Chnam Thmây, lễ Sel Dolta, Ok Om Bok nhà chùa cũng sử dụng dàn nhạc ngũ âm và chơi chung bài với lễ dâng y.

Các nghi lễ tại gia cũng được người dân Khơme rước dàn nhạc ngũ âm về biểu  diễn như: lễ mừng thọ, lễ an vị phật. Tất cả  những lễ này cũng thường sử dụng bài  Kravnay-kravok.

Dàn nhạc cưới

Ngoài dàn nhạc ngũ âm và Lakhone Bassăk đang được sử dụng phổ biến trong dân gian, trong đời sống của người Khơme Trà Vinh ngày nay, còn có dàn nhạc cưới. Dàn nhạc cưới sử dụng bộ dây là chủ đạo (gồm các nhạc khí dây kéo và dây gõ).

Như đã giới thiệu ở phần trên, lễ cưới truyền thống của người Khơme là hệ thống những nghi thức nối tiếp nhau. Trong đó, giai điệu của mỗi bài bản được sử dụng như một phương tiện góp phần chuyển tại nội dung của hoạt động nghi lễ. Mỗi hoạt động, mỗi lễ khác nhau sẽ có một bản nhạc khác nhau. Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa nên lễ cưới truyền thống của người Khơme tại Trà Vinh cũng đã giảm bớt các nghi thức.

Xã hội ngày càng phát triển, đứng trước sự lấn át của âm nhạc điện tử, nhạc trẻ, nhạc hiện đại… người dân Khơme vẫn giữ lại những nét văn hóa dân gian trong âm nhạc của họ thông qua các dàn nhạc dân gian. Mặc dù môi trường diễn xướng không phải quá phong phú, nhưng âm nhạc vẫn luôn hiện diện trong đời sống của họ, mỗi dịp lễ hội, mỗi giai đoạn quan trọng của đời người.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ KIM BIÊN

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...