Danh sách bài viết

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Cập nhật: 27/12/2017

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

 


NS. Nguyễn Văn Tý (26 tuổi)

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện trưởng.

Năm 1978, Viện Âm nhạc kết hợp với Hội Văn nghệ Hậu Giang (bây giờ là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang) mở trại sáng tác nhạc. Trại viên là các nhạc sĩ của đồng bằng sông Cửu Long: Phan Thao, Lâm Nghĩa Văn, Khánh Vinh, Quách Trung Tín, Nguyễn Minh Luân, Tiêu Thanh, Hoàng Hương, Nguyễn Thuấn, Nguyễn Thanh, Thanh Bình…

Tổ giảng viên có anh Nguyễn Văn Tý (kinh nghiệm viết ca khúc), anh Tô Hải (hòa âm), anh Hoàng Hiệp (kinh nghiệm phổ thơ), Lư Nhất Vũ (vấn đề thang âm điệu thức trong dân ca Nam bộ).

Qua hai tháng tiếp thu ngần ấy học thuật, các trại viên ngày đêm chộn rộn, rị mọ để hoàn thành bài hát theo đúng thời gian quy định. Anh Nguyễn Văn Tý góp ý và chỉnh sửa bài của anh em một cách nhiệt tình và tỉ mỉ. Anh còn lo dàn dựng những tác phẩm của anh em để trình diễn trong đêm làm lễ bế mạc trại sáng tác, do Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhà thực hiện. Anh em đều hồ hởi, phấn khởi vì ai cũng có bài hát trình làng như: Tiếng hò trên sông Hậu (Nguyễn Minh Luân), Đêm biên giới (nhạc: Phan Thao, lời: Lê Giang), Sóc Trăng thân thương (Quách Trung Tín), Bài thơ trên báng súng (Lâm Nghĩa Văn)…

Có lẽ người tỏ ra vui mừng nhất là anh Nguyễn Văn Tý, bởi anh đã đóng góp phần đáng kể cho sự thành công của trại.

Các nhạc sĩ đồng bằng sông Cửu Long dự trại sáng tác rất ngưỡng mộ và nể phục người nhạc sĩ đàn anh Nguyễn Văn Tý qua những ca khúc nổi tiếng và cách làm việc hết sức nghiêm túc, cách ứng xử thân tình, chan hòa, cởi mở.

***

Năm 1979, Ty Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng mời vợ chồng anh Nguyễn Văn Tý và tôi ra Đà Nẵng để thâm nhập thực tế sáng tác. Nhớ đêm ngày 4 tháng 7 năm 1955, nhóm học sinh Sài Gòn chúng tôi trên đường vượt tuyến ra miền Bắc, có ngủ qua đêm tại sân ga xe lửa. Khuya đến, bọn lính đi tuần kiểm tra giấy tùy thân từng người đang nằm la liệt trên sân ga đầy cát. Thấm thoát mà đã 24 năm tôi lại đến thành phố này.


Bên hồ nước Phú Ninh (Quảng Nam 1979 - Ảnh LNV)

Chúng tôi được anh em Ty Văn hóa tiếp đón ân cần, chu đáo. Sáng đi tham quan Ngũ Hành Sơn, được tặng mỗi người một con cá chim bằng đá. Trưa ghé Hội An thưởng thức món mì Quảng ở Cao Lâu. Hôm sau đi thăm những làng trồng dâu nuôi tằm ven bờ sông Thu Bồn, ăn món nhộng xào khóm và tham dự cảnh hàn sông, đắp đập bên bờ hồ nước Phú Ninh. Đi đến đâu, anh Tý đều hỏi han và ghi chép tỉ mỉ…

Sắp đến ngày kết thúc chuyến đi thực tế, anh Tý đã viết xong ca khúc Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình. Anh hát cho tôi nghe vài câu như thể động viên, khuyến khích tôi chăng: “Anh đưa em đi ăn trái bòong boong ăn hoài mệt nghỉ. Anh đưa em đi thăm Núi Thành, trận đầu đánh Mỹ và thăm Núi Ngũ Hành xem tượng Bác Hồ màu đá vân xanh…”.

Tôi đang rị mọ Tiếng hò bên hồ nước Phú Ninh. Làm xong, cũng hát cho anh Tý nghe: “Đất Quảng quê em chưa mưa đà thấm. Nhớ mãi câu hò tiếng guồng xe nước vấn vương. Thương con chim xanh ăn quanh bãi cát. Em thương ruộng đồng mình khao khát từng giọt nước mưa trên nguồn về…”.

Tôi khen bài ảnh hay, ảnh nói bài tôi nghe được lắm. Cả hai ca khúc của anh em chúng tôi được trình diễn do các giọng hát của Đoàn Ca múa Quảng - Đà thực hiện đạt hiệu quả rất tốt (có giọng hát của ca sĩ Ánh Tuyết).

        ***

Năm 1980, các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Ca Lê Thuần, Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang về Bến Tre để viết tiết mục cho Đoàn Ca múa chuẩn bị đi hội diễn toàn quốc. Lần đầu đến Bến Tre, quê hương Đồng Khởi, anh Tý không khỏi ngỡ ngàng và bồi hồi xúc động. Chúng tôi nhờ anh Tý dàn dựng hoạt cảnh dân ca Khúc hát Đảo Dừa. Và đưa bản thảo Dân ca Bến Tre mà Ty Văn hóa - Thông tin Bến Tre sắp xuất bản trong năm 1981. Vậy là anh Tý có “cẩm nang” rồi.

Chúng tôi ở trên lầu của trụ sở Ty, chứng kiến những đêm mưa giông tầm tã, làm cho những tàu lá dừa bên hành lang chao đảo, bay phần phật. Và Lê Giang đã gợi ý cho anh Tý hình ảnh đội quân tóc dài thời kỳ Đồng Khởi như những rừng dừa sừng sững, kiên trung, bất khuất.

Mấy ngày sau, anh Tý phác thảo xong bài hát, rồi anh hát cho chúng tôi nghe. Đó là ca khúc Dáng đứng Bến Tre, mang hơi hướm dân ca Nam bộ, ngôn ngữ âm nhạc cũng rất hiện đại được Đoàn Ca múa Bến Tre biểu diễn qua giọng hát Ngọc Thúy. Và khi được phát trên Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh qua giọng ca truyền cảm, mùi mẫn của Thu Nở, bài hát này đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi.

Nhiều nơi ngưỡng mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, muốn anh sáng tác cho địa phương mình một bài “tỉnh ca” như Dáng đứng Bến Tre. Anh vui vẻ nhận lời, sẵn sàng lên đường thâm nhập thực tế, và đã cho ra lò một loạt ca khúc như: Ra khơi nhìn lại quê mình (về Tiền Giang), Về Thuận Hải, Gương mặt Kiên Giang, Bản tình ca trên đất Quảng dâu tằm, Về thăm lại đất Gò Dầu…

***

Đầu năm 1987, trong cuốn tự truyện Nhạc và Đời, anh Nguyễn Văn Tý đã từng bộc bạch: “Có thể nói trong đời làm ca khúc suốt 40 năm qua, hầu hết những lời ca là do tôi tự đặt. Họa hoằn mới phổ hoặc phỏng thơ người khác. Vì một lẽ đơn giản: tôi thấy làm thế chủ động hơn và, nói thật, tôi có lòng tự tin làm thế tốt hơn”[1].

Những ca khúc do anh tự đặt lời đã đóng góp một cách xứng đáng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Anh không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một nhà thơ thực thụ. Điểm nổi bật và xuyên suốt, đó là anh luôn luôn đi sâu khai thác, phát huy và sáng tạo vốn âm nhạc dân gian khắp mọi miền đất nước. Những tác phẩm của anh thường hay phưởng phất âm hưởng dân ca như đồng bằng Bắc bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tày, Thái, Mông, Nam Trung bộ và Nam bộ.

Anh có biệt tài là “trị” những đề tài hóc búa và gặt hái những thành công không nhỏ. Những ý, những từ mộc mạc trong đời sống bình thường được chuyển tải bằng những giai điệu uyển chuyển, mượt mà, ngọt xớt và gợi cảm.

Trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mỹ

Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày

Đất với người cùng một dòng suy nghĩ

Phải làm gì với tiền tuyến hôm nay.

(Bài ca năm tấn)

Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng

Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ

Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô

(Em đi làm tín dụng)

Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo

(Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa)

Phụ nữ Việt Nam vốn hay lam hay làm

Có Đảng chỉ đường đã bừng đôi mắt sáng

(Bài ca phụ nữ Việt Nam)

Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ

Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi

(Người đi xây hồ Kẻ Gỗ)

Có lần anh Nguyễn Văn Tý bày tỏ tâm tư: “Năm nay (1987), tôi cũng đã 64 tuổi rồi. Cũng phải làm dần công việc tính sổ cuộc đời để thấy những gì mình đã làm được và những gì mình còn mắc nợ với đời, để còn cố mà phấn đấu trong những tháng năm còn lại.

… Bài gì của tôi đáng nhớ quần chúng nghe đã nhớ. Bài gì người ta nghe rồi mà không nhớ có nghĩa là cũng đáng để người ta quên.

… Tuy nhiên, khi đã tính sổ cuộc đời, tôi thấy lòng mình còn mang không ít những điều băn khoăn lo lắng, không biết bản thân mình trong quãng đời còn lại có góp được chút gì cùng bao nhạc sĩ khác giải quyết được ít nhiều những băn khoăn lo lắng đó không”[1].

Từ năm 1988 đến 1997 là giai đoạn chuyển hướng sáng tác, gồm những tình khúc nhân bản lãng mạn. Bắt đầu là ca khúc Một ánh sao trời mà anh Tý cho rằng “đó là tình yêu trong sáng nhất trên đời, mãi mãi chiếu sáng trong bầu trời kỷ niệm của đời tôi”. Và trong Nhớ tuổi đời vụng dại, tác giả vẫn còn luyến tiếc, còn vấn vương mối tình đầu với một bóng hồng nào đó: “Biết khi xưa tuổi đời vụng dại. Chưa biết tình yêu đến thì tình đã qua rồi!”.

“Có một nhà thơ và một cô bé, về tuổi đời có một khoảng cách khá xa! Nhưng là hàng xóm trong nhiều năm qua, cô bé có những thiên tư mà ông kỳ vọng. Và ông đi xa và cô đi lấy chồng, rồi sau này cũng trở thành nhà thơ. Khoảng cách ngày xưa cho đến bây giờ. Chỉ còn lại là lớp già bên lớp trẻ. Đường dài ta đi nếu văn chương là dâu bể. Đắng cay ngọt bùi ta san sẻ bớt cho nhau…” (Khoảng cách).

Một bước ngoặt đáng lưu ý là anh đã phổ nhiều bài thơ của các tác giả, trong đó có nhà thơ Xuân Quỳnh, Trần Mạnh Hảo, Lưu Trọng Văn, Nắng Hồng, Từ Huy…

Có thể đây là giai đoạn thử nghiệm thêm một dạng bút pháp nhằm mở rộng bình diện đề tài phục vụ cuộc sống. Chớ thực ra nhạc sĩ kiêm nhà thơ Nguyễn Văn Tý coi công việc phổ thơ chưa phải là công việc sở trường của mình.

***

Những năm học ở Sài Gòn, tôi cũng đã từng hát nghêu ngao vừa đánh đàn banjoline bài Dư âm: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ…”.

Với cái tuổi chưa biết tình yêu là gì nhưng vẫn khoái hát những bài tình ca trữ tình lãng mạn.

Đến năm 1955, tôi tham gia Đoàn Thanh niên xung phong trên những công trường ở Phú Thọ và Cầu Đuống. Những đêm sinh hoạt văn nghệ quanh đống lửa hồng, anh em chúng tôi vừa múa vừa hát theo nhịp điệu rập ràng, sôi nổi:

Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa

Đây bao la hương sắc hoa chan hòa

Hoa tươi trong mùa xuân nhân loại…

Sau này về học trường Âm nhạc Việt Nam, tôi mới biết đó là bài hát Mùa hoa nở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, và cũng là tác giả những bài tôi yêu thích: Tiếng hát Dôi-a, Dư âm, Vượt trùng dương, Mẹ yêu con…

Đầu năm 1974, tôi và Lê Giang hành quân xuống tận Mũi Cà Mau để viết nhạc cảnh Hòn Khoai, nói lên sự tích thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng những đồng chí ra đánh chiếm Hòn Khoai trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và xúc động khi nghe anh Mười Mây (Trưởng Ty Văn hóa Cà Mau) kể rằng thời kỳ Đồng Khởi, anh em văn nghệ muốn có tiết mục truyền thống để phục vụ bà con tỉnh nhà, rồi bàn với nhau lấy bài hát Vượt trùng dương, đặt thêm lời mới cho công cuộc giải phóng Hòn Khoai của thầy giáo Hiển:

Lái con thuyền vượt ra Hòn Khoai này!

Quyết tiêu diệt bọn quân sài lang này!

Sau này tôi có kể lại “sự kiện” này cho anh Tý nghe, anh cười khoái chí lắm. Không ngờ bài Vượt trùng dương viết từ năm 1952 đã “thẳng cánh” bay vào mảnh đất cuối trời của Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.

***

Trong cuốn tự truyện Nhạc và Đời anh Nguyễn Văn Tý có viết: “Bố tôi là người Vĩnh Phú. Mẹ tôi là người Nam Hà. Nhưng hai ông bà cùng phải xa quê, vào làm công nhân ở nhà máy xe lửa Trường Thi - Vinh (thuộc tỉnh Nghệ An bây giờ)”[1]. Anh sinh ra tại Vinh vào ngày 5 tháng 3 năm 1924 (năm Giáp Tý). Thuở bé học ở trường Bến Thủy rồi lớn lên học ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh). Từ năm 1944, anh đã đi hát trong phòng trà ở Vinh. Từ năm 1945, sáng lập và xây dựng Đoàn Kịch thơ, Kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Anh bắt đầu hoạt động âm nhạc ở Liên khu IV. Rồi làm Trưởng Đoàn Văn công Sư đoàn 304. Năm 1951, anh chuyển về Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, là thời kỳ viết bài tình ca Dư âm nổi tiếng.

Đầu năm 1961, anh được biệt phái về Hưng Yên, đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn…

Năm 1967, anh về Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Và từ năm 1976, anh chuyển về Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh là một nhạc sĩ có bề dày đáng trân trọng trong sáng tác ca khúc, với hàng chục tác phẩm đã để lại dấu ấn không phai.

Anh đã được nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạnh Nhì, và vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những bậc đàn anh đã vào đất phương Nam lập nghiệp, trở thành công dân của Sài Thành trong 40 năm qua, đã đóng góp đáng kể trong lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn và đào tạo, cùng các anh Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Tô Vũ, Hoàng Đạm, NSND Trần Hiếu…

Đêm nhạc Lư Nhất Vũ 60 tuổi tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên vào 29-7-1996. Mặc dầu trời mưa rả rích, anh Nguyễn Văn Tý vẫn đến cùng chia vui. Đến phần giao lưu, anh Tý bước lên sân khấu ôm hôn tôi và nói với khán giả rằng: “Hai anh em chúng tôi đều cầm tinh tuổi con chuột, cách nhau một con giáp (Giáp Tý và Bính Tý), là anh em kết nghĩa trên đất Nam bộ này!”.

[1] Trích trong cuốn Nhạc và Đời, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, 1989.

Lư Nhất Vũ

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...