Danh sách bài viết

Nhập môn lịch sử triết học – Sự bất biến của cái thần thoại và các yếu tố thế giới quan tiền triết học ở các nền văn minh cổ đại (Tiếp theo kỳ trước)

Cập nhật: 27/12/2017

V.V.XÔCÔLỐP(*)

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lịch sử các nền văn minh cổ đại được tính hàng nghìn năm. Tất cả các nền văn minh đó - Ai Cập, Sumerô, Babilon, Ấn Độ, Trung Hoa - xuất hiện và phát triển trong những điều kiện ấm nóng của phù sa mầu mỡ được tạo thành từ những dòng chảy của các sông lớn. Tuy nhiên, hoạt động sinh sống của những cộng đồng người ở các quốc gia đó, giống như thời nguyên thủy, về cơ bản, vẫn là sự thích nghi với môi trường tự nhiên xung quanh và cùng với đó, nỗ lực của chủ thể tập thể cũng không ngừng tăng lên. Đó là việc sử dụng ruộng đất tự nhiên được bổ sung thêm nghệ thuật dẫn nước và lao động có công cụ. Nếu nghề trồng trọt dưới hình thức sơ khai đã từng có trong thời kỳ công xã nguyên thủy, thì ở các nền văn minh này, nó đã trở thành nhân tố chủ đạo trong hoạt động sống của con người, còn nghề chăn nuôi, theo ý nghĩa to lớn của nó, trở thành nhân tố lệ thuộc vào nghề trồng trọt.

Thần thoại Ai Cập cổ đại và minh triết thế tục

Những người Ai Cập cổ đại đã sử dụng các công cụ bằng đá, đồng đỏ và đồng thau. Nhà nước Ai Cập cổ đại được hình thành từ thiên niên kỷ thứ IV TCN. Và, ngay từ đầu thiên niên kỷ thứ III TCN, ở đây đã hình thành nên một cơ cấu rất tập trung và cần thiết cho việc duy trì nghề trồng trọt có hệ thống tưới tiêu khá quy mô, cũng như các phương diện khác của đời sống kinh tế. Cùng với đó, người ta cũng đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ có khả năng tự bảo vệ khỏi sự tấn công của láng giềng và khi cần thiết, cho sự tấn công ngược trở lại.

Quyền lực tối cao của các Pharaon (nghĩa của Pharaon là ngôi nhà lớn, về sau tự nó là chủ sở hữu) là vô hạn và về nguyên tắc, không bị hạn chế bởi bất cứ thể chế xã hội nào cả. Hơn nữa, quyền lực này còn đòi hỏi phải có sự phân hóa của những cư dân đã từng được nó bảo vệ. Tính giai cấp là dấu hiệu cần thiết khác về tính tập thể của nền văn minh này. Bởi lẽ, đã có một thời, ở Ai Cập cũng như ở các nền văn minh cổ đại khác, sự phân hóa giai cấp, nói đúng hơn là sự phân chia tầng lớp, đã được thừa nhận ở một mức độ nào đó.

Phần lớn cư dân ở Ai Cập cổ đại là những người của công xã nông nghiệp, hình thức ít thay đổi về tính tập thể này của họ kéo dài cả thế kỷ, thậm chí hàng nghìn năm. Có thể gọi họ là những người theo đẳng cấp nghề nghiệp (kasta). Số lượng những người làm nghề thủ công trong cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố, không thể so sánh được với đông đảo những người của công xã nông nghiệp.

Ở đây, về mặt quy luật mà nói, đã có sự xuất hiện các “giai cấp bóc lột” - đó là những địa chủ lớn, đặc biệt là việc họ cấu kết với nhau xung quanh chúa thượng - Pharaon. Thuộc loại đó còn có một tầng lớp quan trọng khác - đó là đẳng cấp tư tế, những người nắm lễ nghi tôn giáo, nhưng cũng nắm cả những tri thức có giá trị mà thiếu chúng, không thể có được cả kinh tế lẫn đời sống tinh thần. Các thành tố phi lý và duy lý luôn đan xen với nhau trong hoạt động của các nhà tư tế này.

Đương nhiên, ở các nền văn minh cổ đại, sự hiểu biết của con người đã được mở rộng hơn, sâu sắc hơn so với thời nguyên thủy. Trước hết, ở đây cần phải lưu ý tới nhân tố ngôn ngữ. Tư tưởng của “con người có lý tính” thời nguyên thủy về khía cạnh ký hiệu mà nói, chỉ được nâng lên tới tầm mô phỏng bằng các bức tranh, hình vẽ mô tả tượng hình loài vật và hình tượng con người thô phác trên các bức tường nơi hang động. Tính ký hiệu của ngôn ngữ trong các nền văn minh này đã được phát triển theo xu hướng biểu tượng hóa. Ở Ai Cập cổ đại đã xuất hiện chữ tượng hình, đã có sự kết hợp hình thể của loài vật và con người với những ký hiệu của ngôn từ và các âm tiết của từng ngôn ngữ cụ thể. Sự lược đồ hóa tiếp theo của chữ viết loại này đã tước đi các họa tiết, đồng thời làm gia tăng những thành tố của loại chữ tốc ký. Loại chữ viết đó trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ được gọi là chữ tượng hình, bởi những người làm ra nó trước hết là những nhà tư tế. Và, như ở phần trước chúng tôi đã đề cập, sự xuất hiện và phát triển của ngôn ngữ ngay từ giai đoạn tiền văn tự của nó đã kéo theo sự liên kết kinh nghiệm tập thể với tư duy cá nhân. Quá trình đó lại được đẩy mạnh nhờ ngôn ngữ thành văn.

Nếu hiểu khoa học như là sự mở rộng và làm sâu sắc lao động trí óc, loại lao động được bắt đầu từ trình độ kinh nghiệm thông thường đến kinh nghiệm khoa học và dần dần tích lũy được các yếu tố đã được khái quát hoá, định hình hoá trong ngôn ngữ và hơn nữa, trong các ký hiệu văn tự của nó, thì ngay cả ở các nền văn minh cổ đại cũng không thể thiếu khoa học. Ở Ai Cập cổ đại đã diễn ra sự chia tách một cách khá quy mô giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Chủ thể của lao động trí óc không chỉ là những nhà tư tế, mà thường có cả một đội ngũ đông đảo những người biết chữ làm công việc phụ tá cho các nhà tư tế đó. Ở đây, hoạt động kinh tế phức tạp và những nhu cầu hành chính của nhà nước luôn đòi hỏi ngày càng thận trọng hơn việc định hình chữ viết.

Khoa học không thể thiếu văn tự và đương nhiên, nó cũng không thể bị quy về chỉ với văn tự. Các nhu cầu về kinh tế đã làm nảy sinh sự khéo léo trong việc thực hiện những phép tính khác nhau, cũng như việc sử dụng các phân số để giải quyết những bài toán phương trình bậc nhất, thậm chí cả những phương trình bậc hai. Sự cần thiết của việc tính diện tích đất đai và những diện tích khác cũng như khối lượng của các thể tích khác nhau đã dẫn tới một khoa học mà nhà sử học vĩ đại Hêrôđốt, khi đến thăm Ai Cập vào thế kỷ thứ 5 TCN, đã gọi nó là hình học (“kích thước của đất”). Khi đó, người ta đã đưa ra được các ký hiệu cho mười con số. Đương nhiên, cả hình học lẫn số học đều là những khoa học kinh nghiệm. Thành tố lý thuyết - diễn dịch được sử dụng trong tiến trình của rất nhiều công đoạn suy tư và nó cũng chỉ được sản sinh ra trong các công đoạn suy tư đó và do vậy, chưa thể trở thành lĩnh vực độc lập của tri thức.

Sự xuất hiện của thiên văn học cũng hoàn toàn dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Sự cần thiết phải xác định thời gian lên xuống của con nước sông Nin đã buộc những người phụng sự khoa học phải quan tâm tới sự xuất hiện của sao Thiên Lang. Sự quan sát bầu trời trong một thời gian dài đã giúp con người xác định được sự khác nhau giữa các vì sao và hành tinh. Nhu cầu phát triển kinh tế đã đưa họ tới việc lập ra lịch đại. Vào thời Ai Cập cổ đại, lịch được làm theo hệ mặt trời - 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày cộng với 5 ngày cuối năm.

Nền khoa học của Ai Cập cổ đại được coi là sự nghiệp của những người phụng sự khoa học với những đại biểu nổi tiếng. Đó là Imhotep (thế kỷ XXVII TCN); là “bộ trưởng đầu tiên” của Pharaon - Giôxera, người đã xây dựng Kim tự tháp thứ nhất; là các thầy thuốc, nhà minh triết đạo đức (về sau là những người phụng sự thần linh). Nhưng, thành tố thế giới quan vào thời đó vẫn chỉ là thần thoại.

Mặc dù sự hình thành các hình ảnh thần thoại đã diễn ra vào thời tiền nhà nước trong lịch sử Ai Cập cổ đại, song nhận thức của chúng ta về chúng và cả những biến đổi đa dạng của chúng lại đều dựa trên văn bản có thời gian kéo dài hơn hai ngàn năm - đó là những văn bản được khắc trên các bức tường ở điện thờ các Pharaon của Vương quốc Cổ đại (thế kỷ XXVI - XXIII TCN), “các văn bản trên những quan tài bằng đá”, đã được khắc họa ngay từ thời Vương quốc Trung đại (bắt đầu vào khoảng thế kỷ XXI TCN), “sách của những người đã chết”, chủ yếu được viết trên giấy chỉ thảo từ thời Vương quốc Cận đại (vào khoảng thế kỷ XVI TCN) và có nội dung niệm chú, thánh ca ca ngợi các thần và những cách thức lễ nghi khác, cũng như dựa trên các nguồn tư liệu khác (kéo dài đến những thông báo của Hêrôđốt (thế kỷ V TCN) và Plutáccơ (thế kỷ I - II).

Đặc trưng quan trọng nhất của hình ảnh thần thoại là sự kết hợp trong đó cái động vật học với cái hình thái nhân học. Vô vàn thú vật, chim muông, các loài bò sát sống dưới nước và trên cạn, thậm chí cả những loài thực vật, đã trở thành những thành tố bất biến của các hình ảnh đó. Phả hệ mang tính thú tổ của thế giới quan cổ đại đã xuất hiện ở Ai Cập từ hàng thế kỷ và hàng thiên niên kỷ với tính bền vững rất lớn. Theo tiến trình của thời gian, nó đã có sự phát triển và đương nhiên, đã trở thành hình thái nhân học hóa các vị thần và cũng thường thiên cả về tính hình thái học động vật.

Chức năng của các vị thần không giống nhau; nó thường phản ánh các hiện tượng đan xen nhau giữa thế giới tự nhiên và con người. Tại những trung tâm của các nhà tư tế thuộc thế giới nói trên, như trường Mặt trời, Memfix, Fiva, v.v., đều có những tổ hợp các vị thần được tạo dựng và về sau, chúng đan xen vào nhau hoặc loại trừ lẫn nhau.

Những hiện tượng tự phát, tự nhiên đã trở thành nhân tố quy định sinh lực của những người Ai Cập cổ đại - đó là hiện tượng Mặt trời và nước sông Nin đã đem lại phù sa màu mỡ. Những hiện tượng này còn tạo nên các thành tố của những chu kỳ vũ trụ nguyên sinh. Bản nguyên quan trọng nhất trong các thành tố đó là sức mạnh của thần Nun. Vị thần này không phụ thuộc vào bất cứ cái gì và tồn tại như sự hỗn độn đầu tiên, linh hoạt, như nguồn nước vô biên do các trận lũ của sông Nin tạo nên. Hiện tượng tự nhiên đó còn sản sinh ra thần Mặt trời của hoàng hôn là Atum - cha của Pharaon đã chết. Trong một loạt phương án, vị thần này đã được hòa nhập với thần Mặt trời cổ và mù có tên là Ra, và vào những thời khắc của bình minh, thần còn được gọi là Hepri. Sự đa dạng trong các quan niệm về vũ trụ tinh nguyên đó đã thể hiện tính linh hoạt về thực thể của các hiện tượng tự nhiên và sự hiện diện trong đó một quá trình siêu cấu trúc. Thêm nữa, tính bền vững về sinh tồn của thần Ra luôn vượt lên trên các trạng thái của bình minh và hoàng hôn.

Quan niệm hoàn toàn mang tính kinh nghiệm về các thần Atum - Ra như về sự sáng tạo ra mọi cuộc sống vốn không thể thiếu Mặt trời. Quan niệm đó xuất hiện như hình ảnh của thần Hepri trên các gò đồi lô nhô được tạo thành trong quá trình thác đổ của sông Nin. Có thể những gò đồi ấy là “mô hình” đầu tiên cho các Kim tự tháp. Một trong những truyền thuyết về các Kim tự tháp ấy đã cho thấy rằng, từ các gò đồi đó đã mọc lên một đóa sen, từ đóa sen ấy lại sinh ra thần Atum. Theo một truyền thuyết khác, thần Ra được sinh ra từ quả trứng, mang theo một con chim rất lớn. Còn truyền thuyết thứ ba, thần Ra xuất hiện như một con bê nhỏ do thiên ngưu sinh ra. Trong tất cả các phương án đó luôn có sự hiện diện một quá trình xuất hiện của các thần Atum - Ra mang tính hữu hạn rõ rệt, song đồng thời lại mang tính sáng thế. Và, con người, theo một trong các phương án truyền thuyết đó, đã xuất hiện từ nước mắt của các thần Atum - Ra. Bản thân các thần Atum - Ra, sau khi nuốt chính cái tinh khí của mình, đã tạo tác và nhả từ miệng ra những thiên thần song sinh: Su là thần gió và em gái của thần là Tephnut tượng trưng cho sự ẩm ướt. Chúng ta nhận thấy rằng, hai thế lực phân đôi phản ánh chủ - khách thể luôn đối lập nhau và đều đóng vai trò quyết định trong “phương pháp luận” tiền triết học, đồng thời mang nguồn gốc cơ thể.

Quá trình hình thành vũ trụ tiếp theo được tiếp diễn, một là bầu trời - Nut, hai là đất - Geb. Thế hệ của các vị thần được kết thúc ở thần Osiris cùng với em gái - vợ là thần Isida và thần Xet - cùng với thần Nephtida, cả người con trai của cặp vợ chồng đầu tiên là thần Hor. “Tính hệ thống” mang hình thái xã hội của các thế lực thần thánh được thể hiện ở đây dường như đã trải qua chín đời (lúc đó không còn chính bản thân thần Atum nữa).

Một tổ hợp về quan niệm hình thái nói trên là do các nhà phụng sự khoa học về trường năng lượng nghiên cứu. Cùng với tổ hợp đó còn có một tổ hợp do các nhà phụng sự khoa học của thành phố cổ đại Memphi (Ai Cập - ND) đưa ra. Ở đây, vị thần đứng đầu trong số tất cả các thần là thần Ptach (Thần Memphis). Dường như, người ta đã quá nhấn mạnh thần Nun, một vị thần mang hình thái nhân hóa và tạo vật. Với tư cách thần bảo hộ nghề thủ công và nghệ thuật, thần Ptach có năng lực sáng tạo chính xác hơn thần Atum, nếu xét theo phương án nguồn gốc xuất phát. Những thành tựu của nền văn minh Ai Cập cổ đại đã được phản ánh qua hình ảnh của vị thần này, bởi đây là vị thần đầu tiên xây dựng một kế hoạch trong chính trái tim mình và sau đó, trình bày nó bằng lời (sáng tạo bằng “trái tim và lời nói”). Như vậy, vị thần này đã sáng tạo nên thế hệ thứ chín khác của các thần. Trong số các thần đó, về sau này đã xuất hiện một vị thần có tài nghệ vĩ đại, không xa lạ đối với chúng ta là thần Imhotep. Hoạt động sáng tạo của thần Ptach, về thực chất, là cần thiết cho toàn bộ thế giới của nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Trong văn cảnh đó, cần phải kể đến thần tính toán và văn tự - đó là thần Tot có đầu hình cò quăm, do các nhà tư tế Hermopol tạo ra. Phương diện sùng bái tinh tú ở hình tượng này được thể hiện trong sự đồng nhất với Mặt trăng và bản tính của thần được xem như là trái tim của chủ thần Mặt trời Ra. Cái căn bản nhất là chức năng trí tuệ của thần Tot. Chính vị thần này đã được người ta dành riêng cho 5 ngày cuối năm. Hơn nữa, đây được xem là vị thần làm ra toàn bộ lịch phổ, ngang bằng với công việc văn tự và tính toán mà thiếu công việc này, lịch phổ sẽ mất hết ý nghĩa và vai trò của nó. Thần bảo hộ cho thư viện Hermopol là thần Tot được xem là lưỡi của chính thần Ptach, tác giả của các văn bản kinh thánh.

Thần Oxiris cùng với vợ - em gái là thần Ixida và con trai là thần Hor đóng vai trò đặc biệt to lớn trong quan niệm về cuộc sống và sự chết của tự nhiên cũng như con người của người Ai Cập cổ đại. Các thần này tạo nên bộ ba quan trọng nhất, và nếu xét tính đặc thù, các thần này có liên quan đến các huyền thoại và các yếu tố lễ nghi tôn giáo. Vốn là “chắt” của thần Ra, là cháu của thần Su và là con của thần Geb, thần Oxiris tượng trưng cho sức mạnh không ngừng được phát sinh của tự nhiên nhờ các dòng chảy và thác nước của sông Nin. Đặc biệt, thần Oxiris còn gắn liền với các quan niệm về những thành tựu của nền văn minh Ai Cập - đó là sự canh tác các loại ngũ cốc và nho, sản xuất ra các sản phẩm từ chúng, khai thác và chế biến đồng và vàng. Chỉ nhờ vậy mà người Ai Cập mới thoát ra khỏi đời sống hoang dã, khỏi tục ăn thịt người.

Những chức năng khác không kém phần quan trọng của thần Oxiris và luôn thu hút sự quan tâm của chúng ta là quan niệm của người Ai Cập cổ đại về con người. Cái huyền bí trong sự sống, sự chết và số phận sau khi chết của con người, cũng như nhiều vấn đề khác, đều gắn với cái gọi là linh hồn. Về linh hồn, đã từng có cả một hệ thống quan niệm cực kỳ khó hiểu đối với cả tâm lý học hiện đại. Trong các thần thoại Ai Cập cổ đại, cuộc đời con người sau khi chết được quan niệm trên thực tế bằng sự phản chiếu lại cuộc sống trần thế. Tất cả các hoạt động có liên quan đến người chết, toàn bộ lễ nghi phức tạp và biểu tượng ma thuật đều hướng tới mục đích là làm sao để cuộc sống ở thế giới bên kia trở nên vĩnh hằng - điều chỉ vốn có đối với các thần linh. Về thực chất, tự bản thân linh hồn con người đã bị phân chia thành những quan niệm về các phương diện hoạt động khác nhau của cơ thể người. Một trong những phương diện quan trọng nhất đó có liên quan đến từ ngữ Ka. Từ này phản ánh sức sống đầu tiên, năng lượng của các vị thần và các Pharaon mà về sau, trong “các văn bản trên những quan tài bằng đá” và trong “sách của những người đã chết”, sức sống đó cũng là của tất cả mọi người. Vả lại, linh hồn cũng được quan niệm như là cái bất tử. Linh hồn có thể di chuyển trong vương quốc của những người đã chết và rời bỏ vương quốc đó để vươn tới các thần, đồng thời cũng được quan niệm như đời sống tinh thần của chính linh hồn - đó là Akhơ.

Trong toàn bộ tính đặc thù của “linh hồn”, linh hồn gắn bó chặt chẽ với thể xác ngay cả sau khi chết. Từ đó đã sinh ra tục ướp xác sau khi chết. Các Kim tự tháp của Vương quốc Cổ đại được xem là sự cất dấu tin cậy nhất cho các linh hồn và thể xác của các bậc vua chúa. Sự hoành tráng của các Kim tự tháp mà việc xây dựng chúng quả là bất thành, nếu thiếu các tri thức và nghệ thuật thực tiễn phong phú, cho đến nay, vẫn là những bằng chứng quan sát được, đều thể hiện trạng thái tri tín, điều mà chúng tôi đã đề cập tới ở phần trước.

Thần Oxiris lúc đầu vốn là lãnh chúa nhân từ và rộng lượng, đã bị người anh độc ác và ghen tỵ là thần Xết sát hại cho đến chết. Xết là thần sa mạc vô sinh, nhưng được phục sinh bởi vợ là thần Ixida và con trai là thần Hor. Sau khi từ chối trở lại trái đất, thần Oxiris đã trở thành thần của lòng đất, nâng đỡ toàn bộ Vũ trụ. Sông Nin được tạo thành từ mồ hôi tay của thần Oxiris - đó là một trong những hình tượng phản ánh ý niệm vĩ đại về sự đồng nhất giữa thế giới vi mô và thế giới vĩ mô, đồng thời là nền tảng của thế giới quan hữu cơ. Chức năng thế giới quan khác của hình tượng thần Oxiris gắn liền với chính đời sống của con người, là tòa án của con người ở thế giới bên kia - tòa án mang đầy nội dung đạo đức.

Ở đây, chúng ta bắt gặp một hình ảnh trừu tượng nhất và có thể nói, là hình ảnh tiền triết học về thần Maat. Về đại thể, Maat là một nữ thần, là con của thần tối cao Ra và thường xuất hiện trong các văn bản về Kim tự tháp vào thời Vương quốc Cổ đại, còn ở những thế kỷ tiếp theo là trong các văn bản về quan tài đá và trong “sách của những người đã chết”. Tính trừu tượng của thần Maat là ở chỗ, thần luôn bị tước bỏ những nét hình nhân và được biểu tượng hóa bằng lông đà điểu. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Ai Cập cổ đại đã đề xuất cách dịch tên thần Maat là “chân lý”, “sự thật”, “công lý”, “trật tự”. Khái niệm - thần thoại mang hình thái xã hội đó bao hàm cả ý nghĩa sáng tạo thần thánh của vũ trụ tinh nguyên luận lẫn ý nghĩa đạo đức - xã hội. Phương diện đạo đức - xã hội được thể hiện tại tòa án Oxiris, khi trái tim của người bị chết được trình trước phiên tòa xử người đó. Nếu trái tim đó “trong sạch”, thì những chiếc đĩa cân được đồng nhất với thần Maat sẽ cân bằng nhau. Chồng của thần Maat, tức của người đã là phụ nữ thì được trang điểm bằng chính lông đà điểu và làm công việc ghi chép kết quả của việc cân đong, còn thần Oxiris thì ban thưởng cho người có trái tim thánh thiện đó sự vĩnh hằng. Nếu một chiếc đĩa cân của thần Maat trĩu xuống, thì con quái vật nửa cá sấu, nửa sư tử sẽ ăn thịt người chết.

Ý nghĩa đạo đức - xã hội của hình tượng thần Maat luôn hướng tới các Pharaon, tới các lãnh chúa của Ai Cập. Người con trai của thần Oxiris là thần Hor có cái đầu đại bàng, đồng thời là người chiến thắng kẻ dối trá - thần Xết, thì trở thành hình tượng tượng trưng cho tình ái của thần Maat. Do đó mà có sự thần thánh hóa Pharaon. Sự sùng bái thần Hor và những vị thần khác được khẳng định là sự sùng bái Pharaon. Vị thần này hoàn toàn không cực quyền như đã từng được coi là vậy trên thực tế, mà là một vị linh mục hiền từ của số đông dân chúng, là người đứng trung gian giữa họ và thần Ra, tương tự như sự thống nhất bản chất của thần. Thực ra, thần Hor đã trở thành nhà tư tế cao nhất của toàn bộ Ai Cập. Việc thừa nhận vị thần này trong văn cảnh đó chính là sự duy trì niềm tin của dân chúng vào thần Maat cốt để cho vị thần này không bị biến thành thần Ioxphes, thành biểu trưng cho sự lộn xộn và tội ác. Việc tuân thủ vô vàn các phong tục và lễ nghi tôn giáo là nhằm bảo vệ tính chỉnh thể của Ai Cập hàng ngàn năm như một quốc gia dựa trên nền kinh tế rất phát triển mà, nếu thiếu những quan hệ thân thiện giữa các giai cấp và những con người cụ thể, sẽ không thể có được.

Để kết luận, chúng ta có thể phác họa một quan điểm thống nhất nào đó về những hình ảnh đa sắc màu và đầy mâu thuẫn của thần thoại Ai Cập cổ đại. Chính sự hỗn độn của các thế lực tự phát tiền nhân loại đã dẫn đến sự ra đời thế giới tự nhiên và các sinh thể động vật - người có trật tự hơn. Nguồn gốc cơ thể tự nhiên của chúng ngày càng kết hợp chặt chẽ hơn với những quan niệm sáng tạo về nguồn gốc các thần, đặc biệt là sự kết hợp với quan niệm - thần thoại huyết thống của thần Maat. Cùng với đó là huyền thoại về các thần Amon - Ra, một phương án về sự sùng bái ánh sáng Mặt trời. Sự sùng bái này có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vào thời Tân vương quốc với những chức năng sáng tạo không kém gì so với huyền thoại về thần Ptach. Thần Amon không chỉ tạo ra các thần, con người, động vật, chim muông và các loài cá, mà còn tạo ra cả đất đai để sản xuất. Huyền thoại này đã làm cho uy tín của các Pharaon được nâng lên. Đương nhiên, yếu tố tôn giáo - thần thoại trong thế giới quan của người Ai Cập cổ đại không thể thống nhất và kết thúc ở đây. Trước đây đã từng có các di chỉ khảo cổ học về nền văn hóa “trần tục”. Di chỉ ấy chính là các văn bản được ghi chép trong những bức tranh cuốn bằng giấy chỉ thảo và trên các quan tài bằng đá. Các văn bản ấy hết sức đa dạng. Chẳng hạn, các tác phẩm thi ca đã thể hiện một nền văn hóa cao về cảm xúc yêu đương và những cảm xúc khác của con người. Chúng ta còn được chứng kiến cả những câu chuyện cổ tích lẫn những câu chuyện về sinh hoạt, những câu chuyện mô tả các cuộc phiêu lưu thần bí. Song, tất cả các văn bản đó đều là những văn bản khuyết danh.

Trên phương diện thế giới quan thì thể loại lý luận dạy học có ý nghĩa nhất là những giáo huấndo những tác gia cụ thể biên soạn. Họ là những tác gia có địa vị giáo phẩm cao. Trong số đó, cần phải nhắc đến Imhotep, song thật đáng tiếc là hiện nay, những giáo huấn ấy của ông không còn lưu giữ được (chúng ta chỉ biết đến những giáo huấn ấy trong các nguồn tư liệu gốc sau này). Các đoạn trích của những giáo huấn khác đều có nguồn gốc từ Giêdéphora, con trai của Pharaon Huphu (Heopsa, thế kỷ XXVI TCN), người đã xây cho cha mình một Kim tự tháp cao nhất. Đến nay, các giáo huấn còn lưu giữ được đầy đủ là của Ptahotep, một đại thần của Pharaon Isesi (cũng vào thời Vương quốc cổ) dùng để dạy con trai ông ta. Ở đây có khá nhiều lời khuyên răn về sinh hoạt và các giáo lý dạy con cần phải biết giấu kín suy nghĩ của mình, biết giữ mồm, giữ miệng và kính trọng thủ lĩnh.

Đối với nhiều người, đức tính tốt của người lãnh đạo là biết hướng thiện, tránh cái ác. Điều đáng lưu ý là, vào thời đó, một số quan lại và ngay cả những nhà tư tế cũng đã tỏ ra thất vọng với các cuộc hành lễ, kể cả những buổi lễ phức tạp; họ cảm thấy ý nghĩa hoạt động của mình là ở sự thành thật, ở việc giúp đỡ người nghèo theo khả năng có thể, v.v.. Theo đó, có thể nói, yếu tố đạo đức trong thế giới quan của người Ai Cập cổ đại đã xuất hiện từ rất sớm, có lẽ còn sớm hơn nhiều so với sự xuất hiện của “thất hiền” Hy Lạp cổ đại (phần sau chúng tôi sẽ đề cập tới).

Tính ngưng trệ vốn đã được hình thành trong hàng trăm năm của nền văn minh Ai Cập cổ đại và của nền văn hóa tinh thần đã không thể loại bỏ được sự lệch lạc mang tính cá nhân, cụ thể đối với những quan điểm đã được xã hội thừa nhận. Cuối thời Vương quốc Cổ đại - đầu Vương quốc Trung đại (cuối thiên niên kỷ thứ ba - đầu thiên niên kỷ thứ hai TCN) đã xuất hiện các di sản khuyết danh có giá trị mà người ta gọi là “Bài ca đàn hạc”. Ở đó, niềm hạnh phúc của cuộc sống hiện thực đã được đánh giá cao, đồng thời còn hàm chứa lời kêu gọi “hãy làm cho sự giàu có tăng lên”, “hãy làm theo nguyện vọng của trái tim”. Những khát vọng ấy đã trở thành những giá trị căn bản, bởi lăng mộ của các thần và những nhà hiền triết rất nổi tiếng, như Imhotep và Giêdephor, đã bị bỏ trống và thậm chí, còn bị lãng quên. Trong văn cảnh như vậy, một tư tưởng hoài nghi đã được đưa ra và tương đối khái quát là: “Không có ai trở về từ nơi đó để kể cho hay ở đó có gì” (theo bản dịch của A.Akhơmatôva). Những tư tưởng tương tự như vậy cũng đã được nêu ra trong một di sản văn học khác ở thời đó là “Cuộc tranh luận của người tuyệt vọng với linh hồn của mình”.

Các tài liệu khác còn lưu giữ lại đến nay đã thể hiện sự thất vọng của con người đối với các giá trị truyền thống và niềm hy vọng của họ vào sự phản tư cá nhân. Song, để đến được với trình độ triết học rõ ràng thì tư tưởng Ai Cập cổ đại chưa đạt tới.

Thần thoại Sumerô - Babilon

Trong hàng ngàn năm lịch sử, cùng với nền văn minh Ai Cập cổ đại, nền văn minh Mesôpôtami đã xuất hiện từ hai thứ ngôn ngữ - Tigr và Ephrat. Nền văn minh này cũng đã trải qua một sự tiến hóa nhất định. Sumerô, rồi sau đó là Nhà nước Somit thống nhất đã ra đời sớm hơn một loạt quốc gia - thành thị và tồn tại một cách vững chắc từ thế kỷ XXIV TCN đến thế kỷ XXII TCN, trung tâm của nó là thành phố Akkad. Ở thiên niên kỷ thứ hai và thứ nhất cũng đã từng tồn tại một nền văn minh, chủ yếu là ở Babilon và Axiri. Các quốc gia Mesôpôtami này đã gây chiến với nhau và nếu so với Ai Cập thì thời gian tồn tại của chúng không bằng, song, có thể nói, nhờ đó mà các quốc gia này đã trở nên năng động hơn. Cơ sở kinh tế của nền văn minh Mesôpôtami, về nguyên tắc, cũng giống như nền kinh tế Ai Cập. Đất canh tác được tưới tiêu một cách có quy mô là một bộ phận của thành phần căn bản của nó. Chăn nuôi gia súc cũng lệ thuộc vào đó. Dĩ nhiên, vào thời đó, ở các thành phố, nghề thủ công đã khá phát triển.

Lao động trí óc là dấu hiệu xác định của một nền văn minh. Ở Mesôpôtami cũng như ở Ai Cập, lao động trí óc đều do các nhà tư tế nắm giữ về mặt hệ tư tưởng. Những bậc thang lớn lên tháp nhà thờ, những mặt bằng trên đó đều là những chỗ thuận tiện cho việc quan sát bầu trời, tạo kiểu dáng điển hình cho nền văn minh Mesôpôtami, chẳng hạn như các Kim tự tháp Ai Cập cổ đại. Nghề thư lại thuộc về những “đại gia” (các nhà lãnh đạo), còn các nhà tư tế thì cũng tương tự như ở Ai Cập. Nhìn chung, học thức là sự khác biệt của số ít người trong giới thượng lưu của xã hội. Văn tự được những người Sumerô tạo ra từ chữ tượng hình, còn tranh ảnh thì được họ vẽ theo phương pháp ký hiệu học để chuyển thành cái gọi là văn bản chữ tiết hình (xét theo hình thức bên ngoài của các ký tự bị chèn bởi các “cây bút” bằng lau sậy vót nhọn trên các tấm ván mục).

Nét nổi bật là, nhu cầu về văn bản kinh tế đã xuất hiện, trước hết là do những đòi hỏi của hoạt động kinh tế và chỉ sau một thời gian dài, nó mới trở thành “công cụ” cần thiết của văn học. Các ký tự của chữ tiết hình được viết nghiêng theo dòng ngang, cột dọc và viết chéo với độ dài khác nhau. Chúng thể hiện cả những khái niệm - văn tự biểu ý lẫn những từ ngữ - ẩn ý. Cả hai cách thể hiện đó đều đa nghĩa. Mặc dù sự đơn giản về cách viết các ký tự và rút gọn số lượng của chúng còn lâu mới dẫn đến chữ viết tiền anphabê của Sumerô - Akkad; song, đó là một bằng chứng hiển nhiên về quá trình duy lý hóa văn hóa mà, sau một thời gian dài, đã trở thành phổ biến với cả thế giới quan.

Từ chữ viết cổ đã phát sinh ra một khoa học không tách rời nó ở Mesôpôtami. Những thành tựu của người Sumerô - Babilon trong lĩnh vực số học quả là vĩ đại. Số học cũng như văn tự đã xuất hiện trước hết là để phục vụ việc tính toán số lượng lương thực, động vật và các nhu cầu kinh tế khác. Thành tựu căn bản của số học Mesôpôtami là ở sự xuất hiện hệ thống vị thế trong tính toán mà ở đó, các ký hiệu tiết hình đã làm thay đổi giá trị của nó trong sự phụ thuộc vào vị trí của các ký hiệu ấy. Hệ thống các số 6 có thể là những con số có liên quan đến sự xuất hiện ma thuật (số 6 và 36 được xem là những con số hạnh phúc). Truyền thống số học đó tỏ ra khá bền vững và cho tới nay, vẫn còn tồn tại cách chia một giờ thành 60 phút, một vòng tròn là 3600. Vào thiên niên kỷ thứ hai, toán học Sumerô - Babilon đã giải được những bài toán phương trình bậc hai, xác định được độ dài của đường tròn, diện tích hình tròn, mối quan hệ giữa đường chéo của hình vuông với các cạnh của góc vuông, tính được thể tích của hình hộp, hình trụ và hình chóp. Song, về thực chất, tất cả những thành tựu trí tuệ ấy đều chịu sự quy định của các nhu cầu kinh tế và được phát hiện ra bằng kinh nghiệm. Ở đâu, thiên văn học cũng đóng vai trò to lớn về mặt thế giới quan và rất cần cho sự quan sát của những người phụng sự khoa học ở Mesôpôtami. Ở đây, người ta đã làm ra lịch Mặt trăng và Mặt trời. Từ cuối thiên niên kỷ thứ ba TCN, người ta đã thiết lập được chu kỳ của những hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.

Dù không nhắc tới những thành tựu khác của khoa học tự nhiên Sumerô - Babilon, song cũng cần phải nêu ra những thành tựu về luật pháp - xã hội của chúng. Đó là vào cuối thế kỷ XXIV TCN, người đứng đầu Nhà nước Sumerô là Larasa đã công bố những điều khoản pháp lý nhằm làm giảm bớt sự căng thẳng xã hội ở đây. Vào nửa đầu thế kỷ XVIII TCN, quốc vương hùng mạnh của thành quốc Cựu Babilon là Hammurapi đã “công bố” 9 văn bản pháp luật được ghi trên tấm bia đất badan. Nói đúng hơn, đó là cuốn sổ tay pháp luật đầu tiên trong lịch sử các nền văn minh. Nó bao gồm khoảng 300 điều khoản được chia theo các đề mục. Trong đó, các nhà sử học thường viết về sự hiện diện của các điều khoản về quyền công dân, luật hình sự và luật hành chính. Về mặt thế giới quan mà nói thì phần mở đầu và phần kết luận có tầm quan trọng rất lớn. Ở đó, Hammurapi đã dựa vào thần Mặt trời, vị “thẩm phán vĩ đại của trời đất” là Samasu (có hình vẽ trên văn bia này) để đưa ra sự đánh giá về phương diện đạo đức cho văn bản đó như một văn bản mà ông ta ban cho tất cả “dân đầu đen”. Hammurapi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, các thần đã khích lệ ông ta làm ra văn bản đó “cốt để kẻ mạnh không chèn ép kẻ yếu, kẻ mồ côi và góa bụa cũng được hưởng công bằng…, kẻ bị chèn ép được công lý bênh vực và mệnh lệnh cao quý của ta là do ta viết trên tấm văn bia này…”(1).

Tính bền vững của các câu chuyện thần thoại Sumerô và Babilon, xét về tính đa phương án của chúng, là một đặc trưng quan trọng của thế giới quan tiền triết học trong những điều kiện không thay đổi dẫu đã trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm của các thể chế xã hội cũng như ý thức con người thời bấy giờ. Chức năng của thần linh là duy trì tính bền vững của một số lượng lớn các câu chuyện thần thoại trong những cộng đồng, các đô thị và nhà nước. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng của các thành quốc và sự phát triển của khuynh hướng khái quát hoá trong thế giới quan đã quy định sự giảm bớt con số đó, đặc biệt là sự phân định các thần chính yếu. So với các vị thần của Ai Cập cổ đại, các vị thần ở Sumerô - Babilon mang hình thái nhân bản hơn, ít hình thái động vật hơn, mặc dù diện mạo và đặc tính của chúng vẫn còn lưu giữ nhiều hình tích vật tổ. Tính hình thái xã hội của sự giải thích thế giới thần thoại luôn xuất hiện do tính loài khác nhau của các thần và sự đa dạng về quyền lực của các thần đó đối với con người.

Trong các thần thoại Sumerô, trạng thái đầu tiên của thế giới được xem là sự hỗn độn của nước, là biểu tượng tượng trưng cho việc nữ thần Nammu sinh ra núi lớn. Đỉnh núi là bầu trời và chúa tể của nó là An-Anum - vị thần tối cao và là cha đẻ của mọi thứ còn lại. Tuy nhiên, trong cuộc sống trần tục, vị thần này lại xuất hiện như là sự hoạt động của con trai mình là Êlil - thần gió, thần sấm, thần mưa. Trái đất cũng bị phân đôi trong hoạt động sống - vũ trụ của nó. Một mặt, nó là Ninma - bản nguyên nữ giới sinh ra núi, con người và cả các vị thần nữa. Mặt khác, nếu thiếu nước thì không thể có sự sinh sản, cho nên đất là Ênki - thần của nước hồi sinh được lấy từ biển lớn và các dòng sông, kênh rạch, các giếng. Sự năng động của nước khác với sự tĩnh tại và thụ động của đất; nó làm cho người đàn ông Ênki trở thành sự khởi đầu tích cực và sáng tạo.

Về thực chất, phần lớn các thần thoại Sumerô - Babilon cũng như các thần thoại khác luôn hàm chứa chức năng căn nguyên học. Chúng xuất hiện để vạch ra “những nguyên nhân” của các hiện tượng hết sức quan trọng và hoàn toàn cụ thể. Trong thần thoại Sumerô - Babilon, sự lý giải về mặt hình thái nhân bản - xã hội thường mang tính hữu cơ và ít mang tính sáng tạo, “cơ học”. Mối quan hệ giữa các thần với nhau, về thực chất, cũng như chính sự xuất hiện của các thần, đều phải giải thích cho những hiện tượng và sự kiện của thế giới tự nhiên, con người và xã hội. Chẳng hạn, thần thoại về Đumudi - Tammude và Inanne - Istar, một trong những thần thoại về các thần đang chết và đang phục sinh (như thần thoại về Oxiris và Isid), đã “giải thích” cả nghi thức kết hôn và hơn nữa, còn cả về sự chết dần của tự nhiên vào mùa đông và sự phục sinh, phát triển của nó vào mùa xuân - hè. “Một vương quốc âm phủ mà từ đó, không có đường quay trở lại” là vương quốc mịt mùng của thần Êreskigan tàn bạo, người chị gái hận thù của thần Inanna. Ở đây thật tối tăm và mù mịt, các cư dân phải hứng chịu một cuộc sống khó khăn, họ ăn những thứ bỏ đi và thậm chí ăn cả đất sét. Vả lại, những người được sống sướng hơn là những người thực hiện các lễ cầu siêu, dâng lễ vật hiến tế, cũng như những người đã tử trận, những người để lại nhiều con cháu. Bức tranh về  vương quốc Êreskigan còn vô vị hơn vương quốc Oxiris. Ở đây không hề có quan niệm về số phận sau khi chết của các linh hồn, về sự phán xử các linh hồn đó.

Ở Mesôpôtami đã từng tồn tại nhiều câu chuyện thần thoại. Những thần thoại cụ thể, mang tính căn nguyên học thường có trong bất kỳ thần thoại học nào. Rất ít những thần thoại trong sự thống nhất về văn bản - cổ tích có thể tạo lập được bức tranh chỉnh thể về nguồn gốc thế giới trần tục và con người, có thể truyền tải thần học thành vũ trụ luận và nhân bản luận. Điều đó cũng không thấy trong thần thoại Ai Cập cổ đại. Ở thần thoại Babilon thì lại có điều đó. Đó là tác phẩm thơ “Ênuma Êlis” (“Khi ở trên…”, theo từ ngữ đầu tiên của nó).

Nhân vật chính của tác phẩm thơ này là Marduc, thần bảo hộ của Babilon. Trước kia, Marduc là vị thần bị hạn chế và thứ cấp, chỉ lấn át được thần Ênlin của Sumerô. Trong suốt một thời gian dài, thần Marduc luôn muốn chiếm lĩnh vị trí thượng đỉnh với tư cách con trai của thần bầu trời là Anu, trong khi bản thân vị thần này cũng mang tính khá thụ động. Có lẽ tác phẩm thơ này lần đầu tiên xuất hiện vào thời Hamurapi, mặc dù hình thức văn bản đầu tiên của nó còn lưu giữ lại cho đến ngày nay đã có niên hạn 10 thế kỷ.

“Enuma Elis”, trong thể loại trần thuật thông tin, có vẻ như là sự tổng kết các quan niệm thần thoại trước đó của người Sumerô - Babilon. Thậm chí, có khi quan niệm này còn được gọi là tiền triết học. Tuy nhiên, ở đây, nếu tính đến sự vắng mặt hoàn toàn tính khái quát của các hình ảnh cận kề với tính khái niệm, thì tác phẩm này đúng ra nên gọi là di sản thần thoại hoàn hảo, hay là hậu thần thoại (Ph.Kornford).

Trong tác phẩm, sự mô tả trạng thái xuất phát của Vũ trụ là cái giữ vị trí quan trọng. Nó được tượng trưng bởi những tên gọi của các thần phi hình nhân - đó là thần Apsu làm nhiệm vụ tập trung nước ngọt, còn thần Timat là vợ của vị thần này thì thể hiện sự tự phát hỗn loạn, kinh sợ và bất kham nhất của biển (vị thần này có thể sánh với thần Nun của Ai Cập). Thực thể thứ ba của Vũ trụ là thần Mummu, Đây có lẽ là thần mây và sương mù. Sự pha trộn nguyên thủy của nước là hoàn toàn hỗn độn, trong đó chưa có một chất rắn nào từ đất, cũng như một trật tự nào cả. Chống lại các thần tượng trưng cho sự kỳ quái của nó là cuộc chiến của các thần hình nhân có trách nhiệm. Thần đa minh Ênki đã tìm được phương thức ma thuật để đi vào giấc ngủ của thần Apsu, sau đó giết chết vị thần này và sinh ra khởi thủy nước ngọt. Từ sự kiện tự nhiên bị chinh phục, thần Ênki đã tự dựng nhà cho mình và bắt giam luôn cả thần Mummu. Trong ngôi nhà của mình, thần Ênki đã sinh ra nhân vật chính của ma thuật là người đẹp hùng mạnh với bốn mắt, bốn tai là thần Marduc và từ miệng của thần Marduc phun ra lửa. Song, thế lực của sự hỗn độn vốn gắn liền với biển mặn đã không chịu đầu hàng, nó giết chết thần Tiamat kỳ quái để trả thù cho chồng là thần Apsu. Thần Tiamat đã huy động đội quân của mình là rắn và rồng. Dưới sự chỉ huy của thần Tiamat, bà đã tự lập cho mình người chồng khác là thần Kingu và trao cho vị thần này toàn bộ quyền hành. Bà còn giao cho chồng “biển số tòa án” - đó là hình ảnh mờ ảo của luật vũ trụ. Ở đây đã chứa đựng biết bao điều được sắp đặt sẵn một cách quyết đoán làm cho các thần phải nể sợ. Cả thần Ênki lẫn thần Anu đều không không dám chống lại thần Tiamat. Khi đó, các thần tập hợp nhau lại trong một cuộc họp để uống rượu lấy tinh thần dũng cảm, cùng nhất trí cầu cứu thần Marduc. Thần Marduc đồng ý, nhưng lại đặt điều kiện là phải giao cho ông ta quyền lực tối cao và chấp hành triệt để mệnh lệnh của ông. Trong trận giao chiến chống lại thần Tiamat và quân đội của bà ta, thần Marduc đi trên một chiếc xe có trang bị vũ khí của con người - đó là cung, chùy, lưới. Thần Marduc còn dùng cả sức mạnh của chính tự nhiên - đó là chớp và gió do người ông của thần cung cấp. Trận đánh diễn ra thật căng thẳng. Trước mũi xe của thần Marduc là đội quân hoang mang của thần Tiamat, nhưng chính bà ta lại không hề tỏ ra run sợ và còn nhe cả hàm răng đáng sợ của mình ra. Thần Marduc đã phun ra từ miệng những cơn gió mạnh và một mũi tên đã xuyên trúng tim quái vật. Đội quân của thần Tiamat bỏ chạy, nhưng thần Marduc đã tung lưới ra. Bản thân thần Tiamat đã bị thần Marduc dùng chùy đánh chảy máu và máu bị gió thổi đi. Thi thể thần Tiamat bị chặt làm hai phần. Thần Marduc biến phần trên thành bầu trời, khóa chặt nó lại và xây nhà cho mình ở đó. Phần dưới của quái vật thành đất. Không gian giữa chúng định hình cấu trúc tam tài của Vũ trụ.

Đó chính là nội dung vũ trụ tinh nguyên luận của “Ênuma Êlis”. Nội dung này chỉ sự áp dụng yếu tố trật tự cho sự hỗn độn của đất - nước, tức là yếu tố xuất hiện nhờ hoạt động qua hàng thế kỷ của người Sumerô - Babilon trong lĩnh vực chinh phục sự tự phát của biển và bắt nguồn nước ngọt của các sông Tigra và Evphrát phục vụ cho mục đích tưới tiêu của mình.

Hoạt động sáng tạo của thần Marduc, vị thần đã tước của thần Kingu “biển số tòa án”, được phổ biến tới thế giới trời - tự nhiên và thế giới con người. Trên trời, kẻ chiến thắng đã làm cho các vì sao vận hành và tỏa sáng để lập ra lịch theo sự vận động của chúng. Thần Marduc cũng tiến hành việc phân công trách nhiệm giữa các thần một cách khá chi tiết (đây cũng là điều đã được đề cập đến trong phần lớn các câu chuyện thần thoại đã được hình thành hàng nghìn năm). Trong số đó có ba trăm chuyện về các thần Anu để nói lên việc theo dõi trật tự của bầu trời. Tương tự như vậy, cũng đã có ba trăm vị thần thực hiện các nhiệm vụ của trần gian. Hoạt động sáng tạo của thần Marduc còn liên quan đến sự tồn tại của con người. Hội đồng của các thần đã xác quyết rằng, kẻ xúi dục thần Tiamat chính là thần Kingu đang góa vợ. Người ta cắt mạch máu của thần này và từ dòng máu phun ra đó, con người được sinh ra. Thần Marduc làm ra người nhờ sự giúp đỡ của cha mình là thần Ênki với một phép thuật cực kỳ tinh xảo. Song, nhiệm vụ của con người là lao động cật lực, thực hiện lễ nghi và hiến tế cho các thần. Còn các thần thì nhờ đó mà nhận được khả năng giải phóng mình ra khỏi những công việc thấp hèn, bởi trách nhiệm của họ sâu sắc và thánh thiện hơn nhiều. Đáp lại ơn đó, các thần đã vui vẻ bảo vệ ngai vị cho thần Marduc, giữ đủ 50 danh hiệu của vị thần này, mà mỗi danh đó lại phản ánh một phương diện nhất định về hoạt động của thần trong những điều kiện của nền văn minh thuần nhất.

Như vậy, có thể nói, nội dung tư tưởng của “Ênuma Êlis” là rất có ý nghĩa. Qua các hình ảnh tượng trưng - chất phác của nó, đã có một con đường được vạch ra từ sự hỗn độn đến Vũ trụ và từ Vũ trụ đến con người và xã hội; điều này đã được xác nhận trong “Vụ án” của Hamurapi. Tác phẩm thơ ca có quy mô này đã mang ý nghĩa của một lễ nghi sùng tín (trong thành quốc Axiri, thần Marduc đã từng thay thế cho thần Asur).

Tính tương lai của các tư tưởng triết học trong lòng các tổ hợp thần thoại, như chúng tôi đã khẳng định trên cơ sở tư liệu của Ai Cập cổ đại,  là yếu tố thi ca hết sức quan trọng và rất có triển vọng trong đời sống con người. Trong thần thoại Sumerô - Babilon, điều này không phải là ít, nếu không nói là nhiều hơn so với thần thoại Ai Cập. Về mặt này mà nói thì bản trường ca nhiều tập về Hingames đã thể hiện một cách khá rõ nét (trong bản thảo muộn hơn, bản thảo xuất hiện vào thế kỷ VII - VI TCN có tên gọi là “Về sự quan sát tất thảy”). Các nhà sử học phương Đông cổ đại cho rằng, Hingames mang hình ảnh lịch sử nguyên mẫu về nhà cầm quyền năng động có tên là Uruk sống vào thế kỷ XXVII -  XXVI TCN. Song, ở sự trường thuật bằng câu chuyện thơ thần thoại, Hingames là nhân vật đóng vai trò trung gian giữa người và thần. Không phải ngẫu nhiên mà hai phần ba thực thể mang tính thần thánh, còn một phần ba thì mang tinh người. Cùng với bạn trai của mình là Ênkid, Hingames đã lập nên nhiều chiến công. Song, mối quan tâm lớn nhất về phương diện thế giới quan là ý định muốn đạt đến sự trường sinh, bất tử của Hingames, trong khi đó nhiều thần lại cho rằng, đối với con người thì điều đó là không thể. Tuy nhiên, Hingames cũng đã biết được tổ tiên xa xưa của mình là Utnapisti - một nhà luật học được các thần ban cho sự bất tử vì tính kính thần và hoàn hảo của ông; và sau khi hết giận những người lắm lời và đê tiện, các vị thần đó đã phái đến một trận lụt lớn (có lẽ đó là sự phản ánh những đợt thủy triều hung dữ của sông Tigra và sông Evphrát). Câu chuyện thần thoại đó đã được lan truyền rộng rãi tới tận vùng Cận Đông và đi vào cả Thánh kinh. Hingames đã đi xuyên qua thế giới trong lòng đất, qua núi đồi và nước để tới một hòn đảo, nơi mà Utnapist từng sống hạnh phúc. Theo lời khuyên của vợ, Utnapist đã cho Hingames biết rằng, sự bất tử có trong một gốc cây dưới đáy biển và người hùng sẽ biết cách lấy được nó. Hingames lộ rõ vẻ mừng rỡ, khoan khoái cởi bỏ hết quần áo và lao vào dòng nước, nhưng một con rắn độc đã quấn quanh gốc cây, lấy mất sự bất tử rồi bỏ đi và chỉ còn để lại một cái xác. Hingames buồn bã trở về thành phố của mình với hai bàn tay trắng và khẳng định rằng, sự bất tử là điều cấm đoán, còn cái chết là hình thức trừng phạt lớn nhất đối với con người.

Như vậy, ngay cả nhân vật thần thánh cũng chỉ có thể trông cậy được vào sự an ủi của đạo đức mà thôi. Nhiều bài thánh ca với tư cách một phần công việc phục vụ thần linh một cách chính thức cũng tuân thủ mục đích này. Cho đến nay, vẫn còn nhiều bài thánh ca sám hối minh chứng cho sự cá thể hóa tính tôn giáo. Nhưng, đôi khi, con người lại xa rời những phạm vi cần phải tuân theo một cách không luyến tiếc. Ở đây, cái đặc biệt thú vị là “Truyện thơ về người đàn bà vô tội” (khoảng thế kỷ XV - XII TCN). Trong tác phẩm này có nhấn mạnh sự bí ẩn trong ý chí của các thần, nhấn mạnh tính bất khả đạt tới cái mong muốn, nghĩa là những lễ nghi thành tâm nhất, những hiến tế thường xuyên, sự tuân thủ một cách cẩn trọng đối với lễ nghi nhưng lại không được thần linh phúc đáp. Đương nhiên, niềm tin vào các thần không những không bị biến mất, mà còn xuất hiện thêm thái độ cá nhân đối với các thần, kể cả những yếu tố hoài nghi nhất định.

Một cuộc đối thoại bi quan cũng được nhiều người biết đến là “Cuộc trò chuyện của chủ nô và nô lệ” (đôi khi, nguyên bản của nó được tính vào cuối thiên niên kỷ thứ hai - đầu thiên niên kỷ thứ nhất TCN). Người chủ nô có địa vị xã hội cao, nhưng lại buồn vì những giá trị của cuộc sống và vì chính cuộc sống đó. Với sự hoài nghi của mình, người chủ nô này tâm sự với kẻ nô lệ đang hùa theo ý chủ và nhấn mạnh rằng, tâm trạng của ông chủ là đúng. Chủ nghĩa hoài nghi do đại biểu của giai cấp thống trị thể hiện ở đây đã minh chứng cho trạng thái khủng hoảng của nền văn minh Mesôpôtami. Mặc dù nền văn minh này có sự ổn định lâu dài, nhưng nhiều người đã nhìn thấy ở nó sự bế tắc trong những thay đổi tiếp theo, cũng như sự thiếu vận động theo hướng tiến bộ.

Người dịch: PGS.TS.TRẦN NGUYÊN VIỆT

Người hiệu đính: PGS.TS.ĐẶNG HỮU TOÀN

(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)        

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...