Danh sách bài viết

Những cuốn sách 'phải mua' nhưng không dùng

Cập nhật: 14/12/2022

Những cuốn sách 'phải mua' nhưng không dùng

Cuối mỗi năm học khi cùng con gái thu dọn giá sách, chị Thúy Liễu, 34 tuổi, sống tại Hà Nội, đều thấy "còn vài quyển mới cứng".

Chị Liễu thường mua sách theo bộ cho con tại trường bởi "thế cho nhàn, tránh bị thiếu quyển này quyển kia". Con gái chị Liễu, năm nay lớp 4, vẫn học sách giáo khoa chương trình 2000. Trong bộ sách mua qua trường, chị Liễu thấy ngoài sách giáo khoa còn có sách bài tập, sách tham khảo, nhưng "bé bảo không dùng".

Tổng số tiền mà chị Liễu nộp để mua sách là 420.000 đồng. Trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chương trình lớp 4 có 9 cuốn sách giáo khoa, tổng 87.000 đồng. Như vậy, chị Liễu phải trả hơn 300.000 đồng cho các sách và tài liệu không phải sách giáo khoa - nghĩa là không bắt buộc. Sau khi con kiểm tra học kỳ I, chị Liễu nhận ra bốn cuốn chưa được dùng, tổng giá bìa khoảng 60.000.

Chị Nguyễn Mai, 45 tuổi, sống tại Hà Nam, cũng "không thấy con gái lớp 5 học An toàn giao thông hay Hoạt động trải nghiệm bao giờ". Ngoài ra, một số sách bài tập cũng không được dùng hết.

Lý giải điều này, cô Thanh, giáo viên tiểu học tại Hà Nam, cho biết phân phối chương trình có thời lượng dành cho hoạt động trải nghiệm, an toàn giao thông, nhưng thực tế 40 phút mỗi tiết đó được dành để nhắc nhở nền nếp, phổ biến công việc tuần tới. Cô cũng cho rằng danh mục sách đầu năm học "nhiều khi có sự định hướng", nên dù biết không dùng hết sách tham khảo, bài tập, nhưng trường vẫn gửi cho phụ huynh.

Chị Mai và chị Liễu chung nhận định, mỗi cuốn sách tham khảo thường có giá 10.000-15.000 đồng, sách bài tập đắt hơn, khoảng 30.000-40.000 là "không quá nhiều". Vì thế, các chị "không tiện hỏi giáo viên". "Tôi thấy phí nhưng rồi lại chẹp miệng cho qua, nghĩ vài chục nghìn không nên to chuyện", chị Liễu nói.

Những cuốn sách mà con chị Mai không sử dụng. Ảnh: Thanh Hằng

Số tiền lãng phí sẽ nhiều hơn "vài chục nghìn đồng", bởi cả nước có khoảng 20 triệu học sinh. Trong một bản tin trên website hồi tháng 8 năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết năm 2017 đã phát hành trên 100 triệu bản sách giáo khoa và cung ứng trên 95 triệu bản sách bổ trợ, sách tham khảo các loại, bản đồ, tranh ảnh giáo dục phục vụ nhu cầu của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Về số đầu sách, năm học 2021-2022, Nhà xuất bản Giáo dục giới thiệu danh mục sách tham khảo dùng cho các thư viện trường học với 327 tên sách, ngoài ra hàng tháng đều có thêm từ vài chục đến cả trăm đầu sách tham khảo mới. Cách đó hai năm, năm 2019, nhà xuất bản này còn từng công bố danh mục gần 730 cuốn sách tham khảo. Giá một cuốn thấp nhất là 9.500 đồng, cao nhất là 199.000 đồng, phổ biến ở mức 20.000 - 30.000 đồng.

Cô Tình, giáo viên lớp 1 tại Hải Dương, cho biết đầu năm học vừa rồi, danh mục sách, đồ dùng cần mua, được gửi cho phụ huynh có giá gần 800.000 đồng. Trong đó, sách giáo khoa gồm 10 quyển, tổng 196.000 đồng, sách bổ trợ, ôn tập, tham khảo 397.000 đồng. Cô Tình cho biết sách bổ trợ, tham khảo được dùng trong các tiết buổi chiều, nhưng giáo viên "có ba đầu sáu tay" cũng không thể dạy hết. Chưa kể, nội dung sách có sự chồng chéo. Giáo viên phải đọc sách giáo dục địa phương, nếu trùng thông tin hoặc có bài nào tương tự sách Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức thì lồng ghép để dạy tích hợp. Những quyển "hiếm khi dùng hết", theo cô Tình thường là những sách phát triển năng lực (giá 28.000 đồng một cuốn), hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường (giá 25.000 đồng).

"Nếu mỗi học sinh có một cuốn sách không dùng đến giá 25.000 đồng, thì với 17 triệu học sinh phổ thông, số tiền lãng phí là 425 tỷ đồng", cô Tình nhẩm tính.

Nói về sự ra đời của sách tham khảo, thầy Nam, chuyên viên một phòng giáo dục ở miền Trung, cho biết những năm 2005, ở một số tỉnh bỗng xuất hiện những "đầu nậu". "Những người này đi tìm giáo viên, đặt viết sách tham khảo rồi trả thù lao, còn in ấn và bán đã có nhà xuất bản lo", thầy Nam nói, cho rằng việc này xuất phát từ nhu cầu của một số phụ huynh muốn con học nâng cao, nhưng dần dần bị biến tướng. Đến năm 2009, việc bán sách tham khảo như "combo" với sách giáo khoa cho học sinh rất phổ biến, theo nhận định của thầy Nam.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần có văn bản cấm người trong ngành giáo dục giới thiệu, quảng bá loại sách này, nhưng "có một luồng đi nào đó khiến một thứ bất thường, của hiếm lại trở thành bình thường", thầy Nam nói, cho biết điều đáng lo ngại hơn là nhiều sách tham khảo được biên soạn cẩu thả, nhiều lỗi, nội dung không mang tính giáo dục vẫn được đưa đến tay học sinh.

Một số sách năm nay mà con chị Liễu vẫn chưa sử dụng, dù học kỳ I đã trôi qua. Ảnh: Thanh Hằng

Còn với sách bài tập, văn bản tháng 4/2013 của Bộ có nội dung: "Sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn dựa theo sách giáo khoa. Sách được Bộ thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành". Điều này, hôm 29/12/2022 đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận là sai do việc xuất bản, in ấn và tổng phát hành sách bài tập, sách tham khảo không phải chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khiến phụ huynh và học sinh hiểu nhầm rằng sách bài tập là tài liệu bắt buộc, phải mua kèm sách giáo khoa.

Chị Liễu cũng từng nghĩ toàn bộ danh mục sách cô giáo chủ nhiệm của con gái gửi trước năm học mới là bắt buộc, nên mua hết. Người mẹ cho rằng nhiều người rơi vào tình trạng như mình, bởi "chỉ sợ không đăng ký đủ, con lại thiếu sách học".

Ở nhiều địa phương, việc sử dụng kèm sách bài tập và sách giáo khoa trở thành "luật bất thành văn". Cô Nguyễn Hồng, giáo viên tiểu học tại Quảng Bình, cho hay từ trước đến nay thầy cô đều hướng dẫn phụ huynh mua sách giáo khoa cùng sách bài tập. "Sách này được thiết kế sát với bài học trong sách giáo khoa, giúp thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho cả cô và trò", cô Hồng giải thích. Dù vậy, cô Hồng nói biết việc này là sai quy định.

Nhiều lần Bộ Giáo dục và Đào tạo nói không thẩm định sách tham khảo, đề nghị các trường học không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng, nhưng việc bán sách theo "combo" vẫn diễn ra nhiều năm nay, gây bức xúc cho phụ huynh mỗi mùa khai trường.

Tháng 8 năm 2022, trước khi con trai bước vào năm học mới, chị Phương, sống tại Hà Nam, bất ngờ khi nhận được danh mục sách lớp 5 khoảng 14 cuốn, giá gần 290.000 đồng. Số sách và tiền này ít hơn nhiều so với bộ sách 28 cuốn giá 675.000 đồng mà chị đã đăng ký với giáo viên trong buổi họp phụ huynh cách đó hơn 2 tháng.

"Khi hỏi một số phụ huynh khác, tôi được biết năm nay Bộ làm chặt về việc bán sách tham khảo, vở bài tập trong trường học nên trường phải thu về", chị Phương kể, cho biết đây là lần đầu tiên chị gặp tình huống này.

 

Nguồn: Vnexpress / Thanh Hằng - Lam Thanh

Học văn bằng 2 ngành gì để làm giảng viên tiếng Anh?

Giáo dục và đào tạo

Em muốn giảng dạy ở trường đại học nhưng chưa biết nên học văn bằng hai ngành Sư phạm Anh, Ngôn ngữ Anh hay chứng chỉ quốc tế.

Hà Nội từng có bao nhiêu cửa ô?

Giáo dục và đào tạo

Chúa Trịnh từng cho đắp thành Đại Đô bao quanh Thăng Long, trổ các cửa ngách để dân ra vào, gọi là các cửa ô.

Chào tân sinh viên bằng 13 thứ tiếng

Giáo dục và đào tạo

Thầy cô trường Đại học Hà Nội chào đón tân sinh viên với loạt ngôn ngữ chuyên ngành như tiếng Anh, Trung, Thái, Tây Ban Nha, Ba Lan...

Học viện Hàng không Vietjet tham gia mạng lưới đào tạo của IATA

Giáo dục và đào tạo

Vietjet ký hợp tác hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), cung cấp các khóa đào tạo, chương trình theo chuẩn quốc tế.

Đại học Bách khoa Hà Nội tăng gấp đôi đợt thi đánh giá tư duy

Giáo dục và đào tạo

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy, gấp đôi năm nay, để lấy kết quả xét tuyển đại học 2024.

Loạt tính từ diễn tả sự mệt mỏi trong tiếng Anh

Giáo dục và đào tạo

Ngoài "tired", tiếng Anh còn nhiều từ khác để diễn tả trạng thái mệt mỏi, ở những mức độ và hoàn cảnh khác nhau.

TP HCM sẽ hướng dẫn giáo viên kiểm tra đầu giờ

Giáo dục và đào tạo

Sở Giáo dục TP HCM nói phản đối việc giáo viên cầm lô tô, xào qua xào lại để chọn học sinh kiểm tra bài cũ đầu giờ, cho hay sẽ có hướng dẫn cụ thể việc này.

Đề nghị Quốc hội xem xét giao Bộ Giáo dục làm sách giáo khoa

Giáo dục và đào tạo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

10 đại học khai phóng hàng đầu nước Mỹ năm 2024

Giáo dục và đào tạo

Những đại học khai phóng hàng đầu cũng là những nơi hào phóng về hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

10 bằng đại học cho mức lương khởi điểm cao nhất Singapore

Giáo dục và đào tạo

Cử nhân Khoa học máy tính, Đại học Quốc gia Singapore có mức lương trung bình lên tới 84.000 SGD (1,5 tỷ đồng) mỗi năm.