Danh sách bài viết

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Cập nhật: 27/12/2017

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả của Phật giáo mà đức Phật đã chủ trương cách đây hơn 25 thế kỷ đều được thiết lập trên lập trường duy tâm luận mà tư tưởng này không phải xây dựng trên lập trường duy vật luận.

I/ Vấn đề chủng tử

 

Chủng tử (Bàja) nghĩa là hạt giống mà khoa học gọi là nguyên tử. Chủng tử hay nguyên tử tuy khác nhau về danh xưng về tính chất nhưng không khác nhau về ý nghĩa. Chủng tử và nguyên tử cả hai giống nhau đều là chỉ cho trạng thái hạt giống cả. Nhưng về mặt tính chất, nguyên tử là chỉ cho những loại hạt giống thuộc thuần túy về vật chất; còn chủng tử thì chỉ cho những hạt giống bao gồm cả tâm thức, cả vật chất, cả nghiệp lực và cả nghiệp tướng.
 

Vạn pháp trong vũ trụ đều phát sinh từ chủng tử và không có một vật nào hay một chúng sinh nào trong thế gian sinh ra mà không qua chủng tử. Thí dụ như cây lúa đều phát sinh từ nơi hạt lúa,.v.v... Cho đến những cảnh giới của thế giới chân như muốn ảnh hiện qua thế giới nghiệp duyên cũng phải chuyển qua trạng thái chủng tử rồi từ chủng tử mới sinh khởi thành hình tướng duyên sinh trong thế gian. Chủng tử có hai loại: Một loại gọi là nội chủng tử và một loại gọi là ngoại chủng tử.

 

1. Nội chủng tử

 

Nội chủng tử là chỉ cho những hạt giống chưa tác dụng còn nằm yên trong tạng thức. Những hạt giống này gồm có hai thứ: Một thứ hạt giống có bản chất chân thật và một thứ hạt giống không có bản chất chân thật.

 

a) Thứ có bản chất chân thật
 

Bản chất chân thật, nghĩa là tính chất của những thứ hạt giống này có nguồn gốc chân thật, có bản thể chân thật sinh ra nên gọi là bản chất chân thật. Trong nội chủng tử, những hạt giống có bản chất chân thật gồm có hai loại: Chủng tử tám thức tâm vương và chủng tử tứ đại:

 

1. Chủng tử tám thức tâm vương
 

Tâm vương nghĩa là những tâm lý làm chủ nhận thức nên gọi là tâm vương. Bản chất chân thật của hạt giống tám thức tâm vương chính là trí tuệ và được phát sinh từ tạng Như Lai. Trí tuệ của tám tâm thức này chia làm bốn trí (tứ trí): Thành sở tác trí, diệu quan sát trí, bình đẳng tánh trí và đại viên cảnh trí. (Xem kỹ Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 251 và Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 64 - 65). 

 

2. Chủng tử tứ đại
 

Tứ đại là chỉ cho bốn hạt giống: đất, nước, gió và lửa. Bản chất của bốn hạt giống này phát sinh từ tạng thức. Trạng trái của bốn hạt giống này gọi là năng lực (Power):
 

- Năng lực đất (Solid power), tức là chỉ cho năng lực chướng ngại rắn chắt như đất.
 

- Năng lực nước (Liquid power), tức là chỉ cho năng lực lưu nhận dung hóa những chất ngăn ngại.
 

- Năng lực gió (Windy power), tức là chỉ cho năng lực phiêu động, khiến vạn pháp luôn luôn di động biến dịch không ngừng.
 

- Năng lực lửa (Energetic power), tức là chỉ cho năng lực viêm nhiệt phát sinh sức nóng.

 

Bốn năng lực này khi ở trạng thái hạt giống nằm trong tạng thức thì riêng biệt nhau không quan hệ với nhau, đến khi tác dụng thì bốn loại này liền quan hệ nhau để cùng sinh khởi xây dựng vạn pháp về vật chất. Một trong bốn loại này không thể tự động sinh khởi và trong bốn loại này khi tác dụng, nếu như có một loại không quan hệ thì cũng không thể sinh khởi. Bốn loại này khi sinh khởi, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo vị trí, tùy theo nhu cầu của đối tượng, có loại hiện khởi năng lượng ít, có loại năng lượng nhiều, có loại năng lượng vừa phải, thí dụ như, nước sông biển sóng yên gió lặng, năng lượng đất thì ít, năng lượng lửa thì ít, năng lượng gió thì trung bình. 

 

Chỉ có năng lượng nước quá nhiều, nhờ đó giúp cho đối tượng các loài thủy tộc sống trong nước mới có thể tồn tại theo nhu cầu của chúng; như không khí nơi vùng sa mạc, năng lượng đất (vi trần) thì ít, năng lượng nước quá ít, năng lượng gió thì trung bình, chỉ có năng lượng lửa thì quá nhiều tạo thành không khí trở nên nóng bức, khô hóc, nhờ đó các loại sống trong sa mạc mới có khả năng tồn tại theo nhu cầu của chúng.v.v...

 

b) Thứ không có bản chất chân thật
 

Trong nội chủng tử, những thứ hạt giống không có bản chất chân thật nghĩa là những thứ hạt giống thuần túy do tập khí nội kết tạo thành. Tập nghĩa là huân tập, khí nghĩa là khí chất giống như mùi hương của các loài hoa. Tập khí là chỉ cho những khí chất của thân nghiệp (của hành động), khẩu nghiệp (của lời nói) và ý nghiệp (của ý tưởng) nội kết thành chất liệu hạt giống, cũng như loại trà được ướp hương sen nội kết thành trà sen. Những hạt giống tập khí trong tạng thức theo nhà duy thức chia làm ba giai đoạn nội kết: giai đoạn huân tập, giai đoạn huân sinh và giai đoạn huân trưởng.

 

- Huân tập, nghĩa là chủng tử mới được nội kết thành hạt giống, cũng giống như cây đậu xanh mới kết thành hoa trái còn non yếu chưa đủ chất lượng.
 

- Huân sinh, nghĩa là những chủng tử đó đã đầy đủ chất lượng có thể sinh trưởng, cũng như hạt đậu xanh đã già cứng không còn non mềm nữa.
 

- Huân trưởng, nghĩa là những chủng tử nếu như gặp được duyên là sinh trưởng ngay lập tức, cũng như hạt đậu xanh đã già cứng, nếu như gặp được duyên phân nước.v.v... là nứt mộng ngay lập tức.

 

Trong nội chủng tử, những hạt giống không có bản chất chân thật gồm có hai loại: Nghiệp lực và nghiệp tướng.

 

1. Nghiệp lực: Nghĩa là những năng lực của nghiệp đã được nội kết lâu đời thành những hạt giống kiên cố trong tạng thức. Thí dụ con người uống rượu lâu đời thành nghiệp nội kết trong tạng thức và nghiệp này có năng lực khiến người uống rượu luôn luôn thèm rượu không thể bỏ được, đó gọi là nghiệp ghiền rượu. Những nghiệp này chỉ thuần túy là năng lực mà không có hình tướng và chỉ biết khi chúng tác dụng qua tâm thức, thí dụ nghiệp tham, sân, si.v.v... không thấy hình tướng của chúng mà chỉ biết năng lực của chúng qua hình tướng tâm thức tham, sân, si.v.v... Chủng tử nghiệp lực gồm có hai giống: nghiệp căn bản và nghiệp huân tập.

 

a) Nghiệp căn bản: Nghiệp căn bản đây là nghiệp thuộc loại nguồn gốc và chính những nghiệp này gây tạo hằng hà sa số nghiệp thiện ác khác của chúng sinh. Những nghiệp này ngăn che không cho tâm thức trực tiếp duyên cảnh để có hiểu biết chân thật, điều khiển tâm thức sinh hoạt theo sự chỉ đạo của chúng qua hành động, qua lời nói và qua ý tưởng nên gọi là nghiệp căn bản. Những tâm thức của con người khi sinh hoạt còn bị ràng buộc bởi những nghiệp này ngăn cách và lôi cuốn thì không thể giải thoát khỏi nơi sáu nẻo sinh tử luân hồi. 

 

Nhà duy thức cho những nghiệp căn bản nói trên là những pháp tâm sở và những pháp tâm sở đây là tên khác của nghiệp, thí dụ như sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não mặc dù danh xưng khác nhau cũng đều cũng thuộc về loại nghiệp cả. Nhà duy thức căn cứ nơi giá trị tác dụng của những nghiệp căn bản này chia thành 51 loại và cũng căn cứ nơi tính chất của chúng phân làm 4 loại: Thiện, ác, hữu phú vô ký và vô phú vô ký.
 

- Nghiệp thiện: Gồm có 11 loại tâm sở
 

- Nghiệp ác: Gồm có 26 loại tâm sở
 

- Nghiệp hữu phú vô ký:

 

Vô ký: Là không ghi nhận, không nhất định, nghĩa là những nghiệp này không phân biệt thiện hay ác và chúng quan hệ tất cả thiện ác không bỏ sót một sự việc nào cả.
 

Hữu phú: Là có bị ngăn che, nghĩa là những nghiệp này luôn luôn bị các nghiệp thiện ác khác lôi cuốn hành động theo sư chỉ đạo của chúng.
 

Nghiệp hữu phú vô ký: Gồm có 5 tâm sở biệt cảnh và 4 tâm sở bất định.
 

Nghiệp vô phú vô ký: 
 

Vô phú: Nghĩa là không bị ngăn che, không bị lôi cuốn.
 

Nghiệp vô phú vô ký: Nghĩa là những nghiệp này không bị các nghiệp thiện ác lôi cuốn (vô phú), nhưng một khi sinh hoạt thì rất quan hệ với tất cả thiện ác và không bỏ sót một sự việc nào cả (vô ký). Những nghiệp này gồm có 5 tâm sở biến hành. Năm tâm sở này mặc dù là nghiệp vô phú vô ký nhưng chúng luôn luôn bao che, ngăn cách không cho 8 thức tâm vương trực tiếp duyên cảnh để có hiểu biết trung thực. Tám thức tâm vương dụ như tám ông vua nhận thức và 5 tâm sở biến hành dụ như năm cận thần bao quanh ông vua không cho ông vua trực tiếp đến thần dân để hiểu rõ dân tình.

 

b) Nghiệp huân tập: Gồm tất cả nghiệp thiện ác được nội kết thành những hạt giống nằm trong tạng thức chờ các duyên để trở thành nghiệp nhân nghiệp quả sau này. Những nghiệp huân tập gồm có nào là nghiệp sát sinh, nghiệp trộm cắp, nghiệp ái dục, nghiệp vọng ngữ,.v.v... hằng hà sa số nghiệp lực đã được huân tập để trở thành nghiệp nhân và nghiệp quả cho kiếp sau.

 

2. Nghiệp tướng (Forms): Là chỉ cho những mô hình kiến trúc (Constructional models) hoặc những họa đồ kiểu mẫu (Blueprints) nhằm để cấu tạo vạn pháp thành những hình tướng duyên sinh hiện hữu trong vũ trụ. Những hình tướng duyên sinh của vạn pháp hiện hữu trong vũ trụ, mặc dù cùng một loại giống, cùng một huyết thống, nhưng khác nhau về hình tướng, điều đó chứng tỏ những nghiệp tướng để cấu tạo ra chúng hoàn toàn không giống nhau. Như một chủng tử cùng loại hạt giống hay cùng huyết thống có rất nhiều nghiệp tướng nội kết ở trong không giống nhau, cũng không khác một video tape hay một DVD chứa rất nhiều hình ảnh ở trong. Cho đến của một chủng tử của một nhân vật như chủng tử của anh A tàng trữ không chỉ một hình ảnh anh A mà trong đó chứa rất nhiều hình ảnh anh A ở trong.

 

Từ đó tuy với dạng chủng tử, những hạt giống mô hình nghiệp tướng, như hình bóng thầy tổ, hình bóng người thân đã qua đời mấy năm rồi, như hình bóng quê hương đất tổ cách xa muôn dặm và những hình bóng đó vẫn còn đậm nét trong tâm thức của chúng ta một khi chúng ta hồi tưởng nhớ nhung. Bản chất của những hạt giống mô hình nghiệp tướng này thuần nhất chỉ là tập khí nên gọi là nghiệp tướng tập khí và những nghiệp tướng tập khí đây có hai loại nhà duy thức gọi là nhị thủ tập khí.

 

Nhị là hai loại. Thủ là nắm lấy, tiếp nhận, nghĩa triết học là huân tập hay nội kết thành hạt giống. Nhị thủ tập khí, nghĩa là hai loại hạt giống tập khí được nội kết trong tạng thức thành chủng tử. Hai loại hạt giống tập khí này gồm có Nghiệp tướng tập khí và danh xưng tập khí, nên gọi chung là nhị thủ tập khí. Có một số luận gia giải thích rằng nhị thủ tập khí là chỉ cho năng thủ tập khí và sở thủ tập khí. Theo duy thức học, năng thủ là chỉ cho tâm thức tiếp nhận gọi là tâm năng thủ và sở thủ là chỉ cho những cảnh đối tượng được thiếp nhận gọi là cảnh sở thủ. Những cảnh sở thủ có thể gọi là tập khí, nguyên vì những cảnh đối tượng được tiếp nhận thành chủng tử đều hoàn toàn thuộc loại ảo giác (Ảnh tử) không có bản chất chân thật. 

 

Nhưng tâm năng thủ thì không thể gọi là tập khí, nguyên vì những tâm thức này đều có bản chất chân thật, được phát sinh từ trí tuệ cả, không phải thuộc loại ảo giác (ảnh tử) giống như cảnh sở thủ. Cảnh sở thủ, theo duy thức tam thập luận là chỉ cho nhị thủ tập khí và nhị thủ tập khí chính là nghiệp tướng tập khí và danh xưng tập khí, cả hai nghiệp này mới đích thực là loại tập khí, nguyên vì chúng hoàn toàn không có bản chất chân thật, mặc dù chúng đều là hình thức chủng tử cả. 

 

Thí dụ về nghiệp tướng tập khí và danh xưng tập khí như, chúng ta đề cập đến danh xưng Hòa thượng Thích Thanh Từ thì hình tướng (nghiệp tướng) Hòa thượng Thích Thanh Từ lập tức từ trong tạng thức của chúng ta xuất hiện lên cho chúng ta nhớ liền, chúng ta đề cập đến danh xưng Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt thì hình tướng (pháp tướng) Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt lập tức từ trong tạng thức của chúng ta xuất hiện lên cho chúng ta nhớ liền.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nghiệp tướng tập khí gồm có hai loại: Một là ngã tướng và hai là pháp tướng, gọi chung là ngã pháp. Danh từ ngã pháp có nhiều thuyết giải thích giống nhau đều cho rằng, ngã là chủ thể nhận thức và pháp là đối tượng nhận thức, gọi chung là ngã pháp. Lối giải thích ngã pháp này là căn cứ nơi học thuyết chủ quan và khách quan của tri thức luận. Nếu đứng trên lập trường tri thức luận, lối giải thích ngã pháp của các học thuyết vừa trình bày thì có giá trị trên lĩnh vực chủ quan nhận thức và đối tượng nhận thức, nhưng đứng trên lập trường chủng tử luận của duy thức, lối giải thí ngã pháp nói trên hoàn toàn không hợp lý chút nào. 

Theo chủng tử luận của duy thức học, ngã pháp là chỉ cho ngã tướng và pháp tướng, gọi chung là nghiệp tướng, chính là hai yếu tố quan trọng không thể thiếu trong những yếu tố cấu trúc vạn pháp trên lĩnh vực duyên sinh mà nó không phải là chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức hay chủ quan và khách quan. ngã tướng và pháp tướng theo duy thức học khác nhau thế nào?

 

a) Ngã tướng: Là chỉ cho nghiệp tướng của chúng sinh hữu tình, là những mô hình kiến trúc của tất cả chúng sinh thuộc động vật. Chúng sinh hữu tình nghĩa là những chúng sinh có tình cảm, biết thương biết ghét, biết phân biệt nhân ngã bỉ thử, biết phải quấy, tốt xấu,.v.v... theo duy thức học tức là chỉ cho những chúng sinh có sáu tâm thức làm chủ phân biệt nhận thức. Ngã tướng tại sao không gọi là nghiệp tướng, nguyên vì nghiệp tướng là danh từ chung nhằm để chỉ cho cả ngã tướng và pháp tướng, nhưng ở đây danh từ ngã tướng đặc biệt dành riêng cho các chúng sinh hữu tình.

 

Sở dĩ các chúng sinh hữu tình thường chấp lấy nghiệp tướng của mình cho là bản ngã bất biến không thể thay đổi, cũng vì lý do đó để khỏi bị lầm lẫn với nghiệp tướng của chúng sinh vô tình, Phật giáo đặc biệt dành riêng nghiệp tướng của các chúng sinh hữu tình với danh xưng là ngã tướng. Đứng về phương diện chủng tử, danh xưng ngã tướng của những hạt giống là chỉ cho yếu tố cấu trúc các chúng sinh thuộc động vật mà nó không phải là danh xưng chỉ cho chủ thể nhận thức.

 

b) Pháp tướng: Là chỉ cho nghiệp tướng của các chúng sinh vô tình, là những mô hình kiến trúc của tất cả chúng sinh thuộc thực vật và khoáng vật, như những mô hình kiến trúc các cỏ cây núi non, địa cầu, trăng sao, vũ trụ, vạn vật,.v.v... Chúng sinh vô tình là những chúng sinh không có tình cảm, không biết thương không biết ghét, không biết phân biệt nhân ngã bỉ thử, không biết phải quấy, tốt xấu,..v..v..., theo duy thức học tức là chỉ cho những chúng sinh không có sáu tâm thức làm chủ phân biệt nhận thức, nhưng chúng đặc biệt chỉ có hai tâm thức Mạt Na chủ trì sinh lý nẩy nở hoa trái,.v.v... và tâm thức A Lại Da chủ trì sinh tồn phát triển tăng trưởng. 

 

Đứng về phương diện chủng tử, danh xưng pháp tướng của những hạt giống là chỉ cho yếu tố cấu trúc các chúng sinh vô tình thuộc loại thực vật và khoáng vật,.v.v... mà nó không phải là danh xưng chỉ cho những đối tượng nhận thức.

 

Thí dụ: Chúng ta nhớ lại Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Đốc giáo Phật học đường Nam Việt Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sai Gòn - Chợ Lớn tức thì chủng tử hình ảnh ngã tướng Hòa thượng Thích Thiện Hoa từ trong tâm thức A Lại Da của chúng ta hiện lên ngay và đồng thời chủng tử những hình ảnh pháp tướng Phật học đường Nam Việt Ấn Quang trong đó các tăng sinh, những hình ảnh pháp tướng đường Sư Vạn Hạnh Sai Gòn – Chợ Lớn có liên quan đến Phật học đường Nam Việt Ấn Quang cùng lúc đều hiện lên không thiếu sót để cho chúng ta tưởng niệm ghi nhớ. 

 

Hơn nữa, chúng ta nhớ đến Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện chủ Phật học viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang tức thì chủng tử hình ảnh ngã tướng Hòa thượng Thích Trí Thủ từ trong tâm thức A Lại Da của chúng ta hiện lên ngay và đồng thời chủng tử những hình ảnh pháp tướng Phật học viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang trong đó có các tăng sinh, những hình ảnh pháp tướng có liên quan đến Phật học viện cùng lúc hiện lên không thiếu sót để cho chúng ta tưởng niệm ghi nhớ. Những thí dụ trên cho chúng ta khái niệm về chủng tử ngã tướng và pháp tướng được cất giữ trong tạng thức để làm tư liệu mô hình kiến trúc cho kiếp sau nếu như chúng ta đã gây tạo nghiệp báo với chúng.

 

Có thể nói, đứng trên lĩnh vực những yếu tố cấu trúc vạn pháp, danh từ nghiệp tướng là chỉ cho ngã tướng và pháp tướng gọi tắt là ngã pháp. Ngã tướng là những mô hình kiến trúc những chúng sinh hữu tình chánh báo và pháp tướng là những mô hình kiến trúc những chúng sinh vô tình y báo mà những ngã tướng và pháp tướng này không phải chỉ cho nghĩa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Muốn biết thêm ý nghĩa ngã tướng và pháp tướng xin nghiên cứu Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 167 và Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 72 cùng một tác giả.
 

2. Ngoại chủng tử
 

Ngoại chủng tử là chỉ cho những hạt giống hiện hữu bên ngoài mà ai cũng nhìn thấy và hiểu biết được. Những hạt giống đó gồm có như hạt đậu xanh, hạt lúa, hạt bắp, hạt đậu nành, củ khoai, tinh cha, huyết mẹ, trứng gà, trứng chim,..v..v......, là những yếu tố để nảy mầm sinh khởi con cái, sinh khởi hoa trái kế tiếp đều gọi là ngoại chủng tử cả. Theo duy thức học những hạt giống ngoại chủng tử chỉ đứng địa vị làm trợ duyên trực tiếp (cận duyên) để vạn pháp được sinh khởi mà chúng nó không phải là nguyên nhân chính yếu trong việc cấu trúc vạn pháp, cho nên chúng nó được gọi là quả dị thục. 

 

Dị thục nghĩa là chưa chín muồi; quả là kết quả, nghĩa là những hạt giống chưa đủ điều kiện cho việc nảy nở và phát triển để thành hình tướng. Quả dị thục nghĩa là những hạt giống chưa chín mùi, tức là chưa gặp được nhân dị thục để nẩy nở và phát triển thành con cái, thành hoa trái cho kiếp kế tiếp, duy thức học gọi quả dị thục này là quán đãi nhân. Quán đãi nhân nghĩa là những nhân tố đang đợi chờ nhân dị thục (nguyên nhân chính yếu) để làm trợ duyên trực tiếp cho việc nảy nở và phát triển thân thể chúng sinh kiếp kế tiếp. 

 

Tất cả hạt giống ngoại chủng tử thuộc quả dị thục đều được ghép vào loại quán đãi nhân cả. Có nhiều gia đình, chồng vợ sống chung với nhau đã lâu mà không có con là do không có nội chủng tử thuộc nhân dị thục hợp tác để xây dựng rồi phải nuôi con nuôi làm trợ duyên kết hợp; cũng như nhiều hạt giống được gieo xuống đất, có giống nẩy nở và phát triển, nhưng có giống bị hư không nảy nở và phát triển, nguyên vì những hạt giống bị hư đó không được nội chủng tử nhân dị thục hợp tác xây dựng.

 

Tóm lại, chủng tử có hai loại, một là nội chủng tử và hai là ngoại chủng tử. Nội chủng tử mới là nguyên nhân chính trong việc sinh khởi vạn pháp và ngoại chủng tử chỉ là trợ duyên trong việc hình thành vạn pháp trong thế gian. Có những thế giới không cần đến ngoại chủng tử vẫn hiện hữu trong thế gian, như những thế giới sắc giới và những thế giới vô sắc giới; những thế giới này không có ái dục chỉ đạo và không có vấn đề âm dương lôi cuốn, chỉ do tưởng uẩn chỉ đạo và thức uẩn kết hợp xây dựng bằng lối hóa sinh, cho nên không cần đến ngoại chủng tử làm trợ duyên. Trường hợp này cũng giống như người nằm mơ, thế giới trong mơ là do tưởng uẩn và thức uẩn hợp tác xây xựng hiện hữu bằng cách hóa sinh mà không cần đến ngoại chủng tử trợ duyên cho nên không có vật chất góp mặt.

 

II/ Vấn đề nhân quả

 

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả của Phật giáo mà đức Phật đã chủ trương cách đây hơn 25 thế kỷ đều được thiết lập trên lập trường duy tâm luận mà tư tưởng này không phải xây dựng trên lập trường duy vật luận. Tư tưởng nhân quả nếu như giải thích trên lập tường duy vật luận thì quá thấp kém, không có chiều sâu về mặt tư tưởng và vô tình hạ thấp giá trị của Phật giáo, cũng như phản bác lại chủ trương của đức Phật đã nhiều năm gầy dựng biện chứng trên nhân minh luận. 

 

Toàn bộ tư tưởng của Phật giáo mà chính đức Phật đã thuyết minh suốt 50 năm truyền bá đều xây dựng trên học thuyết nhân quả nghiệp báo làm căn bản, điều đó cho thấy tư tưởng nhân quả vô cùng phức tạp, vô cùng thâm sâu, khộng phải đơn thuần thấp kém như chúng ta thường hiểu biết. Những thuyết nhân quả khó hiểu đã được một số người giải thích sai lập trường của Phật giáo như sau:

 

1. Nhân quả trên lập trường duy vật:

 

Những thuyết nhân quả được giải thích như sau: Hạt lúa là nhân sinh ra cây lúa là quả, trứng gà là nhân sinh ra con gà là quả, tinh cha huyết mẹ là nhân sinh ra nhân loại là quả, DNA là nhân sinh ra con người là quả.v.v...

 

a) Hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA hay bất cứ hạt giống nào đã hiện khởi qua hình thức duyên sinh cũng đều thuộc về vật chất cả. Như yếu tố DNA bản chất của nó cũng là vật chất.
 

D: viết cho đủ là Deoxygenate

N: là hạt nhân cấu tạo

A: viết cho đủ là Acid.

 

Lối giải thích nhân quả như đã đề cập ở trên là lối giải thích theo học thuyết của duy vật biện chứng và lối giải thích này không đúng với học thuyết duy tâm nhân minh của Phật giáo.Những điều không đúng của lối giải thích trên đối với tư tưởng Phật giáo được nhận thấy như sau:

 

b) Những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA.v.v.... là thuộc về sắc uẩn, một trong ngũ uẩn và thuộc về sắc chất, một trong 12 nhân duyên mà chúng nó không phải là thọ, tưởng, hành và thức của ngũ uẩn và cũng không phải là danh và thức của 12 nhân duyên. Sắc uẩn và sắc chất là thuộc về vật chất; ngoài sắc uẩn (sắc chất) còn có thọ, tưởng, hành, thức, cũng như ngoài sắc chất còn có danh và thức tất cả đều thuộc về tâm. Thọ, tưởng, hành, thức của ngũ uẩn và danh, thức của 12 nhân duyên mới là yếu tố chính trong việc kiến trúc vạn pháp. 

 

Nếu như chấp nhận hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA.v..v... là những nhân tố chính trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người thì vô tình phủ nhận học thuyết thọ, tưởng, hành, thức của ngũ uẩn và phủ nhận học thuyết danh, thức,.v.v... của 12 nhân duyên của Phật giáo.

 

c) Theo duy thức học, những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v.... thuộc về quả dị thục của ngoại chủng tử mà chúng nó không phải là nhân dị thục của nội chủng tử. Nhân dị thục của nội chủng tử mới đích thực là chính nhân và ngoài ra, những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v... thuộc quả dị thục của ngoại chủng tử chỉ là trợ duyên trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người mà thôi. Điều đó được nhận thức như sau:

 

- Những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v... là những loại thuộc vật lý hoàn toàn thụ động, không có tri giác trong việc kiến tạo và chính nó không thể tự phát triển, không thể tự nẩy nở và lớn lên nếu như không có những yếu tố khác bên ngoài như thức dị thục đứng ra xây dựng và bảo trì. Cho đến thuyết âm dương cũng thuộc về vật lý và cũng là loại vô tri giác thì làm sao có khả năng sáng tạo vạn pháp và loài người.

 

- Có thuyết cho rằng, trong hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v...v... có những vi sinh vật kiến tạo, thường gọi là tinh trùng và nhờ đó vạn pháp và loài người mới thành hình được trong thế gian. Thuyết này không được chính xác. Vi sinh vật là một loại động vật hạ đẳng không đồng tính thì không thể nào cấu trúc sinh mạng của một chúng sinh như sinh mạng con người quá khả năng của chúng mà ở đây chính con người còn bất lực trong việc quyết định sinh mạng và sự tồn tại của mình. Chừng nào con kiến xây dựng được nhà cửa cho con người cư trú thì chừng đó thuyết vi sinh vật nói trên có thể tin được. Cho nên thuyết vi sinh vật không phải là nguyên nhân chính yếu trong việc kiến tạo vạn pháp.

 

- Theo lẽ một nhân thì chỉ sinh ra một quả, nhưng ở đây tại sao một hạt lúa mẹ là một nhân lại sinh ra nhiều bông lúa và nhiều quả hạt lúa con; cũng như tại sao một mẹ một cha lại sinh ra nhiều đứa con và những đứa con của họ sinh ra hoàn toàn không giống họ như khuôn đúc về cả hình tướng cũng như tính tình..v..v...... Theo Phật giáo với những lý do trên, những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA...v..v.... không phải là những yếu tố chính trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người.

 

2. Nhân quả trên lập trường duy tâm

 

a) Ngoài những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA..v..v.... trợ duyên còn có các nhân tố khác không kém phần quan trọng trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người đó chính là nghiệp lực và nghiệp tướng. Vì nghiệp tướng cho nên một hạt lúa sinh ra nhiều bông lúa và nhiều hạt lúa con mà nghiệp tướng đó nhà duy thức gọi là pháp tướng; cũng như vì nghiệp tướng cho nên một cha một mẹ sinh ra nhiều đứa con khác nhau về hình tướng mà nghiệp tướng đó nhà duy thức gọi là ngã tướng. Còn nghiệp lực chính là nhân tố tạo ra tính tình con cái khác nhau và thọ lấy quả báo khác nhau mặc dù chúng nó sống trong cùng một huyết thống, trong cùng một hoàn cảnh như nhau.

 

b) Nhìn sâu hơn nữa, ngoài ngã tướng và pháp tướng ra, còn có một nhân tố quan trọng trên hết trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người, nếu như không có nhân tố này góp mặt thì vạn pháp và loài người không thể thành hình, cũng như không có nhân tố này hiện hữu thì vạn pháp và loài người không bao giờ tồn tại trong thế gian. Nhân tố này chính là thức A Lại Da, thức A Lại Da là một kỷ sư vừa kiến trúc vừa bảo quản sinh mạng tất cả vạn pháp và loài người. Ngoài thức A Lại Da này ra, không ai có khả năng thay thế công trình kiến tạo vạn pháp và loài người khởi điểm từ hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA để trở thành hệ thống sinh lý quá tối tân và quá phức tạp tinh vi. Con người chỉ có khả năng kiến tạo người máy (người robot) thuần túy vật lý, nhưng nó hoàn toàn không có tình cảm, không thể tự mình thiết kế chương trình, cũng không thể tự mình điều khiển lấy mọi sự sinh hoạt và tất cả sự hoạt động phải nhờ người khác bên ngoài giúp đỡ toàn diện.
 

c) Theo duy thức học, thức A Lại Da, nghiệp lực và nghiệp tướng cả ba yếu tố này thuộc về nội chủng tử và ngoài ra những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, dna,..v..v... đều thuộc về ngoại chủng tử. Nội chủng tử mới là nhân dị thục và ngoại chủng tử chỉ là quả dị thục mà thôi. Nói cách khác thức A Lại Da, nghiệp lực và nghiệp tướng cả ba loại này đều thuộc về nhân và những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, dna,..v..v.... tất cả đều thuộc về quả và thức A Lại Da còn có tên khác là thức dị thục. 

 

Thí dụ một trứng gà có trống thuộc quả dị thục của ngoại chủng tử được gà mẹ ấp lên; trứng gà đó chỉ thuần là trồng trắng và trồng đỏ ở trong. Đang lúc gà mẹ ấp trứng, thức A Lại Da của nội chủng tử chung vào và mang theo nghiệp tướng của con gà làm kiểu mẫu để xây dựng hệ thống sinh lý thành gà con trong trứng. ngoài thức A Lại Da ra không còn ai có thể thay thế công việc quá phức tạp và tinh vi như thế.

 

Con người sinh ra có tướng tốt hay tướng xấu, cao hay thấp là do nghiệp tướng, con người có thông minh hay đần độn, khổ đau hay bất hạnh là do nghiệp lực, và con người sống lâu hay chết yểu là thức A Lại Da quyết định; ba nhân này đều nằm trong nội chủng tử, gọi chung là nhân dị thục.


Thích Thắng Hoan
Còn nữa...

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...