Danh sách bài viết

Phát huy vai trò của Nghệ thuật sân khấu trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay

Cập nhật: 30/12/2017

Văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

I.Vai trò của nghệ thuật Sân khấu và trách nhiệm của nghệ sĩ tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam

Văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Trong nghệ thuật sân khấu, những vấn đề đạo đức xã hội được chuyển tải bằng yếu tố thẩm mỹ thông qua số phận của từng nhân vật, từ đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Khi cảm thụ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sân khấu, công chúng đánh giá - tiếp nhận không chỉ cảm nhận cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài... trong cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật sân khấu, mà qua đó chính tác phẩm nghệ thuật sân khấu đã góp phần bồi đắp xây dựng đạo đức con người Việt Nam trong suốt sự hình thành và phát triển nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. 

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn học nghệ thuật giữ vai trò cực kỳ quan trong trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; có chức năng bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Nằm trong dòng chảy đó, nghệ thuật sân khấu gắn với cuộc sống của thời đại với việc bồi dưỡng đạo đức, năng lực thẩm mỹ cho con người, đem đến cho con người những giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, tạo ra một hệ chuẩn mang tinh thần nhân văn cao đẹp.

Văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người. Qua tác phẩm sân khấu, qua sự diễn xuất của diễn viên, những hoàn cảnh, những tình huống đã lột tả những tính cách, số phận của con người được tái hiện chân thực, sinh động, vừa mang tính cụ thể, lại vừa có tính khái quát cao. Các tác phẩm sân khấu có vị trí quan trọng trong việc chuyển tải các lý tưởng, nguyên tắc đạo đức tới mọi đối tượng một cách nhẹ nhàng, nhưng lại hết sức sâu sắc.  Một tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Trong đó có những hình tượng nhân vật điển hình trong lao động và chiến đấu bảo vệ, xây dựng đất nước được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật sân khấu sẽ góp phần tạo nên những mỹ cảm mới mẻ ở người xem, nâng cao giá trị chân thiện mỹ cho con người.

Với sự nghiệp cao cả đó đã đặt ra cho người nghệ sĩ phải có trách nhiệm lớn lao là đem tác phẩm nghệ thuật để giáo dục, bồi dưỡng hình thành nhân cách, vun trồng đời sống tâm hồn trong sáng, phong phú, tinh tế, nhân hậu cho con người, nâng cao tính xúc cảm chân thực mãnh liệt trước cái đẹp, cái tốt trong quan hệ giữa người với người, trong quan hệ giữa gia đình, bạn bè và xã hội góp phần xây dựng nền móng đạo đức thẩm mỹ của con người.

Qua nhiều hình thức chuyển tải, từ sân khấu biểu diễn đến hệ thống truyền thanh, truyền hình... hầu hết người dân Việt Nam có thể thưởng thức các tác phẩm sân khấu ở nhiều thể loại như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch, Kịch Dân ca, Múa rối, Xiếc,…  

Vấn đề xây dựng và phát triển nhân cách con người luôn được chú trọng và đề cao không chỉ bây giờ mà trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống đã làm tốt chức năng này. Thông qua các tích Tuồng, Chèo truyền thống những vấn đề trung, hiếu tiết, nghĩa  luôn được đề cao. Từ những câu chuyện, những hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm sân khấu truyền thống đã cho người xem cảm nhận về lòng yêu nước, nghĩa vua tôi, sự chung thủy… và biết trân trọng những giá trị đạo đức xã hội truyền thống, từ đó hướng con người theo những giá trị tốt đẹp ấy. Chúng ta thấy trong Nghệ thuật sân khấu Tuồng đã tập trung khai thác đề tài quân quốc rất đậm nét, xem Tuồng ta thấy những tấm gương trung thần mẫu mực, luôn luôn đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa được đặt ra trong cấu trúc kịch bản với những xung đột, bạo liệt như “Vua băng Nịnh tiếm”, để thử thách tội trung, để lựa chọn con đường: làm tôi không thờ 2 Chúa, nếu có chết vì Chúa thì danh sẽ tạc ngàn thư và cuối cùng dẫn tới kết thúc “chém nịnh, định đô, tôn vương tức vị”. Nếu vở diễn có đề cập tới mối quan hệ vợ chồng, bè bạn, anh em, tớ thày... đều nhằm tạo nên sự lựa chọn hướng tới những chuẩn mực của đạo đức xã hội (thiện thắng ác, ở hiền gặp lành). Nhìn sang nghệ thuật Chèo truyền thống cho thấy các câu chuyện thường xảy ra nơi thôn dã, để nói những mối quan hệ tốt xấu về mẹ chồng nàng dâu, dì ghẻ con chồng, vợ chồng bè bạn, anh em tớ thày. Các tích chèo (cổ) thường là những câu chuyện kể về cuộc đời hoặc một quãng đời có tác dụng quyết định số phận nhân vật, lấy nhân lễ nghĩa chí tín làm cơ sở hành động trong quan hệ ứng xử của các nhân vật. Một số vở Chèo: “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Quan âm Thị Kính”, “Xúy Vân giả dại”… với bài học làm người đã đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng, đề cao cái thiện, cái đẹp, cái cao thượng, thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn dân tộc, mang  những vẻ đẹp của thuần phong mỹ tục dân tộc, những mẫu mực về đạo đức truyền thống. Có thể nói, đề tài của sân khấu truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của khán giả, đồng thời cũng tác động tích cực đến nhận thức, hình thành nhân cách của con người trong quá trình phát triển. Chẳng hạn như hình tượng nhân vật Thị Mầu, Thị Kính trên sân khấu Chèo đã đi vào cuộc sống xã hội như một lẽ tự nhiên gần gũi trong cuộc sống xã hội đời thường: nói sự lẳng lơ được gắn với cái tên Thị Mầu, nói về nỗi oan khiên là nhắc đến Thị Kính… như vậy hình tượng sân khấu đã hình thành một giá trị đạo đức, một lối sống đã thấm sâu vào đời sống con người trong xã hội. Từ sự cảm nhận về cái xấu, cái tốt mà người xem có những ứng xử phù hợp hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp. 
Đề tài lịch sử là mảnh đất màu mỡ của sân khấu truyền thống, trong mấy chục năm qua có hàng trăm vở diễn trên các loại hình nghệ thuật sân khấu đã thể hiện những chiến công hiển hách của cha ông ta qua các thời kỳ, đã biểu diễn trực tiếp tới hàng triệu lượt người xem. Những hình tượng nhân vật anh hùng lịch sử dân tộc đã được các nghệ sĩ thể hiện sinh động có sức truyền cảm tác động trực tiếp đến nhận thức bỗi đắp đạo đức con người Việt Nam.

Chiến tranh cách mạng là hiện thực sống động của một thời kỳ hào hùng song cũng không ít những hoàn cảnh bi thương. Nhiều tác phẩm sân khấu đã phản ánh được tầm vóc chiến thắng của dân tộc ta với góc nhìn đa chiều, đa diện, sâu sắc. Bên cạnh sự tôn trọng tính chân thực lịch sử, đề cao tính nhân văn, các chiến công vĩ đại, các chặng đường gian khổ, sự hy sinh và cả những khổ đau, mất mát... thử thách của chiến tranh, tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa, cùng các phẩm chất cao quý của những người anh hùng người thì những mảng tối như chuyện ham sống sợ chết, chuyện phản bội... cũng được đề cập. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái mới và cái cũ, cái cao thượng và sự thấp hèn... đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự khám phá, sáng tạo của nghệ sĩ sân khấu nước nhà đã được phản ánh đầy đủ, chân thực, sáng tạo và hấp dẫn. Điều này đã tác động to lớn đến việc hình thành nhân cách của con người với niềm tin vào lý tưởng cách mạng, không sợ gian khổ, hi sinh, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, góp sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị. Nhiều văn nghệ sĩ cao tuổi vẫn tâm huyết tiếp tục sự nghiệp sáng tạo; lớp nghệ sĩ trẻ có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới, năng động, tự chủ, đem đến cho đời sống nghệ thuật sân khấu nước nhà triển vọng phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.  Nhiều tác phẩm sân khấu được phổ biến, công diễn trước công chúng hoặc được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng đã mạnh mẽ lên tiếng phê phán sự thoái hóa, biến chất trong con người ở nhiều cấp độ. Một số vở diễn đề tài cuộc sống mới, tiếp tục phê phán lối sống hám lợi của lớp người thời mở cửa, bên cạnh đó ngợi ca những người chịu đựng gian khổ, hy sinh vượt qua bóng tối, giữ vững phẩm giá, nhân cách con người.

Những vở diễn phản ánh đề tài xã hội được công chúng quan tâm phản ánh sự xuống cấp của đời sống xã hội là tâm điểm mới của sân khấu Cải lương trên cả hai miền Nam Bắc. Nhiều vở diễn được công chúng yêu thích như: “Dốc sương mù” (tác giả: Lê Duy Hạnh”, “Hai dòng nước” (tác giả: Ngô Hồng Khanh), “Trái tim trên lửa hung tàn” (tác giả: Tất Đạt), “Người trong cõi nhớ” (tác giả: Lưu Quang Vũ), “Câu thơ yên ngựa” (Hoàng Yến), “Tình mẫu tử” (tác giả: Viễn Châu)… Nhiều vở diễn phê phán lớp người đổi mới đã cho thấy sự phát triển của sân khấu đã theo sát hiện thực cuộc sống, phản ánh kịp thời những bức xúc xã hội, được công chúng đón nhận và soi rọi bức tranh đạo lý của xã hội. 

Nhiều vở kịch hát dân ca cũng đã chú trọng đề tài xây dựng hình tượng con người mới - con người của xã hội hiện đại - nhân vật trung tâm với những câu chuyện mang nội dung đậm tính nhân văn, đề cao cái thiện, lên án cái ác, cái xấu.

Với điểm mạnh là phản ánh trực tiếp đời sống xã hội, tâm tư của con người trong xã hội đương đại, nhiều vở diễn sân khấu kịch đã xoáy vào những vấn đề nhân tình thế thái của xã hội như “Nguồn sáng trong đời”, “Vụ án 2000 ngày” (Lưu Quang Vũ)… “Nhân chứng và lịch sử” (tác giả: Hoài Giao), “Đỉnh cao mơ ước” (tác giả: Tất Đạt), “Nhân danh công lý” (tác giả: Võ Khắc Nghiêm), “Bước qua lời nguyền”, “Cuộc chia tay lần cuối” (tác giả: Ngọc Thụ), “Ăn mày dĩ vãng” (tác giả: Chu Lai), “Người không thể chết” (tác giả: Thanh Đạm), “Dạ cổ hoài lang” (tác giả: Thanh Hoàng), “Trở lại kiếp người” (tác giả: Minh Chuyên), “Những mặt người thấp thoáng”, “Tai biến” (tác giả: Xuân Đức)...  tích cực phê phán cái xấu, lên án những hành vi, thủ đoạn, mánh lới do sự hằn thù, lối sống thủ đoạn, vụ lợi đang lấn lướt, vừa ngợi ca những gương người tốt việc tốt… đáp ứng nhu cầu giáo dục, chuyển tải những vấn đề xã hội, con người một cách bao quát và sâu sắc. 

Đáp ứng nhu cầu của thời đại, trong việc xây dựng con người mới hôm nay, nhiệm vụ đặt ra cho Nghệ thuật Sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà; mạnh dạn phê phán cái xấu, cái biểu hiện biến chất, thoái hoá về nhân cách, đạo đức, lối sống góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội tập trung miêu tả con người đương thời, nhân vật trung tâm của sân khấu hiện nay phải là con người sáng tạo trong sự nghiệp - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp hiện đại hóa - đưa đất nước hòa nhập vào thế giới hiện đại.

II. Những tồn tại

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật về con người mới của cuộc sống mới - cuộc sống của xã hội hiện đại, nghệ thuật sân khấu cũng biểu hiện một số thiếu sót và lệch lạc trong việc xây dựng hình tượng con người mới - con người của xã hội hiện đại. Cho đến nay, còn không ít vấn đề chưa được giải quyết một cách khoa học, trong đó có vấn đề “vai trò nhân vật trung tâm trong các tác phẩm sân khấu hiện đại”, bởi nhân vật trung tâm của sân khấu hôm nay phải là người có tầm vóc lớn hơn những con người bình thường, tầm vóc của thời đại, nhưng là một con người với những mối quan tâm đến những gì xảy ra, và mối đồng cảm với số phận của mọi con người.

Hiện Sân khấu vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hoá phát triển. Chúng ta lại thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức nên sân khấu chúng ta không có được nhiều những tác phẩm đỉnh cao. 
Cơ chế thị trường cũng khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ, chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Nghệ thuật sân khấu còn tồn tại xu thế chạy theo đồng tiền đi theo định hướng không đúng, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh, chính thống như kịch kinh dị, sex, sân khấu ma. Vẫn còn ít tác phẩm hay tạo dư luận và gây tác động mạnh mẽ. Các đề tài truyền thống vắng bớt dần, các đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật… nổi lên như một cứu cánh tồn tại. Một số vở diễn sân khấu có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt, vì vậy thời gian qua ta thấy không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem, tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống không có người, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm mưu sinh khác. 

Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật phải thuê mướn cơ sở vật chất nên không đảm bảo ổn định lâu dài, lực lượng sáng tạo nghệ thuật hoạt động tự do rất khó quản lý, nhiều diễn viên mải chạy show không trau dồi chuyên môn và đạo đức tư cách nghề nghiệp, một số báo chí truyền thông “lăng-xê” diễn viên không thực chất, các sân khấu vẫn trong tình trạng “nghiệp dư hoá” trong quản lý cũng như biểu diễn...

III. Giải pháp phát huy vai trò của nghệ thuật Sân khấu trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay

Nhiệm vụ trung tâm của văn học, nghệ thuật thời gian tới là phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người mới. 

Một vấn đề cốt yếu đặt ra hiện nay là làm thế nào để người nghệ sĩ giữ được thiên chức của mình trong nền kinh tế thị trường, khi mà các sản phẩm họ làm ra bị quy luật thị trường chi phối. Trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội, văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Sân khấu nói riêng phải làm gì cho sự phát triển văn hóa của dân tộc? Đó cũng chính là trách nhiệm công dân - nghĩa vụ - đạo đức của giới nghệ sĩ Sân khấu góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

* Xin đưa ra một số giải pháp sau:
+ Đặt hàng sáng tác những tác phẩm sân khấu có chất lượng, đầu tư có chiều sâu nghệ thuật để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng, góp phần hình thành nhân cách, bồi đắp xây dựng đạo đức con người trong cuộc sống hôm nay.

+ Xây dựng các chương trình, tiết mục, vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật sân khấu đảm bảo tính dân tộc và hiện đại.

+ Tổ chức biểu diễn, quảng bá tác phẩm sân khấu trên phát thanh truyền hình phục vụ khán giả trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và thẩm mỹ của người xem, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên… Tăng cường các hoạt động giao lưu với khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên có 1 chương trình “Nghệ thuật sân khấu với sinh viên” để khán giả trẻ hiểu những giá trị nhân văn của tác phẩm sân khấu, để có nhận thức giá trị nghệ thuật và ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. 

+ Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, tác giả, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo… góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật; Chăm sóc các tài năng văn học, nghệ thuật; thực hiện chế độ ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật; Có chính sách đào tạo tài năng trẻ văn học nghệ thuật…

+ Tăng cường mở rộng các hoạt động sân khấu không chuyên, đưa nghệ thuật sân khấu thấm sâu vào đời sống xã hội, để những giá trị của nghệ thuật sân khấu có thể thâm nhập lan tỏa trong cuộc sống của mỗi người dân, góp phần hình thành nhân cách con người trong xã hội qua những vở diễn sân khấu.

+ Thường xuyên tổ chức các liên hoan, cuộc thi để nâng cao trình độ biểu diễn cho các nghệ sĩ, diễn viên, qua đó trao đổi học tập kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ biểu diễn và trau dồi đạo đức nghề nghiệp. 

IV. Kết luận 

Để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giới nghệ sĩ sân khấu nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị đỉnh cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, hoàn thành sứ mệnh trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, chung sức, chung lòng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 
 

NSND Lê Tiến Thọ
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...