Cập nhật: 28/12/2017
Theo sự nhận định của chúng tôi thì hiện tại và tương lai, Giáo hội chúng ta cần có bốn yếu tố nòng cốt, nhằm đáp ứng tiến trình củng cố, phát triển và hội nhập thế giới của ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam. Đó là:
I - Nhân sự lãnh đạo giáo dục Phật giáo
II - Hệ thống tổ chức giáo dục Phật giáo
III - Phương tiện tài chính giáo dục Phật giáo
IV - Mục đích giáo dục Phật giáo
- Về nhân sự lãnh đạo giáo dục Phật giáo
Trước hết, chúng ta phải có các tôn đức tăng ni có đầy đủ tài đức, nghĩa là, có học vị và đức hạnh. Như vậy, các vị ấy mới có khả năng làm hiệu trưởng, khoa trưởng, viện trưởng cũng như giáo viên, giáo sư, giảng viên, giảng sư.
- Về hệ thống tổ chức giáo dục Phật giáo
Trên phương diện thống nhất giáo dục Phật giáo toàn quốc, Giáo hội ta cần hội đủ các cơ sở giáo dục như các trường lớp, thư viện, ký túc xá, giảng đường, phòng họp, văn phòng, sân thể dục, phòng y tế, vệ sinh, văn phòng hiệu trưởng, giám đốc hành chính, giám học, giám thị, thư ký, thủ quỹ, kiểm soát, trật tự v.v... từ tiểu học, trung học, cao đẳng tới đại học và hậu đại học dành cho chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Hơn nữa, phải có giáo trình, giáo án, giáo khoa và giáo cụ thống nhất toàn quốc. Ngoại trừ chương trình giáo dục Khơ-me tại vùng Hậu Giang Nam Bộ.
Như thời gian mỗi cấp học là mấy năm? Chủ đề các môn học gồm những gì? Chuyển ngữ được dùng giảng dạy là tiếng Việt và tiếng Anh. Còn các ngôn ngữ dùng để học tập và nghiên cứu là chữ Việt, chữ Hán, chữ Pali, chữ Sankrit, chữ Anh, chữ Pháp. Tuy nhiên, các môn học chính đều phải dựa theo Tam tạng (Kinh, Luật, Luận); Tam học (Giới, Định Tuệ hay Đức dục, Tâm thể dục và Trí dục); Tam tuệ (Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ) nghĩa là, các học sinh và sinh viên phải nghe rõ lời giảng dạy, hiểu rõ lời giảng dạy và tu tập nhuần nhuyễn lời giảng dạy; và Ngũ Minh (Năm môn học) như: Nội minh tức là nội điển thuộc Nam truyền Phật giáo, Bắc truyền Phật giáo. Nhân minh thuộc triết học, luận lý học và biện chứng pháp. Thanh minh thuộc ngôn ngữ học và âm nhạc. Y phương minh tức là Đông Tây y và y khoa. Công xảo minh thuộc kỹ thuật, khoa học.
Còn về sư phạm thì tất cả các giáo viên, giáo sư, giảng viên, giảng sư đều được đào tạo, tập huấn, có đầy đủ kinh nghiệm, phương pháp và tâm lý giáo dục để dạy các học sinh và sinh viên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Bởi vậy, nhà bác học Mỹ, Richard Gard, có nhận xét rằng: đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự là một giáo sư vĩ đại trong cuốn sách Phật giáo của ông ta như sau:
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đức Phật lịch sử là một vị đại giáo sư. Trong kinh tạng Pali có nhiều câu chuyện liên quan tới Ngài về nguyên lý giáo dục và thực tiễn giáo dục của Ngài, chẳng hạn như trong Trường Bộ có Kinh Lohicca nói về đạo đức học giáo dục và Kinh Pasadika nói về thế nào là một giáo sư giỏi và thế nào là một giáo sư dở, đặc biệt diễn tả về một chủ đề giáo án. Ngay như quan điểm sư phạm hiện nay, những phương pháp giáo dục của đức Phật phải nhận là rất hay và vẫn còn có thể áp dụng cho nhiều trường hợp giáo dục.
Đức Phật thường dùng cách giảng dạy rõ ràng, kết hợp với biện chứng pháp, nhấn mạnh đạo đức học nhiều hơn là triết học. Ngài dùng tinh thần trí tuệ và từ bi cũng như ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu là phương tiện giáo dục và Ngài còn quan tâm săn sóc các đệ tử học trò, tất cả là một pháp môn vĩ đại nhằm đạt tới thành công cho đạo pháp".(*)
- Về phương tiện tài chính giáo dục Phật giáo
Muốn đạt được hai yếu tố nêu trên, Giáo hội chúng ta cần phải có phương tiện tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu giáo dục thực tiễn như tiền điện, tiền nước, tiền lương các giáo viên, giáo sư, giảng viên, giảng sư v.v... Vì thế, cần phải thành lập các ban Bảo trợ giáo dục hay ban Kinh tài giáo dục do sự phát tâm tài trợ của các vị tăng, ni, phật tử và các vị mạnh thường quân.
Có như vậy, chúng ta mới có thể củng cố, phát triển vững mạnh và hội nhập, giao lưu giáo dục, văn hóa với các nước như Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Myanmar, Cao Miên, Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản, nhằm trao đổi sinh viên, giáo sư, hội thảo, các ấn phẩm thông tin văn hóa và tài liệu giáo dục.
Sau ba vấn đề nói trên, đến đây chúng ta cần xác lập định hướng hay mục đích giáo dục Phật giáo.
- Về mục đích giáo dục Phật giáo
Theo quan điểm Phật giáo, thì do nếp sống con người còn mê hoặc, hành động con người còn sai trái, cho nên chính con người đã gây ra hậu quả khổ đau (Hoặc - Nghiệp - Khổ). Bởi vậy, giáo dục Phật giáo nhằm chuyển hóa con người thành trí tuệ giác ngộ, hành động chân chính và đạt tới kết quả hạnh phúc an vui (Giác ngộ, Giải thoát, Bình đẳng). Nói cách khác, đỉnh cao giáo dục và đào tạo của Phật giáo là hạnh phúc, tự do, đại đồng.
Hiện nay, trên toàn quốc, giáo dục Phật giáo Việt Nam đang phát triển vững mạnh, có đầy đủ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và bốn học viện đại học tại Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Mong rằng Ban giáo dục tăng ni trung ương cố gắng củng cố, phát triển, hội nhập và thống nhất giáo dục trên đường phụng sự đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
Tham luận “Hội thảo Phật giáo trong thời đại mới”
Thích Đức Nghiệp
(*) Buddhism, Richard A. Gard, p.63.
Nguồn: / 0