Danh sách bài viết

Quan điểm duy vật về xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Hệ tư tưởng Đức

Cập nhật: 27/12/2017

Nguyễn Ngọc Hà(*)

Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những quan điểm duy vật về xã hội mà nhờ đó, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, chủ nghĩa duy tâm đã bị “tống ra khỏi” lĩnh vực xã hội. Đó là: quan điểm về các hành vi lịch sử đầu tiên của con người; quan điểm về tiêu chuẩn phân biệt con người với súc vật; quan điểm về vai trò của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần của xã hội; quan điểm về hai quan hệ song trùng trong sự sản xuất ra đời sống; quan điểm về vai trò của quan hệ giữa người và người về vật chất đối với quan hệ giữa người và người về tinh thần. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong Hệ tư tưởng Đức (chủ yếu ở chương “Phoiơbắc – sự đối lập giữa quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm”), khi phê phán Phoiơbắc và một số nhà triết học khác, C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày những quan điểm cơ bản của mình về xã hội. Đây là những quan điểm duy vật mà nhờ đó, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, chủ nghĩa duy tâm đã bị “tống ra khỏi” lĩnh vực xã hội. Trong số các quan điểm duy vật đó, trước hết phải kể đến năm quan điểm sau đây.

Thứ nhất, quan điểm về các hành vi lịch sử đầu tiên. C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu xã hội bắt đầu từ việc xác định các hành vi lịch sử đầu tiên của con người, những hành vi quyết định sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội loài người, những hành vi không phụ thuộc vào ý muốn tùy tiện của bất kỳ ai. Quan điểm này đã được các ông khẳng định một cách rõ ràng:

“Những tiền đề xuất phát của chúng tôi không phải là những tiền đề lịch sử tùy tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra. Như vậy, những tiền đề ấy là có thể kiểm nghiệm được bằng con đường kinh nghiệm thuần túy”.

“Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống”.

“... Tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử, đó là: người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có khả năng “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất trong(**) những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất... Vì vậy, khi làm sáng tỏ bất kỳ một hiện thực lịch sử nào, việc đầu tiên là phải quan sát sự kiện cơ bản đó với toàn bộ ý nghĩa và phạm vi của nó, và phải dành cho nó một vị trí xứng đáng”.

“Điểm thứ hai là bản thân cái nhu cầu đầu tiên đã được thỏa mãn, hành động thỏa mãn và công cụ để thỏa mãn mà người ta đã có được - đưa  tới những nhu cầu mới; và sự sản sinh ra những nhu cầu mới này là hành vi lịch sử đầu tiên”.

“Quan hệ thứ ba tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”(1).

Đúng như C.Mác và Ăngghen đã viết ở trên, việc con người sản xuất ra đời sống của bản thân mình bằng lao động và sản xuất ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái (cụ thể là hành vi lao động và hành vi sinh con đẻ cái) là hai hành vi lịch sử đầu tiên của con người (có từ khi con người đầu tiên xuất hiện và vẫn còn biểu hiện ra trong lịch sử). Hai hành vi này quyết định sự tồn tại của con người, cũng tức là quyết định sự tồn tại của loài người và lịch sử loài người. Ngay từ khi có lịch sử loài người cho đến nay và mãi về sau, con người không lúc nào ngừng sản xuất ra đời sống của mình, tức là không ngừng lao động và sinh con đẻ cái. Lao động và sinh con đẻ cái là hai hành vi của con người đã và đang quyết định sự tồn tại và phát triển của loài người. Đây là một chân lý đơn giản và dễ hiểu đối với mọi người. Thế nhưng, trong giới lý luận, chỉ đến C.Mác và Ph.Ăngghen, chân lý đó mới được phát hiện. Các nhà lý luận trước Mác đã coi thường hoạt động thực tiễn, đặc biệt là hoạt động sản xuất vật chất (tức là lao động)(2). Chẳng hạn, L.Phoiơbắc  “chỉ coi hoạt động lý luận là hoạt động đích thực của con người, còn thực tiễn chỉ được ông xem xét và xác định trong hình thức biểu hiện Do Thái bẩn thỉu của nó mà thôi”(3). Điều đó đã cản trở các nhà lý luận trước Mác tiếp cận đến quan điểm duy vật về xã hội loài người.

 Thừa nhận quan điểm con người sản xuất “ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái...”(4) đã và đang quyết định sự tồn tại và phát triển của loài người là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm ra những quan điểm duy vật khác về lịch sử xã hội loài người. Có thể so sánh ý nghĩa của quan điểm này đối với sự nghiên cứu xã hội giống như ý nghĩa của quan điểm về hàng hóa đối với sự nghiên cứu nền kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa.

Thứ hai, quan điểm về tiêu chuẩn phân biệt con người với súc vật. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, tiêu chuẩn phân biệt con người với súc vật là ở chỗ, con người sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, còn súc vật thì không làm được như vậy. Các ông viết: “Có thể phân biệt con người với súc vật bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được. Bản thân con người bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”(5). Quan điểm thứ hai này là kết luận tất yếu suy ra từ quan điểm thứ nhất ở trên. Trước đó, người ta thường định nghĩa “con người là động vật có tư duy” hoặc “người là động vật xã hội”. Những định nghĩa như vậy không sâu sắc bằng định nghĩa “con người là động vật sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”. Với tư cách động vật sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, con người bao giờ cũng là con người cụ thể, vì nó phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”(6). Chúng ta không thể đòi hỏi một người hoặc những người nào đó phải có những tư tưởng (ý nghĩ, sự hiểu biết…) vượt ra ngoài điều kiện cụ thể mà họ sống, những điều kiện này, suy cho cùng, bị quy định bởi việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt: “Hoạt động sống của họ như thế nào thì họ là như thế ấy. Do đó, họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất ra cũng như với cách mà họ sản xuất. Do đó, những cá nhân là như thế nào, điều đó phụ thuộc vào những điều kiện vật chất của sự sản xuất của họ”(7).

Thứ ba, quan điểm về vai trò của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần của xã hội. Đời sống tinh thần của xã hội được hình thành từ đời sống tinh thần của các cá nhânĐời sống tinh thần của các cá nhân cũng như của xã hội phụ thuộc vào đời sống vật chất, tức là phụ thuộc vào việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt. Về điều này, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Chính con người là kẻ sản xuất ra những quan niệm, ý niệm, v.v. của mình, song đây là những con người hiện thực, đang hành động, đúng như họ bị quy định bởi một sự phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất của họ và bởi sự giao tiếp phù hợp với sự phát triển ấy, kể cả những hình thức rộng rãi nhất của sự giao tiếp ấy. Ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức, và tồn tại của con người là quá trình đời sống hiện thực của con người”(8).

Do không thấy được vai trò quyết định của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần của xã hội, nên các nhà triết học và sử học trước Mác “chỉ có thể thấy lịch sử là những hành động chính trị của vương công và của nhà nước, những cuộc đấu tranh tôn giáo và đấu tranh lý luận nói chung”(9) mà không thấy được vai trò quyết định của quần chúng nhân dân. Họ không quan niệm lịch sử diễn ra một cách tự nhiên, mà lại hình dung lịch sử vận động một cách ngẫu nhiên, phụ thuộc vào sự xuất hiện của một nhân vật lịch sử  nào đó hoặc vào ý kiến của một cá nhân nào đó. C.Mác và Ph.Ăngghen “không xuất phát từ những điều mà con người nói, tưởng tượng, hình dung”, “cũng  không xuất phát từ những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng, trong biểu tượng của người khác, để từ đó mà đi tới những con người bằng xương bằng thịt”, mà “xuất phát từ những con người đang hành động, hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của họ” để “mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của  quá trình đời sống ấy”. Theo các ông, “ngay cả những ảo tưởng hình thành trong đầu óc con người cũng là những vật thăng hoa tất yếu của quá trình đời sống vật chất của họ, một quá trình có thể xác định được bằng kinh nghiệm và gắn liền với những tiền đề vật chất. Như vậy thì đạo đức, tôn giáo, siêu hình học và những dạng khác của hệ tư tưởng cùng với những hình thái ý thức tương ứng với chúng, liền mất ngay mọi vẻ độc lập bên ngoài. Tất cả những cái đó không có lịch sử, không có sự phát triển; chính con người, khi phát triển sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi, cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm tư duy của mình. Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức”(10).

Quan điểm về vai trò quyết định của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần của xã hội, về thực chất, là quan điểm về vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội. Đây chính là quan điểm trọng tâm trong hệ thống các quan điểm duy vật về xã hội loài người.

Thứ tư, quan điểm về hai quan hệ song trùng trong sự sản xuất ra đời sống. Trong hoạt động sản xuất ra đời sống có hai quan hệ song trùng là quan hệ giữa người với tự nhiên và quan hệ giưa người với người. Về điều này, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Như vậy, sự sản xuất ra đời sống – ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái biểu hiện ngay ra là một quan hệ song trùng: một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là sự hợp tác của nhiều cá nhân, không kể là trong những điều kiện nào, theo cách nào và nhằm mục đích gì. Do đó chúng thấy rằng một phương thức sản xuất nhất định hay một giai đoạn công nghiệp nhất định là luôn luôn gắn liền với một phương thức hợp tác nhất định hay một giai đoạn xã hội nhất định; rằng bản thân phương thức hợp tác ấy là một “sức sản xuất”; và cũng do đó mà thấy rằng tổng thể những lực lực sản xuất mà con người đã đạt được, quyết định trạng thái xã hội...”(11).

 Trong quá trình sản xuất ra đời sống (không chỉ sản xuất ra đời sống của người khác), con người phải có quan hệ với nhau, quan hệ này phát triển cùng với sự phát triển của sản xuất. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, sự sản xuất “có tiền đề là sự giao tiếp (Verkehr) giữa những cá nhân với nhau. Hình thức của sự giao tiếp ấy, đến lượt nó, lại do sự sản xuất quy định”; “... ngay từ đầu, đã có mối liên hệ vật chất giữa người và người, mối liên hệ này bị quy định bởi những nhu cầu và những phương thức sản xuất và cũng lâu đời như bản thân loài người, - một mối liên hệ không ngừng mang những hình thức mới...”(12).

Giữa lực lượng sản xuất và quan hệ giao tiếp (quan hệ sản xuất)  có thể có xung đột, và sự xung đột ấy là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự xung đột xã hội. “Tất cả mọi sự xung đột trong lịch sử, - C.Mác và Ph.Ăngghen viết, - đều bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất và hình thức giao tiếp”(13).

Quan điểm thứ tư trên đây, về thực chất, chính là quan điểm về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. 

Thứ năm, quan điểm về vai trò của quan hệ giữa người và người về vật chất đối với quan hệ giữa người và người về tinh thần. Về điều này, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội. Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất, thành thử nói chung những tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp thống trị đó chi phối. Những tư tưởng thống trị không phải là cái gì khác mà chỉ là sự biểu hiện tinh thần của những quan hệ vật chất thống trị, chúng là những quan hệ vật chất thống trị được biểu hiện dưới hình thức tư tưởng; do đó là sự biểu hiện của chính ngay của những quan hệ làm cho một giai cấp trở thành giai cấp thống trị; do đó, đó là những tư tưởng của sự thống trị của giai cấp ấy”(14).

Quan hệ giữa con người với con người có hai loại là quan hệ vật chất và quan hệ tinh thần; trong đó, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, quan hệ vật chất quyết định quan hệ tinh thần. Quan điểm đúng đắn này của C.Mác và Ph.Ăngghen về xã hội là cơ sở phương pháp luận khoa học vô cùng quan trọng để chúng ta xem xét và phân tích chính xác các vấn đề quan trọng và phức tạp của triết học xã hội, như bản chất của chiến tranh, bản chất của nhà nước và pháp luật, bản chất của chính trị, đạo đức và tôn giáo…

Trong lịch sử, từ xa xưa cho đến nay, vẫn thường xuyên xảy ra những cuộc chiến tranh tàn khốc mà thoạt nhìn, chúng ta dễ lầm tưởng đó là những cuộc chiến tranh thuần túy vì những tư tưởng nào đó (thuần túy vì tôn giáo, vì độc lập dân tộc, vì tự do, vì nhân nghĩa...). Thực ra thì không phải như vậy. Nguyên nhân xâu sa của mọi cuộc chiến tranh giữa người và người là sự tranh giành các tư liệu sinh hoạt (thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo...). Tranh giành về tư tưởng nào đó nếu có thì chỉ là nguyên nhân phái sinh chứ không phải là nguyên nhân sâu xa của các cuộc chiến tranh. Thông thường, để gây ra một cuộc chiến tranh thì người gây chiến phải tìm một lý do tư tưởng nào đó, tức là phải coi cuộc chiến chiến tranh ấy là “hợp lý”, “có  giá trị phổ biến”. Điều này cũng đúng đối với các hành vi bạo lực của nhà nước dùng để trấn áp sự phản kháng của những người không chấp hành pháp luật của nhà nước.  “Thật ra, mỗi giai cấp mới thay thế cho giai cấp thống trị trước mình, muốn thực hiện được mục đích của mình, đều nhất thiết phải biểu hiện lợi ích của bản thân mình thành lợi ích chung của mọi thành viên trong xã hội hay nói một cách trừu tượng: phải gắn cho những tư tưởng của bản thân mình một hình thức phổ biến, phải biểu hiện những tư tưởng đó thành những tư tưởng duy nhất hợp lý, duy nhất có giá trị phổ biến”(15). Nhà nước tư sản “chẳng phải là cái gì khác mà chỉ là hình thức tổ chức mà những người tư sản buộc phải dùng đến để bảo đảm lẫn cho nhau sở hữu và lợi ích của họ, ở ngoài nước cũng như ở trong nước”, “nhà nước là hình thức mà các cá nhân thuộc một giai cấp thống trị dùng để thực hiện lợi ích chung của họ và là hình thức dưới đó toàn bộ xã hội công dân của một thời đại được biểu hiện một cách tập trung”(16).

Quan điểm thứ năm trên đây, về thực chất, chính là quan điểm về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.

Ngoài năm quan điểm trên đây, trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen còn trình bày nhiều quan điểm duy vật khác về xã hội loài người. Tuy nhiên, năm quan điểm ấy cũng đã tạo thành nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vì thế, có thể nói, với Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tạo nên một cuộc cách mạng trong triết học.      

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...