Danh sách bài viết

Sự khác nhau trong quan niệm của người Kitô giáo và người không tôn giáo ở Mỹ về nguyên nhân nghèo đói

Cập nhật: 28/12/2017

Tờ Washington Post và tổ chức Kaiser Family Foundation đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về quan niệm của các nhóm tôn giáo khác nhau và những người không tôn giáo ở Mỹ về nguyên nhân nghèo đói. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác nhau trong quan niệm về nguyên nhân nghèo đói giữa các tín đồ tôn giáo với những người không tôn giáo và giữa tín đồ các tôn giáo với nhau. Đã có 1.686 người Mỹ trưởng thành tham gia cuộc phỏng vấn của nhóm nghiên cứu. Người tham gia phỏng vấn được yêu cầu đánh giá chính xác về nguyên nhân nghèo đói của con người: do con người thiếu những nỗ lực của bản thân hay do những hoàn cảnh khắc nghiệt ở bên ngoài mà con người không thể vượt qua?

Có tới 65% những người vô thần, người bất khả tri và những người không có chính kiến tôn giáo rõ ràng cho rằng, nguyên nhân nghèo đói của con người là do hoàn cảnh bên ngoài; chỉ có 31% trong số những người này cho rằng, chính con người có lỗi gây nên sự nghèo đói của mình. Đối với những người Kitô giáo, 46% số người được hỏi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của nghèo đói là do sự thiếu nỗ lực của con người. 53% người Tin Lành da trắng Mỹ cho rằng, việc thu nhập thấp là do lỗi của chính người nghèo, trong khi đó 41% cho rằng, nghèo đói là do lỗi của hoàn cảnh bên ngoài. Trong số những người Công giáo được hỏi, có 50% cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của nghèo đói là do thiếu việc làm. Khác với những người Kitô giáo da trắng, chỉ có 32% người Kitô giáo da đen coi sự thiếu việc làm là nguyên nhân của nghèo đói, trong khi có tới 64% số người này thiên về nguyên nhân do hoàn cảnh bên ngoài. Từ những con số nói trên các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: phần đông người Kitô giáo cho rằng, nguyên nhân nghèo đói là do sự thiếu nỗ lực của con người, trong khi đó đa số những người không tôn giáo lại cho rằng, nguyên nhân của nghèo đói chủ yếu là do hoàn cảnh bên ngoài.

Vậy các nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ tôn giáo bình luận gì về kết quả nghiên cứu này?

Tờ Newsweek dẫn lời của Albert Mohler, người đứng đầu Chủng viện Baptist miền Nam ở Louisville, bang Kentucky. Theo Albert Mohler, Kinh Thánh nói rằng, nguyên nhân nghèo đói có thể là do không muốn làm việc, do giải quyết vấn đề tài chính không tốt hoặc do quan hệ gia đình bị phá vỡ. Albert Mohler nhấn mạnh rằng, mọi sự nghèo đói đều do tội lỗi gây ra, nhưng đó có thể là tội lỗi của những người khác, chứ không phải là tội lỗi của người nghèo. Nhà thần học này nói rằng, ở Eden (Vườn Địa Đàng) không có nghèo đói, chỉ sau khi con người mắc tội tổ tông nghèo đói mới xuất hiện.

Richard Land, Giám đốc Chủng viện Tin Lành miền Nam tại Matthews, bang North Carolina và đồng thời là biên tập viên chính của tờ Christian Post đã viết trong bài báo của mình rằng, là một người Tin Lành da trắng, đảng viên Đảng Cộng hòa, ông nên chỉnh sửa lại những kết quả nghiên cứu này, bởi vì chính ông không thừa nhận chúng. Richard Land cho rằng, không chỉ có sự thành kiến và sự thiếu trách nhiệm cá nhân dẫn đến nghèo đói, mà cả sự say mê đang tự hủy hoại cũng dẫn đến nghèo đói. Theo Richard Land, nghèo đói là do sự kết hợp phức tạp của nhiều nhân tố tạo ra và biến đổi một cách riêng biệt. Một số người được sinh ra trong giàu sang, nhưng đến cuối đời lại sống trong nghèo khổ. Cũng có người được sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp nên không có điều kiện để thể hiện tài năng của mình. Ông cho rằng, các Kitô hữu cần phải giúp những người khác hiểu rõ mục đích của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, trong đó có chuẩn mực ổn định kinh tế. Cũng theo lời Richard Land, các Kitô hữu không chỉ cho những người bị đói miếng ăn, dạy họ biết câu cá, mà cần phải giúp đỡ họ nhận được thị giá công bằng từ kết quả lao động của mình.

Tờ Independent dẫn lời Jules Reid, thành viên cộng đồng Baptist Mỹ gốc Phi vùng Orangenburg, bang South Carolina. Bà cho rằng, vấn đề ở chỗ con người thiếu nỗ lực, bởi vì nhiều người rất ít khi dốc hết sức lực cho một cơ hội nào đó. Theo Jules Reid, tuy nhiên không thể nói một cách vững tin hoàn toàn rằng, nếu những người nghèo túng đến nhà thờ để cầu sự hỗ trợ về tinh thần thì họ sẽ nhận được mọi điều tốt đẹp. Nhưng nếu con người tin tưởng rằng, mọi việc của họ đều ổn thì ít có thể là những người như thế chịu lùi bước. Tờ Independent nhấn mạnh rằng, ý kiến của bà Jules Reid không trùng với ý kiến của đa số người Mỹ gốc Phi.

Tờ Washington Post viết: quan niệm của con người về sự nghèo đói thường không có điểm nào chung với tín ngưỡng của họ. Một số người nói rằng, họ nghe lời khuyên bảo của giáo sĩ ở nhà thờ một đằng, nhưng sau đó lại làm một nẻo. Michael O’Connell, một tín hữu Tin Lành ở Rossvila, bang Georgia nói: vào các ngày lễ Chúa nhật mục sư của ông nói nhiều về sự cần thiết phải giúp đỡ mọi người, nhiều người trong số đó bị nghèo đói không phải do lỗi của họ - đó là những người già, người tàn tật, v.v. Trong khi đó, tại nhà thờ của bà Jules Reid người ta lại nói nhiều về những người nghèo khổ, những người lười biếng, nhẫn nhục chịu đựng.

Tuy nhiên, những người tổ chức cuộc nghiên cứu nói trên khẳng định rằng, không phụ thuộc vào quan niệm về nguyên nhân nghèo đói của những người được hỏi, các nhà thờ Kitô giáo luôn khuyên bảo các tín đồ của mình phải giúp đỡ những người nghèo khó, các xứ đạo phải chuyên tâm suy nghĩ để đưa tinh thần bác ái vào cuộc sống. Các tổ chức tôn giáo không quay lưng lại với người nghèo và tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: tổ chức các bếp ăn từ thiện cho người nghèo, tìm cho họ chốn nương thân, phân phát cho người vô gia cư những vật dụng cần thiết, v.v. Trước đó, tờ New York Times đã dẫn lời của Robert Patnem, nhà xã hội học thuộc trường đại học Harvard. Robert Patnem nói rằng, trong suốt 30 năm qua các tổ chức tôn giáo chỉ chú tâm vào các vấn đề như: đạo đức tình dục, nạo phá thai, đồng tính luyến ái, chứ không quan tâm đến vấn đề nghèo đói. Nhận định này của Robert Patnem đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong một bài báo đăng trên tờ Weekly Standard. Bài báo đã dẫn ra con số: các tổ chức tôn giáo đã bỏ ra hàng trăm triệu USD đế ủng hộ hôn nhân truyền thống và hàng chục tỷ USD để làm từ thiện.

Năm 2016, Pew Research Center tiến hành một cuộc nghiên cứu, trong đó đặt ra câu hỏi cho những người Mỹ được Trung tâm này phỏng vấn: Các nhà thờ Kitô giáo, thánh đường Do Thái giáo và các tổ chức tôn giáo khác tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ở mức độ như thế nào? 58% số người được hỏi cho rằng, các tổ chức tôn giáo tham gia một cách tích cực vào các hoạt động xã hội, trong số đó, 19% cho rằng, các tổ chức tôn giáo tham gia mạnh mẽ vào việc giải quyết nhiều vấn đề, 38% cho rằng, các tổ chức tôn giáo tham gia tích cực vào việc giải quyết một số vấn đề, 39% số người được hỏi cho rằng, các tổ chức tôn giáo ít tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí không tham gia. 4% số người được hỏi còn lại không đưa ra câu trả lời. Trong số những tín đồ Tin Lành da trắng theo giáo phái Phúc Âm được hỏi, có tới 70% cho rằng, nhà thờ giúp đỡ giải quyết các vấn đề xã hội, còn đối với các tín đồ Tin Lành da trắng theo các giáo phái khác, con số này là 62%, tín đồ Tin Lành da đen – 61%, tín đồ Công giáo – 63%, trong khi đó chỉ có 38% người không tôn giáo đồng ý với ý kiến trên.

Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, các nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét rằng, đa số những người có tín ngưỡng tôn giáo ở Mỹ coi nguyên nhân của sự nghèo đói là do lỗi của chính người nghèo. Tuy nhiên, quan niệm này giữa các tín đồ Kitô giáo da trắng và da đen cũng không đồng nhất. Trong khi đó, chỉ có thiểu số người không tôn giáo cho rằng. nghèo đói là lỗi chủ quan của người nghèo. Mặt khác, không phải mọi tín đồ tôn giáo đều đánh giá một cách tích cực về hoạt động của các giáo hội của họ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Và điều này dẫn đến sự hoài nghi về câu trả lời rõ ràng cho vấn đề nghèo đói của các tổ chức tôn giáo.

TS. Nguyễn Văn Dũng 

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...