Danh sách bài viết

Tác động của toàn cầu hóa với tôn giáo Một số kiến nghị với công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo hiện nay

Cập nhật: 28/12/2017

Toàn cầu hóa (TCH) là khái niệm miêu tả hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như hội nhập kinh tế, chính trị, văn hóa…giữa các quốc gia trên thế giới. Theo đó, TCH xóa nhòa đường biên giới các quốc gia, thu hẹp khoảng cách trong đời sống nhân loại. Đó là thay đổi trong xã hội loài người tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, tổ chức hay các cá nhân dưới góc độ văn hóa, kinh tế, thương mại..v.v..Là một bộ phận cấu thành của văn hóa, tôn giáo cũng không ngoài xu thế đó và mang đầy đủ các đặc trưng do TCH mang lại, phản ánh xu thế tất yếu, khách quan từ sự phát triển mang tính quốc tế hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất. 

Trong những năm qua, nhân loại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực xã hội gắn liền với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Trong đó, TCH được xem là một quá trình xác lập, phổ biến, quốc tế hóa các giá trị, các chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. Đó vừa là điều kiện, vừa là kết quả cần thiết cho mọi quá trình phát triển xã hội; các quan hệ xã hội được mở rộng trên toàn thế giới, các đường biên giới quốc gia dần bị xóa mờ; những thành tựu khoa học, sự giao thoa về văn hóa đã trở thành “tài sản” chung của toàn nhân loại; tác động đến các quốc gia trên thế giới trên mọi lĩnh vực xã hội trong đó có tôn giáo. TCH đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi của các tôn giáo, giúp các tôn giáo khác nhau xích lại gần nhau trong một thế giới văn minh khoa học và đa dạng văn hóa.

TCH tôn giáo trước hết được hiểu là quá trình chuyển từ tính quốc tế, vốn được hiểu theo nghĩa liên nhà nước, sang tính xuyên quốc gia: Các chiến lược bành trướng tôn giáo không còn hoặc ít liên quan đến các quyền bá chủ về chính trị và thường phụ thuộc vào phạm vi của các logic mới. Ngoài ra, các luồng tôn giáo này không còn giới hạn ở sự lưu truyền Bắc-Nam mà đã trở nên đa chiều...(1). TCH đã mở rộng không gian tiếp nhận, ảnh hưởng và tiếp biến các yếu tố thuộc tôn giáo (hệ thống giáo lý, giáo luật, phương pháp tu hành…) của các tôn giáo ra phạm vi toàn thế giới nhằm xác lập, phổ biến giá trị và chuẩn mực chung, đồng thời khẳng định giá trị của các tôn giáo trong sự đa dạng của văn hóa nhân loại.  Học giả D. Lehmann (Mỹ) đã đưa ra định nghĩa về TCH tôn giáo: “Trong khi khuynh hướng chung của TCH kinh tế (đồng đều hóa và lôi cuốn các khu vực xa xôi vào thị trường thế giới đang cạnh tranh), ngược lại, TCH tôn giáo lại là sự phá vỡ các biên giới, đồng thời tạo nên các biên giới mới”.“TCH không chỉ nói đến mặt giống nhau hay mặt đồng đều và sự phá hủy các ranh giới văn hóa. Trái lại, nó còn sinh ra những ranh giới mới, cắt ngang nhau trong phạm vi văn hóa, tộc người, ngôn ngữ và tôn giáo. Tôn giáo có vai trò quan trọng trong quá trình ấy”(2). Biểu hiện đầu tiên của quá trình TCH đối với tôn giáo là quá trình phá vỡ các đường biên giới quốc gia, khu vực về địa tôn giáo; sự đa dạng hóa hệ thống tôn giáo đi liền quá trình cải đạo, đổi đạo…Vượt qua chế độ nhà nước tập trung, xuất hiện ngày càng nhiều thể chế mang tính toàn cầu và trật tự quốc tế mới về tôn giáo. D.Lehmann cũng khẳng định, sự biến đổi tôn giáo theo hai xu hướng: Những hình thức “toàn thế giới” của TCH tôn giáo như Kitô giáo xưa kia và xu thế “hội nhập văn hóa, biểu tượng tôn giáo bản địa” vào các tôn giáo thế giới. Nếu vận dụng những định nghĩa trên vào đời sống tôn giáo thế giới, chúng ta thấy ngay rằng nhiều tôn giáo thế giới đã và đang diễn ra những biểu hiện, những quá trình ấy thực(3). TCH đem lại cho loài người nhiều lợi thế nhưng tự nó cũng chứa đựng nhiều nghịch lý, và điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các tôn giáo.

Có thể nói, toàn cầu hoá đã tác động sâu sắc đến sự vận động, biến đổi và phát triển của tôn giáo của nhân loại. TCH là quá trình mở rộng dần không gian lãnh thổ, nên con người không chỉ tiếp cận với một hoặc các tôn giáo của đất nước mình, mà còn biết tới tôn giáo khác, thậm chí không phải tiếp thu một cách thụ động, mà còn chủ động tiếp thu với tính chất phê phán. Từ đó dẫn đến sự phân hóa tín đồ các tôn giáo theo các mức độ tin theo tôn giáo của mình và nảy sinh hiện tượng một cá nhân cùng một lúc theo nhiều tôn giáo khác nhau. Chính điều đó đã làm chính mỗi tôn giáo cũng có sự phân rẽ thành các giáo phái, thậm chí có giáo lý xa lạ với giáo lý ban đầu. TCH cũng làm nảy sinh hành vi nhập thế của các tôn giáo bằng cách tham gia vào những hoạt động phi tôn giáo như xã hội, đạo đức, giáo dục, y tế…nhằm góp phần “cứu nhân độ thế”. TCH đã làm nảy sinh cuộc đấu tranh xóa bỏ những điểm lỗi thời trong giáo lý trong từng tôn giáo. Các tín đồ vẫn tiến hành những nghi lễ nhưng lại không theo giáo lý hay giáo luật đã được định sẵn của tôn giáo mình. TCH tác động đến tôn giáo thể hiện ở quá trình hiện đại hoá các tôn giáo, các tôn giáo đều tìm cách tận dụng thế mạnh của TCH để hiện đại hoá nội dung giáo lý, quy định của giáo luật, việc thực hành nghi lễ..v..v..Hay là áp dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại, kể cả lý thuyết khoa học và phương tiện khoa học hiện đại phục vụ cho hoạt động tôn giáo. Các chức sắc tôn giáo đã lợi dụng các lý thuyết khoa học mới để chứng minh cho lý luận tôn giáo của mình, hoặc lý giải mới các quan điểm tôn giáo cho phù hợp với khoa học hiện đại. Với những thay đổi mạnh mẽ về địa chính trị với những thành tựu vô cùng vĩ đại của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trong những năm qua đã làm suy giảm niềm tin, khô đạo, nhạt đạo ở con người và con người lại đi tìm tôn giáo cho riêng mình; đây cũng là cơ sở ra đời các hiện tượng tôn giáo mới(4). Ở Việt Nam, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, dù các tôn giáo cũng mang đầy đủ các đặc trưng như trên, song một số tôn giáo, nhất là tôn giáo nội sinh vẫn giữ những đặc trưng riêng có của tôn giáo mình, đó là truyền thống nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau, yêu quê hương, dân tộc….Trong xu thế hội nhập quốc tế, đoàn kết giữa tôn giáo và dân tộc vẫn là xu thế nổi trội; là dòng chủ lưu xuất phát từ những yếu tố lịch sử, văn hoá của dân tộc ta.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức to lớn. Nhằm tận dụng những ưu việt do TCH mang lại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều thuận lợi để phát triển đất nước; đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu. Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước…Công tác đối ngoại được đẩy mạnh sẽ tạo môi trường quốc tế thuận lợi, hòa bình, thiết thực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(5). Tôn giáo là bộ phận của văn hóa đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điều đó vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng gây không ít khó khăn, trở ngại cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Trong khi đó, tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo các cấp còn có nhiều điểm chưa phù hợp với nhiệm vụ; việc phối hợp các cấp, các ngành trong xử lý các vấn đề nảy sinh trong tôn giáo đôi khi còn thụ động, thiếu đồng bộ; công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật còn bị động, chưa khôn khéo, kịp thời. Ở một số nơi, một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo còn có năng lực chuyên môn hạn chế; cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò và nguồn lực do các tổ chức tôn giáo đem lại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong công tác này đặt ra trong tình hình mới.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, góp phần tận dụng thế mạnh của TCH tôn giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cán bộ, đảng viên làm công tác tôn giáo về đặc trưng, bản chất, tính tất yếu của hội nhập và toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực xã hội; từ đó góp phần phát huy yếu tố tích cực của hội nhập quốc tế với các tôn giáo, khơi dậy và phát huy thế mạnh và mọi nguồn lực của các tôn giáo trong xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương; quan tâm thực hiện các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa kết hợp với các chính sách hỗ đặc biệt cho đồng bào tín đồ các tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hai là, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, đồng thời tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo được hội nhập sâu rộng trong đời sống quốc tế, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên cơ sở pháp luật; quan tâm, tạo điều kiện giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trên cơ sở pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.

Ba là, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, lý luận Mác - Lênin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo đủ mạnh góp phần tham mưu ngày càng tốt hơn cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết hiệu quả các vấn đề về tôn giáo theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xử lý kịp thời từ cơ sở các mâu thuẫn, khiếu kiện về tôn giáo, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp. Có chế độ đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu nhân dân và các tín đồ chức sắc trong việc đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.

Bốn là, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá nước ta. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá nước ta. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và các tín đồ chức sắc hiểu rõ âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó nêu cao cảnh giác để họ tự giác đấu tranh chống lại chúng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng chính đáng của mình, bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong những năm tới, nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực do TCH mang lại trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung, đời sống tôn giáo ở nước ta nói riêng; tạo điều kiện cho các tôn giáo tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế.

Nguyễn Đức Quỳnh

Chú thích:

1, 3. GS.TS.Đỗ Quang Hưng, Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa;  Tạp chí Giác Ngộ Online số tháng 9/2006;

2. D.Lehman, Religion and Globalization trong Religion in the modern World, NewYork, 2002, p.301;

4. Vũ Văn Hậu, Nhìn nhận về sự tác động của toàn cầu hóa tới đời sống tôn giáo ở nước ta hiện nay; Tạp chí Thông tin khoa học Xã hội, số 8/2006;

5. Đại tá, PGS.TS.Lưu Ngọc Khải, Thiếu tá, Ths. Đặng Công Thành; Đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII - Một tầm cao mới, Tạp chí Tuyên giáo online số ra ngày 18/10/2016;

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...