Danh sách bài viết

Tế bào gốc (Phần 4)- Hiểu đúng về tế bào gốc

Cập nhật: 28/12/2017

13. Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng là gì?

Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng – somatic cell nuclear transfer (SCNT) là một kỹ thuật trong đó nhân của tế bào sinh dưỡng (tế bào sinh dưỡng là mọi loại tế bào của cơ thể trừ các dòng tế bào sinh dục tinh trùng và trứng), được chuyển vào trứng đã loại bỏ nhân. Lúc này, trứng có DNA hay vật chất di truyền của tế bào sinh dưỡng cho nhân. Khi nhận được những tín hiệu phù hợp, trứng này có thể phát triển như là trứng được thụ tinh. Trứng được chuyển nhân sẽ phân chia hình thành 2 tế bào, sau đó là 4 tế bào, 8 tế bào và tiếp tục cho tới khoảng 150 tế bào ở giai đoạn phôi nang. Tế bào gốc phôi có thể thu nhận được từ giai đoạn phôi nang này để tạo ra những dòng tế bào có đặc tính di truyền tương tự như tế bào sinh dưỡng cho nhân.

Trứng chưa được thụ tinh (bộ nhiễm sắc thể đơn bội) sẽ được loại nhân. Tế bào sinh dưỡng (somatic cell – có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội) được lấy nhân, nhân này được chuyển (thông thường là tiêm trực tiếp vào trứng bằng phương pháp vi tiêm–microinjection) vào trứng đã loại nhân. Trứng được chuyển nhân bằng phương pháp này có thể phát triển như hợp tử được thụ tinh thông thường. Cừu Doly là động vật có vú đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp chuyển nhân tế bào sinh dưỡng vào trứng đã loại nhân.

13. Tại sao lại sử dụng các dòng tế bào gốc phôi được thu nhận từ việc chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT)?

Thứ nhất, các tế bào này là công cụ mới hữu ích để nghiên cứu đặc tính cơ bản của các bệnh ở người và để khám phá ra các loại thuốc mới. Thứ hai, các tế bào gốc phôi có thể phát triển thành các loại tế bào trưởng thành. Sau khi cấy ghép lên cơ thể cho nhân ban đầu, tế bào cấy ghép sẽ được nhận diện như là “bản thân” vì vậy mà tránh được các vấn đề về thải loại và ức chế miễn dịch gặp phải khi tế bào hoặc cơ quan cấy ghép được lấy từ người cho không tương thích. Điều này là hoàn toàn có thể tuy nhiên hiện này sự phát triển của tế bào iPS sẽ thay thế việc sử dụng chuyển nhân sinh dưỡng vì nó là kỹ thuật đơn giản hơn và không cần sử dụng tới tế bào trứng, tránh được các vấn đề về y đức khi thao tác trên trứng.


Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng vào trứng đã loại nhân có thể thu được phôi, các dòng tế bào gốc phôi. Từ đó, ứng dụng rất nhiều trong nghiên cứu và điều trị bệnh. Đặc biệt là tạo ra các tế bào gốc phôi “bản thân” của người trưởng thành vì lúc này trứng mang vật chất di truyền của chính người đó. Do đó, sẽ loại bỏ được các vấn đề về thải loại và ức chế miễn dịch.

(Nguồn: DOI 10.1016/j.stem.2014.03.015)

14. Y học tái tạo – regenerative medicine là gì?

Mục tiêu của y học tái tạo là sửa chữa cơ quan hay mô bị tổn thương do bệnh, lão hóa hay chấn thương, làm cho chức năng của nó được phục hồi hay cải thiện.

Thuật ngữ y học tái tạo – regenerative medicine được dùng hiện nay thường để mô tả các liệu pháp y khoa và các nghiên cứu sử dụng tới tế bào gốc (cả tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi) để khôi phục chức năng của cơ quan hoặc mô. Điều này có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau; đầu tiên, sử dụng tế bào gốc hay tế bào biệt hóa từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm; thứ hai sử dụng thuốc kích hoạt tế bào gốc có sẵn trong mô để cải thiện hiệu quả sửa chữa tổn thương ở đó.

15. Tại sao việc nghiên cứu tế bào gốc quan trọng?

Nghiên cứu tế bào gốc góp phần vào các hiểu biết cơ bản về sự phát triển và hình thành cơ quan, cách thức mà các mô duy trì trong suốt đời sống. Những kiến thức này cần thiết để cung cấp các hiểu biết về những gì sai sót liên quan tới bệnh và tổn thương, qua đó suy ra các điều kiện có thể cần cho việc điều trị. Một khía cạnh đáng quan tâm trong lĩnh vực này là nghiên cứu tế bào gốc phôi người, vì những tế bào này mở ra một cánh cửa đặc trưng về sinh học và sự phát triển của người, từ đó mở ra các hiểu biết mới về các bệnh ở người.

Nghiên cứu về tế bào gốc phôi, chuyển nhân tế bào sinh dưỡng, tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS cell) và tế bào gốc trưởng thành hay tế bào gốc ở mô cần phải tiến hành song song. Tất cả đều nằm trong nỗ lực nghiên cứu nhằm mục đích mở rộng kiến thức về hoạt động chức năng của tế bào, những sai hỏng gây ra bệnh, và làm thế nào giai đoạn đầu của sự phát triển của con người xảy ra. Từ đó, tổng hợp lại để cuối cùng có các liệu pháp điều trị an toàn và hiệu quả.

Hình minh họa: Kỷ nguyên mới trong y học tái tạo và trị liệu bệnh. Kỷ nguyên tế bào gốc. (Nguồn: Book "Stem Cell Century: Law and Policy for a Breakthrough Technology", Russell Korobkin, 2009)

16. Đạo đức sinh học – bioethics là gì?

Đạo đức sinh học là nghiên cứu về các vấn đề xã hội, đạo đức, đạo lý trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trị liệu y khoa và khoa học sự sống nói chung. Cùng với sự tiến bộ công nghệ hiện đại và những hiểu biết mới trong khoa học và các bệnh thì các vấn đề về y đức cũng được đặt ra.

17. Những dấu chấm hỏi về đạo đức trong nghiên cứu tế bào gốc là gì?

Một trong những câu hỏi thường được đặt ra trong nghiên cứu tế bào gốc đó là việc sử dụng phôi người để lấy tế bào gốc phôi là có đạo đức hay không có đạo đức? Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề về đạo đức trong việc nghiên cứu tế bào gốc. Ví dụ như, để tạo ra các tế bào gốc vạn năng cảm ứng và tế bào gốc phôi từ chuyển nhân tế bào sinh dưỡng, các vật liệu sinh học phải được thu nhận từ người cho. Nên, có rất nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề quyền lợi của người cho.

Hơn thế nữa, với mọi trường hợp các liệu pháp có tiềm năng trị liệu trong y khoa, cũng cần thảo luận kỹ về cách sử dụng phương pháp điều trị và thời điểm bắt đầu thử nghiệm điều trị trên người và nếu thử nghiệm thành công thì làm cách nào để nó có thể ứng dụng trong điều trị trong thực tế.

-Còn nữa-

Tham khảo: http://www.isscr.org/visitor-types/public/stem-cell-faq

Lược dịch và tổng hợp Lê Văn Trình

Biên tập Biomedia Việt Nam

Nguồn: / 0

Tags : n/a