Danh sách bài viết

Tìm hiểu pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam từ khi ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến nay

Cập nhật: 27/12/2017

Cùng với sự hội nhập và giao lưu quốc tế, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng cũng ngày một phát triển.

Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ bằng việc nhất quán nguyên tắc tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong các văn kiện, nghị quyết mà còn qua việc thúc đẩy thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào các tôn giáo. Sự quan tâm, tạo điều kiện ấy chính là những đảm bảo quan trọng, cần thiết để đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo có điều kiện thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình và điều đó ngày càng tạo được niềm tin, sự kỳ vọng và khích lệ các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4/2006) tiếp tục khẳng định: đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào các tôn giáo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân.

 

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng đưa ra định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta trong đó có định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Nghị quyết nhấn mạnh “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân tộc, tôn giáo theo hướng tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc” và “bảo đảm quyền của công dân về tự do tín ngưỡng, phát huy những mặt tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo. Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm tổn hại an ninh quốc gia”.

 

Xuất phát từ nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong thời kỳ đổi mới và yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/6/2004 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX đã thông qua Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; ngày 29/6/2004 Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh và ngày 15/11/2004, Pháp lệnh có hiệu lực thi hành. Để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Nghị định số 22/CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh (Nghị định số 22/NĐ-CP) đã được ban hành. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hiện nay.

 

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh) gồm 06 chương, 41 điều đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước được ghi nhận trong các kỳ Đại hội. Bên cạnh đó, Pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp, mang tính khả thi, khắc phục những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp; bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt là những Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

 

Pháp lệnh cũng thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo tự giải quyết theo hiến chương, điều lệ của các tôn giáo. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc quản lý các hoạt động tôn giáo được quy định cụ thể theo hướng cải cách các thủ tục hành chính như về thời gian, trình tự, thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền,... trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động. Điều đó đã làm lành mạnh hoá các quan hệ tôn giáo và hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng của tín đồ và tổ chức tôn giáo, vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế.

 

So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, Pháp lệnh và Nghị định số 22/NĐ-CP đã thể hiện tinh thần cởi mở, thông thoáng trong cách ứng xử với các tôn giáo. Có thể thấy điều này ở các nội dung sau:

- Về phạm vi điều chỉnh: Pháp lệnh không chỉ điều chỉnh các hoạt động tôn giáo mà còn điều chỉnh cả hoạt động tín ngưỡng.

 

- Về công nhận tổ chức tôn giáo: khoản 1 Điều 8 Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo quy định một cách chung chung, đó là “Tổ chức tôn giáo có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức phù hợp với pháp luật và được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động thì được pháp luật bảo hộ”, thì đến Pháp lệnh - Điều 16 đã đưa ra các điều kiện cần và đủ để một tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân.

 

- Về chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc: Đây là quy định hoàn toàn mới. Với quy định này, các tôn giáo có cơ hội, điều kiện để tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức tôn giáo trực thuộc đáp ứng yêu cầu hoạt động tôn giáo trong tình hình hiện nay.

 

- Về phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tổ chức tôn giáo: Tại Điều 20 của Nghị định số 26 quy định việc này phải được Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Điều 22 của Pháp lệnh coi đây là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo có quyền thực hiện theo hiến chương, điều lệ của tổ chức. Nhà nước không can thiệp mà chỉ đặt ra các điều kiện về tư cách công dân, có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Sau khi phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những người được phong, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử. Đối với trường hợp phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử công dân Việt Nam vào các chức danh tôn giáo do nước ngoài quyết định thì ngoài các điều kiện về tư cách công dân còn phải có sự thỏa thuận trước của Ban Tôn giáo Chính phủ.

 

- Việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc trong tổ chức tôn giáo: Đây cũng là một quy định mới và được xem là công việc nội bộ của các tôn giáo. Nhà nước chỉ yêu cầu khi thực hiện, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý.

 

- Về việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của nhà tu hành, chức sắc: Nghị định số 26/NĐ-CP trước đây quy định khá chặt chẽ. Theo đó, chức sắc, nhà tu hành khi thuyên chuyển phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi đi và nơi đến chấp thuận. Cũng về vấn đề này, Pháp lệnh đã quy định thông thoáng hơn, chỉ cần thông báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đi và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đến.

 

- Về hội đoàn tôn giáo: Trong Nghị định số 26/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo, vấn đề hội đoàn không được đề cập một cách trực tiếp. Theo quy định mới của Pháp lệnh, hội đoàn tôn giáo được xác định là một hình thức tập hợp tín đồ do tổ chức tôn giáo lập ra nhằm phục vụ hoạt động tôn giáo. Những hội đoàn do tổ chức tôn giáo lập ra không nhằm phục vụ hoạt động tôn giáo thì không phải là hội đoàn tôn giáo, việc thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về lập hội.

 

- Về hoạt động của dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể: Trước đây Nghị định số 26/NĐ-CP quy định dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể tương tự muốn hoạt động phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 20 của Pháp lệnh đã có những thay đổi cơ bản đó là các tổ chức này chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân cấp tỉnh hoặc Ban Tôn giáo Chính phủ) là có quyền hoạt động hợp pháp. Những dòng tu, tu viện đã đăng ký trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì không cần đăng ký lại.

 

- Vấn đề tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Pháp lệnh khẳng định những tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm. Đất đai thuộc những cơ sở này được Nhà nước bảo đảm quyền sử dụng ổn định, lâu dài; cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được quyền quyên góp, nhận tài sản, hiến, tặng, cho để phục vụ hoạt động tôn giáo.

 

- Về hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo của chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo: Nếu như trước đây Nghị định số 26/NĐ-CP quy định còn chung chung, chưa cụ thể thì Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/NĐ-CP quy định cụ thể hơn: Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV-AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần;...Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo được nhà nước khuyến khích theo quy định của pháp luật.

 

- Về quan hệ đối ngoại tôn giáo: Thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Về hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành nước ngoài tại Việt Nam; sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam: Đây là một trong những nội dung mới của Pháp lệnh. Theo quy định của Pháp lệnh thì chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài được phép giảng đạo tại cơ sở tôn giáo của Việt Nam sau khi được Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận. Khi giảng đạo phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quy định của tổ chức tôn giáo. Đối với người nước ngoài vào Việt Nam được mang theo xuất bản phẩm tôn giáo và đồ dùng việc đạo để phục vụ nhu cầu của bản thân; được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như những tín đồ của Việt Nam; được mời chức sắc tôn giáo là người Việt Nam đến thực hiện lễ nghi tôn giáo cho mình; phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quy định của tổ chức tôn giáo Việt Nam.

 

- Về việc đình chỉ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo: Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi vi phạm một trong các trường hợp như xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.

 

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với tôn giáo, tạo môi trường pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, không những đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo đang diễn ra rất phong phú, sống động ở nước ta mà còn thích ứng với những Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập trong đó có Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ ổn định, bền vững giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo.

 

Ngày 04/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg Về một số công tác đối với đạo Tin lành để giải quyết những vấn đề còn tồn tại và mới nảy sinh trong những năm gần đây liên quan đến sinh hoạt tôn giáo của người dân theo đạo Tin lành, làm cho người dân theo tín ngưỡng, tôn giáo yên tâm, gắn bó với cộng đồng.

 

Có thể nói pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện hơn, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được minh chứng bởi số lượng tín đồ, chức sắc, số lượng các tổ chức tôn giáo và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng sôi động. Sau hai mươi năm thực hiện chính sách đổi mới đối với tôn giáo (bắt đầu bằng Nghị quyết số 24 năm 1990), công tác tôn giáo đã đạt được những thành tựu quan trọng. Về mặt tổ chức, ngoài ba tổ chức tôn giáo đã được công nhận từ trước là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Nhà nước ta đã lần lượt xem xét và công nhận về tổ chức cho các tôn giáo: Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh năm 1992; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo năm 1998; 09 Hội thánh Cao đài từ năm 1995 đến năm 2000; Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) - năm 2001; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang năm 2004; Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, ngày 22/10/2007; Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, ngày 27/11/2007; Tổng hội Báp tít Việt Nam (Ân điển Nam phương), ngày 07/5/2008; Hội đồng tinh thần đạo Baha’i Việt Nam, ngày 14/7/2008; Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, ngày 01/10/2008; Minh lý đạo Tam tông miếu, ngày 01/10/2008; Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam phương), ngày 03/10/2008; Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam, ngày 04/12/2008; Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, ngày 04/12/2008; Hội thánh Men- nô- nai Việt Nam, ngày 05/02/2009; Hội đồng sư cả Bani tỉnh Ninh Thuận (Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận công nhận), ngày 01/10/2007; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh (Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh công nhận), ngày 30/12/2008; Cơ sở Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương xã Nghĩa Thành (Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu công nhận), ngày 25/3/2009; Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, ngày 14/6/2010; Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ngày 16/6/2010.

 

Như vậy, ở nước ta trước năm 2006 có 16 tổ chức tôn giáo (thuộc 06 tôn giáo) được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước. Từ tháng 9 năm 2006 đến nay số lượng tổ chức tôn giáo ở nước ta đã là hơn 30 tổ chức (thuộc 12 tôn giáo).

 

Về số lượng các cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo; cơ sở thờ tự; chức sắc tôn giáo được đào tạo trong và ngoài nước; in ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm tôn giáo;... cũng tăng lên. Điều đó, một lần nữa khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

 

Thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp do tình hình khiếu kiện về nhà, đất liên quan đến tôn giáo do lịch sử để lại, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với một số bộ, ngành liên quan soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo trình thủ tướng Chính phủ và ngày 31/12/2008 Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết nhà, đất liên quan đến tôn giáo đã được ban hành.

Thời kỳ này cũng có nhiều thay đổi đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp. Thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế và giảm đầu mối các cơ quan, Chính phủ đã ban hành các văn bản: Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ; Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư số 04/TT ngày 04/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Quyết định số 134/2009/QĐ-TTg ngày 03/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.

 

Ngoài các văn bản quy phạm trên, thời kỳ này còn có một số văn bản quy định liên quan đến hoạt động tôn giáo như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2009), Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Di sản và Văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009), ... Có thể nói chưa có thời kỳ nào Nhà nước ta lại có hệ thống quan điểm, chính sách, pháp luật về tôn giáo đầy đủ, thông thoáng, cởi mở như hiện nay. Mặc dù cùng với thời gian, sự thay đổi của thực tiễn các hoạt động tôn giáo, sự phát triển sống động của các tôn giáo, các văn bản pháp luật thời kỳ này cũng đã bắt đầu bộc lộ những bất cập là điều không tránh khỏi nhưng những quy định đó đã đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước về tôn giáo giai đoạn hiện nay.

 

Nhìn lại sự phát triển của pháp luật về tôn giáo từ năm 1945 đến nay có thể thấy, pháp luật về tôn giáo đã có những bước phát triển và ngày càng hoàn thiện. Trong mỗi giai đoạn của cách mạng, pháp luật về tôn giáo đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo. Nội dung pháp luật về tôn giáo luôn khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử; đồng thời trừng trị nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, pháp luật về tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố sự đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc trong phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị, xã hội./.

 Hà Anh

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...