Danh sách bài viết

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam hiện nay

Cập nhật: 28/12/2017

Nguồn: Tap chí Triết học, số 8 (219), tháng 8 - 2009

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đã có khá nhiều ý kiến thông qua các cuộc hội thảo hoặc các bài viết đăng tải trên các phương tiện báo chí cùng bàn về khái niệm “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”. Bài viết này  bàn góp thêm về khái niệm đó và liên hệ với thực tiễn vận dụng ở Việt Nam hiện nay. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

Đã có nhiều cách định nghĩa của các học giả khác nhau về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp(Corporate Social Responsibility, viết tắt là CSR). Chẳng hạn, ngay từ năm 1973, Keith Davis đã đưa ra một khái niệm khá rộng: “CSR là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn đề vượt ra ngoài việc thoả mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”. Trong khi đó, Archie Carroll (1999) còn  cho rằng, CSR có  phạm  vi rộng  lớn hơn: “CRS bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định”. Matten và Moon (2004) lại cho rằng, “CSR là một khái niệm chùm, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau, như đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp là từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù”… Trong khi đó, theo Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững, "CRS là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”… Hay gần đây, theo Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), “CRS là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”…

Mới chỉ điểm qua một số cách định nghĩa trên đây đã cho thấy, dù cách thể hiện, hình thức diễn đạt ngôn từ có khác nhau, song nội hàm phản ánh của  CSR về cơ bản đều có điểm chung là, bên cạnh những lợi ích phát triển riêng của từng doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành thì đều phải gắn kết với lợi ích phát triển chung của cộng đồng xã hội. Chính vì thế, theo chúng tôi, có lẽ định nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của WB về CSR là hoàn chỉnh, rõ ràng và dễ hiểu nhất, vì nó đã đề cập đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải gắn liền với vấn đề phát triển bền vững - một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có tính toàn cầu của sự phát triển hiện nay. Khi cạnh tranh thương trường ngày càng khốc liệt, những yêu cầu, đòi hỏi từ khách hàng ngày càng cao và do vậy, xã hội có cái nhìn ngày càng khắt khe hơn đối với doanh nghiệp về bổn phận, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội thì các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tuân thủ không chỉ những chuẩn mực về bảo đảm sản xuất - kinh doanh phải có lợi nhuận, thậm chí siêu lợi nhuận, mà còn cả những chuẩn mực về bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường lao động, về thực hiện bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, quyền lợi đào tạo và phát triển của nhân viên, góp phần phát triển cộng đồng, bao hàm cả các hoạt động thực hiện an sinh xã hội như nhân đạo, từ thiện,…

Diễn giải cụ thể tất cả nội dung trên về CSR trong thời bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, có thể hiểu như sau về nội hàm yêu cầu của nó:

    - Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng;

    - Trách nhiệm về bảo vệ môi trường;

    - Trách nhiệm với người lao động 

    - Trách nhiệm chung với cộng đồng.

     Như vậy, nội hàm của CSR bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến ứng xử của doanh nghiệp đối với các chủ thể và đối tượng có liên quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ người sản xuất, tiếp thị, tiêu thụ, tiêu dùng đến các nhà cung ứng nguyên liệu, vật liệu tại chỗ; từ  đội ngũ cán bộ, nhân viên cho đến các cổ đông của doanh nghiệp. Trong đó, có cả trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, môi trường mà về thực chất, cũng là có trách nhiệm chung với lợi ích cộng đồng xã hội, bao gồm cả những hoạt động nhân đạo, từ thiện, hoạt động đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

     Do vậy, những người lãnh đạo doanh nghiệp thời nay phải là những người có tầm nhìn xa, trông rộng để hướng tới mục tiêu hoạt động toàn diện, không chỉ giới hạn bởi thặng dư, lợi nhuận kinh tế đơn thuần. Thước đo thành công của họ bắt nguồn từ  những tác động mà họ tạo ra đối với nhu cầu xã hội. Các doanh nhân này cần tìm kiếm những giải pháp để thay đổi xã hội theo chiều hướng ngày càng tốt hơn và ngược lại, các doanh nghiệp của họ sẽ có những điều kiện để phát triển bền vững hơn. Lợi ích dài hạn chủ yếu của CSR là cho chính nội bộ doanh nghiệp, như cải thiện quan hệ trong công việc, giảm bớt tai nạn, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, CSR còn giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong quan hệ với khách hàng và các đối tác, tạo ra ưu thế trong cạnh tranh và thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện tốt CSR sẽ không thua thiệt, mà thường đạt được những lợi ích đáng kể, bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới.

     Diễn giải cụ thể hơn, mỗi doanh nghiệp khi đã tự quyết định một cách tự nguyện về thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, thì bên cạnh những đóng góp, chi phí vì lợi ích cộng đồng xã hội, đương nhiên, họ còn có những lợi ích riêng trong kinh doanh, thông qua các hoạt động của mình, đó là:

- Bảo vệ thương hiệu không bị xã hội chỉ trích; nâng cao uy tín của sản phẩm một cách bền vững; mở rộng thị trường và tạo lập ưu thế về giá cả; được tham gia các chương trình đầu tư phát triển doanh nghiệp vì trách nhiệm xã hội.

    - Duy trì hoặc ký thêm hợp đồng kinh tế với các đối tác đầu tư, bạn hàng; có thêm điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hoá công nghệ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tăng việc làm, giảm số công nhân bỏ việc; tăng uy tín xã hội để doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, dễ dàng hoạt động hơn.

     - Có thêm điều kiện vật chất để cải thiện đời sống người lao động. Cụ thể là tăng thu nhập, nâng cao hơn chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người lao động và gia đình họ; hỗ trợ người lao động thực hiện tốt hơn luật pháp lao động và mở rộng hơn khả năng bảo hiểm y tế, xã hội cho họ…

     Cần thấy rằng, nhận thức về CSR ở các nền kinh tế thị trường phát triển hoặc khá phát triển trên thế giới hiện nay rõ ràng là không còn mới lạ, mặc dù trong thực tế, cho đến nay, không phải bất cứ doanh nghiệp, doanh nhân nào, dù ở những nền kinh tế phát triển nhất, như Mỹ, Nhật Bản, Đức,… cũng đều có thể thực hiện tốt CSR mọi lúc, mọi nơi do những tác động cạnh tranh quyết liệt của quy luật giá trị, giá trị thặng dư và siêu lợi nhuận chi phối.

     Trong khi đó, dù CSR là khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn thập niên qua, song càng những năm gần đây, đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam, để tạo lập được thương hiệu vững bền và sáng giá, họ không chỉ ra sức phát triển ngày càng lớn hơn về quy mô giá trị tài sản, doanh thu, doanh lợi có được sau mỗi năm kinh doanh, mà còn nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Bởi lẽ, họ đều hiểu làm tốt và ngày càng tốt hơn trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xã hội cũng đã là một trong những thước đo cơ bản để thương hiệu các doanh nghiệp nhờ đó mà đã sáng lại càng sáng hơn và do vậy, con đường làm ăn của họ càng có thêm thuận lợi, phát triển hơn.

     Do vậy, thực hiện CSR ngày càng được các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn và coi đó là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình hội nhập. Mặc dù vậy, cả về học thuật lẫn thực tiễn thể hiện, cần thấy đây vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ đối với không ít các doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta. Trên thực tế, nhiều khi vấn đề này được vận dụng rất khác nhau, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do chưa có được nhận thức đúng đắn, thống nhất về nội hàm yêu cầu của nó. Chính vì thế, trên thực tế, đã có doanh nghiệp, doanh nhân chỉ lo sản xuất, kinh doanh sao cho có lợi nhuận cao, không chỉ giải quyết tốt vấn đề lợi ích cho doanh nghiệp, cho người lao động, mà còn đóng góp không ít cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội; thế nhưng họ vẫn vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Môi trường, hoặc có những biểu hiện vi phạm pháp luật khác. Có nhiều nguyên nhân của tình hình này, song trước hết là do họ chưa có một nhận thức đúng đắn, khách quan, khoa học và nhất là chưa có được “cái tâm”, “cái đức” trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đối với cộng đồng xã hội. Chính vì thế, trong tiến trình nhận thức của con người về vấn đề này, mặc dù cho đến nay, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, thậm chí vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều cuộc hội thảo, song có lẽ, hiện tại, theo chúng tôi, chí ít nên tạm chấp nhận về một kiểu định nghĩa khái niệm CSR như đã được  Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trên đây.

     2.Tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam

     Khái niệm “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR) đã được truyền bá vào nước ta thông qua hoạt động của các công ty đa quốc gia đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các công ty này thường đưa ra các chương trình khuyến cáo ứng xử về văn hoá kinh doanh đem áp dụng vào các địa bàn đầu tư. Ví dụ như “Chương trình tôi yêu Việt Nam” của công ty Honđa - Vietnam; “Chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân” cho các trẻ em của công ty Unilever; “Chương trình đào tạo tin học Topic 64” của Microsoft, Qualcomm và HP; “Chương trình hỗ trợ dị tật tim bẩm sinh” và “Chương trình ủng hộ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ” của Vinacapitat, Samsung; “Chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo” của Western Union;…

     Những năm gần đây, ở nước ta đã có một số doanh nghiệp chủ động thực hiện CSR và nhờ đó, thương hiệu của họ càng được xã hội biết đến, như các tập đoàn Mai Linh, Tân Tạo, Duy Lợi, ACB, Sacombank, Kinh Đô,… Từ năm 2005, nước ta đã có giải thưởng "CSR hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương cùng các hiệp hội Da giày, Dệt may tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác CSR trong bối cảnh hội nhập. Cho đến năm 2006, đã có 50 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày tham dự hoạt động này vì đã nhận thấy tính thiết thực của nó. Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng, nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao,…

     Gần đây, Hội nghị Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2008 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/10/2008 đã có 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu  được trao tặng Cúp Thánh Gióng - biểu tượng cho tinh thần, sức mạnh của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2008) cũng đã có 100 doanh nhân được trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008. Các doanh nhân này cùng với các doanh nghiệp của họ, bên cạnh các thành tích xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh, họ cũng đồng thời là các điển hình thực hiện CSR đối với cộng đồng xã hội. Trước các doanh nhân đại diện cho gần 300.000 doanh nghiệp cả nước tham dự Hội nghị Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý các doanh nhân, doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội, coi đó là một mục tiêu phấn đấu văn hóa kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp hãy thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh bằng việc tuân thủ đúng quy định pháp luật. “Văn hóa kinh doanh không chấp nhận sự gian lận, không chấp nhận việc gây ô nhiễm môi trường…”. Như vậy, có thể thấy, CSR có sự gắn kết chặt chẽ với văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp và nó cũng chính là văn hoá doanh nhân của tất cả các doanh nhân khi tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thương trường.

     Thực tiễn cho thấy, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và nhiều năm tới ngày càng được các doanh nhân nước ta nhận thức sâu sắc và đó cũng chính là những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và gia đình họ, có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.

     Thực tiễn cũng đã cho thấy, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, CSR đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào đó không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới…

     Như đã nêu trên, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó sẽ mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế và lợi ích chính trị - xã hội cho họ. Tuy nhiên,  cũng không nên đồng nhất việc cứ làm từ thiện giỏi đã là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cho dù làm từ thiện là một hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thực tế là đã có doanh nghiệp tích cực làm từ thiện, nhưng vẫn vì chạy theo lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, vi phạm sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội. “Sự kiện Vê Đan” cùng một số doanh nghiệp khác ở Đồng Nai đã “đầu độc” sông Thị Vải làm huỷ hoại môi trường mới đây là một minh chứng điển hình cho trường hợp này.

     Đó là chưa thể kể hết còn biết bao trường hợp khác nữa “đã bị lộ” thì sự đã rồi, và chắc rằng còn nhiều trường hợp “chưa bị lộ”  đã và đang vẫn xảy ra trên đất nước này… Người dân TP. Hồ Chí Minh đến nay vẫn đang bức xúc, lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp của thành phố, như các khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo… và còn nhiều địa phương khác nữa trong cả nước cũng đang lâm vào tình trạng như vậy. Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào có thể thống kê đầy đủ con số các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh như vậy. Từ đó, càng cho thấy tính cấp thiết của việc cần tăng cường đề cao hơn nữa tính tự giác, thậm chí đã đến lúc không chỉ dừng lại ở ý thức tự giác trong nhận thức và hoạt động của mỗi doanh nghiệp, mà cần luật pháp hoá vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo đúng các yêu cầu đã phản ánh trong nội hàm của nó như đã nêu ở phần thứ nhất bài viết này.

     Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, khái niệm CSR còn tương đối mới ở Việt Nam, vì vậy, cho đến nay, việc thực hiện nó vẫn còn hạn chế. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, rào cản và thách thức cho việc thực hiện CSR bao gồm: 1) Nhận thức về khái niệm CSR còn hạn chế; 2) Năng suất bị ảnh hưởng khi phải thực hiện đồng thời nhiều bộ quy tắc ứng xử COC (Code of Conduct); 3) Thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR (đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa); 4) Sự nhầm lẫn do khác biệt giữa qui định của CSR và Bộ luật Lao động; 5) Những quy định trong nước ảnh hưởng tới việc thực hiện các COC. Diễn giải cụ thể hơn về một số rào cản, thách thức đó như sau:

      - Trước hết, đó là sự hiểu biết của doanh nghiệp về CSR chưa đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu đơn thuần là làm từ thiện, mà chưa hiểu rằng việc thực hiện CSR là phải thể hiện trực tiếp trong toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì thế, trên thực tế đã có không ít doanh nghiệp, một mặt, vẫn tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, nhưng mặt khác, vẫn lao vào vòng quay lợi nhuận kinh doanh không lành mạnh theo kiểu buôn bán lòng vòng, chụp giật, tranh thủ các khe hở của cơ chế, chính sách thị trường do Nhà nước ban hành để kiếm lời. Tình trạng lợi dụng thương hiệu của nhau để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn phổ biến ở nước ta. Đó là chưa kể đến tình trạng đã có nhiều doanh nghiệp lớn, kể cả một số tập đoàn nhà nước đã không chỉ lợi dụng thương hiệu nhà nước, mà còn lợi dụng ngân sách nhà nước (thực chất là chiếm dụng vốn nhà nước) để  kinh doanh, buôn bán lòng vòng cả những mặt hàng không đúng chức năng được giao, để khi thu lời lớn thì đem chia chác nội bộ, còn khi bị lỗ thì ngân sách nhà nước phải gánh chịu…

     - Thứ hai, một rào cản tác động bất lợi đến việc thực hiện CSR là do nhiều doanh nghiệp hiện nay bị thiếu hụt nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

     - Thứ ba, tính pháp lý của việc đánh giá thực hiện CSR ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập. Trên thực tế, mặc dù đã được quy định theo các quy tắc của các bộ quy tắc ứng xử COC và các tiêu chuẩn chế định khác, như SA8000, WRAP, ISO 14000, GRI..., song các tiêu chuẩn này lại không phải là thoả thuận giữa các chính phủ hay quy định của các công ước quốc tế, mà thường vẫn chỉ là ràng buộc giữa các nhà xuất nhập khẩu hoặc do chính các doanh nghiệp tự đặt ra, vì thế còn thiếu tính pháp định quốc gia và càng thiếu tính pháp định thông lệ quốc tế. Từ đó, nếu xảy ra các vi phạm, dù sơ ý hay chủ ý đáng tiếc nào đó, dẫn đến khiếu kiện nhau thì rất khó phân xử.

      Cho đến nay, chúng ta đã có các doanh nghiệp sản xuất sạch: sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản sạch, sản xuất than sạch... Nhưng những việc làm này hầu như còn mang nhiều tính bắt buộc hoặc là tự phát hơn là một việc làm tự nguyện, gắn liền với hoạt động kinh doanh và hình ảnh của doanh nghiệp. Điều lưu ý nữa, do thói quen tiêu dùng và nhất là do “túi tiền” còn hạn hẹp của đa số nguời tiêu dùng Việt Nam, nên thường sản phẩm sạch của các doanh nghiệp này chủ yếu chỉ phục vụ cho các đối tượng khách hàng từ tầng lớp trung lưu, khá giả trở lên, nên lợi nhuận và vòng quay lợi nhuận thu được cho các doanh nghiệp này cũng chưa phải là hấp dẫn khiến cho không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể chuyên tâm vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này. Đó là còn chưa kể cá biệt đã có doanh nghiệp sản xuất hoặc siêu thị kinh doanh đã lợi dụng uy tín thương hiệu để đưa cả hàng “bẩn”, hàng nhái, hàng giả  vào để bán lẫn cùng hàng sạch cho người tiêu dùng.

     Biểu hiện rõ nhất gần đây ở nước ta về tình trạng thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu đạo đức, văn hoá trong sản xuất - kinh doanh của không ít các doanh nghiệp là đã để xảy ra hàng loạt các sự kiện liên quan đến các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, như nước tương đen chứa 3-MCPD (một chất có thể gây ung thư), thực phẩm bảo quản bằng foocmon, hàn the, rau được tưới các chất kích thích tăng trưởng, cá nuôi trong môi trường bị ô nhiễm, nông sản, thực phẩm chế biến sử dụng các chất bảo quản độc hại, dư lượng kháng sinh hay thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép và gần đây nhất là việc hàng loạt các sản phẩm sữa nhiễm melamine - một chất độc hại gây ra sạn thận ở trẻ em, có thể dẫn tới tử vong. Theo kết quả kiểm tra của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: năm 2007, tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu... tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%; đặc biệt, đối với sản phẩm nho, có nơi phun tới 30 lần và tỷ lệ thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép lên tới trên 60%; có tới khoảng 32,54% tổng số mẫu nông sản phân tích phát hiện thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó gần 70% đã vượt quá ngưỡng giới hạn tối đa cho phép trong thực phẩm (tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Đó là những con số đáng báo động và cũng chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

     Cần thấy rằng, trong thời gian qua, mặc dù công luận và các phương tiện thông tin đại chúng đã thường xuyên đưa tin về những vi phạm gây ô nhiễm môi trường của nhiều doanh nghiệp, nhưng dường như là đa số các cơ quan chức năng của các địa phương đều chưa có những biện pháp đủ mạnh để xử lý các trường hợp đó, trong khi phần lớn các doanh nghiệp thì tìm mọi biện pháp để né tránh trách nhiệm. Nhiều người cho rằng, nói về ý thức tự giác của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường trong thời điểm hiện nay dường như là một câu chuyện xa vời và không thực tế! Nhưng rõ ràng, ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay đã lên tới mức báo động, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm nói riêng đối với việc bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.

     3. Để tăng cường hơn nữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam

      Liên quan đến việc vì sao việc thực hiện CSR ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, ngoài một số nguyên nhân đã nêu trên, chúng tôi đồng tình và muốn chia sẻ thêm sự phân tích chi tiết hơn nữa với đồng tác giả Nguyễn Đình Cung và Lưu Minh Đức (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) trong một bài viết gần đây(1) đã cho rằng, cần lưu ý đến một số vấn đề bất cập mà Việt Nam đang gặp phải sau đây.

     Thứ nhất, như đã biết, tăng trưởng nhanh và bảo đảm tính bền vững của môi trường sinh thái đã luôn là hai vấn đề nổi cộm, bức xúc của các nền kinh tế đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực tiễn cho thấy, sau quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều nước đã phải trả giá đắt về sự bị huỷ hoại của  tài nguyên, môi trường kèm theo sự gia tăng thiên tai, dịch bệnh. Là nước đi sau, dù còn nghèo, chậm phát triển nhiều mặt, nhưng Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Điều này cho thấy chúng ta không hy sinh chất lượng sống của người dân vì mục tiêu tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn.

     Tuy nhiên, đó chỉ là sự cam kết của Chính phủ, còn trên thực tiễn thì cho đến nay không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng ý thức và thực hiện đầy đủ cam kết đó. Có nhiều nguyên nhân của tình hình này, song trước hết phải thấy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đó đã bị lợi nhuận kinh tế lấn lướt, che phủ. Mặtt khác cũng cần thấy rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam về vấn đề này còn nhiều hạn chế, bất cập. Qua các vụ thực phẩm nhiễm độc vừa qua (nước tương, sữa), chúng ta thấy các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước liên quan thường ở thế bị động, có phần cơ bản là do các văn bản luật của ta chưa phù hợp, không bám sát thực tiễn, thường tạo nhiều khe hở cho các  vi phạm, nhưng lại khó xử lý, hoặc không thể xử lý được vì nhiều khi, để xử lý nghiêm minh là phải xử lý toàn bộ hệ thống các cơ quan liên quan, từ Trung ương đến địa phương. Quay trở lại “sự kiện Vê Đan” đã là minh chứng rõ: Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường đổ trách nhiệm cho địa phương; ngược lại, địa phương thì quy trách nhiệm cho Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường. Như vậy là, Luật Doanh nghiệp và Luật Môi trường ở đây có vấn đề bất cập, cần phải được xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp.

     Cũng cần thấy rằng, ngay cả khi quy định pháp luật đã có đủ, thì tính hiệu lực lại quá thấp. Nhiều vụ ô nhiễm môi trường đã diễn ra hơn chục năm không bị phát hiện, hoặc có phát hiện nhưng lại không xử lý, hoặc có xử lý thì quá nhẹ, có khi chỉ dăm ba cho đến vài chục triệu đồng là xong. Điều đó cho thấy cơ quan quản lý không làm hết trách nhiệm của mình. Có lẽ, đây là vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất và chúng ta phải kiên quyết lập lại đúng trật tự, kỷ cương pháp luật.

     Thứ hai, nhìn chung, ý thức bảo vệ quyền lợi cộng đồng và ý thức bảo vệ ngay chính quyền lợi cá nhân của người dân còn rất thấp. Có thể nói, đứng trước các doanh nghiệp lớn, người dân địa phương cảm thấy đơn lẻ, yếu thế, thiếu sự tin tưởng vào lẽ phải, vào sự hỗ trợ của các cơ quan công quyền nhà nước. Bằng chứng là, trước nhiều sự kiện huỷ hoại môi trường của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương không phải là nhân dân sở tại không biết, mà vấn đề là dù họ có bức xúc thì nhiều khi cũng không giải quyết được gì, vì mọi việc đều đã có “lo lót” trên dưới, có khiếu kiện thì cũng bằng không.

     Thứ ba, ở Việt Nam hiện nay hầu như không có các thiết chế đại diện, trung gian, đó là các tổ chức phi chính phủ (NGOs), hiệp hội, nhóm lợi ích… là các tổ chức dân sự đóng vai trò rất lớn ở các nước phát triển, vì thế khi xẩy ra các vấn đề bức xúc trên đây thì hầu như không có tổ chức dân sự nào có thể đứng ra bênh vực quyền lợi cho nhân dân, cho người tiêu dùng về những thiệt thòi đó. Cấu trúc trung gian của các tổ chức dân sự này tuy có thể phải tiêu tốn những khoản chi phí cho hoạt động bộ máy, đại diện, nhưng xét về tổng thể, nó lại có thể giúp giảm thiểu chi phí để những người dân, cộng đồng đơn lẻ đạt các mục đích xã hội của mình. Vai trò của các hiệp hội kiểu đó ở nước ta hiện còn rất thấp và hầu như không có sự hiện diện của hiệp hội người tiêu dùng trong các vụ việc ô nhiễm thực phẩm, môi trường vừa qua.

     Thứ tư, hiện nay, dư luận xã hội đang có chiều hướng đánh đồng hoạt động từ thiện với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Như đã đề cập ở trên, từ thiện chỉ là một phần nhỏ trong CSR, mà CSR lại chỉ là một tiêu chí bộ phận trong tổng thể các tiêu chí khác hợp thành văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân. Một doanh nghiệp dù có đóng góp hàng tỉ đồng từ thiện, nhưng nếu không thực hiện trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc, đầy đủ thì vẫn có thể vì chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần mà dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, hoặc cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại cho cộng đồng xã hội nhiều tỉ đồng hơn thế.

     Từ đó, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp ở nước ta là cần phải có một cách tiếp cận toàn diện về CSR, cũng như cần phải luôn ý thức sâu sắc về mọi hoạt động của mình, không chỉ tuân thủ đúng pháp luật mà trước hết, cần phải có đạo đức, có văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân.

    4. Một số kiến nghị về giải pháp thực hiện CSR ở Việt Nam

     Một là, nâng cao hơn nữa chất lượng các quy định pháp luật bằng cách áp dụng RIA (đánh giá tác động của văn bản luật) trong quá trình lập quy. RIA giúp xác định giải pháp lập quy có phải là giải pháp cần thiết, hợp lý. Nếu có, RIA sẽ tìm ra mức độ lập quy phù hợp nhất để đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Một khi văn bản luật có tính chính xác cao, hiệu lực của các văn bản cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước nhất thiết phải tăng cường trách nhiệm thực thi luật trong lĩnh vực của mình.

     Hai là, cách thức xây dựng các hiệp hội cần được đổi mới. Việc tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của các quan chức nhà nước sau nghỉ hưu như nhiều hiệp hội hiên nay là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải là ở cuơng vị lãnh đạo. Lãnh đạo các hiệp hội nên là những người đã gắn bó nhiều năm với thành viên từ cơ sở. Có như vậy, họ mới đấu tranh một cách nhiệt tình, thẳng thắn cho quyền lợi của thành viên hiệp hội.

     Ba là, cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện các chương trình truyền thông, quảng cáo phi lợi nhuận cho các mục đích nhân đạo, từ thiện. Điều này rất phổ biến ở các nước phát triển và hiện nay, đang được áp dụng cho nhiều nước ở khu vực Đông Á. Các đài truyền hình, truyền thanh ở nước ta vẫn thuộc sở hữu nhà nước, do đó, Chính phủ có thể chỉ đạo các đài này dành một tỷ lệ nhất định trong thời lượng quảng cáo hàng ngày miễn phí cho các mục tiêu công cộng, kể cả mục tiêu đó do các doanh nghiệp khởi xướng và thực thi.

     Bốn là, địa vị của người đóng thuế cần được nâng cao. Vinh dự đi đôi với trách nhiệm. Cần có những bảng xếp hạng các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất, các cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều nhất. Họ xứng đáng nhận được sự vinh danh của xã hội, vì đó là một trong những biểu hiện bề nổi của việc thực hiện tốt CSR vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội. 

     Năm là, Nhà nước cần nhanh chóng tập trung hoàn thiện luật và tính hiệu lực của luật trong việc thực thi luật. Các trách nhiệm ngoài luật (đạo đức, từ thiện), cơ chế tự nguyện cần được khuyến khích, vinh danh, vì đó là sự đóng góp của các doanh nghiệp với cộng đồng xã hội. Nhà nước không nên bắt buộc các doanh nghiệp phải làm từ thiện, nhân đạo, mà chỉ nên gián tiếp tác động thông qua các tổ chức, như NGOs, hiệp hội, mạng lưới cộng đồng, giáo dục… để nâng cao ý thức thực hiện CSR.

     Để tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và trong thời gian tới, trước hết là tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước, cụ thể là đối với thị trường, người tiêu dùng và vấn đề bảo vệ môi trường, theo chúng tôi cần đồng thời thực hiện tốt các biện pháp sau:

    * Về phía các cơ quan quản lý nhà nước:

     - Tăng cường tuyên truyền đối với các doanh nghiệp về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện CSR. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đợt tập huấn bắt buộc cho lãnh đạo các doanh nghiệp, các hội nghị, hội thảo khoa học... Hơn nữa, việc tuyên truyền này cần được mở rộng đến cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô... Đồng thời, nội dung của việc thực hiện CSR, các thông tin cập nhật về các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan phải được phổ biến đầy đủ và rõ ràng đến các doanh nghiệp.

     - Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan đến CSR nói chung, trách nhiệm đối với thị trường, người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường nói riêng. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể khác có liên quan cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chỉ được coi trọng và trở nên cấp thiết khi có cơ chế giám sát đồng bộ, có sự kết hợp giữa chính quyền và các lực lượng dân sự trong xã hội, đặc biệt là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông, báo chí.

     - Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực, phẩm trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất theo công nghệ sạch.

     - Cần có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần tăng cường các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các doanh nghiệp tự giác và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như giải thưởng trách nhiệm xã hội, thương hiệu "xanh", cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng...

   * Về phía các doanh nghiệp

    - Cần thay đổi nhận thức về việc thực hiện CSR, đặc biệt là đối với đội ngũ các nhà quản trị cấp cao trong doanh nghiệp. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ đơn giản là vấn đề đạo đức kinh doanh hay các hoạt động từ thiện theo cách hiểu mang tính truyền thống; không phải là các hoạt động đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ chi phí mà không đem lại lợi ích kinh tế, ngược lại, thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp có được nhiều lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường.

     - Các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn trong việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Việc thực hiện CSR theo ý nghĩa đầy đủ và đích thực không phải là một vấn đề đơn giản và nằm trong khả năng giải quyết tức thì của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bởi sự hạn chế của nhận thức, của các yếu tố nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực trình độ cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng một lộ trình phù hợp trong việc từng bước thực hiện những nội dung trách nhiệm xã hội không chỉ phù hợp với các chuẩn mực chung, mà còn được các chủ thể có liên quan chấp nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu. 

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...