Danh sách bài viết

Trần Quý Cáp – nhà tư tưởng theo khuynh hướng Duy tân

Cập nhật: 27/12/2017

Trần Thị Hạnh(*)

 

Trần Quý Cáp (1870 - 1908)

Trần Quý Cáp (1870 - 1908)

Trần Quý Cáp (1870 - 1908) tự Dã Hàng và Thích Phu, hiệu Thai Xuyên, người thôn Thai La, xã Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng với bản tính thông minh, chịu khó học tập, ông đã trở thành một trong sáu học trò giỏi ở trường tỉnh lúc bấy giờ (cùng với Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang). Kỳ thi năm 1904, ông đỗ Nhất giáp Tiến sĩ, trên Đặng Văn Thụy và Huỳnh Thúc Kháng. Ông từ chối làm quan triều đình. Với lòng yêu nước, ông đã tham gia phong trào Duy tân cùng với Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và cùng các vị này vào Nam Trung bộ để vận động duy tân, lập các hội tân học, hội nông, hội buôn. Năm 1905, trên đường vào Nam, tại Bình Định, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đã lấy tên Đào Mộng Giác làm các bài thơ Chí thành thông thánh và Lương ngọc danh sơn để bài xích khoa cử, cổ động tân học, gây tiếng vang lớn, lay động tư tưởng các trí thức Nho học.

Năm 1906, chiều theo ý mẹ già, Trần Quý Cáp nhận chức Giáo thụ Thăng Bình, dù bản thân ông không muốn nhận. Ông mời thầy dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường, tạo không khí mới cho việc học, đồng thời tuyên truyền cho phong trào Đông du. Năm 1908, ông làm Giáo thụ ở phủ Ninh Hòa (Khánh Hòa ngày nay). Khi người dân ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung nổi lên đấu tranh chống thuế, nhà chức trách Khánh Hòa đã chú ý đến ông với tư cách lãnh tụ của phái tân học. Sau khi phong trào bị đàn áp, nhà chức trách Khánh Hòa đã lục soát tài liệu, thư từ của ông, họ tìm thấy thư ông gửi cho bạn có viết “ngô dân thử cử, khoái, khoái!” (dân ta làm như vậy, thích, thích quá!) nên đã kết án ông “mạc tu hữu” (tức là không theo khuôn phép, đại phản nghịch, không cần có) và xử tử ông tại bãi sông Cạn, cầu Phước Thạnh, phủ Diên Khánh vào ngày 17 tháng 5 năm Duy Tân Mậu Thân (tức ngày 15 - 6 - 1908), khi đó ông mới 38 tuổi.

Trần Quý Cáp là một chí sĩ nhiệt tâm yêu nước, thiết tha với sự nghiệp cứu nước. Có thể nói, tư tưởng và hoạt động cứu nước của ông đại diện cho tư tưởng và hành động của lớp trí thức Nho học Việt Nam trưởng thành đầu thế kỷ XX. Trước tác của Trần Quý Cáp để lại tuy không nhiều, nhưng cũng đã thể hiện quá trình chuyển biến tư tưởng của ông, thể hiện tư tưởng yêu nước, hy sinh vì dân, vì nước của ông, như Phú Hoàn bích quy Triệu, Tặng Phan Bội Châu, Vãn quá Hải Vân sơn, Đà nẵng cảm hoài, Sĩ phu tự trị luận, Tôn chỉ Duy tân, Đánh đổ quan tham lại nhũng, Bài hát khuyến học chữ quốc ngữ, Phản đối cái học từ chương, Nhắn các nhà vọng tộc, Khuyến nông ca, Bài ca hô hào hùn vốn buôn chung, Trúc thất hoành sơn phú, Bài ca trù, Bài thơ cái trống, Bài thơ nước lụt

Trần Quý Cáp trước hết là một Nho sĩ, theo con đường khoa cử Nho học. Kinh sách Thánh hiền đã trang bị cho ông những kiến thức cơ bản và sâu sắc về nhiều lĩnh vực như bao Nho sĩ Việt Nam trong lịch sử và ở thời đó. Ông trưởng thành trong thời kỳ lịch sử đặc biệt, đó là khi chủ quyền dân tộc không còn, vua quan nhà Nguyễn không còn thực quyền, nhân dân khốn khổ trong vòng kìm kẹp, bóc lột của thực dân, phong kiến. Trần Quý Cáp thấu hiểu tình cảnh đó của nước, của dân. Khi tiếp thu tư tưởng yêu nước của cha ông trong truyền thống, cùng với vốn kiến thức uyên thâm, ông đã thể hiện tư tưởng yêu nước theo khuynh hướng duy tân.

Trước hết là về tư tưởng “trung”. Tư tưởng trung - hiếu là tư tưởng cơ bản của đạo đức Nho giáo, là nền tảng của đạo cương - thường trong tư tưởng chính trị của Nho giáo. Trần Quý Cáp đã tiếp thu sâu sắc tư tưởng đó. Trong các trước tác của mình, ông đã nhiều lần ca ngợi những tấm gương trung hiếu của các nhân vật lịch sử được ghi trong sử sách Nho giáo, như Thân Bao Tư, Hàn Trương Tử (Trương Tử Phòng), Tống Thiên Trường (Văn Thiên Trường). Nhưng, từ thực tiễn đất nước, ông đã chứng kiến sự phản động, thất bại của triều đình phong kiến trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Ông đã phát triển tư tưởng “trung” của các Nho sĩ yêu nước Việt Nam, đó là trung với nước, đặt vị trí, vận mệnh của đất nước, quốc gia, dân tộc lên tối cao, từ đó thể hiện tư tưởng và hành động “trung” của mình.

Ông phê phán tư tưởng chính trị, mô hình chính trị mà chính trị quan Nho giáo đã trang bị cho những Nho sĩ như ông. Ông phản đối chế độ phong kiến quý tộc, tạo ra đội ngũ các nhà vọng tộc, chỉ biết ăn lộc của vua, bóc lột dân, nhưng lại cam chịu nhục khi bị người ngoại quốc trói buộc trong chế độ bảo hộ. Ông cay đắng khi thấy nước mất, dân bị làm nô lệ mà quan lại triều đình vẫn vì cái lợi của mình mà làm ngơ.

“Dân ta nay cực đà như chó,

Sao quan còn võng đỏ ngáng ngà

Dám hỏi may người công khanh, hầu bá

Ăn cơm vua, cầm quyền nước, ngồi mà lo những chuyện chi chi!

Nước mất rồi mua lại được không?”(1).

Trần Quý Cáp cho rằng, lỗi quan lại đớn hèn như vậy chủ yếu thuộc về lối giáo dục, bổ nhiệm quan lại của chế độ phong kiến phương Đông. Ông đả kích lối học khoa cử, tầm chương, trích cú, phi thực tiễn mà nền giáo dục Nho học đã rèn luyện cho Nho sĩ Việt Nam. Ông cho rằng, giới trí thức Nho sĩ Việt Nam chỉ giỏi văn sách theo lối cổ học, “ngũ ngôn bát cổ đôi câu”, “những nghĩa, những văn, những thi, những phú, những trường thiên, đoản cú, những tán, tự bi, minh”, chìm đắm trong việc khen chê những sự kiện trong lịch sử nước Tàu “bia dội đường Nghiêu Chích khen chê, lời văn rặt giọng Tàu bè”.

Bản thân ông cũng đã từng học theo lối đó nên ông thấu hiểu sự lạc hậu, thiếu toàn diện của nó. Ông hài hước mà đắng cay nhận ra rằng, Nho sĩ được coi là người học rộng, kẻ sĩ, người tài trong thiên hạ mà “Đông Kinh, Tây Cống hỏi ngài ở đâu? Ngẩn ngơ ngài chỉ lắc đầu”(2). “Tò mò hỏi năm châu lớn nhỏ, ủa, việc ngoại dương, tao có biết mô na”(3). 

Ông còn mạnh dạn đả kích cả lối sống tiêu cực của trí thức, người thì đắm chìm vào hư danh, kẻ thì trở thành những tên “cướp của ăn không”, cúi lạy thực dân. Ông cho rằng, sống như thế là vô ích, không xứng với lý tưởng, chí khí của nhà Nho, thật đáng hổ thẹn với núi sông, đất nước.

Bên cạnh đó, Trần Quý Cáp có tư tưởng rất đáng chú ý về quốc gia, dân tộc. Cùng với lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, ông luôn muốn khơi dậy tinh thần yêu nước truyền thống, chấn hưng non sông, đất nước, thức tỉnh Nho sĩ Việt Nam ra khỏi nghiệp khoa cử, hư danh, cứu dân, cứu nước. Ông viết:

 “Ai ôi đứng dậy mà trông

Nước ta một góc Á Đông kém gì!

Trên Hồng Lạc dưới thì Trần Lý

Kẻ nhơn tâm sĩ khí ai bì”(4).

Ông khích lệ ý chí, tinh thần học hỏi cái mới của sĩ phu, hy vọng tự cường, cứu giống nòi. Từ niềm tự hào dân tộc, từ thực tiễn của đất nước, từ sự thất bại của triều đình, thất bại của các phong trào yêu nước theo đường lối đấu tranh truyền thống, ông cùng với các Nho sĩ tiến bộ chủ xướng duy tân. Khi đó, các Nho sĩ đầu thế kỷ XX đã được đọc những tác phẩm không hề có trong chương trình của khoa cử Nho giáo, đó là các tân thư, tân văn từ Trung Quốc du nhập vào nước ta. Tân thư, tân văn được coi như một trong những tiền đề tư tưởng quan trọng dẫn đến sự chuyển biến, duy tân tư tưởng và hành động của các Nho sĩ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tân thư, tân văn vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng đều gặp khó khăn trong việc tuyên truyền sách vở cũng như tư tưởng vì vấp phải sự kiểm duyệt của nhà nước phong kiến và thực dân Pháp.

Trần Quý Cáp là Nho sĩ duy tân cùng thời với Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Ông đã thể hiện tư tưởng duy tân của mình bằng những hoạt động khá sôi nổi và mạnh mẽ. Trần Quý Cáp cho rằng, nước muốn độc lập, dân được tự do, thì một mặt, cần đấu tranh chống lại chế độ phong kiến quan liêu, chống thực dân, đế quốc; mặt khác, phải chú trọng đến phát triển dân trí. Như vậy, trong tư tưởng Trần Quý Cáp, quốc gia dân tộc độc lập, cường thịnh luôn gắn liền với tự do, văn minh, phú cường của đời sống nhân dân.

Cuối cùng là tư tưởng về dân của Trần Quý Cáp. Ông tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa, trọng dân trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Đồng thời, ông đã tổ chức, cổ động, tham gia cả ba mặt của phong trào duy tân là giáo dân, dưỡng dân và tân dân.

Về giáo dân, ông khuyên dân ta nên học chữ quốc ngữ, học các sách mới của nước ta, nước ngoài, đúc kết tư tưởng, đường lối Á, Âu thành tư tưởng, đường lối của ta. Khi dân ta đã nâng cao dân trí, hiểu biết mọi việc diễn ra trong nước và trên thế giới, hiểu được quyền lợi, văn minh thì sẽ giành được độc lập. Ông là một trong số ít những nhà duy tân vừa tham gia chính quyền, vừa chủ động đi diễn thuyết cho dân chúng. Nội dung các bài diễn thuyết của ông chủ yếu vạch rõ các tập tục hủ lậu của nước ta, ngu hèn của dân ta, khơi dậy liêm sỉ, tinh thần tự hào dân tộc, yêu nước của dân ta. Ông là một người học rộng, tài cao, có đức, lại có danh vọng nên các cuộc diễn thuyết của ông luôn đông người nghe, tin và làm theo lời khuyến khích của ông. Ông mở trường dạy học theo mô hình nghĩa thục. Nhà trường bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá một nền tư tưởng mới và nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động với các sĩ phu xuất dương và hỗ trợ cho phong trào Đông du, Duy tân đang phát triển trong cả nước.

Trần Quý Cáp và những người khởi xướng, phát động phong trào duy tân bài xích khoa cử, chống đối Hán học, cổ động tân học, nhưng không phải là bài xích tất cả, chống đối tất cả, không quá cuồng nhiệt vứt bỏ toàn bộ cái cũ, mà chủ trương tiếp thu cái mới, cái hay, chấn hưng, phát huy những tinh túy của truyền thống. Chủ trương khuyến học của Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng coi đối tượng chính là lớp người thiếu học ở nông thôn, là số đông nhân dân lao động. Bởi, họ cần học để tiếp thu những kiến thức mới, để thoát khỏi cái tối tăm của cường quyền, để tham gia hội nông, hội thương…

Về dưỡng dân, Trần Quý Cáp mong muốn cuộc sống của nhân dân được cải thiện, thoát khỏi cảnh bần, hàn. Hơn ai hết, ông thấu hiểu cách làm ăn của một đất nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế què quặt do thực dân khai thác, bóc lột, còn người khốn khổ nhất là nhân dân lao động. Ông viết Khuyến nông ca, Bài ca hô hào hùn vốn buôn chung,… những mong phổ biến tư tưởng kinh tế mới, phương thức sản xuất mới. Điểm xuất phát trong tư tưởng mới về kinh tế của Trần Quý Cáp là quan điểm tương thân, tương ái, tương trợ của dân trong một nước, “đem tâm huyết nhiễm chan dòng máu đỏ”, “người có của, kẻ có công, xúm nhau lại cùng đem lòng thân ái”. Theo ông, khi người dân biết đoàn kết, cùng nhau làm kinh tế, dân sinh được cải thiện thì sẽ có điều kiện để đấu tranh giành độc lập. Mặc dù tính hiện thực trong tư tưởng và chủ trương của Trần Quý Cáp chưa cao, nhưng xét dưới góc độ phát triển của tư duy, có thể nói, tư tưởng của Trần Quý Cáp và các nhà duy tân là một bước tiến bộ về chất so với trí thức Nho học Việt Nam lúc bấy giờ.

Việc làm của ông đã nâng cao dân trí, cải thiện rõ rệt dân sinh trong các vùng ông đã đi qua, đồng thời với đó, ông trở thành cái gai càng ngày càng sắc nhọn trong con mắt của các nhà cầm quyền, cả phong kiến lẫn thực dân. Đối với thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai, khi phong trào cải cách xã hội thâm nhập và lan rộng trong quần chúng, kết hợp với yêu cầu kinh tế của họ thì nó sẽ biến thành phong trào có tính chất bạo lực cách mạng. Trên thực tế, các sự kiện hội thương, hội nông, các cuộc diễn thuyết, mở trường dạy quốc ngữ,… chỉ là những phần nhỏ của phong trào chung để đi đến cuộc biểu tình đòi giảm bớt sưu thuế của nhân dân miền Trung năm 1908. Đó có lẽ là cuộc biểu tình vĩ đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, với quy mô và tính chất nằm ngoài dự kiến của các sĩ phu duy tân, trong đó có Trần Quý Cáp. Tuy tỉnh Khánh Hòa, nơi Trần Quý Cáp làm chức Giáo thụ, không nổ ra biểu tình, nhưng bọn quan lại tay sai tìm cách hạ ngục và thảm sát ông. Chúng quy tội ông đề xướng dân chủ, dân quyền, đại phản nghịch, xử tử ông bằng hình thức dã man và hèn hạ nhất, đó là chém giữa bãi sông chợ Cạn. Trước khi qua đời, Trần Quý Cáp vẫn thể hiện khí tiết của một vị anh hùng, vì nước, vì dân, không sợ gian nguy, sẵn sàng hy sinh. Ông đã khẳng khái nhắn lại người đời rằng, “thà chết! chết trong hơn sống đục”.

Như vậy, từ một người được đào tạo nơi cửa Khổng sân Trình, đỗ đạt cao, nhưng với tinh thần yêu nước cao độ, Trần Quý Cáp đã từ bỏ hẳn văn chương cử nghiệp, chuyên tâm đọc tân thư, theo tân học. Từ đó, trong tư tưởng của ông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ tư tưởng Nho giáo sang tư tưởng dân chủ mang khuynh hướng phương Tây. Tư tưởng mới này ngay lập tức được ông chuyển thành hoạt động thực tiễn, từng bước thực hiện khát vọng đưa xã hội Việt Nam thoát khỏi cảnh đô hộ, nước Việt Nam trở thành nước cường thịnh. Song, cũng cần phải thấy rằng, tư tưởng Trần Quý Cáp trước hết tiếp thu từ tư tưởng, tinh thần yêu nước truyền thống Việt Nam. Ông đã tiếp thu phong cách tư duy linh hoạt, tiếp biến, dung thông tư tưởng sáng tạo vốn là đặc sắc của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ông là Nho sĩ, quan lại, nhưng yêu nước, căm thù giặc, căm ghét chế độ phong kiến. Ông làm quan nhưng thân dân, gần dân, thấu hiểu nỗi thống khổ của dân, thấy được sức mạnh của dân. Ông và các nhà duy tân đều lấy cơ sở là dân, đấu tranh cho quyền dân chủ, quyền lợi thiết thực của dân, với các hoạt động như mở trường học, lập hội nông, hội thương, cải cách phong tục… Tư tưởng và hành động vì dân, vì nước của Trần Quý Cáp tiêu biểu cho tư tưởng và hành động yêu nước của trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX tự chuyển biến để đáp ứng nhu cầu dân tộc. 

Trần Quý Cáp và các nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ XX là những người khởi đầu giai đoạn tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, nên trong tư tưởng và hành động cứu nước của ông còn có những hạn chế. Đó là, ông chưa nhận thức và đánh giá đầy đủ bản chất của thực dân cùng chính sách thuộc địa. Ông không nhận thấy rằng, không thể thực hiện khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh khi còn tồn tại cùng một lúc hai thể chế chính trị phong kiến và thực dân. Hơn nữa, ông và các trí thức Nho học thời kỳ đó tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây chủ yếu qua tân thư, tân văn từ Trung Quốc, nên kiến thức của các ông về văn minh phương Tây, về nền dân chủ, nền kinh tế phương Tây và Nhật Bản không đầy đủ, không bản chất, không đặc trưng, thiếu thực tiễn. Ông cũng đã tự thay đổi thế giới quan, nhưng thế giới quan mới của ông chưa có điều kiện để hoàn thiện và do vậy, hạn chế trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Thực ra, hạn chế này trong tư tưởng của Trần Quý Cáp có nguyên nhân khách quan, thuộc về thời đại là chủ yếu. Bản thân ông là tấm gương nỗ lực phi thường, tấm gương hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, của nhân dân. Lịch sử tư tưởng Việt Nam mãi mãi ghi nhận công cuộc duy tân tư tưởng của ông và thế hệ ông. Công cuộc duy tân của các ông là điều kiện, tiền đề cho lịch sử tư tưởng Việt Nam tiếp tục tiếp biến, đạt thành quả. Các ông chính là những người giữ vai trò gạch nối thế hệ trí thức Nho sĩ yêu nước và thế hệ trí thức yêu nước cách mạng sau này.

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...