Danh sách bài viết

Triều kịch của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh

Cập nhật: 28/12/2017

Lê Hải Đăng

1. Nguồn gốc và quá trình phát triển

Triều kịch hay Triều hý là một loại hình ca kịch cổ truyền mang tính chất tổng hợp của người Triều Châu, ước tính xuất hiện cách nay hơn bốn trăm năm với tổng số vở diễn lên tới hàng trăm kịch mục.

Các loại hình Hý khúc nói chung đều hình thành trên cơ sở của mối quan hệ bất phân giữa ba thành tố: âm nhạc, thi ca và nghệ thuật diễn xuất. Có lẽ, đây là bản thể đa nguyên của hầu hết các loại hình nghệ thuật có nguồn gốc sơ khai và lịch sử lâu đời. Khi sự phân hóa của xã hội ngày càng rõ rệt, chúng mới tách ra để trở thành những loại hình nghệ thuật biệt lập. Riêng ở nghệ thuật Hý khúc, tính đa nguyên đó vẫn được bảo lưu và trở thành yếu tố đặc trưng quyết định tính chất thể loại. Xét về nguồn gốc của nghệ thuật Hý khúc chung quy có ba quan điểm được nhiều người chấp nhận:

Thứ nhất: Hý khúc xuất phát từ các loại hình ca vũ dân gian, trải qua quá trình chuyển hóa của Tiểu hý (một trong những loại hình sân khấu dân gian, đặc biệt phổ biến ở tỉnh An Huy...). Sách “Thượng thư” có những ghi chép mô tả cảnh nhảy múa của cư dân thời sơ sử, theo đó, họ khoác lên người áo lông thú, hóa trang giống như loài vật và có sự phụ họa của nhạc cụ gõ, nhằm mục đích cầu phúc hoặc làm vui cho các đấng thần linh. Xét về ý nghĩa biểu trưng, nó mang nhiều tính chất tôn giáo. Và điều này còn tìm thấy ở những nghi lễ cầu đảo của Đạo giáo (như khoa nghi Phóng đại Tam Thanh) Quảng Đông, trong lễ Vu Lan (khoa nghi Tẩu kim sơn) của người Triều Châu ở Chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh)... Tới thời kỳ nhà Hán, trong hình thức ca vũ có du nhập thêm yếu tố thể hiện nội dung, cốt truyện là tuồng tích “Đông Hải hoàng công”. Ông Hoàng Đông Hải vốn là một người có phép thuật, có khả năng chế ngự rắn, hổ, sau vì sức khỏe, khí lực suy yếu, cộng thêm với thói rượu chè bê tha, khiến cho phép thuật không còn nữa, cuối cùng bị chết trong khi giao đấu với mãnh thú Bạch hổ. Vở kịch này rất phổ biến ngoài dân gian, đến đời Hậu Hán được Hán Vũ Đế đưa vào cung trình diễn. Loại hình ca vũ Tiểu hý dân gian trên rất phát triển vào đời Tống, còn gọi là “Xã hỏa”, sau chuyển hóa thành Hý khúc.

Nguồn gốc thứ hai của Hý khúc xuất phát từ Cổ ưu, rồi từ đó phát triển thành Tham quân hý. Từ “ưu” dùng để chỉ những nhân vật diễn trò giải trí cho vua trong cung. Họ dùng tiếng cười làm vũ khí phê phán, đặc biệt nhằm vào giới quý tộc. Tham quân hý phát triển cực thịnh vào đời Đường, mà Tạp kịch đời Nguyên là một trong những loại hình chịu ảnh hưởng sâu sắc.

Nguồn gốc thứ ba của Hý khúc xuất phát từ các loại hình nghệ thuật Thuyết xướng dân gian, chủ yếu trên hai phương diện kịch bản văn học và xoang điệu. Thời kỳ Tùy, Đường, bộ phận thơ ca mang tính chất tự sự phát triển cực thịnh, đặc biệt chịu tác động bởi vai trò của Nhạc phủ, cơ quan chính thống quản lý về hoạt động nghệ thuật. Trên cơ sở đó làm định hình cơ cấu nhạc khúc dưới hình thức Ba đoạn: “Tản tự” diễn tấu nhạc khí (giống như khúc dạo đầu, sử dụng nhạc cụ đệm); “Bài biến”, bắt đầu hát và “Nhập phá” diễn viên múa tham gia diễn xuất. Xét trên phương diện tổng thể của nhạc khúc làm định hình cơ cấu: “tán bản - mạn bản - khoái bản - tán bản”. Đây là những thuật ngữ dùng để chỉ tốc độ: vừa - chậm - nhanh - vừa. Điều này cho phép liên hệ tới cơ cấu tổ khúc trong các sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Tính chất tương phản về tốc độ thể hiện qua các giai đoạn chuyển tiếp của nhạc khúc làm tiền đề cho phương thức xử lý liên khúc ở Hý khúc sau này.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về Hý khúc, Triều kịch là một nhánh của Nam hý đời Tống. Sách sử chép rằng: “Tần Thủy Hoàng năm thứ 33 (214 trước công nguyên) điều binh đi Kiết Lĩnh; Hán Nguyên Đỉnh năm thứ 6 ( 111 trước công nguyên) xác lập Kiết Dương làm đất thuộc quận Nam Hải; Tấn Hàm Hòa năm thứ 6 (331) thiết lập bốn huyện: Triều Dương, Hải Dương, Hải Ninh, Vi An; Nghĩa Hy năm thứ 9 (413) kiến lập quận Nghĩa An, từ đời Tùy Đường đến nay đều gọi là Triều Châu”[1].

Vùng đất này chủ yếu sử dụng phương ngữ Triều Châu, kéo dài từ Chương Phố tới Phong Hải (thuộc Quảng Đông) nằm trong phạm vi quận Nghĩa An đời Tấn và Triều Châu đời Tùy, Đường. Triều Châu nằm ở vị trí ven biển phía đông nam Trung Quốc, thuộc trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của vùng Việt Đông, đồng thời là nơi giao thương trên biển. Cùng với sự phát triển của hoạt động thương nghiệp, đây trở thành điểm hội tụ của giới thương nhân, sau khi thành lập Hội quán (cơ quan đại diện thường trú), họ thường mời những ban hát đến từ Trung Nguyên hoặc các vùng lân cận tới Triều Châu biểu diễn, chính vì lẽ đó, các điệu Tây tần, Bì hoàng, Bang tử… có cơ hội du nhập Triều Châu, góp phần làm hình thành những loại hình nghệ thuật mới, như: Ngoại giang hý (Hán kịch Quảng Đông), Tây tần hý, Chính tự hý… và đặc biệt là Dịch Dương xoang, một điệu phổ biến ở tỉnh Giang Tây. Những chủng loại kịch mới này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống xoang điệu xét trên phương diện âm nhạc, mà còn mang đến hàng loạt kịch mục cải biên từ tiểu thuyết, như: “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Phong thần diễn nghĩa”, “Tùy Đường diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Dương gia tướng”, “Nhạc Phi truyện”… Từ ảnh hưởng trên phạm vi phản ánh của đề tài cho đến các thủ pháp nghệ thuật đã dẫn đến sự ra đời của nhiều kịch mục mới, như: “Tuyết cương phản đường”, “Vương Chiêu Quân”, “Phụng Nghi đình”, “Tần Tuyết Mai”, “Lưu Bị chiêu thân”…

“Nhìn lại các cuộc di dân diễn ra trong lịch sử, thì người Trung Nguyên du nhập Triều Châu chung quy xuất phát từ lý do: một là: quân dịch, hai là: tị nạn chiến tranh, ba là: những quan sĩ bị bãi chức. Trước thời kỳ nhà Tần, cư dân Triều Châu về cơ bản thuộc một chi của người Việt. Năm 214 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng bình định Bách Việt, thống nhất Trung Quốc, rời năm vạn người Trung Nguyên đến Lĩnh Nam định cư, dưới quyền chỉ huy của tướng Sử Lộc, gia thuộc và bộ hạ của ông đều lưu ngụ tại Kiết Dương, hậu duệ sau này làm quan tại Kiết Dương. Đây là đợt di dân đầu tiên của người Trung Nguyên vào Lĩnh Nam.

Lần thứ hai người Trung Nguyên du nhập Triều Châu sau loạn Đông Tấn năm Vĩnh Gia (307), sách sử gọi là “Y quan Nam độ”. Người Trung Nguyên nhập Triều Châu chọn đất Bồ Điền, Tuyền Châu, Chương Châu tỉnh Phước Kiến làm nơi định cư, sau một thời gian mới dần dần chuyển tới Triều Châu, bởi vậy, còn gọi là người Phúc lão, cũng có nhóm chuyển từ Hà Sáo đến Sơn Tây, lại gọi là người Hà lão. Phúc lão và Hà lão dần dà đồng hóa tộc người Nam Việt ở Triều Châu. Và đây là lần đầu tiên người Trung Nguyên mang đến Triều Châu di sản văn hóa cổ Trung Nguyên, bao gồm: âm nhạc cổ và phong tục cổ. Đến thời kỳ nhà Đường, Tống, văn hóa Trung Nguyên tràn ngập xứ sở này, với sự thịnh hành của các tư tưởng Nho, Phật, Lão, Bách hý được truyền bá rộng rãi, Ty cung điệu phổ biến… Đó là cơ sở làm hình thành Triều kịch sau này”[2].

Cũng có quan điểm cho rằng: “Chính tự mẫu sinh Bạch tự tử” ( 正? 字 母 生 白 字 仔? )[3] là Nam hý được địa phương hóa trên cơ sở phương ngữ Triều Châu. Cho tới những năm cuối triều đại nhà Thanh vẫn còn hiện tượng đan xen giữa Nam hý và Triều hý trong diễn xuất, gọi là: “bán dạ phản”. Trước 12 giờ đêm diễn “Chính âm hý”, hiểu là Nam hý, sau 12 giờ đêm diễn Triều âm hý, hiểu là Triều kịch. Trong giai đoạn này, điểm khác biệt lớn nhất giữa Nam hý, Triều hý thuần túy ở chỗ có hay không việc sử dụng phương ngữ và vẫn còn thói quen dùng mặt nạ đối với các vai: Bác công, Lôi thần…

Xét ở góc độ nghệ thuật, Triều kịch ít nhất đã trải qua ba giai đoạn phát triển. Căn cứ trên nguồn tư liệu hiện tồn, khoảng từ năm Gia Tĩnh triều Minh tới đầu triều đại nhà Thanh, những kịch mục được diễn chủ yếu tập trung vào mảng Nam hý đời Tống, Nguyên và Truyền kỳ đời Minh. Sau năm Quang Hy thời nhà Thanh, kịch mục bắt đầu có xu hướng thay đổi, chuyển sang khai thác chất liệu âm nhạc ngoại nhập, như các điệu: Bang tử, Bì hoàng, Huyền sách… gọi chung là “loạn đàn”, (xuất hiện khoảng từ thập niên 40 thế kỷ XIX cho đến thập niên 20 thế kỷ XX). Thời kỳ này đánh dấu bước trưởng thành của Triều kịch sau sự kiện du nhập đất Kinh thành, tiếp đó, Triều kịch nhanh chóng truyền bá sang các vùng đông nam và vượt biên sang nhiều quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Singapore…

Giai đoạn phát triển lần thứ hai của Triều kịch diễn ra trước, sau Cách mạng Tân Hợi cho tới thời kỳ kháng Nhật (những năm 1930), chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ, đặc biệt là phong trào vận động “Ngũ tứ”. Sự cách tân của kịch mục nhìn chung có hai đặc điểm nổi bật:

Thứ nhất: đó là tư tưởng phản đối đế chế, đề xướng cộng hòa.

Thứ hai: phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược, đề xướng chấn hưng nền văn hóa dân tộc, phản đối chế độ phong kiến, đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ cho đến những vấn đề xã hội, sự bất công giữa giàu, nghèo, đời sống thống khổ của nhân dân lao động… như: “Viên Thế Khải”, “Hứa Tích Lâm”, “Lê Nguyên Hồng phản chính”… trong đó có những sáng tác cải biên trên cơ sở của kịch nói, còn gọi là Văn minh hý.

Đặc điểm thứ hai là những vở kịch trên đều trải qua quá trình hun đúc của giới trí thức, chịu ảnh hưởng bởi phong trào văn hóa mới, cải cách mang tính chất cải lương không triệt để, những vở tiêu biểu trong thời kỳ này đáng kể có: “Cô nhi cứu Tổ Ký”, “Nhân đạo”, “Ngư Quang Khúc”… Thời kỳ kháng Nhật, giới trí thức yêu nước sáng tác, cải biên nhiều vở kịch mang tính chất tuyên truyền cho phong trào kháng Nhật, như: “Thượng Hải án”, “Lư Câu kiều”…

Giai đoạn ba: diễn ra vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Mặc dù thời kỳ này Triều kịch trải qua nhiều thay đổi nhất trong lịch sử, theo mục tiêu “trăm hoa đua nở”, “gạn đục khơi trong”… nhưng, trên đất Việt - Nam Bộ, nó đã thoát ly khỏi bối cảnh hiện thực của xã hội Trung Quốc và chỉ duy trì ở mức bảo lưu một phần vốn nghệ thuật truyền thống.

2. Triều kịch của người Hoa ở Chợ Lớn

Theo ông Đinh Bằng Phi, Triều kịch xuất hiện trên đất Nam Bộ khoảng đầu thế kỷ XIX. Trong bài  Lược sử về người Triều Châu ở Rạch Giá của Quách An: năm 1909 khánh thành miếu Bắc Đế, có công diễn Triều kịch. Tài liệu trên chủ yếu nhằm giới thiệu thân thế, quá trình hoạt động của các vị Bang trưởng, không đề cập tới nội dung khác. Theo đoán định, những đoàn nghệ thuật Triều kịch thời kỳ đó đều đến từ vùng Hoa Nam, Trung Quốc, chứ tại bản xứ, chưa có đoàn nghệ thuật nào ra đời trước năm 1954! Ban đầu, người ta làm quen với nghệ thuật Triều kịch qua các ban hát đến từ miền Nam Trung Quốc, với những tên: Lão Ngọc Xuân Hương, Lão Bửu Lai Xuân, Lão Mai Chánh, Tân Nhất chi Hương… Người Việt đặt tên cho các đoàn đó là Thùng xanh, Thùng đỏ, Thùng đen, dựa vào màu sơn của rương hòm đựng trang phục. Người dân các tỉnh rất thích xem Triều kịch, vì họ diễn những tích trong truyện Trung Quốc, xem cũng dễ hiểu! Diễn viên của những đoàn nghệ thuật này là những thiếu niên khoảng từ 7 đến 16 tuổi, toàn trai đóng giả nữ. Chủ gánh hát tuyển chọn, mua đứt các em, con của gia đình nghèo túng bên Trung Quốc, đào tạo thành diễn viên trên bước đường lưu diễn. Sau khi cha mẹ nhận tiền bán con, các em trở thành vật sở hữu của chủ gánh, không được nhận lương, chỉ được ăn cơm hàng ngày. Theo ông Mai Sinh, phó đoàn Triều kịch … bấy giờ, chế độ ăn uống của các diễn viên thiếu niên đặt trên căn bản tài năng, hát hay được ăn no, ngon, diễn kém phải chịu đói. Kỷ luật khe khắt áp dụng lên các em, giờ giấc ăn, tập phân minh, nghiêm cấm tiếp xúc với người địa phương đề phòng bỏ trốn.

Thể thức truyền nghề của Triều kịch không giống như Việt kịch, một thầy một trò, mà ở đây, một thầy dạy nhiều trò, nhiều vai, nhiều nhân vật khác nhau. Hát diễn không vừa ý thầy phải chịu hình phạt roi đòn, bỏ đói... Khả năng của các em bị khai thác triệt để, nhờ thế mà những em có tài được phát huy một cách tối đa. Nghệ thuật hát đòi hỏi diễn viên phải có giọng trong trẻo, hát bằng giọng thật chứ không dùng giọng giả, nên em nào bước vào tuổi dậy thì, vỡ giọng, ngay lập tức sẽ bị thay vai, chuyển sang làm việc khác, phần bồi dưỡng cũng vì thế bị ảnh hưởng đáng kể. Có em đang là diễn viên quan trọng, bỗng nhiên bị đẩy ra đóng làm “quân sĩ”, phần ăn bị bớt đi.

Triều kịch có truyền thống lấy các em nhỏ diễn vai Sinh, Đán, thậm chí lấy trai giả gái, sau này, cá biệt có bé gái tham gia. Năm 1937 tại Thái Lan có lệnh của chính phủ nghiêm cấm bé trai đóng kịch, từ đó lấy bé gái thay thế. Truyền thống nghệ thuật áp dụng La y đán tương đối đặc biệt, đi thì vừa chạy vừa nhún, động tác tay đưa ra nhanh rút về nhanh, nói năng lắc lư giậm chân, che miệng liếc mắt… biểu hiện hình tượng người phụ nữ hạ cấp… Đại loại cũng giống như vai nữ lệch trong Chèo của người Việt.

Các đoàn hát đến từ Trung Quốc biểu diễn ở những nơi đông người Triều Châu, như: Chợ Lớn, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… phục vụ những khu chợ, xóm, chùa, miếu… Để bổ sung lực lượng, thay thế số em sắp thành niên, chủ cho người đi tuyển mộ, thường mua những em gốc Triều Châu sống trong các phum sóc tập trung đông đảo bà con người Khơ me. Lý giải về hiện tượng này, nghệ sĩ Dương Tỷ của đoàn ca kịch Thống Nhất nói, các em ở thành phố tiếp xúc với nhiều người, do đó, giọng nói của các em bị ảnh hưởng nhiều dân tộc, nên không có giọng cố hữu của người Triều Châu. Hơn nữa, ở thôn quê mới có dân nghèo chịu bán con.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Triều kịch không còn hoạt động nhiều ở các tỉnh nữa. Xét về tính thời thượng, nó không còn theo kịp nhiều loại hình nghệ thuật đương đại hấp dẫn với khán thính giả trẻ… Ngay tại Chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh), loại hình nghệ thuật này cũng rơi vào tình trạng sa sút, kém về chất lượng, đặc biệt là sự giảm thiểu về số lượng khán giả, yếu tố đóng vai trò nền tảng trong sự thịnh suy của một loại hình nghệ thuật.

Sau 1960, người Triều Châu ở Chợ Lớn thành lập các ban nhạc xã, như: Đông Phương, ỷ Vân, Dương Minh Huyên, Ngọc Tuyết, Tân Nghệ. Các ban nhạc xã hoạt động vào buổi tối, nhằm bảo đảm cuộc sống bình thường của các diễn viên vốn thuộc nhiều thành phần khác nhau. Địa điểm diễn thường là Tinh Võ Môn, miếu Quan Đế… Các ban nhạc xã tư nhân tồn tại đến năm 1975. Sau giải phóng, năm ban nhạc trên sáp nhập làm một trở thành Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Triều, bao gồm cả bộ phận Việt kịch của người Quảng Đông đóng ở địa chỉ 21, 23 đường Vạn Kiếp, phường 13, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh và phát triển lên một bước từ tính chất bán chuyên nghiệp thành chuyên nghiệp.

3. Một số đặc điểm âm nhạc

Ngoài một số vở truyền thống mang nội dung cũ được phục hồi làm cơ sở phát triển, cũng có lúc đoàn diễn một số kịch mục có cốt truyện dân gian, cận và hiện đại Việt Nam, như Lý Thường Kiệt, Tô ánh Nguyệt... Nhưng, chủ yếu vẫn tập trung vào mảng truyền thống như các vở: Mạnh Lệ Quân, Trân kim mẫu đơn, Giả kim mẫu đơn, Bảo Liên Đăng, Quách Tử Nghi, Lệ chi ký, Chị ba Lưu… Tất cả những vở này đều bắt đầu bằng màn: Bát tiên chúc thọ, có lẽ xuất phát từ Cát tường hý, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của giới quý tộc thời phong kiến.

Về âm nhạc, trong Triều kịch có một số điệu đã định hình từ trước năm Gia Tĩnh triều Minh. Căn cứ trên nhiều kịch bản mà vở “Lệ kính ký” là một ví dụ, việc sử dụng xoang điệu được ghi chú cụ thể trên từng bài bản, như: Triều xoang, Triều điệu… Âm nhạc Triều kịch là sự kết hợp các làn điệu (dưới dạng liên hoàn) cùng sự thay đổi về nhịp điệu. Sau thời kỳ Càn Long, Gia Khánh, lấy sự biến hóa nhịp điệu làm tiêu chí dẫn tới sự du nhập của Tây tần hý, Ngoại giang hý. Sau năm Đồng Trị và Quang Tự, Ngoại giang hý rất thịnh hành. Triều kịch học tập Ngoại giang hý diễn vở “Ngũ đài hội huynh”, hấp thụ sự biến hóa về nhip điệu trong âm nhạc nhằm phát triển nhịp điệu của bản thân. Âm nhạc Triều kịch chủ yếu có kết cấu dạng tổ khúc, sau khi phát triển sự biến hóa của nhịp điệu trở thành thể tổng hợp, tên làn điệu mất dần, chỉ còn một số làn điệu xuất hiện ở câu đầu hay câu cuối.  

Trong quá trình phát triển theo khuynh hướng địa phương hóa Nam hý, Triều kịch đã tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, nhằm làm phong phú cho phương tiện biểu hiện của mình, như: Ca sách, Dư ca, Đản vũ, Chỉ ảnh (phim rối), Rối, Hoa đăng, La cổ…ở Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Triều hiện nay, bộ phận âm nhạc mang tính độc lập tương đối, có thể hoạt động độc lập. Đội cổ nhạc Đồng Tế của thị xã Rạch Giá vốn cũng là một bộ phận nằm trong cơ cấu Triều kịch, sau khi bị giải thể vẫn còn hoạt động dưới dạng nhạc lễ…).

Dàn nhạc sử dụng trong Triều kịch thực chất là dàn nhạc lễ, hay nói cách khác, nó thể hiện tính bất phân giữa nhạc lễ và nhạc kịch xét về cơ cấu. Theo đó, tổ chức dàn nhạc chia làm hai bộ phận:

- Tiền bằng gồm các nhạc khí gõ: đại la, đại bát, tiểu bát, đại cổ, tô la, thâm ba, nguyệt la, cẩu tử la.

- Hậu bằng gồm các nhạc khí hơi và dây: đại sô na, tiểu sô na, hoành địch, nguyệt cầm, tần cầm, tiêu, dương cầm (đàn tam thập lục), nhị hồ, nhị huyền, trúc huyền, bản hồ…

Các nhóm nhạc lễ của người Triều Châu ở Chợ Lớn như Sư Trúc Hiên, Triều Quần, Tân Hoa Viên, Linh Phúc Đàn, Khả Diệu Đàn… hầu như đều có cơ cấu trên chỉ khác ở số lượng thành viên tham gia cùng hệ thống bài bản.

Trong cuốn Quảng Đông tân ngữ - thi thoại của Khuất Đại Quân (1630 - 1696) viết: “Người Triều hát Nam bắc khúc bằng thổ âm gọi là Triều Châu hý. Triều âm giống Mân (Phước Kiến) có nhiều âm thanh, nhưng không có chữ - để biểu thị - có một chữ mà hát thành ba, bốn chữ. Loại ca hát đó nhẹ nhàng, uyển chuyển, nửa Mân nửa Quảng, những từ không có chữ thì dùng khẩu âm để trợ giúp”. Cuốn Quảng Đông thông chí - Ngự sử đới cảnh: Chính phong tục điều ước[4] cũng viết: “Triều kịch thường sử dụng âm địa phương diễn kịch văn” đến nay Triều kịch còn bảo lưu tập quán các nhân vật luân phiên nhau hát một khúc, hoặc cùng hát, diễn viên ở hậu trường hát hợp xướng đoạn kết; kịch truyền thống còn không ít vở vốn là Nam hý, như: “Kinh thoa ký”, “Bạch thố ký”, “Bái nguyệt ký”, “Tỳ bà ký”; “Tô Tần”, “Hán Tương Tử”, “Chu Văn”… Mở đầu sử dụng những kịch mục mang tính chất tụng ca, còn gọi là Cát tường hý, như: “Tịnh Bằng”, “Khánh thọ”, “Tống tử”, “Kinh thành hội”… và sử dụng chính âm (Nam hý)… Truyền thống khai đài diễn những vở mang ý nghĩa chúc tụng vẫn được duy trì cho đến hiện tại, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Tiêu, bên cạnh các vở chính, chúng ta thấy thường xuyên xuất hiện màn Bát tiên chúc thọ. Và điều này không chỉ xảy ra ở Triều kịch, mà hầu như còn áp dụng đối với cả Việt kịch (Quảng Đông) hay Quỳnh kịch (Hải Nam), những loại hình ca kịch còn bảo lưu tới hiện tại của cộng đồng người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh.  

4. Sân khấu

Triều kịch truyền thống chủ yếu biểu diễn tại những nơi công cộng. Riêng người Triều Châu ở hải ngoại thường có thói quen diễn kịch ở Quảng trường, tục gọi là: “Nhai hý”, “Trạm cước hý”, “Quảng trường hý”… Quảng trường nằm lộ thiên trong khuôn viên của Miếu đường, Hội quán, khoảng trống đầu phố… ở Chợ Lớn, sân khấu hoạt động Triều kịch diễn ra thường niên vào dịp tết Nguyên tiêu kéo dài từ trung tuần tháng giêng tới cuối tháng tại khuôn viên của miếu Quan Đế nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Duy có năm nay 2011, miếu Quan Đế đang tiến hành trùng tu, nên không tổ chức biểu diễn. Còn mọi năm, người tới xem biểu diễn vào cửa tự do rất đông. Hoạt động biểu diễn thường lồng ghép với tập tục văn hóa (tết Nguyên tiêu) và thói quen tín ngưỡng (đến cúng Quan Thánh Đế Quân)… Sân khấu dựng trước cửa miếu, một khu vực tập trung dân cư khá đông đúc. Vào dịp tết Nguyên tiêu, nơi này thường thu hút nhiều người đến xem Triều kịch, cũng như hành hương. Ngày xưa, các rạp thường dựng bằng tre trúc, sau sử dụng khung kim loại thay thế. Mỹ thuật sân khấu cũng có nhiều biến đổi, từ chỗ rèm ba mặt cho tới họa tiết toàn phần, từ bố cảnh lập thể cho tới phân lớp phân cảnh, ánh sáng từ chỗ dùng đèn dầu đến dùng đèn khí đốt, đèn đại quang, đèn điện; phục trang từ đơn giản đến sang trọng rực rỡ, thói quen thích dùng đồ thủ công thêu thùa, bình phong vẽ tranh dân gian, đăng phong, vải thun, giấy cắt…    

Do gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng, nên kịch mục thường tập trung vào những vở mang ý nghĩa thù tạc, chúc tụng, đặc biệt coi trọng yếu tố vui vẻ, cát tường, như các vở: “Bát tiên chúc thọ”, “Bảo liên đăng”… Bên cạnh đó, cộng thêm với việc Triều kịch thường diễn ra vào dịp tết, nên tính chất cát tường càng có cơ sở phát huy tối đa. Nhu cầu coi trọng đặc thù này cũng có mặt hạn chế của nó là đã vô hình trung khai tử cho những vở diễn có nội dung không phù hợp với bối cảnh văn hóa, như trường hợp của vở Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài chẳng hạn. Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài vốn là một vở bi kịch, kết thúc bằng cảnh bố trí ngôi mộ Chúc Anh Đài đặt ngay chính giữa sân khấu. Cho dù sau đó linh hồn của Lương - Chúc hóa bướm bay lên để được đoàn viên thì thói thường vẫn không thể coi đó là điềm lành! Bởi vậy, bấy nhiêu năm nay, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài chưa bao giờ được đưa lên sân khấu ngày tết.

Khán thính giả của Triều kịch đa số thuộc tầng lớp bình dân, các kịch mục vì thế phải hướng tới tính phổ biến, dễ tiếp nhận, tình tiết bảo lưu tính thiện ác phân minh, mạch lạc rõ ràng, đầu cuối hô ứng… và như trên đã đề cập, phải luôn kết thúc bằng cảnh đoàn viên, có hậu.

 5. Kết luận

Triều kịch là một trong ba loại hình ca kịch còn được bảo lưu của người Hoa Triều Châu tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù Triều kịch vẫn tiếp tục đổi mới, nhưng với bản chất của dạng thức văn hóa ngoại biên, hiểu là mảnh “hóa thạch” của văn hóa Hoa Nam, nên nó tồn tại chủ yếu theo hướng bảo tồn và gìn giữ vốn cổ. Đặc tính này phổ biến ở hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống tồn tại trong điều kiện thiếu sự đồng nhất về văn hóa. Cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của cộng đồng người Việt ở Hải ngoại. Chính vì lý do đó, Triều kịch không chỉ là di sản văn hóa của Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đối với cả vùng văn hóa phát tích là Trung Quốc. Cách mạng văn hóa, Trung Quốc đã gây ra nhiều tổn thất không thể bù đắp cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong khi Triều kịch ở miền Nam Việt Nam đã sớm thoát ly khỏi bối cảnh văn hóa Trung Quốc. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, Triều kịch vẫn còn lại với thời gian. Vấn đề bảo tồn thiết nghĩ không cần đặt ra ở đây, vấn đề đặt ra là điều kiện nào để nó tiếp tục được bảo tồn trên những cấp độ, phạm vi và tính chất khác nhau?

Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các nghệ sĩ Triều kịch Đoàn Ca kịch Thống Nhất Quảng Triều, đặc biệt là nghệ sĩ Lâm Tiên Phát, nghệ sĩ ưu tú Bửu Sang, nghệ sĩ Bửu Hùng đã cung cấp cho tôi hình ảnh, những trải nghiệm quý giá về loại hình nghệ thuật này.

[1]. Lý Bình: Sự hình thành và phát triển của Triều kịch (  ) http://www2.lib.stu.edu.cn/chaojuchaoyue/index.htm

[2]. Trịnh Chí Vĩ: Khảo về âm nhạc dân gian Triều Châu ( ? ), http://www.wenhuacn.com/guoyue/article.asp?classid=57&articleid=2091

[3]. Lý Bình: Sđd.

[4]. Trần Hạnh Hy: Thể hội sự sáng tạo hình tượng vai hề trong Triều kịch (  ),http://www.gdarts.com/magazine/gd9704/yyxs1.htm

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...