Danh sách bài viết

Trọng tâm nghiên cứu của Phật giáo Nguyên Thủy

Cập nhật: 27/12/2017

Nói đến Phật giáo nguyên thủy là nói đền nền tảng căn bản của toàn bộ Phật giáo. Sự nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy được phân chia trên nhiều phương diện và có ảnh hưởng rất sâu rộng trong quá trình phát triển đại thừa Phật giáo sau này. Chính Phật giáo nguyên thủy là cha đẻ của các bộ phái Phật giáo từ quá khứ cho đến nay. Nếu nghiên cứu Phật mà không dựa trên cơ bản Phật giáo nguyên thủy, thì xem như không nắm bắt rõ tư tưởng của đạo Phật một cách chuẩn xác trọn vẹn. Tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy mang đậm nét nguyên sơ trong quá trình thực tập giáo pháp.

Như chúng ta đã biết, đức Thích Ca Mâu Ni là thủy tổ của Phật giáo, là cha đẻ của tất cả triết thuyết mà trong đó hình thành nên một hệ thống tư tưởng vững chắc để kiện toàn Phật giáo. Ngài là hiện thân của nếp sống văn hóa cũng như tư tưởng qua mọi thời đại, là kim chỉ nam để định hướng nhân loại sống trong an vui và hòa bình. Ngài là nhân vật lỗi lạc trên khung trời triết thuyết, văn hóa phương Đông và có tầm ảnh hướng lớn với toàn bộ hệ thống tư tưởng thế giới. Con đường Ngài hướng dẫn nhân loại là nền tảng của bến bờ hạnh phúc. Ngài không bao giờ thần thánh hóa bất cứ điều gì mà thường xuyên nói ra những gì thực tế, xác thực với cuộc đời để nhân loại nhận thức rõ nhằm bước đi cho đúng hướng. Phật giáo nguyên thủy là giáo thuyết căn bản nhất trong xu hướng tư tưởng đó, đồng thời là tinh túy của giáo pháp Phật đà.

Trên phương diện khảo cứu, chúng ta cần phải tìm hiểu kỉ những pháp thoại mà đức Thích Ca đã từng rao giảng trong suốt cuộc đời của Ngài, đó là Phật giáo nguyên thủy. Hệ thống tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy là khởi nguồn cảm hứng cho tất cả các trường phái Phật giáo phát triển về sau qua mọi thời đại. Nếu một ai đó cho rằng Phật giáo nguyên thủy là cổ hủ, lạc hậu , thì đó là quan điểm sai lầm vì không thấu hiểu được giá trị đích thực của nó. Mục đích cuộc sống nhân loại là an vui hạnh phúc, ngay cả hạnh phúc tuyệt đối của giác ngộ, và Phật giáo nguyên thủy đáp ứng được nguyện vọng ấy của loài người. Văn hóa phương Đông, nếu thiếu đi Phật giáo nói chung, Phật giáo nguyên thủy nói riêng, thì nó trở nên tẻ nhạt và thiếu định hướng. Do vậy, Phật giáo nguyên thủy trở nên trụ cột vững chắc cho nền văn hóa phương Đông cũng như cơ sở để thiết lập cả một cao  trào tư tưởng từ lúc ban sơ cho đến thời hiện đại.

Ngược dòng lịch sử, như chúng ta đã biết, Phật giáo không bao giờ có thái độ bạo động hay gây khổ đau cho nhân loại, mà chỉ hướng dẫn con người sống trong bất bạo động nhằm mang lại an vui hạnh phúc cho chính mình và tha nhân. Động lực thúc đẩy của Phật giáo cho mối tương quan trong hệ thống tư tưởng nhân loại là các pháp thoại cơ bản như Tứ Đế[1], Thập Nhị Nhân Duyên[2] v.v mà đức Phật đã thuyết giảng. Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên là hai đề mục hết sức quan trọng trong tư tưởng giáo học nguyên thủy. Phật giáo nguyên thủy luôn lấy đó làm cơ sở cho lý luận cũng như tu tập trong cuộc sống hằng ngày của đời sống phạm hạnh. Nếu không có hai triết thuyết ấy, thì Phật giáo nói chung, và Phật giáo nguyên thủy nói riêng không có cơ sở để hình thành hệ thống tư tưởng. Mà nếu có chăng đi nữa, thì cũng là tư tưởng rời rạc, thiếu tính hợp lý.

Trên thực tế, Phật giáo nguyên thủy luôn luôn tuân thủ những gì đức Thích Ca Mâu Ni giáo huấn và không hề xa rời mọi triết thuyết cơ bản của Phật giáo. Khi nói đến nguồn gốc lý luận của Phật giáo, chúng ta không thể bỏ qua nền tảng vững chải của giáo học nguyên thủy. Con đường dẫn tới an lạc và hạnh phúc cho chính mình và người khác không thể thiếu vắng những phương thức cơ bản ấy. Ví dụ, muốn xây dựng một ngôi nhà thì trước tiên chúng ta phải đặt nền móng vững chắc. Nếu nền móng không vững chắc, thì căn nhà ấy sẽ sụp đổ. Phật giáo nguyên thủy là nền móng vững chắc để kiến tạo nên ngôi nhà chánh pháp. Nếu không có Phật giáo nguyên thủy, ngôi nhà chánh pháp đã, đang  và  sẽ bị lung lay và một ngày nào đó sẽ tàn rụi. Do vậy, khi nghiên cứu Phật pháp, chúng ta đừng bao giờ bỏ qua việc nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy, vì như vậy sẽ mất gốc.

Bản thân Phật giáo nguyên thủy hình thành nên các hệ thống tư tưởng lý luận của Phật giáo phát triển sau này, vì thế, nó định hướng cho cả một quá trình chuyển tiếp từ thấp đến cao trên phương diện triết thuyết. Các quan điểm của Phật giáo nguyên thủy thường xuyên tuân thủ theo các pháp thoại xuất phát từ kim khẩu của đức Phật và không hề thiếu vắng cơ sở lý luận bền vững. Tuy sau này, có một số thay đổi vì trãi qua biến cố thời gian, nhưng trên phương diện tổng quát, Phật giáo nguyên thủy luôn chú trọng vào những gì đức Phật đã giảng thuyết và tuyệt đối trung thành với các quy luật mà Phật đặt ra.

Hệ thống tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy tuy được phân chia nhiều phạm trù, nhưng căn bản vẫn dựa trên ba lãnh vực sau:

1.Phật Đà Luận: Là nghiên cứu về lịch sử và nhân cách của đức Phật, thủy tổ của Phật giáo. Như chúng ta đã biết, đức Thích Ca Mâu Ni giáng sinh ở Trung Ấn, tức Nepal bây giờ. Ngài là thái tử của nước Ca Tỳ La Vệ, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Theo dòng lịch sử, ngay cả sự ra đời của Ngài cũng là một điều kỳ diệu vô vàn. Sự ra đời của Ngài làm cho nhân loại thêm hảnh diện với nền triết thuyết thâm áo mà mục đích chính yếu là đưa con người đến chân trời hạnh phúc tuyệt đối và giải thoát khổ đau.

Từ thưở ấu thời, Ngài đã luôn luôn tôn trọng sinh mạng của tất cả chúng sanh. Nhìn thấy cảnh đời sanh, già, bệnh, chết mà lòng Ngài quặn thắt nên mới quyết định xuất gia hành đạo trở thành bậc giác ngộ tối thượng sau này. Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ xuất hiện với nhiều triết thuyết tồn tại dưới mọi hình thức, tư tưởng. Ngài ra đời để xóa đi thành kiến cổ hủ, bám chấp, những điều khiến chúng sanh tranh đoạt gây tổn thương cho chính mình và tha nhân. Dù sống trong cung vàng điện ngọc, quyền cao chức trọng, nhưng Ngài luôn luôn trăn trở về nỗi khổ đau của nhân loại. Với động lực thúc đẩy của tâm từ bi, nên sau này khi lớn lên, có vợ đẹp con ngoan, tài năng xuất chúng, nhưng Ngài vẫn một mực quyết chí ra đi tìm đường giải thoát chúng sanh ra khỏi sông mê bể khổ. Trên nẽo đường đầy gian nan và thử thách, cuối cùng Ngài đã bừng tỉnh nhận ra lối thoát cho muôn loài. Sau khi giác ngộ, Ngài liền mang một bầu nhiệt huyết đi khắp đó đây để rao giảng, chỉ dẫn con đường thoát khổ. Nếu không có đức Phật, thì tuyệt nhiên không có giáo Pháp và Tăng đoàn. Từng lời vàng ngọc của Ngài đã trở nên tam tạng thánh giáo về sau mà chúng ta đang nghiên cứu học hỏi bây giờ.

Nhân cách của Ngài vang dội khắp Ấn Độ đương thời khiến nhiều nhân sĩ tri thức cũng như giới bình dân quay về quy ngưỡng. Với áo vá chân đất, Ngài đã du hóa qua nhiều ngõ nghách dưới khung trời xứ Ấn. Mỗi ngày một bữa cơm đạm bạc do tín chủ hiến cúng, Ngài lê thân khắp chốn để cống hiến cho đời vì mục đích giải thoát khổ đau cho nhân loại. Từ giới bình dân đến tri thức, Ngài tùy thuận lựa chọn mỗi pháp thoại phù hợp sao cho họ tiếp nhận và thực hành đem lại lợi ích nhất. Có lẽ quá khứ,hiện thời và mãi mãi về sau, nhân cách ấy của Ngài không bao giờ phai mờ trong tâm hồn nhân loại. Chính nhân cách ấy mở ra một trang sử bi hùng trác việt cho xã hội Ấn Độ nói riêng và toàn thế giới nói chung trên khung trời tư tưởng văn hóa mà nhân sinh cần có để sống hạnh phúc.

Suốt cuộc đời của Ngài, từ khi đản sanh cho đến nhập diệt, mọi hoạt động đều hướng về lợi ích cho tất cả chúng sanh. Ngài không bao giờ từ nan từ việc nhỏ đến việc lớn, miễn sao đó là công việc mang đến hạnh phúc an vui cho chúng sanh. Nhân cách của đức Phật là một nhân cách vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Dù thế sự thăng trầm, bể dâu biến đổi, nhân cách ấy vẫn mãi mãi tồn tại rạng ngời muôn thuở. Nếu không có nhân cách ấy, thì Phật giáo không hiện hữu trên địa cầu này để mang lại suối nguồn hạnh phúc vô bờ cho chúng sanh. Từ nhân cách ấy,  hình thành nên biết bao thánh đức siêu phàm cống hiến cho dòng đời còn lắm gian truân khổ ải, kêu gọi lòng người thức tỉnh giữa muôn trùng bi thương và truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ.

Do đó, nghiên cứu về lịch sử và nhân cách của đức Phật là nghiên cứu bản chất đích thực của cuộc đời, khơi dậy tinh thần từ bi và trí tuệ đang bị vô minh tham ái ngày đêm che khuất, đồng thời đánh thức những tâm hồn còn ngái ngủ trong dục vọng hảo huyền. Con người đau khổ không phải vì mọi hiện tượng bên ngoài quấy rối mà khổ đau vì tâm của họ còn quá nhiều vướng bận lo toan. Một khi tâm đã bình yên định tỉnh, thì khổ đau vắng mặt. Chính đức Phật cũng đã từng chịu đựng mọi khổ đau của trần thế khi còn sống trong dù giàu sang nhung lụa, nên Ngài quyết định tìm đường giải thoát cho bản thân và chứng đạt giác ngộ. Về sau, hướng dẫn chúng sanh giác ngộ như mình. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta phải nổ lực nhận rõ bản chất khổ đau để giải thoát khổ đau, không nên vương vấn gì với luân hồi sanh tử. Hơn nữa, nếu đứng trên lập trường thuần túy của giáo lý mà nhận xét, thì tất nhiên đức Phật chiếm một địa vị hết sức quan trọng. Bởi vậy, nghiên cứu về lịch sử và nhân cách của đức Phật đã trở thành nền tảng cơ bản của Phật giáo nguyên thủy.

2. Giáo Lý Luận: Là nghiên cứu những pháp thoại của đức Phật từ sau khi thành đạo cho đến lúc tịch diệt. Các kinh điển A Hàm[3] chủ yếu là biên tập các pháp thoại ấy, nên nó trở thành nền tảng cốt lõi trong việc nghiên cứu giáo lý. Có thể nói A Hàm là có sở của toàn bộ giáo lý Phật giáo. Tất cả những tinh hoa giáo pháp đều được đức Phật trình bày cặn kẻ trong hệ thống kinh điển này. Từ vũ trụ quan cho đến nhân sinh quan đều hiện rõ trong kinh A Hàm và định hướng cho quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo sau này. Các pháp thoại cần thiết cho đời sống phạm hạnh cũng như giáo hóa chúng sanh hàm chứa súc tích trong kinh này. Kinh A Hàm trình bày cả một hệ thống giáo lý mà suốt đời đức Phật từ khi giác ngộ cho đến nhập diệt được đúc kết lại trong đó.

Hầu như  toàn bộ các lời dạy của đức Phật từ sơ khởi đến kết thúc, từ thấp đến cao, đều được hệ thống trong A Hàm. Phật giáo đại thừa cũng căn cứ vào kinh này để phát triển thành hệ thống tư tưởng của họ. Bởi vậy, khi nói về A Hàm là đề cập đến cả một kho tàng tinh túy của giáo pháp, nền tảng của từ bi và trí tuệ, tinh hoa của toàn thể nhân loại. Kinh A Hàm trở nên một đặc sản vô giá qua mọi thời đại, là kim chỉ nam cho tất cả những ai muốn hướng đến đời sống an vui hạnh phúc, ngay cả hạnh phúc tuyệt đối của giải thoát giác ngộ. Chính vì vậy, vua Ba Tư Nặc đã thốt lên khi bày tỏ niềm kính tín Tam Bảo: Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa, con nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu, con nói mẹ xấu, cha con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người ngoài. Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu Pháp, không nói xấu chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng: Tôi xấuxa, thiếu đức hạnh” (Kinh Trung A Hàm).

Do đó, nghiên cứu hệ thống kinh điển A Hàm chính là học hỏi những giá trị nhân văn và thấu hiểu mọi khía cạnh của xã hội Ấn Độ đương đại, đồng thời hấp thụ tinh hoa giáo pháp nhằm đem lại lợi ích cho chính mình, gia đình và xã hội. Nhân loại nếu thiếu vắng A Hàm, thì xem như mất đi một di sản văn hóa to lớn trong trình tiến trình định hình và phát triển. Mọi biến cố xảy ra trong dòng đời, nếu lấy A Hàm làm nền tảng để thức tỉnh nhân sinh, thì không lo gì phải sợ hải, khổ đau. Thế giới muốn có hòa bình thì phải học tập theo những lời dạy đích xác trong kinh A Hàm, chứ súng đạn không bao giờ mang lại ổn định hòa bình thực sự. Đất nước muốn phát triển yên vui, nhân dân an cư lạc nghiệp, không có chiến tranh, tai ương v.v thì cũng phải tiếp cận, nghiên cứu, thực hành theo những pháp thoại mà đức Phật đã trình bày trong A Hàm. Cũng vậy, nếu mọi người muốn sống có hạnh phúc an vui thì nên thực tập giáo pháp mà nền tảng căn bản là những pháp thoại đức Phật đã trình bày trong hệ thống kinh điển A Hàm. A Hàm là tập hợp những bài học rất thiết thực và vô cùng gần gủi với mọi tầng lớp trong xã hội dù nông dân hay nhân sĩ tri thức. Một người cày ruộng, nếu biết áp dụng kinh A Hàm, dù chỉ đọc một đoạn văn trong đó, rồi thực tập theo, thì anh ta thu gặt được nhiều lợi ích.

Nói chung, A Hàm là nền tảng căn bản của toàn bộ hệ thống giáo lý Phật Đà, là căn cứ quan trọng của văn hóa phương Đông, là tinh hoa của toàn thể nhân loại. Nghiên cứu A Hàm là nghiên cứu cả một kho tàng triết thuyết từ Đông sang Tây. Toàn bộ tinh túy của tư tương thế giới hầu như đều được đức Phật đúc kết trong bốn bộ A Hàm. Nội dung của A Hàm chứa đựng mọi triết thuyết từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, từ đời sống hạnh phúc bình dị đến dời sống hạnh phúc của giải thoát tối thượng. Bốn bộ A Hàm còn à kho tàng văn học vô cùng phú và sinh động về cả thể loại lẫn nội dung tư tưởng. Vì vậy, Phật giáo nguyên thủy lấy đó làm nền tảng nghiên cứu cũng như thực tập trong đời sống hằng ngày của họ. Phật giáo nguyên thủy lấy A Hàm làm pháp tạng chính yếu cho mọi sinh hoạt từ lý luận đến thực hành trong mọi thời đại.

3. Tăng Già Luận: Còn được gọi là Giáo Hội Luận, tức nghiên cứu đến tổ chức và những quy định của Giáo Đoàn Phật giáo. Tăng Đoàn là cơ quan duy trì và phát triển mạng mạch Phật pháp, nên việc nghiên cứu Tăng Già là hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu Phật giáo. Tăng là hiện thân của một tập thể sống hòa hợp và thanh tịnh theo giáo pháp. Nếu Tăng còn, thì Phật pháp còn, Tăng mất thì Phật pháp diệt. Bởi vậy, việc nghiên cứu tổ chức Tăng Đoàn và những quy định của giáo đoàn là vấn đề sống còn của Phật giáo.

Như chúng ta đã biết, vì nhận thấy tầm quan trọng của Tăng Đoàn trong công cuộc hoằng truyền giáo thuyết của mình, nên sau pháp thoại đầu tiên, Tứ Đế, tại vườn Nai không lâu, đức Phật đã thiết lập Tăng Đoàn. Tăng Đoàn lúc ấy chỉ vỏn vẹn có năm anh em Kiều Trần Như, chứ chưa đông đảo như bây giờ. Tuy nhiên năm vị ấy đã chứng đắc quả A La Hán sau khi nghe pháp thoại Tứ Đế của đức Phật. Dần dần, trong quá trình hoằng hóa, đức Phật đã tiếp nhận nhiều người xuất gia và củng cố Tăng Đoàn vững mạnh với nhiều quy định cũng được đặt ra từ đấy. Tăng Đoàn được hình thành có nghĩa là giáo pháp có cơ hội lan truyền rộng rãi trên mọi lãnh thổ qua các thời đại. Nếu ngày xưa đức Phật không thiết lập Tăng Đoàn, thì ngày nay chúng ta không có cơ duyên tiếp xúc giáo pháp. Và những lời vàng ngọc của đức Phật có lẽ bị chôn vào dĩ vãng, không thể mang lại lợi ích cho nhân loại như hôm nay.

Hơn nữa, Tăng Đoàn là huyết mạch của Phật pháp, là đối tượng tiếp xúc trực tiếp với quần chúng để chỉ dạy con đường thoát ly sanh tử của đức Phật cho họ. Do đó, trên phương diện xã hội, Tăng là một tập thể rất thiết thực, sống trong an vui hòa hợp để hướng dẫn người khác sống như mình nhằm mang lại hạnh phúc cho bá tánh, đồng thời đại diện cho Phật để truyền thừa giáo pháp. Tăng Đoàn luôn luôn giúp đở hổ trợ lẫn nhau trong tinh thần hòa  hợp và thanh tịnh trong giới luật Phật giáo. Nếu vắng bóng hòa hợp và thanh tịnh thì không thể gọi đó là Tăng, vì sẽ gây chia rẽ mâu thuẩn sai với tôn chỉ thánh đạo. Nếu không có hòa hợp và thanh tịnh, thì nhiều ngươời tụ họp lại sẽ gây tranh cải làm rối loạn xã hội. Bởi vậy, hòa hợp và thạnh tịnh là hai yếu tố quyết định hình thành nên Tăng Đoàn. Tuy nhiên, muốn sống được như vậy để phát triển tổ chức Tăng Già thì đòi hỏi mỗi các thể phải tuân thủ chung một số nguyên tắc hợp lý, đó là giới luật mà đức Phật đã chế. Các nguyên tắc này được đức Phật quy định hoặc do quá trình sinh hoạt trong Tăng Đoàn có nảy sinh vấn đề nên được hội họp để quy ước sao cho phù hợp.

Như trên đã trình bày, Tăng Đoàn là mạng mạch của Phật pháp. Nếu thiếu Tăng Đoàn, thì Phật pháp tàn lụi. Vì thế, nghiên cứu Tăng Đoàn là nghiên cứu bộ mặt đích thực của xã hội, định hướng cho sự phát triển lành mạnh của xã hội từ hình thức lẫn nội dung. Nếu mọi người áp dụng nhân cách của Tăng Già để thể hiện, cư xử trong cộng đồng, thì xã hội trở nên yên bình an vui. Thời đại của đức Phật, đa phần chỗ nào Tăng Đoàn xuất hiện, thì nơi ấy dân chúng luôn niềm nở tiếp đón và nhận được nhiều lợi ích thiết thực. Do đó Tăng Đoàn không những là mạng mạch của Phật giáo mà còn là một tổ chức quyết định mang đến hạnh phúc cho xã hội trong thế gian này cũng như hạnh phúc giải thoát tuyệt đối. Phật giáo nguyên thủy lấy việc nghiên cứu Tăng Đoàn làm nền tảng trong quá trình phát triển tư tưởng, triết thuyết, giáo hội cũng là điều tất yếu.

Nói chung, trong đạo Phật,  nếu thiếu vắng một trong ba lãnh vực trên, Phật, Pháp, Tăng thì không thể gọi là Phật giáo, vì đó là chủ trương của đức Thích Ca Mâu Ni, thủy tổ của Phật giáo. Bởi vậy, nghiên cứu Phật giáo, dù trong thời đại nào thì ba yếu tố này hiển nhiên không thể thiếu vắng. Con đường dẫn tới giải thoát giác ngộ mà đức Phật đã vạch ra cho toàn thể nhân loại có sự tác động mạnh mẽ của ba phạm trù này. Phật giáo nói chung, Phật giáo nguyên thủy nói riêng, đều lấy đó làm kim chỉ nam để tu học và định hướng xã hội. Đặc biệt, Phật giáo nguyên thủy luôn tuân thủ trung thành với những quy định và pháp thoại mà đức Phật đã trình bày chứ không hề biến tấu theo thời đại như một số tư tưởng cấp tiến của Phật giáo phát triển (Đại thừa). Do vậy, chúng ta có thể nói rằng Phật giáo nguyên thủy là nền tảng cơ bản, là nguyên sơ của toàn thể tư tưởng giáo nghĩa Phật giáo.

 

[1]Tứ Đế: Còn gọi là Tứ Diệu Đế, hay Tứ Thánh Đế,  là bốn chân lý căn bản trong giáo lý Phật giáo mà đức Phật đã thuyết giảng. Giáo lý Tứ đế được trình bày như sau:

1)Khổ Đế:

Để thấu hiểu Khổ Đế; con người cần phải tư duy về cái khổ. Ta thường tự xem mình là một báu vật thượng hạng trong vũ trụ và thường tự đối đãi còn quý giá hơn cả đối với Đức Phật. Tuy nhiên, loại chấp trước này, chẳng hề đưa đến bến bờ cứu cánh an lạc. Bởi vì từ vô thỉ đến nay, ta đã lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử với vô lượng vô biên lụy kiếp. Từ thuở ấu thời đến nay, ta đã trải qua biết bao thăng trầm, chao đảo và hoang mang. Cuộc đời ta lại bị vây quanh bởi nhiều vấn nạn, nhiều khổ đau, lắm lụy phiền và vô vàn thất bại. Cuối cùng rồi cuộc đời sẽ được kết thúc bằng cái chết và ta cũng không biết chắc là nó sẽ đưa ta đi về đâu nữa. Ta hãy thẩm định một cách chân xác rằng vả chăng có một con đường nào đó có thể giúp ta thoát khỏi sự hiện hữu bất như ý này. Nếu cuộc đời in truyền như được khởi phát theo một thể thức độc lập với mọi nhân duyên, và được kết thúc bằng một thể thức không còn có bất cứ sự tiếp nối liên lỉ nào thì quả là vô phương để vượt thoát. Và nếu quả đúng như vậy, thì ta cũng nên sống theo chủ thuyết khoái lạc. Tuy nhiên, ai cũng đều biết rằng khổ đau là một sự thể mà ta thật sự chẳng muốn mong tìm và rằng giải thoát là điều rất đáng truy cầu nếu như có thể đạt được sự giải thoát toàn triệt ngay từ trong khổ đau.

Thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp đã trói buộc chúng ta trong vòng luân hồi sinh tử và khổ đau. Như chúng ta vẫn biết, dù trong một sát na (chớp nhoáng) mình cũng có thể tích tập được cả tam nghiệp và chính cái sát na (chớp nhoáng) ấy đã xô đẩy ta xuống cảnh giới thấp hơn. Sự trói buộc đã phát khởi từ một tâm thức chưa được điều phục do chính vì vô minh và vì sự lầm tưởng về tự ngã của ta gây ra. Khái niệm tự nhiên về một loại bản ngã độc lập tách riêng ra sẽ thôi thúc ta đắm chìm theo đủ loại ác nghiệp mà kết quả đưa đến là đau thương khổ lụy. Thái độ duy ngã này đã làm chủ chúng ta từ lâu mà chúng ta thì cứ mãi mãi vâng theo mệnh lệnh của ông chủ sai sử. Thế nên, ta cần tri nhận được rằng mình sẽ chẳng thu hoạch được lợi ích lợi nào khi đeo đuổi theo lời chỉ bảo ấy cả. Và ngày nào còn ôm giữ thái độ như vậy, ngày đó vẫn chưa thể có được cơ hội tìm được niềm an lạc hạnh phúc đích thực.

Trong tình huống nguy cấp như vậy, chúng ta hãy thẩm xét thử xem vả chăng mình có thể khắc phục được các phiền não này. Kinh nghiệm lần đầu tiên được sinh ra quả là một kinh nghiệm đau đớn cho cả mẹ cùng con. Vừa được sinh ra, phiền não có một bản năng tự nhiên bám chặt lấy thân xác và tâm tư ta, để rồi cản trở tâm thức khiến ta không sao trực tiếp hướng đến Phật pháp để tu hành được. Chính thân thể ta là nơi trở nên các nhân tố dấy phát phiền não. Ví dụ như: khi bị bệnh hoạn, thân thể suy nhược thì ta sân tức; đến khi được khỏe mạnh thì ta liền sanh tâm ái chấp. Sự sống tất nhiên được tiếp nối từ cái chết và chết lại được nối tiếp bởi một cuộc chuyển sanh khác. Nếu điều này vẫn còn chưa đủ, thì sự chuyển sinh chính nó được xem như là một nền tảng cơ bản cho nhiều khổ đau ách nạn khác nữa. Bởi vì chính sự chuyển sinh này đã cung ứng hoàn cảnh cho nhiều phiền não khác tiếp theo để rồi lại thêm lần nữa khởi duyên cho ác nghiệp và đưa dẫn đến các ác báo.

Thân người mà ta gìn giữ như một bảo vật đã đến từ các vật thể nhơ nhớp. Thân xác chúng ta được cấu tạo từ một tổng hợp tinh dịch của song thân là tinh cha trứng mẹ. Chúng ta sẽ tránh né nếu thấy quần áo bị dính máu và tinh dịch hoặc nếu có giọt nào bị rơi rãi xuống đất. Song le, ta vẫn tiếp tục sùng bái chính tự thân mình; tìm cách dùng quần áo tốt đẹp để che đậy thân mình, dùng hương thơm để che đậy mùi hôi của mình. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên chúng ta cũng được sinh ra từ các dịch chất tương tự. Truy nguyên nguồn gốc, ta sẽ nhận thấy rằng thân xác là sản phẩm sau cùng của mọi chất lượng bất tịnh kể trên. Tiến thêm một bước nữa, ta có thể thấy được thân xác như một chiếc máy sản xuất ra phân và nước tiểu. Quả thật đáng thương khi nhìn thấy những con trùng, một đầu ăn nuốt bùn đất và một đầu kia dùng để bài tiết. Không có gì đáng để nâng niu trân quí một thân thể bất tịnh như thế cả.

Thêm vào đó, con người lại còn có khả năng đe dọa mọi sự sống còn của quả địa cầu. Những người như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông vì tâm chưa được điều phục nên không những họ chỉ tích tập vô số nghiệp ác mà còn gây ảnh hưởng đến biết bao sinh linh, tạo nên vô số âu sầu, thống khổ và bi thương dày vò.

Kế đến là cái khổ bởi sự suy lão-lão khổ. Tuổi già theo năm tháng chồng chất dần dần; nên ta không tài nào có thể kham nhẫn nổi. Khi tuổi già bóng xế, ta sẽ mất đi sự linh hoạt của thời son trẻ và cũng chẳng tiêu hóa nổi những thực phẩm mà trước kia ta một thời ham thích. Tên của những ai và những đồ vật gì mà trước kia ta nhớ rất rõ ràng, thì nay vì tuổi già ta không tài nào nhớ nổi. Dần dần, răng rụng, tóc rời, mắt nhòa, tai lãng. Cuối cùng rồi ta sẽ phải đến hồi tàn tạ và mọi người bắt đầu muốn từ bỏ trốn chạy dù chỉ thoáng thấy bóng dáng của ta. Khi đến thời kỳ phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của tha nhân thì mọi người sẽ tránh né gặp bạn.

Kế tiếp là bệnh khổ. Thân thì bệnh hoạn, tâm thì gia tăng xao xuyến bất an nên bạn sẽ bị bệnh tật dày vò ngày đêm bất tận. Bệnh tật cũng gây trở ngại làm bạn không thể ăn những món gì mà mình ưa thích, làm những việc gì mà mình muốn làm. Và bạn buộc lòng phải uống những thứ thuốc có những mùi vị mà bạn ghê tởm

Kế đến là tử khổ. Bạn sẽ bỏ lại tất cả tài sản quí giá của mình, xa lìa chính những người thân thương và ngay cả xác thân đã gắn bó đeo đuổi bạn suốt đời, bạn cũng sẽ phải xa lìa nó. Đau khổ của tử vong quả tình đã quá rõ ràng đối với chúng ta nên không cần thiết để giải thích nhiều hơn nữa.

Sau cùng là oán tắng hội khổ, ví dụ như phải gặp gỡ những kẻ thù ghét. Ngay trong hiện đời đạ có rất nhiều loại kinh nghiệm về sự bất toại ý. Nhân dân Tây Tạng chúng tôi mất đi tự do; đó là cái khổ oán tắng hội đấy. Ngay cả nhân dân của một đại siêu cường như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ vẫn bị đủ thứ phiền toái đó vậy. Đôi khi họ đã bị nuông chìu hư hỏng vì sinh trưởng trong một môi trường vật chất sung mãn như vậy. Do vì sự kiềm tỏa bởi những đua tranh quá độ nên họ đã sống trong nỗi phập phồng âu lo hơn người khác. Tranh đua đến một mức độ nào đó thì tốt đẹp; nhưng nếu tranh đua quá mức kiềm chế như từng xảy ra tại Mỹ quốc thì sẽ đưa đến đố kỵ ganh ghét và bất mãn cực độ. Tại những quốc gia phát triển nhiều về vật chất, đôi khi người ta còn liệng bỏ thực phẩm vào lòng đại dương. Nhưng bên kia bờ của địa cầu là những quốc gia Phi Châu với hàng triệu triệu người đói khát. Quả thật khó khăn để có thể tìm được bất cứ người nào khả dĩ hoàn toàn vừa lòng mãn ý.

Kế đến là ái biệt ly khổ. Ví dụ: nhân dân Tây Tạng chúng tôi đã bị mất nước lại còn chịu cảnh tang tóc chia ly với những người thân thương yêu quí. Cầu bất toại ý cũng là một loại đau khổ. Chẳng hạn như cầy cấy bị thất mùa hoặc khởi sự một thương vụ bị thất bại v.v…

Một khía cạnh khác về khổ đau là phải mục kích cái khổ của sự bất định[8]. Trải qua nhiều lần chuyển sanh tái thế hoặc đôi khi chỉ trong một kiếp của vòng luân hồi này, mọi sự vật đều thay đổi. Cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta trở thành thù nghịch và kẻ thù địch lại trở thành bằng hữu, hoặc cha mẹ ra sẽ chuyển sinh trở lại làm con cái của chính chúng ta. Không có gì cố định chắc chắn cả.

Ngài Tsong Kha Pa dạy rằng: ta hãy nỗ lực ngăn ngừa mọi hình thức nghiêng ngả thiên vị về mặt tình cảm đối với tha nhân, do dựa vào sự kỳ thị hoặc sự sắp hạng rằng đây là thù, đây là bạn, đây là thân bằng quyến thuộc. Hãy tư duy về bất định của cả đời ta ngay trong vòng tuần hoàn này và hãy tìm cách phát khởi một vài ý niệm chán ghét gờm tởm[9] đối với luân hồi[10]. Còn có một nỗi khổ nhục khác, đó là khổ vì không biết thỏa mãn[11]. Nếu thật sự chiêm nghiệm đến tổng số thực phẩm mà mình đã từng ăn uống cả cuộc đời này, thì ta sẽ cảm thấy chán ngán và kinh ngạc rằng ăn như thế mục đích là để được gì? Đấy là trường hợp của hiện đời này, vậy còn bao nhiêu đời kiếp quá khứ nếu ta thử chiêm nghiệm, ta sẽ ngĩ sao về những kiếp ấy? Chẳng hạn, tất cả số sữa của mẹ mà ta đã uống từ thuở ấu thời đến nay? Quả là đã vượt quá xa tầm trí tưởng tượng của ta! Bạn hãy quán chiếu đến mọi trạng huống phồn vinh cũng như đau khổ trong vòng tuần hoàn luân chuyển liên tục này và hãy nghĩ xem phải chăng chưa có kinh nghiệm nào mà bạn chưa từng trải qua. Để đạt được một hình thức thỏa mãn tâm linh, ta cố công hưởng thụ; song mọi hoan lạc và hạnh phúc của sự luân hồi đều in như một cảm giác không bao giờ thỏa mãn, nó chỉ như bất tận dù ta có tìm cầu thế mấy để hưởng thụ chúng. Ta phải tư duy rằng không biết thỏa mãn, chính tự nó là một nỗi khổ đau to lớn. Ta đã từng nếm trải vô lượng vô biên kinh nghiệm và thăng trầm trong luân hồi. Tư duy đến sự vô cớ của các kinh nghiệm như vậy, bạn hãy xác định rõ ràng nếu bạn không bắt đầu đình chỉ những tuần hoàn ác tính này ngay tức khắc thì mọi tiếp tục dấn bước đều không có ý nghĩa chi cả. Vì vậy, ta hãy bắt đầu phát triển một nỗi niềm chán ghét sâu xa đối với toàn thể quá trình những kinh nghiệm có được ngay chính trong vòng luân hồi này.

Có một nỗi khổ vì phải tiếp tục và tiếp tục xả bỏ thân xác. Cho đến nay ta đã trải qua biết bao lụy kiếp và khoác vào biết bao hình hài, nhưng ta vẫn mãi hoài công để làm cho kiếp sống và xác thân được đượm nhiều ý nghĩa. Ta đã không thành đạt được điều gì cả khi chỉ đơn thuần khoác vào mình vô số đếm kể các thân xác hình hài.

Ta lại trải qua biết bao lần thọ thai tái diễn và tái diễn mãi. Đức Phật dạy rằng: nếu ta nhặt đá cuội, dùng để đếm số các bà mẹ của chúng ta, mỗi viên tượng trưng cho một người mẹ thì sự điểm số này sẽ không cùng tận. Khi nghĩ đến tất cả những phồn vinh trong luân hồi đều kết thúc một cách bất hạnh và trục trặc, như pháp ngữ đã nói: “Sự cáo chung của hội tụ là tan tác; của đỉnh cao danh vọng là suy thoái; của gặp gỡ là phân ly; của sự sống là nghìn thu vĩnh biệt.” Tóm lại, mọi kinh nghiệm, mọi hỷ lạc, mọi hạnh phúc trong luân hồi đều tận cùng trong khổ sầu bất hạnh, cho dù bề ngoài dường như sung thịnh và vĩ đại thế mấy đi nữa thì cũng thế thôi.

Loại khổ thứ hai được gọi là Hoại khổ vì mọi sung sướng hạnh phúc của thế gian đều chung cuộc rồi cũng biến thành đau khổ, như thế gọi là Hoại khổ. Hoại khổ đã bị ngộ nhận như là một kinh nghiệm của vui sướng. Ví dụ như: nếu bạn đang lên cơn sốt hoặc đang bị nóng bức, và nếu có nước lạnh để dội xối lên thân, bạn sẽ cảm nhận được một vài cảm giác dễ chịu thoải mái. Và chúng ta xem đây là một loại hạnh phúc. Hoặc giả, sau một cuộc tản bộ dài dẳng, bạn lại có được cơ hội ngồi nghỉ, giây phút nghỉ chân ấy quả thật dường như tuyệt vời hạnh phúc. Nhưng đây không phải là một kinh nghiệm chân thật hạnh phúc; những gì bạn đang thật sự cảm nhận chỉ là sự ngưng triệt dần dà của nỗi khổ trước kia mà thôi. Nếu được ngồi nghỉ là niềm thỏa thích chân chính thì được tiếp tục ngồi mãi chắc chắn phải tạo được những cảm thọ vui thích giống như vậy. Song le, bạn lại cảm thấy mỏi mệt và muốn đứng dậy trở lại nếu được tiếp tục ngồi lâu thêm nữa.

Loại khổ thứ ba là Hành khổ, có nghĩa rằng thân tâm của chúng ta bị khống chế bởi quá nhiều điều kiện gần như có thể kham chịu nổi mọi đau khổ trong bất cứ thời khắc nào. Cả ba loại khổ này có thể được miêu tả như sau. Nếu bạn bị phỏng thương, khi bôi thuốc dán lên sẽ gây cho bạn một vài cảm giác được chữa trị và thoải mái dễ chịu. Đây giống như trường hợp của Hoại khổ, bởi vì tuy được nhất thời thoải mái nhưng sự vui sướng dễ chịu chẳng thể kéo dài đươc. Nếu có người vô ý đụng phải hoặc bị nước sôi dội nhằm vết thương thì bạn sẽ thật sự cảm nhận được sự đau buốt tái tê. Đó là cái khổ rõ ràng hiển nhiên, là Khổ Khổ. Cái có thể gây cho hai cái ban đầu. Nếu chúng ta chẳng hề bị phỏng, thì chúng ta cũng sẽ chẳng có những kinh nghiệm tiếp nối sau đó. Vết đau phỏng đã đóng góp điều kiện cho cái khổ khác in tuyền như là sự sở hữu thân mạnh và tâm thức của chúng ta đã có khuynh hướng đặt định cho chúng ta cái khổ kế tiếp rồi. Và đặc tính của thân xác tự nó đã đóng góp điều kiện nhân duyên để bị phỏng rát. Và nó đã được đặt định trước để sẵn sàng nhận chịu các loại khổ đau ách nạn. Đây chính là Hành Khổ.

Ta nên tri hiểu một cách rõ ràng về các loại khổ đau như sự khổ đau của các loài súc sanh, của các loài quỷ đói và của các chúng sanh ở địa ngục; tất cả đều có thể xảy ra ngay chính trong loài người. Sau khi Trung cộng bắt đầu chiếm đóng, nhiều người đã chết vì đói ở Tây Tạng. Có lúc nhân dân Tây Tạng gần như phải ăn lá cây, côn trùng và giun dế. Những trường hợp như vậy rất tương tự như các loài quỷ đói. Tại Phi Châu cũng xảy ra những khổ đau như vậy, thì hiện có hàng triệu người đang chết vì đói. Ở những quốc gia có chiến tranh, con người phải chịu lầm than khổ sở như ở cõi địa ngục, vì các ảnh hưởng dị biệt chính trị. Khi Stalin lên nắm quyền, ông đã áp dụng phương thức chuyên chế bạo ngược và vô nhân đạo để cai trị Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết. Theo tài liệu, dưới ách thống trị của Stalin đã có đến 14 triệu năm trăm ngàn người bỏ mạng trước thế chiến thứ hai. Rất nhiều người trong số họ, những nông dân Nga Sô đã chết vì đói, và vì bị tra tấn hành hạ. Những đảng viên Cộng sản thì lại được thừa hưởng một đời sống sung mãn và thức ăn cao lương mỹ vị. Họ phải có cảnh binh bảo vệ khi ăn trưa vì lo sợ bị các nông dân nổi loạn và cướp giựt thực phẩm.

Ngay cả chư thiên cũng phải khổ. Họ có thể thấy biết trước khi chết nên họ rất khổ sở về tinh thần. Kinh dạy rằng các tràng hoa của họ sẽ tàn úa; áo quần và cơ thể của họ cũng bắt đầu nặng mùi hôi thối. Họ đã làm suy cạn toàn triệt tiềm năng của thiện nghiệp sau khi tận hưởng hết mọi dục lạc cõi trời. Vì thế, họ sẽ rơi thẳng xuống cảnh giới thấp hơn khi chết. Ngài Tsong Kha Pa dạy: do vì suy nghiệm đến toàn thể các nỗi khổ đau của sự luân hồi nói chung, và các khổ đau riêng biệt trong từng cảnh giới mà ta hãy phát khởi tâm cảm chán ghét sâu xa về mọi kinh nghiệm còn hạn cuộc trong vòng luân hồi, và hãy phát khởi một cách dõng mãnh tâm xuất ly thoát tục. Để rồi, ta sẽ thật sự bắt đầu chính thức điều nghiên thử xem những nguyên nhân nào đã đưa dẫn đến biết bao bất hạnh ê chề như vậy. Vì thế, câu hỏi của Đệ Nhị Đế-chân lý thứ hai, sự thật về nguồn gốc của khổ đau sẽ nối tiếp theo sau.

2)Tập Đế

Phiền não là nguyên nhân chủ yếu của sự chuyển sanh trong luân hồi. Không có phiền não, nghiệp sẽ giống như hạt giống đã bị thiêu hủy và sẽ không đủ năng lực để gây nên một sự sanh chuyện tương tục. Truy tìm các phương thuốc để giải trừ phiền não quả thật hết sức quan trọng; và điều này còn tùy thuộc vào bạn, đó là bạn đã tri nhận được phiền não một cách chân xác chưa? Do đó, chúng ta cần phải được thông suốt rõ ràng về các đặc tính thông thường và các đặc tính cá biệt của phiền não. Như ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất đã nói, hãy điều phục những kẻ thù trong tự thân nội tại, ấy chính là phiền não. Kẻ địch ngoại tại có thể được xem như rất hung độc nhưng lại có thể trở thành bằng hữu của ta trong đời vị lai. Ngay trong hiện kiếp, họ đã cung ứng cho ta cơ hội để tu hạnh nhẫn nhục và từ bi, bởi vì trên cơ bản, tất cả chúng ta đều giống nhau; chúng ta đều ham vui tránh khổ. Nhưng kẻ thù phiền não nội tại chẳng có một chút ưu điểm nào cả, nó chỉ đả phá và hủy diệt thôi. Chúng ta vì vậy cần phải nhận định rõ ràng kẻ thù, nhìn xem cách nó vấn tác ra sao? Bất cứ trạng thái tâm lý nào diệt phá sự an tĩnh của tâm hồn, và mang đến lụy phiền cho tâm linh, gây nên sầu não buồn đau dày vò tâm thức đều được gọi là phiền não.

Chúng ta hãy nhận định một vài phiền não chủ yếu. Đầu tiên là sự tham chấp, đó chính là niềm khát vọng mãnh liệt đối với người, hoặc đối với vật đẹp, hoặc đối với những kinh nghiệm vui sướng.Tham dục giống như đem tâm bạn buộc vào đối tượng ngoại vật, rất khó trừ khử. Một loại phiền não khác, đó là sự sân hận. Khi con người giận dữ; ngay tức khắc chúng ta có thể trông thấy họ bị mất bình tĩnh, mặt mũi đỏ ngầu, biến nhăn ngay cả cặp mắt họ cũng đỏ luôn. Đối tượng của sự căm phẫn, dù là náo nhiệt sinh động hay vô tri vô giác đều là những gì xem như không đáng say mê và nên từ khước. Phẫn nộ là trạng thái nội tâm chưa được điều phục, rất thô bạo và không bình hòa. Một loại phiền não khác-sự kiêu mạn-đó là trạng thái tâm linh mà con người tự khoe khoang cao ngạo với địa vị, giai cấp, học thức của chính mình do dựa vào thái độ xem tự ngã như trung tâm điểm; cho dù là mình có thành tựu được điều gì hay không, mình vẫn cảm thấy dương dương tự đắc. Kẻ nào mang tính cao ngạo chất ngất sẽ rất tự phụ và tỏ ra rất ta đây. Kế đến là vô minh, tức là sự nhận định lầm lạc về Tứ Diệu Đế về luật nghiệp báo v.v…Vô minh được trình bày trong riêng phần thảo luận này, đó là muốn đề cập đến một yếu tố tâm lý hoàn toàn lầm lạc, mờ ám về bản chất của Tam Bảo và pháp tắc của nghiệp. Còn phiền não của sự hoài nghi là những tư tưởng chập chờn lưỡng lự không biết chắc có Tứ Diệu Đế hoặc luật tắc của nghiệp báo hay không.

Một loại phiền não khác nữa, đó là những loại tà kiến, là sự ngộ nhận vội vàng về bản chất của thực tại. Loại đầu tiên trong những loại tà kiến này là trạng thái tâm lý chuyên chú vào tự ngã và lầm tưởng rằng bản ngã tồn tại chân thật, hoặc có một thực chất-tưởng tượng cho rằng ngay chính trong thân xác và tâm thức tạm bợ vô thường của chúng ta có một loại bản ngã trường cửu, tự do độc lập. Những loại tà kiến khác là những loại tà kiến chủ trương không có đời sống sau cõi chết, không có tác nghiệp và cũng chẳng có Tam Bảo. Dựa trên kiến giải sai lầm về tự ngã, có những phiền não khác trổi dậy. Ví dụ: nếu trời nhá nhem tối và nếu có cuộn dây thừng thì có thể bạn sẽ ngộ nhận sợi dây là con rắn. Để rồi ý tưởng nhận lầm sợi dây là con rắn sẽ xúc tác và sẽ đưa dẫn đến đủ loại phản ứng trong tâm thức như sợ hãi; và sẽ đưa dẫn đến đủ loại hành động, chẳng hạn như chạy ra khỏi nhà hoặc tìm cách giết rắn…tất cả đều dựa căn bản trên một ngộ nhận thuần túy đơn giản. Cùng thế ấy, ta lầm lạc tin tưởng rằng cả thân và tâm của ta đều sở hữu một hình thái bản ngã nào đó. Và kết quả là đủ thứ phiền não sẽ nối tiếp theo sau như dục cầu và sân hận. Bởi vì thái độ xem tự ngã như trung tâm điểm và quan niệm sai lầm về bản ngã của tự thân này mà ta kỳ thị phân biệt mình và người. Để rồi căn cứ theo phương cách tha nhân đối xử với ta; ta sẽ xem một đôi người ưu ái thân cận, và chấp luyến với họ; còn một vài người khác thì xa cách và liệt kê họ như kẻ thù nghịch. Thế là chúng ta phẫn nộ sân hận và vì trọn vẹn đặt chú tâm vào tự thân nên ta trở nên kiêu căng tự đắc và tự quan trọng hóa mình. Sau đó, nếu sự chấp chặt của quan niệm sai lầm về bản ngã đã quá mãnh liệt thì ta sẽ bắt đầu đặt nghi vấn rằng là vả chăng giáo pháp dạy về vô ngã của chư Phật có đáng để được tin cậy? Vì thế, ta khởi sự hoài nghi về luật tắc nghiệp báo, về Tứ Thánh Đế, về Tam Bảo. Những tà kiến trên đây sẽ đưa dẫn đến hoài nghi. Phàm tất cả đều khởi phát từ một niềm tin sai lạc về một bản ngã thật có của tự thân.

Khi phiền não phát khởi trong bạn, nó sẽ quấy nhiều sự tĩnh lặng bình hòa của tâm thức bạn,và nó cũng đồng thời mù khuất sự phán đoán của bạn về tha nhân. Nó sẽ để lại một tỳ vết rất sâu đậm, không những hại mình, mà còn hại cả người khác nữa. Ví dụ như: nếu vì quá giận dữ mà sinh ra ẩu đả thì bạn sẽ gây ra phiền toái cho hàng xóm. Sự phẫn nộ sẽ làm tiêu hao công đức và làm cho bạn mất hết tài sản và bạn bè. Khi người nào bị kềm kẹp bởi ảnh hưởng của sự thịnh nộ, thì kẻ đó thật sự đánh mất phẩm cách của một con người. Nhân loại chúng ta được trang bị bằng một khối óc hết sức phức tạp, và chúng ta có năng lực phán xét đúng sai cũng như có năng lực đo lường tình huống phải trái của vấn đề. So với các loài hữu ích khác, ta có một phẩm vật thiên phú độc đáo; tuy nhiên ta lại đánh mất cái khả năng ấy khi ta đang bị đè nặng dưới sức ảnh hưởng mãnh liệt của phiền não. Cho dù ta có thể quyết chí làm một điều nào đó, nhưng ta đã đánh mất năng lực phán đoán. Điều phục tâm thức là công tác trọng yếu nhất trong cuộc đời của một con người.

3)Diệt Đế

Như ngài Tsong Kha Pa đã dạy: tất cả các cảnh giới luân hồi mà ta có thể chuyển sanh đến, từ điểm tồn tại cực cao xuống đến cảnh giới thấp nhất của địa ngục đều mang tính chất khổ đau. Những khổ đau này không phải do vô cớ, và cũng đã không được tạo ra bởi một đấng Thượng Đế toàn năng nào cả. Chúng là sản phẩm của những phiền não và hành nghiệp của chính chúng ta do trạng thái tâm linh chưa được điều phục thúc đẩy mà tạo thành. Nguyên nhân cội rễ của mọi khổ đau là vô minh, và do vô minh nên đã có một kiến giải sai lầm về bản chất của vạn pháp, và đã xem bản thân tự ngã như là một thực thể tồn tại độc lập. Sự vô minh này khiến chúng ta phóng đại tình trạng của vạn pháp, và đã gây tạo nên sự phân biệt giữa ta và tha nhân. Những điều ấy sẽ mang đến các kinh nghiệm của sự ham muốn, của sự sân hận…và kết quả đưa đến là đủ loại hành vi tiêu cực. Chúng cũng sản sinh ra tất cả những khổ đau ngoài ý muốn cho chúng ta. Nếu không muốn khổ thì ta thử nhận định xem, sự diệt khổ có khả thi chăng? Nếu vô minh đã khiến ta vọng chấp bản ngã là một ý thức sai lầm thì vẫn có thể tránh được bằng cách sửa đổi sự sai lầm ấy. Có thể đạt được điều này bằng cách khởi phát ngay chính trong nội tâm chúng ta một loại trí huệ có thể thấu triệt được sức đối lập trực tiêp của tâm thức, đó là một loại tuệ giác có thể thấu triệt được rằng không hề có một bản ngã nội tại thật sự hiện hữu; và hai là một trạng thái tâm thức trực nhận được sự vắng mặt của một loại bản ngã như vậy-thì sự chấp chặt vào bản ngã theo như sự lý giải lúc đầu rất chắc chắn và vững mạnh. Tuy nhiên, vì đó là một cách thuận lý. Còn có một hình thái nội tâm khác nữa, đó là sự thấu triệt vô ngã, dường như rất yếu ớt vào gia kỳ đầu tiên nhưng nó lại rất thuận lý. Sớm muộn gì thì tuệ giác có khả năng lý giải được vô ngã cũng chiếm thế thượng phong. Ở vào giai kỳ tiên khởi, chân lý có thể không được rõ ràng cho lắm nhưng khi ta tiến gần đến chân lý hơn, thì chân lý càng dần dà trở thành tự chứng. Những gì sai quấy ở giai đoạn tiên khởi tựa hồ rất linh hoạt và vững chắc; nhưng kết cuộc khi ta thẩm xét càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì nó trở nên mỏng manh cạn cợt hơn để cuối cùng đưa dẫn đến tan rã.

Phiền não khác với tâm thức, nó không phải là một phần của bản tánh chủ yếu của nội tâm. Ví dụ như: có người tánh nết rất nóng nảy nhưng cũng có lúc tâm bình khí hòa. Một người có tánh tình rất nóng nảy chưa hẳn là ý sẽ trường kỳ sân giận. Vì thế, khi những trạng thái tâm thức phiền não như sân hận và dục vọng trỗi dậy trong ta, chúng rất dữ dội và mạnh mẽ. Nhưng, nếu ta ý thức được thì không bao giờ có trường hợp là các trạng thái tâm thức này tiếp tục hiện diện. Một sự thật khác nữa là, ta không thể có hai trạng thái tâm lý đối lập đồng lúc đối với một vật thể; giống như đối với người nào đó ta không thể vừa có lòng hận thù sâu xa, vừa có lòng bi mẫn nồng nàn được.

Có rất nhiều trạng huống khác nhau ngay chính trong tâm tư chúng ta; có những trạng huống vô cùng vi tế nhỏ nhiệm, có một số tiêu cựu và một số tích cực. Chính ngay trong chánh trái lưỡng cực đó mà ta phát hiện rất rõ ràng là càng nâng cao và gia tăng sự quen thuộc đối với bên này thì sự chấp chặt vào mặt bên kia càng trở nên yếu ớt đi. Do vậy, những ô nhiễm và phiền não ngay chính trong tâm chúng ta đều có thể trừ khử được. Kinh nghiệm của chúng ta chứng minh rằng có một số người thật sự rất nóng tánh và dễ bị khích động lúc trẻ tuổi, nhưng đã trở nên rất ôn hòa về sau. Điều này chứng tỏ khi tâm tánh chúng ta quen thuộc với tình thương và lòng bi mẫn rộng lớn bất tận, thì sức mạnh của sự phẫn nộ sẽ dần dần giảm thiểu.

4)Đạo Đế

Như chúng ta đã thấy và hiểu rằng tất cả mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều vốn có đủ bản chất khổ đau, do vậy chúng ta nên phát nguyện một cách chân thành để cầu được giải thoát. Do nguyện lực thúc đẩy, chúng ta phải tiến vào con đường tam học: Giới, Định, Huệ. Trong tam học, thuốc giải có thể tiêu trừ độc phiền não là trí huệ hiểu biết về vô ngã. Hướng đến mục đích đó, đầu tiên phải cần lấy tâm linh ổn định, chuyên chú làm nền tảng; mà tâm linh chuyên chú có được do nhờ dựa vào sự trì giới thanh tịnh. Vì thế, chúng ta cũng cần phải trì giới thanh tịnh. Ở giai đoạn sơ khởi, ưu tiên hàng đầu cần phải làm, đó là việc trì giới, vì trì giới là việc vô cùng cần thiết cấp bách.

Ngài Tsong Kha Pa dạy rằng, chánh niệm là nền tảng cho toàn thể giáo pháp của Phật. Để trì giới thanh tịnh, năng lực chánh tri (hiểu biết chân chính) và niệm trú (an trú trong chánh niệm) là điều cần phải có. Đối với nam chúng và nữ chúng tại gia, sự trì giới thanh tịnh để tiết chế tránh phạm vào thập ác nghiệp là nền tảng của sự tu hành nhằm hướng đến con đường giác ngộ giải thoát. Nếu chúng ta không suy xét những điều cần thiết, thực tiễn, như trì giới mà chỉ tìm kiếm các phương thức tu hành phức tạp thì sự tu hành của chúng ta chỉ đơn thuần giả dối chứ không thật sự nghiêm cẩn chân chính. Tu tập tam học, chúng ta nên truy cầu một sự thành tựu giải thoát, không những cho chính mình mà còn đồng thời cho khắp muôn loài.

Kinh sách dạy, thân người là hình thức tốt nhất để tu hành Phật pháp và để nỗ lực chấm dứt luân hồi. Ngay với thân người, cuộc đời của những cư sĩ tại gia cũng thường bị vướng bận vào đủ loại vấn nạn, đủ loại phiền toái. Vì vậy các sinh hoạt thế tục mà họ bị vướng bận vào thường không giúp ích gì hiều cho sự tu tập hành trì của họ. Còn cuộc đời của chư vị tăng ni thì thường được xem như đã giúp cho sự tu hành được vô cùng dễ dàng để chấm dứt luân hồi. Ngài Tsong Kha Pa dạy rằng: Nếu bạn đã là một tăng sĩ hay một nữ tu rồi thì chí nguyện dấn thân vào đời sống xuất gia sẽ được kiên định hơn khi tư duy đến các khuyết điểm và các bất tiện của đời sống tại gia, cùng các ưu điểm và sự thuận lợi của đời sống xuất gia. Lối tư duy như vậy, sẽ lưu vào tận cùng tâm khảm của bạn những dấu ấn sâu đậm của thiện nghiệp để rồi một ngày nào đó sẽ biến thành những cơ duyên đưa dẫn bạn hướng đến cuộc sống cắt lìa thân cho dù hiện nay bạn vẫn chưa dứt khoát lựa chọn con đường xuất gia này. Trong cuộc sống thế tục, nếu quá giàu có sung mãn thì đời bạn sẽ ngập tràn bởi nhiều vấn nạn và âu lo để bảo toàn sản nghiệp; nếu nghèo khó thì cuộc đời bạn sẽ chỉ toàn là bươi chải nhằm tìm kế sinh nhai. Có nhiều của cải vật chất và vẫn không tri túc (biết đủ); đây không phải là thể thức sống của một tăng nhân hay một ni sư. Tăng và ni không nên dính líu đến các thương vụ buôn bán trừ phi bị sa vào vòng nợ nần. Làm thương mãi và dấn thân quá nhiều vào công cuộc quyên góp tài chánh khi bạn đã có đầy đủ lương thực dự phòng rồi cần phải thật sự xả bỏ. Nếu bạn không có lối sống tu hành với lòng khiêm cung và tâm tình biết đủ thì quả thật chẳng có chi sai khác giữa người tại gia và người xuất gia, ngoại trừ đó chỉ là một dáng vẻ bề ngoài với sự khác biệt của áo quần.

Có một vị tăng nhân đến từ Cam Đan Tự (Gandenmonastery), ngài là một vị thiền sư tu hành rất nghiêm túc. Ngài đã lập nguyện là không bao giờ sống dưới một mái nhà, và ngài đã tu hành như thế từ rất nhiều năm qua. Ngài nói với tôi rằng có một ngày nọ khi ngài đang tịnh tọa thì một con rắn đã bò ngang mặt ngài và nhìn chăm chú vào ngài. Vị thiền sư đã nhìn trở lại con rắn và bắt đầu nói một ít pháp ngữ với nó. Tôi cảm thấy khá thích thú vì dường như là vị thiền sư đang truyền pháp cho rắn. Ngài nói với tôi, rắn nhìn ông một hồi lâu rồi từ từ bò đi một cách êm ả.

Tánh cách quan trọng của giới luật đã được Đức Phật đích thân nhấn mạnh và khai thị. Khi Đức Phật đang nhập Niết Bàn, ngài đã được vấn hỏi: ai sẽ thừa kế ngài và Ngài đã dạy rằng giới luật sẽ là hướng đạo và là vị thầy của toàn thể giáo pháp Phật giáo. Ngài đã xưng tụng rằng giới luật chính là người kế vị ngài.

Để có thể khắc phục được sự lừng lẫy phiền não, vấn đề trọng yếu là phải biết tự kiểm tâm thức mình, và phải biết dành ưu tiên hàng đầu để tự kiểm đối với những xúc cảm nào mạnh mẽ hơn. Ví dụ: có người rất say đắm những khoái lạc cảm quan, có người rất nóng tánh và có người rất vô minh và lười biếng. Bạn phải tự cật vấn cá tính của mình và tìm cách chiến thắng những tình tự nào sôi nổi lộ liễu nhất. Như đã đề cập từ trước, bạn cần phải thật sự nỗ lực để chắc chắn rằng không có lời thệ nguyện nào bị vi phạm cả. Tuy vậy, nếu khám phá rằng mình đã vi phạm một vài điều thệ nguyện, bạn không nên bỏ qua mà hơn hết hãy tức khắc áp dụng những phương thức cần thiết để khôi phục lại thanh lọc chúng. Khi thanh lọc một điều vi phạm nào bạn phải luôn luôn nhớ nghĩ và suy gẫm sâu xa để tránh đừng tái phạm. Mang ý niệm rằng “những việc tôi làm không quan hệ gì, bởi vì cho dù vi phạm lời thề cũng có thể khôi phục trở lại” quả tình rất nguy hiểm; điều này chẳng khác nào cố ý uống thuốc độc và nghĩ rằng sẽ được chữa khỏi.

Một khi đã tri nhận được tính cách trọng yếu của sự trì giới và nghĩ đến biết bao an lạc yên bình nếu bạn có thể trừ khử mọi phiền não; thì như đã giải thích từ trước, bạn cần phải trước tiên nhận chân riêng rẽ từng loại phiền não. Một khi đã nhận chân được chúng rồi, hãy suy gẫm đến tính chất tàn phá, hủy hoại của chúng, và sau đó áp dụng chánh niệm và năng lực chánh tri. Đối với những loại phiền não càng mạnh mẽ và càng lộ liễu bao nhiêu thì càng phải chống cự phản kháng ngay tức khắc, giống như dùng búa sắt để đập tan những vật nhọn. Nếu bạn chỉ đơn thuần bỏ mặc chúng thì chúng sẽ thật sự gây tổn hại cho chính bạn và cho cả người khác nữa. Phiền não dường như rất mạnh mẽ nhưng nếu phân tích kỹ càng thì phiền não không thực sự uy mãnh như vậy. Có lần tôi đã vấn thị một trong những thượng sư của tôi, phiền não có thực sự yếu ớt chăng vì đôi khi chúng dường như bộc khởi rất mạnh. Ngài đáp: phiền não yếu lắm vì bạn đâu cần đến vũ khí nguyên tử để tiêu diệt chúng đâu. Và tôi đã khởi sự hiểu rõ ý ngài.

Tất cả những gì ta cần có để chiến thắng phiền não một cách vẻ vang là chỉ cần có ý chí và sự kiên trì cố gắng. Đánh bại kẻ địch phiền não, đại để là cần phải có thái độ thích hợp. Trạng thái tâm linh của chúng ta rất quan trọng đến nỗi ngài Thượng Sư Ấn Độ Tịch Thiên mỗi khi gặp bất cứ ai, câu hỏi đầu tiên Ngài nêu lên là “Hôm nay tâm địa ngươi có lương thiện không?” Bạn có thể đánh bại kẻ địch thông thường một lần, nhưng chúng vẫn có thể phối hợp trở lại và tấn công tiếp tục. Nhưng một khi phiền não đã bị tiêu trừ rồi thì chúng không còn cách nào có thể tái phát lại.

Bất cứ sự liễu ngộ nào mà bạn đạt được từ việc tu trì Phật pháp cũng đều cần được thẩm định và xét đoán dựa trên cơ bản rằng là vả chăng tin tưởng gắn bó của bạn đối với luật tắc nghiệp báo đã tăng trưởng; và vì thế phải chăng sự trì giới của bạn đã trở nên thanh tịnh và năng lực của những phiền não như vô minh, sân hận và tham dục đã giảm ngay chính trong tự thân của bạn? Nếu xét thấy do bởi tu hành mà bạn đã hoàn mãn để sửa đổi tâm thức mình và đã vượt qua được một vài biểu tượng chánh yếu của phiền não như là sân hận, vô minh và dục cầu thì quả tình đó là một thành tựu to lớn. Ngài Tịch Thiên dạy rằng: những vị thường tình anh hùng là những vị đã giết được địch thủ của họ, chưa hẳn đã là anh hùng bởi vì những người mà họ giết sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết và họ chỉ thật ra đang giết chết các thây ma thôi. Nhưng người nào đang phấn đầu chống chỏi với phiền não mà có khả năng tiêu diệt kẻ địch ấy mới thực sự là một vị anh hùng trong ý nghĩa đích thực của danh xưng vậy.

[2] Thập Nhị Nhân Duyên: Là pháp tu hành của Duyên giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thất vốn không có cái gì sanh, cái gì diệt cả.

Trước khi Phật ra đời, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, ra khỏi luân hồi, đó là các vị Độc giác.

Các vị Độc giác thường quán tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán các sự vật, chỉ có tánh đối đãi, chứkhông có tự tánh. Ví dụ như tờ giấy, nó có những tính cách là mỏng, là vuông, là trắng, những tính cách đó đều là đối đãi, vì mỏng đối với dày mà có, vuông đối với cái không phải vuông mà có, trắng đối với cái không phải trắng mà có, lại tờgiấy là vật có hình tướng, cũng có đối với không mà thành, rõ ràng tờ giấy chỉcó những tính cách đối đãi, ngoài những tính cách ấy ra, thì không chỉ thế nào là tờ giấy được.

Lại tờ giấy là một nhất hợp tướng, do rất nhiều cực vi kết hợp lại mà thành, ngoài các cực vi ra, cũng không còn tờ giấy nữa.

Lại tờ giấy có những nguyên nhân của tờ giấy, nơi tờgiấy, người ta có thể nhận rõ tác dụng của các nguyên nhân ấy, đã kết hợp nhưthế nào, ngoài những tác dụng ấy ra, cũng không thể tìm cái gì là tờ giấy được.

Quán sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sựvật đều giả dối, không thật, theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà thay đổi, không có gì là chắc thật cả.

Các vị Độc giác quán sát như thế, thì ngộ được các pháp đều vô ngã, cảnh cũng vô ngã, thân cũng vô ngã, cho đến những sự sống, chếtđều vô ngã. Đồng thời, các vị Độc giác cúng ngộ được các pháp vô ngã như thế,theo duyên mà chuyển biến, mà thường dùng định lực quán cái có ra không, cái không ra có, làm cho càng rõ thêm sự thật của mọi sự vật, chứng được bản tánh vô ngã và ra khỏi luân hồi.

Đối với những đệ tử Phật, có căn cơ quán sát nhân duyên, thì Phật dạy 12 nhân duyên phát khởi ra luân hồi, để các đệ tử ấy tu tập theo và chứng quả Duyên giác.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiềuđời. Mười hai nhân duyên ấy là vô minhduyên ra hành, hành duyên ra thứcthức duyên ra danh sắcdanh sắc duyên ra lục nhậplục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữuduyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

Cần nhận rõ hành tướng của các nhân duyên, hiểu rõ sựtác động của nhân duyên này đối với sự phát sinh của nhân duyên khác, dùng phép quán duyên khởi, diệt trừ những khâu chính trong dây chuyền 12 nhân duyên, để đi đến chứng được đạo quả của Duyên giác thừa.

1. Vô minh: Vô minh là không sáng suốt, là mề lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật. Do vô minh, nên không biết tất cả sự vật, dầu thân, dầu cảnh, dầu sinh, dầu diệt, dầu năng, dầu sở, dầu có, dầu không, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra, do nhân duyên tan rã mà giả dối mất đi, đều theo nhân duyên mà chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. Chính vì không biết như thế, nên lầm nhận thật có cái ta, thật có cái thân, thật có hoàn cảnh, rồi do sự đối đãi giữa thân tâm và cảnh giới, phát khởi ra những tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng.

2. Hành: Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sanh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.

3. Thức: Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.

4. Danh sắc: Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh; Danh, bao gồm nhwnxgc ái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.

5. Lục nhập: Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.

6. Xúc:Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.

7. Thọ:Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.

8. Ái: Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổthọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.

9. Thủ:Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, nhưhóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng có định, rồi từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ.

10. Hữu: Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.

11. Sinh: Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống.

12. Lão tử:Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.

Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có vô minh qua hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra thức tâm của đời này. Thức tâm ấy, theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc, danh sắc duyên sinh ra lục thập, lục thập duyên sinh ra xúc, xúc duyên sinh ra thọ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước.

Khi tâm chúng sanh chịu cái quả báo đó, thì do sự đốiđãi giữa thân và cảnh lại sinh ra những điều ưa ghét, đó là ái. Rồi do có ưa ghét, mà gắn bó với thân và cảnh, chấp là thật có, không biết thân tâm và cảnh giới đều duyên khởi như huyễn, đó là thủ. Do có chấp trước, nên mọi sự vật, vốn là huyễn hóa, lại biến thành thật có, thân cũng có, cảnh cũng có, ý thức phân biệt cũng có, mình cũng có, người cũng có, rồi từ đó, sinh ra có gây nghiệp và có chịu báo.

Đã có gây nghiệp và đã có chịu báo, thì khi hết thân này, nghiệp báo sẽ dẫn dắt vào một thân khác trong vị lai, đó là sanh, mà đã có sanh thì nhất định có lão tử.

Nếu xét các duyên, từ đời hiện tại đến đời tương lai, thì chẳng những cái vô minh sẵn có từ trước là vô minh, mà thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ cũng đều thuộc về vô minh. Hành cũng thế, chẳng những các nghiệp quá khứ là hành, mà các nghiệp hiện tại như ái, thủ hữu cũng đều thuộc vềhành. Như thế, vô minh quá khứ cộng với vô minh hiện tại, cùng nhau duyên khởi ra thức tâm của nghiệp báo đời sau. Về nghiệp báo đời sau, thì trong một chữsanh, đã gồm đủ thứa, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái và thủ, hữu, thì một phần thuộc về sanh, một phần thuộc về lão tử. Rồi do trong đời vị lai này, có gây nghiệp, có chịu báo, nên có sanh và lão tử đời sau nữa.

Do mười hai nhân duyên chuyển mãi, từ khâu này đến khâu khác, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nên chúng sanh chìm đắm mãi mãi trong đường luân hồi.

Nhưng nếu xét cho cùng, thì chẳng những trong nhiềuđời, mà trong một đời, chẳng những trong một đời, mà trong từng niệm, từng niệm, mười hai nhân duyên vẫn duyên khởi ra nhau, liên tục không gián đoạn. Trong mộtđời, thì chúng sanh do vô minh không nhận đạo lý duyên khởi như huyễn, nên tâm mới vọng động, đó là hành. Do tâm vọng động mà có tiềm thức phát khởi liên tục theo nghiệp báo và duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục thập, lục thập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, và đã có chấp thủ thì có thân tâm, có cảnh giới, có gây ra các nghiệp huân tập nơi tiềm thức, cho đến có sự sinh sống, có sự chuyển biến, có già, có chết. Nhưng sinh, trụ, dị,diệt như thế, xét cho cùng tột, thì từng niệm, từng niệm, chúng sanh đều có, nên từng niệm, từng niệm cũng đều đầy đủ 12 nhân duyên.

Trong mười hai nhân duyên, thì nguyên nhân căn bản của luân hồi, tức là vô minh và nguyên nhân của tất cả sự chuyển biến trong luân hồi, tức là hành. Chỉ khi nào diệt trừ được vô minh, thì mới giác ngộ, chỉ khi nào diệt trừ được hành, thì mới hết sanh diệt, vì thế,, các vị tu hành phép thập nhịnhân duyên, cần phải theo đạo lý duyên khởi, mà quán tất cả sự vật đều duyên sinh như huyễn, không có tự tánh, để diệt trừ vô minh. Khi phát ra trí tuệ, trừ được vô minh, thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc, lục thập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử đều diệt hết. Nên nhận rõ 12 nhân duyên chỉ duyên sinh ra nhau và mỗi khâu, chỉ một nhân duyên đối với khâu khác, chứ không phải tất cả các nhân duyên đối với khâu ấy, như vô minh duyên sinh ra hành, thì vô minh là một nhân duyên, trong nhiều duyên sinh ra hành, chứ không phải một mình vô minh sinh ra hành. Nói vô minh duyên sinh ra hành, thì có nghĩa là, nếu thiếu vô minh làm nhân duyên thì hành không phát khởi được. Đối với các khâu khác, thì cũng đều có nghĩa như thế. Nhưng, nếu trong tất cả các duyên tạo thành một khâu, diệt trừ được một duyên, thì cái khâu ấy quyết định không sinh ra được. Chính vì vậy, ngược lại, lúc lưu chuyển, khi đã diệt trừ được vô minh, thì cả 12 nhân duyên đều được diệt trừ và người tu hành được giải thoát ra khỏi sanh tử.

Trong lúc tu phép quán thập nhị nhân duyên để ra khỏi luân hồi, nhà tu hành thường quán theo đạo lý duyên khởi và bắt đầu diệt trừ những khâu quan trọng, duyên khởi ra phân đoạn sinh tử là ái, thủ và hữu. Các vị này, nương theo đạo lý duyên sinh, quán biết thân cảnh đều giả dối, không thật và các thọ sinh ra trong quan hệ giữa thân và cảnh, vốn không có gì, nên diệt trừ được lòng ưa ghét. Khi lòng ưa ghét đã diệt trừ thì đối với tất cả các sắc, đều xem như bóng trong gương, đối với tất cả các tiếng, đều xem như luồng gió thổi qua, không có gì là chắc thật và cõng không có gì đáng để ý. Do tâm đối với cảnh không phát sinh ưa ghét và thường phóng xả như thế, nên sự chấp trước cũng giảm bớt đi, đi đến bị tiêu diệt hết. Tâm đã không chấp trước, thì thấy rõ mọi sự vậtđều huyễn hóa, không thật có, chính khi sinh, không có gì đáng gọi là sinh, chính khi diệt, không có gì đáng gọi là diệt, do đó, phát khởi được trí vô ngã, diệt trì phân biệt ngã chấp và chứng được bậc sơ tâm của Duyên giác thừa. Từ đó, các vị sơ tâm dùng trí vô ngã gột rửa lần lần các thói quen mê lầm, diệt trừhành ấm, diệt trừ cơ sở vô minh duyên sinh ra luân hồi và lên quả vô học.

Nói tóm lại, phép tu của Duyên giác thừa, cũng như của các vị Độc giác, đều dựa vào phép quán mọi sự, mọi vật đều do nhân duyên mà có sinh diệt, nhận rõ mọi sự, mọi vật do nhân duyên mà sinh, nên không thật có sinh, do nhân duyên mà diệt, nên không thật có diệt, mà chứng được đạo quả vô sinh diệt. Các vị tu theo Duyên giác thừa, còn quán các sự vật đều do duyên hợp thành và thường theo duyên mà chuyển biến. Các vị thường dùng tâm niệm của mình, chuyểnđổi những sự vật này, hóa thành sự vật khác, để trực nhận một cách sâu sắc đạo lý duyên khởi như huyễn. Do lối tu như thế, nên các vị Độc giác và Duyên giác thường có nhiều thần thông và cũng hay dùng thần thông để hóa độ chúng sanh. Do các vị ấy, chứng được đạo lý duyên khởi như huyễn, nên phạm vi hóa độ chúng sanh cũng rộng hơn Thanh Văn thừa và chỗ giác ngộ cũng gần với Bồ-tát thừa hơn. Vì thế, mà trong kinh có nơi gọi Duyên Giác thừa là Trung thừa, nghĩa là cái thừaở giữa Tiểu thừa và Đại thừa, phát nguyện rộng lớn thì thường mau chóng chứngđược những quả vị của Đại thừa.

[3]A Hàm: Là từ phiên âm Hán Việt. Tiếng phạn là Agama, tức chỉ cho các bộ kinh cơ bản của Phật giáo viết bằng phạn văn, nội dung giống các kinh thuộc văn hệ pali. A Hàm bao gồm có bốn bộ (có nhiều học giả thêm tương ưng bộ vào thành năm bộ, nhưng căn bản vẫn là bốn bộ). Bốn bộ A Hàm là một kho tàng văn học vô cùng phong phú và sinh động về cả thể loại lẫn nội dung tư tưởng. Toàn bộ kinh văn chứa đựng hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sự phản ánh hoàn cảnh xã hội Ấn Độ hồi thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, cho đến những tập tục, tư tưởng triết học, tôn giáo, giai cấp... Đặc biệt, A Hàm còn giữ những bài pháp thoại mà đọc lại chúng ta có cảm giác như được nghe chính âm thanh vi diệu của Đức Thế Tôn đang chuyển Pháp luân, đó là những nguyên tắc hành trì, những phương pháp tu tập, những nghệ thuật sống đưa đến hạnh phúc, an lạc và hòa bình cho xã hội trong mọi thời đại. Bốn bộ A Hàm được xếp theo thứ tự như sau:

              -Kinh Trường A Hàm:Tiếng Phạn là Dìrghàgama, gồm 22 quyển, do Phật Đà Da Xá (Buddhayasas, Tăng nhân nước Kế Tân, Bắc Ấn Độ) và Trúc Phật Niệm (người Lương Châu, Cam Túc, Vũ Uy) dịch từ Phạn sang Hán vào đời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thỷ thứ 15 (413 TL), hiện lưu trong Đại tạng kinh Đại Chính tân tu (ĐTK/ĐCTT), tập 1, số 1, trang 1-149. Theo luật Tứ phần quyển 54, luật Ngũ phần quyển 30, luận Du già sư địa quyển 85 v.v... thì kinh này tập hợp những bài pháp thoại dài của Đức Thế Tôn mà thành. Tát-bà-đa tỳ-ni tỳ-bà-sa (Sarvàstivàda vinaya vibhàsà) quyển 1, cho rằng kinh này chuyên đả phá các ngoại đạo nên gọi là Trường A Hàm. Luận Phân biệt công đức quyển 1, thì giải thích, trường là trình bày những sự việc xa xưa, trải qua nhiều kiếp. Đọc lại Trường A Hàm thì biết rằng đây đúng là những bài pháp thoại rất dài, trình bày nhiều vấn đề, nhiều ý nghĩa sâu xa, chứa đựng nhiều giáo lý căn bản.

              -Kinh Trung A Hàm: Tiếng phạn là Madhyamagama, bao gồm 60 quyển, 222 kinh, do Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva, người nước Kế Tân, Bắc Ấn) và Tăng Già La Xoa (Sangharaksa, người nước Tu Lại, Tây Bắc Ấn) dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Đông Tấn, niên hiệu Long An thứ 2 (398 TL), hiện lưu trong ĐTK/ĐCTT, tập 1, số 26, trang 421-809. Các kinh từ số 27 đến 98 là các bản dịch lẻ tẻ (đơn bản) của các kinh thuộc Trung A Hàm. Bản tiếng Việt, Đại Tạng Kinh Việt Nam ký hiệu A 2a, Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang dịch, NXB Tôn Giáo ấn hành, trọn bộ 4 tập. Luận Phân biệt công đức quyển 1, giải thích chữ trung có nghĩa là không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, Trung A Hàm là tuyển tập những kinh không dài không ngắn. Bản kinh này ghi lại những lời dạy căn bản nhất của Đức Phật cho các đệ tử xuất gia cũng như tại gia.

              - Tạp A Hàm: Tiếng Phạn là Samyuktàgama, 50 quyển, do Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra, người Trung Ấn độ, 394x468 TL) dịch sang tiếng Hán vào đời Lưu Tống (435 TL), hiện được xếp vào ĐTK/ĐCTT, tập 2, kinh số 99, trang 1-303. Từ số 100-124 là các bản biệt dịch Tạp A Hàm và đơn bản thuộc Tạp A Hàm. Bản tiếng Việt, Đại tạng kinh Việt Nam, ký hiệu A a3, HT. Thích Thiện Siêu, HT. Thích Thanh Từ dịch, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, trọn bộ 4 tập.

              Theo Ngũ phần luật, quyển 30, Tứ phần luật quyển 54..., kinh này do Đức Phật nói cho nhiều đối tượng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên tử, Thiên nữ về các pháp Tứ Thánh đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên... nay biên tập thành một bộ, nên gọi là Tạp A Hàm. Ma ha tăng kỳ luật quyển 32, nói rằng kinh này văn cú phức tạp, cho nên gọi là Tạp A Hàm. Ngoài ra, Tát-bà-đa tỳ-ni tỳ-bà-sa quyển 1, nói kinh Tạp A Hàm xiển dương các loại thiền định, là pháp môn mà người tọa thiền phải học tập. Du già sư địa luận quyển 85, thì nói do tất cả mọi sự đều tương ưng với giáo, tập hợp tất cả nghĩa lý đó lại thành một bộ, gọi là Tạp A Hàm.

              - Kinh Tăng Nhất A Hàm, tiếng Phạn là Ekottarikàgama, gồm 51 quyển, do Cù Đàm Tăng Già Đề Bà (Samghadeva) dịch vào đời Đông Tấn (có lẽ trong khoảng thời gian 391-397 TL), hiện nằm trong ĐTK/ĐCTT, tập 2, số 125, trang 549-830. Các kinh từ số 126 đến 151 là các bản dịch lẻ tẻ thuộc Tăng Nhất A Hàm. Bản tiếng Việt, Đại tạng kinh Việt Nam, ký hiệu A a4, HT. Thích Thanh Từ dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, trọn bộ 3 tập. Theo Ngũ phần luật quyển 30, Tứ phần luật quyển 54... thì do kinh này tập hợp các bài pháp thoại có nói đến pháp số, tuần tự sắp xếp từ 1 pháp đến 11 pháp, theo thứ tự tăng dần như vậy nên gọi là Tăng nhất. Tăng nhất A Hàm phần lớn trình bày về giới luật nghiêm ngặt và điều kiện kiểm định dộ đời. 

www.daophatngaynay.com

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...