Khẳng định vị thế
Trường đại học (ĐH) Đà Lạt, tiền thân là Viện ĐH Đà Lạt được thành lập năm 1957, tuyển sinh từ năm 1958, là cơ sở giáo dục ĐH có quy mô lớn và truyền thống lâu đời bậc nhất vùng Tây nguyên.
Trải qua hơn 65 năm hình thành, đổi mới và phát triển, Trường ĐH Đà Lạt hiện nay là một cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, đã khẳng định vị thế vững chắc là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng có chất lượng, uy tín cao ở khu vực Tây nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục ĐH của quốc gia.
Trường xếp thứ 33 trong Top 100 trường ĐH hàng đầu Việt Nam và top đầu khu vực Tây nguyên theo bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam VNUR 2024. Trường có một số lĩnh vực đào tạo trọng điểm, tiên phong và lâu đời như: các ngành khoa học cơ bản (hơn 45 năm), sư phạm (42 năm), quản trị kinh doanh (hơn 34 năm), du lịch (22 năm), lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học (hơn 20 năm).
Từ năm 1976 đến nay, trường đã đào tạo hơn 77.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đến nay, tất cả các chương trình đào tạo của trường đều được xây dựng và thực hiện theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra CDIO, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Quy mô đào tạo của trường luôn duy trì ở mức cao, với hơn 14.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh thuộc 40 ngành ĐH, 11 ngành thạc sĩ và 7 ngành tiến sĩ, chiếm hơn 1/3 trong tổng số sinh viên của toàn vùng. Trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục từ năm 2019 và đến nay đã có 10 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng, gồm 5 chương trình theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và 5 chương trình theo tiêu chuẩn của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH Đông Nam Á (AUN - QA).
Trường có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học nhiệt huyết, trình độ cao, được đào tạo bài bản, với 1 GS, 17 PGS và 104 tiến sĩ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm xấp xỉ 40%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (33%). Tạp chí khoa học của trường là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên của cả nước được chỉ mục trong Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á - ACI. Đến nay, trường đã khẳng định được thế mạnh nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, nhất là toán học, vật lý hạt nhân, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, du lịch, nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa tộc người ở Tây nguyên.
Quan hệ quốc tế của trường không ngừng được mở rộng. Từ năm 2018 đến nay, trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 70 đối tác nước ngoài, tiếp nhận hơn 230.000 USD kinh phí tài trợ cho các dự án nghiên cứu khác nhau. Trường đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả với các trường ĐH, viện nghiên cứu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel… để triển khai các dự án, đề tài, tài trợ và đưa sinh viên đi thực tập ở các quốc gia này.
Trường sở hữu khuôn viên rộng lớn và thơ mộng bậc nhất cả nước. Đây vừa là không gian đào tạo, nghiên cứu khoa học, vừa là khuôn viên du lịch, văn hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên.
Đồng hành cùng Tây nguyên phát triển
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định vùng Tây nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Chiến lược phát triển KT-XH của Tây nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 là lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, dịch vụ, logistics, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Các lĩnh vực phát triển được thực hiện dựa trên mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TW là phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, trong đó có nhiệm vụ: "Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP.Buôn Ma Thuột và TP.Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường ĐH và cao đẳng".
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, trong chiến lược phát triển của mình, Trường ĐH Đà Lạt giữ mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả vùng. Trong đó, ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm để vừa phát huy thế mạnh của trường, vừa đảm bảo phục vụ tốt nhất cho chiến lược phát triển xanh, hài hòa, bền vững của vùng Tây nguyên: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất chế biến thực phẩm, dược liệu, dịch vụ du lịch, sư phạm, công nghệ thông tin… Đồng thời, Trường ĐH Đà Lạt cũng hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới, sáng tạo gắn với nhu cầu phát triển vùng, có vai trò dẫn dắt, kết nối, hỗ trợ với các trường ĐH, cao đẳng trong khu vực Tây nguyên và vùng phụ cận.
Phát huy thế mạnh và bề dày truyền thống, với giá trị cốt lõi "thụ nhân - khai phóng - bản sắc", trong thời gian tới, Trường ĐH Đà Lạt sẽ tiếp tục chủ động tham gia đóng góp có hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, xứng đáng với vị thế là cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu ở khu vực Tây nguyên.