Danh sách bài viết

Tư tưởng PG trong thi văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh

Cập nhật: 27/12/2017

Quốc sư Vạn Hạnh là một thiền sư vô tiền khoáng hậu, ngoài sự chứng đắc về Mật giáo, còn thông bác cả chính trị và ngoại giao, khéo liên kết và dung hợp các khuynh hướng văn hóa, chính trị và tôn giáo đương thời biến thành chất liệu keo sơn để làm thế đứng kiên cố bền vững giúp cho triều đại nhà Lý xây dựng đất nước và thiết lập kế sách lâu dài giúp cho dòng họ nhà Lý trị nước an dân.

III. TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG THI VĂN VẠN HẠNH

A. PHẦN TIỂU SỬ
 

Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn không rõ tên thật và năm sinh, người làng Cổ Pháp, ngày nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Cha Ông đều theo đạo Phật. Thuở nhỏ Thiền sư tỏ ra thông minh xuất chúng, học thông Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng), khảo cứu nhiều kinh luận Phật Pháp. Năm 21 tuổi (có chỗ nói năm 20 tuổi) Thiền sư xuất gia với Thiền sư Thiền Ông ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, ngài là thế hệ thứ 12 của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thuộc dòng thiền Mật Tông đầu tiên nước ta... Sau khi Thiền sư Thiền Ông viên tịch, Thiền sư chuyên tu tập pháp “Tổng Trì Tam Ma Địa” là pháp Thiền của Mật Tông và được chứng đắc pháp môn này, cho nên mỗi khi nói lên câu nào cũng đều trở thành câu sấm (Oracle).

 

Vào năm 980, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem binh sang đánh nước ta, vua Lê Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi về việc thắng bại của quân ta, Thiền sư liền trả lời: “Trong ba, bảy ngày thì giặc rút”. Lời sấm đây quả nhiên ứng nghiệm. Thiền sư rất giỏi về sấm ngữ và độc số, cho nên vua Lê Đại Hành rất đem lòng thán phục.

 

Theo các sử liệu, Thiền sư Vạn Hạnh chẳng những là một cao tăng đắc đạo và còn là một nhà chính trị lỗi lạc, thường quan tâm đến những biến cố quốc gia và xã hội lúc bấy giờ. Thiền sư đã góp nhiều ý kiến cho vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm và cũng là người đắc lực nhất trong việc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế vào năm 1010, với tước vị là Thái Tổ nhà Lý và phong Thiền sư lên địa vị Quốc Sư. 

 

Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch ngày 15 tháng 5 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thuận Thiên thứ 9 (tức ngày 30 tháng 6 năm 1018. Vua Lý Thái Tổ và các đệ tử rước nhục thân Thiền sư lên Hỏa Đàn và sau đó hài cốt được xây tháp để thờ.

 

Trước khi viên tịch, Thiền sư có để lại một số tác phẩm Thi Sấm và một bài thi kệ Thị Đệ Tử (Bảo các đệ tử), nhưng rất tiếc hiện nay chỉ còn lại 5 bài Thi Sấm và một bài thi kệ Thị Đệ Tử được lưu trử trong sử liệu. Bài thi kệ Thị Đệ Tử như sau:

 

THỊ ĐỆ TỬ

 

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn một xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.”
 

Thích Mật Thể dịch:

“Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời,

Sá chi suy thạnh cuộc đời,

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

 

B. PHẦN TƯ TƯỞNG

 

Căn cứ theo các dữ kiện còn lại trong sử liệu, Vạn Hạnh quả thật là một Thiền sư đắc đạo pháp Thiền của Mật Tông, có trí tuệ siêu đẳng phi thường vô tiền khoáng hậu, có tầm nhìn xuyên suốt càn khôn vũ trụ, biết sử dụng và chuyển hóa những nhu yếu đồng quy theo sở cầu và biết vận dụng uyển chuyển thời cơ linh hoạt để đạt thành mục đích. Những đặc điểm chứng đắc pháp Thiền của Mật Tông được nhận thấy như sau:

 

1. Pháp Thiền Mật Tông

 

Pháp Thiền của Mật Tông mà Thiền sư Vạn Hạnh tu tập chính là pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa (Việt Nam Phật giáo Sử Lược của Thích Mật Thể, trang 119), nguyên vì Kinh Tổng Trì là quyển kinh của Mật Giáo mà ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi lấy đó làm kim chỉ nam để truyền dạy cho các đệ tử tu tập. Tổng Trì Tam Ma Địa mà Thiền sư Vạn Hạnh hành trì chính là pháp môn tổng hợp giữa Mật và Thiền do Thiền sư Thiền Ông trao truyền, đây là một sáng tạo pháp môn mới của Tông phái Thiền Mật Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tại sao Tổng Trì Tam Ma Địa là pháp môn tổng hợp giữa Thiền và Mật? Vấn đề đây được thấy như sau:

 

a. Tổng Trì: tiếng Phạn là Dhàràni (Đà La Ni), theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, tập I, do Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Hà Nội Xuất Bản năm 1992, trang 373 giải thích:

 

Tổng Trì nghĩa là giữ gìn tất cả. Tổng Trì có hai loại: Năng Trì và Năng Già:
 

- Năng Trì là có sức giữ gìn, nghĩa là có sức giữ gìn không để cho các thiện pháp bị tán loạn.

 

- Năng Già là có sức che lấp, nghĩa là có sức ngăn che các ác pháp khiến chúng không nảy sinh.

 

- Tổng Trì (Dhàràni) chia làm 4 loại:

 

1. Pháp Tổng Trì (Pháp Dhàràni): là nghe giáo pháp của Phật liền giữ gìn mà không quên 

 

2. Nghĩa Tổng Trì (Nghĩa Dhàràni): là đối với nghĩa của các pháp thì nhớ lấy tất cả mà không quên.

 

3. Chú Tổng Trì (Chú Dhàràni): là đối với những câu bí mật của chư Phật, chư Bồ Tát truyền lại để ủng hộ nhà tu hành, trừ khử mọi sự 

 độc ác, thần nghiệm không thể lường thì phải nhớ lấy tất cả.
 

4. Nhẫn Tổng Trì (Nhẫn Dhàràni): là đối thực tướng của các pháp thì phải nhẫn nhục, an trụ cho thân tâm khỏi xao động.

 

Đây là công thức hành trì của Mật Tông đòi hỏi hành giả phải có Năng Lực Thượng Thặng mới đủ khả năng điều khiển được bốn pháp Tổng Trì này. Năng lực thượng thặng đây trong Bát Nhã Tâm Kinh gọi là “Linh chú đại thần, linh chú đại minh, linh chú vô thượng, linh chú tuyệt đỉnh, có năng lực rất phi phàm tiêu trừ tất cả khổ nạn.

 

b. Tam Ma Địa: tiếng Phạn là Samàdhi, nghĩa là chính định, có chỗ gọi là đại định kiên cố (đúng như trong Từ Điển Phật Học Hán Việt, tập II, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Hà Nội Xuất Bản năm 1994) giải thích rằng: “Tam Ma Địa là phép thiền định đại định của nhà tu hành bậc cao. Trong khi nhập định thì thân thể và tâm trí chẳng còn xao động, chỉ chú vào một mục đích mà thôi. Lúc bấy giờ những vọng tưởng, những tà kiến chẳng thể xâm nhập vào tâm của nhà tu hành.”

 

Đây là pháp môn tu thiền của các bậc Đại Thừa Bồ Tát tu tập. Tất cả pháp môn của Phật để lại, mỗi pháp môn đều có chỉ dạy cho các đệ tử tu tập để có Tu Huệ (Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ) gọi là pháp môn tu thiền định và trong các tông phái, mỗi tông phái đều có dạy cách tu thiền định riêng cho mỗi tông phái đó. Những pháp môn thiền định trong các kinh các tông phái xin được liệt kê tổng quát như sau:

 

- Thiền Định có nhiều loại, có loại của Phật chế định, có loại của các đệ tử Phật chế định, có loại của các Tổ sau này chế định....:

 

- Thiền Yoga là của ngoại đạo chế định. 


- Thiền 37 Phẩm Trợ Đạo, Thiền Lục Độ Ba La Mật Quán, Thiền Tịnh Độ Quán,..v..v.... là của Phật chế định.

 
- Thiền Tứ Niệm Xứ Quán, Thiền Nhân Duyên Quán, Thiền Sổ Tức Quán, Thiền Giới Phân Biệt Quán, Thiền Ngũ Uẩn Quán,..v..v.... là của các đệ tử Phật dựa theo các kinh Phật giảng dạy chế định.

 
- Thiền Duy Thức Quán, Thiền Nhứt Tâm Tam Quán, Thiền An Ban Thủ Ý,..v..v.... là do các Tổ sau này dựa theo Kinh Phật chế định.”(Những Yếu Điểm Của Tư Tưởng Duy Thức, tác giả Thích Thắng Hoan)

 

Cũng từ đó Thiền Tổng Trì Tam Ma Địa, là một trong những pháp thiền nói trên đều do các Tổ bên Mật Tông dựa theo các Kinh luận sáng lập để truyền thừa tu tập.

 

c. Giá Trị Tổng Trì Tam Ma Địa
 

Có thể xác định một lần nữa Tổng Trì Tam Ma Địa là một pháp môn biểu tượng cho Thiền Mật Tổng Hợp; Thiền là Tam Ma Địa và Mật là Tổng Trì. Hai pháp môn này phối hợp chặt chẽ trong mọi lĩnh vực tu tập nhằm đào luyện và phát huy năng lực của Tâm để quán chiếu điều khiển và sử dụng toàn diện bốn pháp Tổng Trì theo sở cầu. Người tu Tổng Trì Tam Ma Địa, trước tiên phải hành trì Tam Ma Địa cho được thuần thục theo những điều kiện của pháp tu này như: “Khi nhập định: không cho thân thể và tâm trí bị xao động, không cho vọng tưởng và khiến xâm nhập vào tâm, chỉ chuyên nhất vào một mục đích.” 

Tu tập đến khi nào năng lực của Tâm phát huy mới thôi. Năng lực của Tâm khác hơn năng lực của Ý Thức và của năm Thức trước. Năng lực của Tâm cũng giống như năng lực của dòng điện; năng lực của Ý Thức cũng giống như năng lực điện quang; năng lực của năm Thức trước cũng giống như năng lực của điện nhiệt,..v..v.... Năng lực của dòng điện chỉ tác dụng sức hút mà không phát ra ánh sáng hay phát ra sức nóng,..v..v..... Còn năng lực điện quang và năng lực điện nhiệt,..v..v... chỉ phát ra lực lượng ánh sáng và chỉ phát ra lực lượng sức nóng.... mà không tác dụng phát ra sức hút giống như năng lực của dòng điện. 

Năng lực của điện quang, năng lực của điện nhiệt,..v..v.... sở dĩ khác hơn năng lực của dòng điện là do bị chi phối và bị hạn chế bởi các cơ giới, như bị chi phối và bị hạn chế bởi bóng đèn, bởi máy heat,..v..v...... Còn năng lực của dòng điện có thể chun vào tất cả cơ giới và có thể điều khiển các cơ giới sinh hoạt.

 

Từ đó quán chiếu, năng lực của Tâm không phải năng lực của Ý Thức và của năm Thức trước, nguyên vì năng lực của Ý Thức và của năm Thức trước bị chi phối và bị hạn chế bởi sáu giác quan (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân thể và Ý). Trong năm Thức trước, năng lực của mỗi Thức chỉ có khả năng hiểu biết được một khía cạnh nơi một sự vật mà không thể biết được các khía cạnh khác của sự vật đó, như Nhãn Thức chỉ có khả năng thấy biết được hình sắc của một sự vật mà không thể nghe được âm thanh của sự vật đó; Nhĩ Thức chỉ có khả năng nghe biết được âm thanh của một sự vật mà không thể nhìn thấy được hình sắc của sự vật đó; cho đến các Thức khác đều cũng giống như thế. 

Năng lực của Ý Thức cũng vậy, nghĩa là chỉ có khả năng nhận thức được tính chất, giá trị và ý nghĩa một sự vật mà không thể nhìn thấy được hình sắc, không thể nghe được âm thanh,..v..v.... của một sự vật. Hơn nữa sự sinh hoạt của sáu Tâm Thức, từ Ý Thức cho đến năm Thức trước bị giới hạn thời gian, chỉ sinh hoạt và hiểu biết những sự vật sinh hoạt ban ngày mà không thể hiểu biết những sự vật sinh hoạt về đêm. Ngược lại năng lực của Tâm có khả năng chun vào sinh hoạt tất cả giác quan trong thân thể con người để phân phối hiểu biết, có thể xây dựng cơ chế các sự vật hiện hữu và sinh trưởng, có thể điều khiển và duy trì sinh mạng các sự vật tồn tại không quy định thời gian. 

Thí dụ như trong thân thể con người, sáu Tâm Thức, từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức chỉ sinh hoạt giới hạn thời gian ban ngày rồi phải an nghỉ. Ngược lại năng lực của Tâm luôn luôn sinh hoạt liên tục suốt cả đời người không có giới hạn thời gian ngày đêm.

 

Muốn phát huy được năng lực của Tâm, hành giả phải áp dụng công thức Tam Ma Địa để hành trì cho được thuần thục. Sau khi thành thục được năng lực của Tâm, hành giả sử dụng năng lực đó đem vào đào luyện bốn tiêu chuẩn của Tổng Trì để phát huy trí tuệ siêu việt đại thừa, quán chiếu thấu suốt tận cùng của nguyên lý vạn pháp và có khả năng điều khiển nguyên lý vạn pháp một cách linh hoạt dung thông tự tại. Đây là phương pháp đặc thù có một không hai của Mật Tông Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Thiền sư Vạn Hạnh đã thành quả và chứng đắc một cách vi diệu pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa này, cho nên mỗi khi nói lên những câu nào đều trở thành sấm ngữ.

 

2. Những Dữ Kiện Chứng Minh Sự Chứng Đắc:

 

Sự chứng đắc của Thiền sư Vạn Hạnh thể hiện qua sự hành hoạt của ngài được thấy trong các thi văn mà các sử liệu còn ghi lại. Qua những dữ kiện đó, Thiền sư đích thật có trí tuệ siêu việt phi thường, có tầm nhìn xuyên suốt càn khôn vũ trụ. Sự biến thuyên của trời đất, của con người không ra ngoài tầm nhìn của Thiền sư và ngài còn biết lợi dụng những sự biến thuyên đó chuyển hóa theo hướng của ngài để đạt thành mục đích. 

Thiền sư Vạn Hạnh có tầm nhìn xuyên suốt càn khôn vũ trụ, cũng giống như Khổng Minh có tầm nhìn toàn diện thế cuộc của Trung Hoa thời Tam Quốc. Thiền sư cũng biết lợi dụng những sự biến thuyên của trời đất chuyển hóa theo hướng của ngài để đạt thành mục đích, cũng giống như Khổng Minh lợi dụng thời tiết của Trường Giang đoạt lấy tên của Tàu Tháo cung cấp cho Đông Ngô. Những sự kiện này được nhận định như sau:

 

a. Một dữ kiện thứ nhất chứng minh sự chứng đắc của Thiền sư Vạn Hạnh: Vào Thiên Phúc năm đầu (980), nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang đánh nước ta, vua Lê Đại Hành mời Thiền sư Vạn Hạnh đến hỏi về việc thắng bại của quân ta, Thiền sư trả lời: “Tam thất nhật trung tắc thối”, nghĩa là “Trong 21 ngày thì giặc lút lui”. (Thiền Học Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục, trang 218) Lời sấm đây quả nhiên ứng nghiệm. 

Chú ý, trong câu “Tam thất nhật trung tắc thối”, có hai chữ Tam và chữ Thất, chữ Tam nghĩa là số 3, chữ Thất nghĩa là số 7, hai số này không phải cọng lại mà phải nhơn lên mới đúng ý nghĩa của câu sấm này. Đây là thuộc loại Cữu Chương Thất trong bài toán nhơn của Trung Hoa, như “Nhứt thất như thất, nhị thất nhứt tứ, tam thất nhị nhứt..v..v..... nghĩa là “Một lần bảy là bảy, hai lần bảy là mười bốn, ba lần bảy là hai mươi mốt,..v..v.....” (1 x 7 = 7; 2 x 7 = 14; 3 x 7 = 21,..v..v.... ). 

Đây là Mã Số Bí Mật (Code secret) và Thiền sư Vạn Hạnh dùng Mã Số Bí Mật này để truyền đạt những tin đặc biệt dành cho một số người quan trọng cần biết mà không được phổ biến rộng rãi đến nhiều người, vì sợ gián điệp của kẻ địch biết được sẽ chuyển đổi kế hoạch và phương hướng rất nguy hiểm.

 

Thiền sư vận dụng trí tuệ siêu việt của Tâm quán chiếu toàn diện mặt trận biên cương phía bắc giữa ranh giới hai quốc gia Việt Trung và nắm được tình thế thắng bại của đoàn quân xâm lăng nhà Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ quy; Cho nên Thiền sư cả quyết với vua Lê Đại Hành nhất định chỉ trong 21 ngày đoàn quân nhà Tống sẽ bại trận và tự động rút lui mà quân ta không cần phải chiến đấu. Sự cả quyết của Thiền sư Vạn Hạnh với vua Lê Đại Hành, chúng ta nhận định sẽ thấy được phần nào những điểm căn bản như sau:

 

1. Những nhược điểm của đoàn quân viễn chinh nhà Tống mà Thiền sư Vạn Hạnh thấy được:
 

- Đoàn quân hổn hợp, thiếu kỷ cương, thiếu kinh nghiệm chiến trường, mặc dù hùng mạnh.
 

- Đoàn quân viễn chinh xa nhà quá lâu, đường dài mệt mõi, không có tinh thần chiến đấu.
 

- Đoàn quân đến đâu làm sáo trộn nếp sống an bình đến đó khiến cho quần chúng địa phương sợ sệt và thù ghét 
 

- Đoàn quân ỷ mình hùng hậu trở nên cao ngạo, tự phụ, khinh thường tất cả, không chịu nghe ai khuyên bảo.

 

Đây là những nhược điểm cơ bản của nhà binh mà đoàn quân nhà Tống vấp phải sẽ đưa đến kết quả bại trân rút lui.

 

2. Những ưu điển của nước ta mà Thiền sư Vạn Hạnh nắm vững:


- Đoàn quân viễn chinh của nhà Tống đến biên cương Trung Việt nhằm thời điểm thời tiết khí hậu khắc nghiệt: nào sơn lam chướng khí, rừng thiêng nước độc, núi đồi hiểm trở giăng mắc khắp nẻo sơn khê. Người nào không sống lâu năm và không quen khí hậu khắc nghiệt này đều bị bỏ mạng dọc đường.

 

- Thiền sư biết lợi dụng khí hậu khắc nghiệt nói trên làm chiến trường nhằm chận đứng đoàn quân viễn chinh hùng hậu của nhà Tống, cũng giống như Khổng Minh lợi dụng sương mù của Trường Giang đoạt lấy tên bắn của Tào Tháo đem cung cấp cho quân nhà Ngô. Cho nên Thiền sư mới cả quyết với vua Đại Hành rằng chỉ trong thời gian 21 ngày là đoàn quân nhà Tống phải rút về nước. Đây là trí tuệ của Tâm mà Thiền sư đã chứng đắc và sử dụng trí tuệ đó phụng sự cho quốc gia. 

 

b. Một dữ kiện thứ hai Thiền sư đã chứng Tha Tâm Thông biết trước được khuynh hướng của mọi người khi đối diện và tùy duyên ứng phó; trường hợp như Đổ Ngân, có lẽ vì bất đồng quan niệm chính trị với Thiền sư Vạn Hạnh giữa nhà Tiền Lê và nhà Lý, cho nên ông tổ chức ám sát Thiền sư. Thiền sư Vạn Hạnh biết trước âm mưu của Đổ Thích hại mình liền gửi thơ cảnh cáo. Bài Thơ cảnh cáo Đổ Thích được ghi lại trong Thơ Văn Lý Trần tập I, trang 214 do NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1977 như sau:

 

KÝ ĐỔ THÍCH

 

“Thổ mộc tương sinh cấn 1* bạn câm (kim),

Vi hà mưu ngã uẩn linh khâm?

Đương thì ngũ khẩu thu tâm tuyệt,

Trực 2* chí vị lai bất hận tâm.

Dịch Nghĩa:

GỬI ĐỔ NGÂN (1)
 

“Thổ” và “Mộc” sinh ra nhau, “Cấn” đứng liền với “Kim” 

Cớ sao lại chất chứa trong lòng mưu mô hại ta?

Lúc bấy giờ lòng ta buồn bã vô cùng, 

Nhưng về sau thì chẳng còn để bụng oán giận.”

 

Huệ Chi dịch thơ:

“Kim cấn” liền đôi như “thổ mộc”

Cớ sao toan chước hại nhau ngầm?

Thoạt nghe, bụng tớ “rầu” khôn xiết,

Nhưng thực về sau chẳng bận tâm.”

Khảo Đính:

 

1 TUTA và các bản đều là chữ “Ngân”, nhưng câu này dùng lối chiết tự: Chữ “Thổ” và chữ “Mộc” hợp lại thành chữ “Đỗ”, chữ “Cấn” và chữ “Kim” hợp lại thành chữ “Ngân”; Đỗ Ngân là tên họ của người mà Thiền sư Vạn Hạnh gửi bài thơ này.
 

2 Chữ “Trực Chí”, nghĩa là cho đến, trực chí vị lai nghĩa là cho đến sau này (Nhưng về sau....).
 

(Thơ Văn Lý – Trần tập I, trang 215 NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 1977) 

 

c. Một dữ kiện thứ ba chứng minh sự chứng đắc của Thiền sư Vạn Hạnh. Theo Việt Nam Phật giáo Sử Lược của Thích Mật Thể, trang 115 ghi rằng: “Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh (Lê Trung Tôn con Lê Đại Hành) rồi lên làm vua và thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi.......”. 

Có thể nói, Lê Long Đĩnh là một ông vua tồi bại độc ác, hoang dâm vô đạo không thể tả, do đó có tên là Lê Ngọa Triều, nguyên do ông vua này hoang dâm quá độ, khi lâm triều chỉ nằm trên long sàng mà không thể ngồi lên được. Vua Ngọa Triều độc ác này chỉ làm vua được bốn năm (1005 – 1009) thì mất. 

 

Người thay thế Lê Long Đĩnh chính là Lý Công Uẩn và lập nên triều đại nhà Lý với danh xưng là Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Người có công lớn nhất trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế chính là Thiền sư Vạn Hạnh và sau đó ngài được Lý Thái Tổ tấn phong lên ngôi vị Quốc Sư. 

Quốc Sư Vạn Hạnh là một thiền sư vô tiền khoáng hậu, ngoài sự chứng đắc về Mật Giáo, còn thông bác cả chính trị và ngoại giao, khéo liên kết và dung hợp các khuynh hướng văn hóa, chính trị và tôn giáo đương thời biến thành chất liệu keo sơn để làm thế đứng kiên cố bền vững giúp cho triều đại nhà Lý xây dựng đất nước và thiết lập kế sách lâu dài giúp cho dòng họ nhà Lý trị nước an dân. Theo Thiền Học Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục, trang 207 – 222, lúc bấy giờ dưới triều đại nhà Lý, có bảy trào lưu văn hóa và tín ngưỡng khác nhau:
 

1. Văn Hóa Động Cổ cũng gọi là Văn Hóa Đông Sơn,

2. Văn Hóa Cổ Mộ cũng gọi là Văn Hóa Lạch Trường,

3. Văn Hóa Phật Ấn của Tỳ Ni Đa Lưu Chi,

4. Văn Hóa Phật Hoa của Vô Ngôn Thông,

5. Văn Hóa Bà La Môn của Chiêm Thành và Chân Lạp,

6. Văn Hóa Hán Nho của Chư Tử và Sĩ Nhiếp,

7. Văn Hóa Lạt Ma Tây Tạng của Nam Chiếu.

 

Bảy trào lưu văn hóa trên, mỗi trào lưu đều có lối chủ trương và truyền thừa riêng biệt nhau, không đồng quan điểm tư tưởng và định hướng với nhau. Thế nhưng Quốc Sư Vạn Hạnh thiết lập triết lý Dung Tam Tế và sử dụng năng lực Chú Tổng Trì , một trong bốn Tổng Trì của Mật Tông mà ngài đã chứng đắc vận động bảy trào lưu văn hóa tín ngưỡng dị biệt này dung hợp nhau tạo thành kế sách “Trung Lưu Chỉ Trụ”, nghĩa là nền văn hóa Việt Tộc đứng vững giữa dòng sông tư tưởng để làm nền tảng căn bản lâu dài cho triều đại nhà Lý phát triển và nhờ đó triều đại nhà Lý thạnh trị bền lâu nhất suốt 215 năm (1010 - 1225).

 

Về sau vua Lý Nhân Tông (1072 – 1027) có làm bài thơ ca ngợi Quốc Sư Vạn Hạnh:
 

“Vạn Hạnh dung tam tế,

Chơn phù cổ sấm ky (cơ),
Hương quan danh Cổ Pháp,

rụ tích trấn vương kỳ.”

Nghĩa là:
 

Quốc Sư Vạn Hạnh dung thông được ba cõi (cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc, Đúng với phù hiệu tiên tri của thời cổ xưa, Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp (kinh đô Phật giáo Việt Nam thời xưa), Quốc Sư đem gậy Mật Giáo bảo vệ lĩnh thổ quốc gia.
 

Theo Thơ Văn Lý Trần Tập I, do NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội năm 1977 ghi, Thiền sư Vạn Hạnh Viên Tịch ngày 15 tháng 5 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thuận Thiên thứ 9 ( tức ngày 30 tháng 6 năm 1018). Thiền sư Vạn Hạnh có để lại một số tác phẩm: hiện nay theo Thơ Văn Lý Trần có 5 bài thơ mang tính chất những lời sấm ký và một thi kệ. Ngoài ra còn có một ít lời phát biểu về thời cuộc.

 

C. GIÁ TRỊ THI KỆ THỊ TỊCH

 

Bài Thi Kệ Thị Tịch của Thiền sư Vạn Hạnh chỉ bày cho các đệ tử sau này cần phải đứng trên lập trường Tuệ Giác của Chân Tâm mà quán chiếu tính không của vạn pháp để được giác ngộ lẽ sống hiện thực và chứng đắc chân không tự tại, cho nên bài thi kệ này được đề tựa với danh nghĩa là “Thị Đệ Tử” (chỉ bày cho đệ tử). 

Theo tinh thần của bài kệ Thị Đệ Tử mà trong nội dung Thiền sư Vạn Hạnh đã trình bày, con người và vạn pháp tất cả đều nằm trong hai lĩnh vực: Pháp Tướng và Pháp Tánh. Một thiền sư được gọi là chứng đắc phải giác ngộ được hai lĩnh vực này mà Thiền sư Vạn Hạnh sử dụng Thi Kệ sau đây làm đề tài Thoại Đầu để cho các đệ tử tu tập quán chiếu. 
 

1. Lãnh Vực Pháp Tướng
 

Pháp Tướng, nghĩa là hình tướng của vạn pháp. Hình tướng của vạn pháp tức là chỉ cho tất cả hiện tượng vạn pháp trong vũ trụ bao gồm cả hình sắc, màu sắc, ý nghĩa và cho đến khái niệm (tưởng tượng) của Ý Thức ..v..v....cũng đều gọi chung là Pháp Tướng. Nói về Pháp Tướng, Theo Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn, trang 1089 giải thích: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.”, nghĩa là vạn pháp có hình tướng đều là hư vọng. 

Bản chất của vạn pháp có hình tướng đều là sinh diệt, vô thường, như mộng huyễn như bào ảnh, như hạt sương như điện chớp, do nghiệp duyên mê vọng hiện ra với hình thức duyên sinh không thật thể. Vạn pháp có hình tướng trong thế gian theo Duy Thức Học đều thuộc loại Pháp Quả mà không phải là Pháp Nhân. Pháp Quả, nghĩa là vạn pháp đã được kết thành Quả Tướng. Còn Pháp Nhân của vạn pháp thì không có tướng (Thị chư pháp không tướng), cho nên không có vấn đề sinh diệt hư vọng vô thường..v..v.... 

 

Thí Dụ: Hạt đậu xanh thuộc loại pháp nhân thì không có hình tướng cây đậu xanh (vô tướng), cho nên để giống bao lâu cũng được không bị hư hoại (không bị sinh diệt vô thường). Hạt đâu xanh một khi tác dụng (hữu tác) thì nẩy mầm hiện tướng (hữu tướng) để kết thành hoa trái gọi là Quả Tướng. Hạt Đậu xanh (vô tướng), một khi tác dụng (hữu tác) liền nẩy mầm hiện tướng (hữu tướng) để kết thành hoa trái (quả tướng) thì nhất định phải bị sinh diệt, hư hoại, vô thường. Tất cả vạn pháp hiện có mặt trong vũ trụ đều bị nằm trong dạng thức này cả, không thoát khỏi định luật sinh diệt vô thường.

 

2. Lãnh Vực Pháp Tánh
 

Pháp Tánh là bản tính của vạn pháp và bản tính này ở trạng thái nguyên nhân đơn thuần độc lập không có hình tướng (Vô Tướng) cho nên chúng hoàn toàn không có vấn đề sinh diệt, nguyên vì chúng không có tác dụng duyên danh để hiện tướng. Vì vạn pháp ở dạng thể tính không có hình tướng cho nên Phật giáo gọi là Tánh Không. Trạng thái chủng tử vô tướng của Pháp Tánh, bên Duy Thức Học gọi là Tánh Viên Thành Thật của vạn pháp. Giờ đây chúng ta thử xét nghiệm quan niệm tư tưởng như thế nào của Thiền sư Vạn Hạnh trong thi kệ Thị Đệ Tử: 
 

THỊ ĐỆ TỬ
 

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.”

 

Thích Mật Thể Dịch:

“Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.

Sá chi suy thạnh việc đời,

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”
 

- Phần đông các nhà nghiên cứu đều đứng trên lập trường tuệ giác Tánh Không của Pháp Tướng vạn pháp để giải thích bài thi kệ Thị Đệ Tử của Thiền sư Vạn Hạnh mà không đứng trên lập trường tuệ giác Chân Tâm của Pháp Tánh mà quán chiếu. Những nhà nghiên cứu đứng trên lập trường tuệ giác Tánh Không của Pháp Tướng giải thích bài thi kệ Thị Đệ Tử của Thiền sư Vạn Hạnh được thấy như sau:

 

Như nhà nghiên cứu Ngô Tất Tố trong Văn học Đời Lý, trang 30 giải thích Thị Đệ Tử cho rằng: “Bài này ý nói cõi đời không có cái gì vĩnh viễn, thân của người đời, cũng như bóng chớp, có rồi lại biến thành không, các thứ cây cối, mùa xuân tươi, mùa thu lại khô. Vận của cõi đời dù có lúc thịnh, lúc suy, nhưng cũng đừng sợ, sự thịnh suy đó chỉ là những việc tạm thời, cũng như giọt sương đọng trên ngọn cỏ vậy.” Bài thi Thị Đệ Tử được dịch giả phiên dịch sau đây:
 

Bảo Các Đồ Đệ:

 

“Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

(Ngô Tất Tố)
 

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục, trong Thiền Học Việt Vam, trang 221 có cái nhìn đặc biệt về bài thi kệ Thị Đệ Tử của Thiền sư Vạn Hạnh như sau: 

 

“Ở đây cái Tâm giác ngộ của Thiền sư đã mượn cái nguồn sống tuần hoàn điều lý bất tuyệt trường tồn của vũ trụ Dịch để nối liền hai phương diện của sự sống, sống Đời và sống Đạo, dụng với thể dung hòa làm một thực tại toàn diện.” Cũng cái nhìn này và tác giả đưa ra nguyên lý “Noi theo vận mệnh lên xuống tự nhiên không còn lo sợ, Lên xuống cũng ví như hạt sương phơi trên ngọn cỏ.” Cũng như trên, Nguyễn Đăng Thục đứng trên lập trường tuệ giác tính không của Pháp Tướng vạn pháp để giải thích bài thi kệ Thị Đệ Tử của Thiền sư Vạn Hạnh.

 

Riêng nhà nghiên cứu Nguyên Hảo, tác giả lại dựa theo tinh thần bài kệ trong Kinh Kim Cang để nhận định giá trị thi kệ Thị Đệ Tử của Thiền sư Vạn Hạnh. Tác giả phủ định toàn diện các pháp thế gian và xuất thế gian ở trên lĩnh vực Pháp Tướng cũng như trên lĩnh vực Pháp Tánh, tất cả đều vô thường, giả huyển, không thật.... đúng như bài kệ sau đây của Kinh Kim Cang mà tác giả dẫn chứng:

 

“Hết thảy pháp hữu vi,

Như mộng huyễn bào ảnh,

Như sương, như điện chớp,

Nên quán chiếu như thế.”
 

(Nhứt thiết hữu vi pháp,

Như mộng huyễn bào ảnh,

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.)

 

Theo như trong Thơ Thiền Đời Lý, trang 67, tác giả Nguyên Hảo nhận định rằng: “Thiền sư Vạn Hạnh đứng trên lập trường tuệ giác Tánh Không để quán chiếu các pháp thế gian và xuất thế gian. Quán chiếu rằng tất cả các pháp đều vô thường, không thật, giống như điện chớp, như sương mai. Khi quán chiếu như vậy thâm sâu, sẽ thấy được tính chân thật của các pháp là huyễn, là không.” 

Còn đối với câu: “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi”, tác giả dựa theo tinh thần Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa dạy: “Bồ Tát nương vào Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không sợ hãi” để giải thích: “Dù đứng trước bao nhiêu sự đổi thay, biến dịch, được mất, hơn thua, tâm không còn sợ hãi”.

 
- Còn đứng trên lập trường tuệ giác Chân Tâm của Pháp Tánh quán chiếu thi kệ Thị Đệ Tử của Thiền sư Vạn Hạnh thì nhận thấy:

 

1. Câu “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”, câu này ý của Thiền sư Vạn Hạnh trình bày: Thân thể con người và vạn pháp trong thế gian so sánh cũng giống như điện ảnh trên màn ảnh. Thân thể con người và vạn pháp trong thế gian đều do Chân Tâm tác dụng từ Pháp Tánh hiện hữu thành Pháp Tướng, cũng giống như hình ảnh vạn pháp trên màn ảnh đều do dòng điện tác dụng từ DVD để hiện hữu. Pháp Tánh con người và vạn pháp nương nơi Chân Tâm để hiện hữu thành Pháp Tướng cũng giống như hình ảnh vạn pháp trong DVD nương nơi dòng điện để hiện hữu trên màn ảnh. 

Pháp Tướng của con người và vạn pháp trong thế gian theo Thiền sư Vạn Hạnh không có vấn đề sinh và diệt mà chỉ vấn đề có hiện hữu (hữu) hay không có hiện hữu (vô) mà thôi. Sự hiện hữu của Pháp Tướng con người và vạn pháp đều do sự nhu cầu của Chân Tâm quyết định, cũng như sự có mặt hình ảnh vạn pháp trên màn ảnh đều do dòng điện quyết định. Khi có một nhu cầu chỉ định, Chân Tâm liền tác dụng khiến Pháp Tánh con người và vạn pháp hiện ra Pháp Tướng góp mặt trong thế gian để sinh hoạt, gọi là Hữu mà không gọi là sinh. 

Ngược lại khi nhu cầu đã mãn, Chân Tâm trở về nguyên thể thì lúc đó Pháp Tướng con người và vạn pháp cũng liền trở về Pháp Tánh không còn điều kiện để hiện hữu nữa nên gọi là Vô mà không gọi là Diệt. Hơn nữa sự hiện hữu hay không hiện hữu của Pháp Tướng con người và vạn pháp trong thế gian không ảnh hưởng chút nào đến sự tồn tại con người và vạn pháp nơi Pháp Tánh cả, cũng như sự có mặt hay không có mặt hình ảnh vạn pháp trên màn ảnh không bị ảnh hưởng chút nào đến hình ảnh vạn pháp trong DVD. Từ ý nghĩa đây mới có câu: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”.

 

2. Câu “Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”: Câu thứ hai này với mục đích làm sáng tỏ thêm ý nghĩa và giá trị của câu thứ nhất. Ý nghĩa và giá trị của câu thứ hai nhằm diễn tả sự sinh hoạt của con người và vạn pháp trên lĩnh vực pháp tướng trong thế gian. Sự sinh hoạt của con người và vạn pháp trong thế gian theo như trên đã giải thích đều do sự quyết định của Chân Tâm. 

Chân Tâm góp mặt thì con người và vạn pháp trở thành mùa xuân tươi mát và ngược lại nếu như Chân Tâm không góp mặt thì con người và vạn pháp trở thành thu tàn héo khô. Điều này cũng giống như dòng điện tác dụng góp mặt thì những hình ảnh trên màn ảnh sinh hoạt linh động và ngược lại nếu như dòng điện đình chỉ góp mặt thì những hình ảnh trên màn ảnh đều trở thành mất dạng.

 

Hơn nữa, nhờ sự chuyển động của Chân Tâm mà con người và vạn pháp trong thế gian mới biến tướng để nẩy nở và phát triển và cũng vì sự không chuyển động của Chân Tâm mà con người và vạn pháp nói trên đều bị biến tướng theo dòng thác thời gian có, không, xuống, lên, thạnh, suy, được, mất.... Chúng ta phải dùng tuệ giác quán chiếu để tỏ ngộ được vai trò của Chân Tâm đối với con người và vạn pháp trong thế gian đồng thời cũng thông suốt được giá trị hiện hữu và tồn tại của con người của vạn pháp đều theo nhu cầu của Chân Tâm quyết định tối hậu. Từ ý nghĩa trên mới có câu: “Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”. 

 

3. Câu “Nhậm vận thạnh suy vô bố úy”: ý nghĩa câu thứ ba này dạy cho chúng ta khi đã tỏ ngộ được vai trò của Chân Tâm trong đó có bản Tâm chúng ta đối với vạn pháp trong thế gian và làm chủ được bản Tâm chúng ta trong mọi lĩnh vực sinh hoạt thì khi đối diện trước sự biến tướng của con người và vạn pháp theo dòng thác thời gian có, không, thạnh, suy, còn, mất không cần phải lo sợ và hơn nữa và phải biết rằng, con người cũng như vạn pháp chỉ bị biến tướng theo dòng thác thời gian mà không bao giờ bị biến tính, nghĩa là bản tính của con người của vạn pháp luôn luôn hiện hữu và tồn tại trong thế gian; đồng thời nhơn đó lợi dụng sự biến tướng theo dòng thác thời gian của con người và vạn pháp nói trên mà quán chiếu để tìm ra phương pháp sống tùy duyên khi đối diện trước mọi hoàn cảnh đổi thay.

Nghĩa là hoàn cảnh có thì tính theo có, không thì tính theo không, được thì tính theo được, mất thì tính theo mất..v..v..., hay nói cách khác nghĩa là con người phải biết sống thuận theo hoàn cảnh thăng trầm, biến đổi, thạnh, suy..v..v...của cuộc đời để chuẩn bị trước những hành trang cho lẽ sống và làm thế nào đời sống của mình khỏi bị mâu thuẩn là được an lành ngay, nguyên vì chính bản thân của mình cũng là một phần đơn vị trong vạn pháp biến tướng theo dòng thác thời gian nói trên. Đây là ý nghĩa của câu: “Nhậm vận thạnh suy vô bố úy.”

 

4. Câu “Thạnh suy như lộ thảo đầu phô”: Câu thứ tư này là biện chứng cho câu thứ ba ở trên. Ý nghĩa câu này bảo rằng, sự thăng trầm, biến đổi, thạnh, suy, còn mất, có, không của con người và vạn pháp trong thế gian chỉ là sự biến tướng theo dòng thác thời gian và không ảnh hưởng chút nào đến Pháp Tánh Chân Tâm. Điều này cũng giống như Tánh Ướt của nước trong hạt sương đầu cành. 

Trạng thái của nước luôn luôn bị biến tướng theo hoàn cảnh, khi thành đám mây, khi thành giọt mưa, khi thì thành hạt sương,..v..v..... nhưng Tánh Ướt của nước không bị biến thể và vẫn tồn tại hiện hữu khắp các trạng thái trong nước, trong mây, trong mưa, trong hạt sương..v..v...... Đã giác ngộ được đều đó, chúng ta không cần phải lo sợ trước sự thạnh suy, mất còn..v..v.... của con người và vạn pháp trong thế gian và từ đó chúng ta tự tại thênh thang khắp nẻo đường trần, bể dâu mặc kệ, thăng trầm mặc bây. Đây là ý nghĩa câu: “Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.”
 

Cụ thể hơn, theo đại ý của bài thi Thị Đệ Tử (chỉ dạy các đệ tử) này, Thiền sư Vạn Hạnh bảo các đệ tử rằng, Thầy không bao giờ sống (sinh) và chết (diệt), chỉ có mặt (hữu) và không có mặt (vô) trong thế gian mà thôi. Sự có mặt của thầy trong thế gian (sinh) là do Pháp Thân của thầy nơi Pháp Tánh Chân Tâm hiện khởi để độ sinh cứu đời. Giờ đây nhiệm vụ độ sinh cứu đời của thầy đã mãn, thầy trở về nơi Pháp Tánh Chân Tâm an nghĩ hay đi nơi khác, đó là sự vắng mặt của thầy (vô) nơi thế gian này chứ thầy không bao giờ chết (diệt).
 

Bản Tâm của thầy nơi Chân Tâm khi phát nguyện độ sinh cứu đời thì hiện hữu trong Pháp Thân của thầy để sinh hoạt là lúc đó bản Thân của thầy trở thành mùa xuân (thạnh) và khi hạnh nguyện của thầy đã mãn thì bản Tâm của thầy tuần tự rút lui để trở về nơi Chân Tâm là lúc đó bản Thân của thầy trở nên thu tàn khô héo (suy).

 

Sự có mặt của thầy hay không có mặt của thầy trong thế gian, các con đừng quan tâm lo sợ mà phải tu tập quán chiếu để được giác ngộ những nguyên lý trên và biết sống tùy duyên để được an lạc tự tại trong mọi hoàn cảnh. Các con nên biết rằng bản thân của thầy tuy vắng mặt trong thế gian, nhưng Pháp Thân của thầy vẫn hiện hữu với hình thức khác, cũng giống như sự có mặt Tánh Ướt của nước trong hạt sương phơi đầu ngọn cỏ. 

 

Những nguyên lý này không chỉ dành riêng cho thầy mà các con và tất cả chúng sinh đều nằm cả trong định luật đó. Các con nhất định phải giác ngộ cho được những nguyên lý nói trên và làm chủ cho được bản tâm mình trước sự đến đi, suy thạnh, còn mất trong cuộc đời thì các con mới thực sự là trưởng tử của Như Lai và cũng xứng đáng là người kế thừa sự nghiệp của thầy.
 

Tóm lại:


Qua những dữ kiện chứng tích vừa trình bày trên cũng đủ nói lên, Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta không cần ca ngợi mà ai cũng đều phải công nhận là nhân vật nổi bật phi phàm của lịch sử, một Quốc Sư thạch trụ kiên cố của triều đại nhà Lý, một viên ngọc sáng ngời của tông phái Thiền Mật Tỳ Ni Đa Lưu Chi và cũng là một trong những Thiền sư đắc pháp cao thâm của Phật giáo Việt Nam. Thiền sư có tài năng xuất chúng, khống chế được tất cả tư tưởng đa khuynh của xã hội, của chính trị, của các tôn giáo đương thời để phục vụ chủ thuyết của ngài sớm đạt thành mục đích. 

Chẳng những thế, ngài còn biết sử dụng năng lực Mật Giáo phối hợp chặt chẽ với Dịch Biến của Kinh Dịch Lão Giáo tạo thành Sấm Ngữ Huyền Cơ mà xã hội thời bấy giờ đã đặt trọn niền tin trên hết nhằm phục vụ cho ngài xây dựng kiên cố triều đại nhà Lý. Còn sâu thẩm hơn nữa, qua bài thi kệ Thị Đệ Tử, ngài quả thực đã chứng ngộ được tâm yếu mầu nhiệm của tư tưởng Đại Thừa Phật giáo và còn làm chủ được bản Tâm của mình tự tại trên con đường nhập thế siêu phàm tùy duyên hóa độ quần sinh. Có thể xác định một lần nữa Thiền sư Vạn Hạnh chính là một Bồ Tát hóa thân của cõi Phàm Thánh Đồng Cư này.

Tác giả Thích Thắng Hoan
Trích trong Tư tưởng Phật giáo trong thi văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...