Danh sách bài viết

Vấn đề dân sinh trong Đại việt sử ký toàn thư và ý nghĩa thời đại của nó

Cập nhật: 28/12/2017

Trần Nguyên Việt(*)

Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử lớn của Việt Nam, ghi chép lại những sự kiện lịch sử của gần 3000 năm (từ thời Hồng Bàng đến năm 1675). Đây cũng chính là kho dẫn chứng dồi dào cho vấn đề dân sinh của bài viết này. Trong bài viết này, vấn đề dân sinh được tác giả xem xét trong ba lĩnh vực: đời sống sản xuất vật chất xã hội, chính trị - xã hội và đời sống tinh thần của xã hội. Theo tác giả, nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam đã ban hành và thực thi các chính sách dân sinh và an sinh xã hội, thậm chí khái niệm dân sinh cũng đã xuất hiện trong bộ sử ký này. Cuối cùng, tác giả chỉ ra bài học quý giá từ vấn đề dân sinh trong lịch sử đối với giai đoạn phát triển hiện nay ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vấn đề dân sinh trong lịch sử phát triển của nhân loại, về thực chất, là vấn đề chính trị được đại đa số các quốc gia trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trước hết là chủ trương và chính sách của giai cấp thống trị, sau đó đến các tổ chức xã hội khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau tạo thành chỉnh thể của một quốc gia. Xét về lôgíc hình thái, khái niệm “dân sinh” có nội hàm rộng hơn khái niệm “an sinh xã hội”; bởi khái niệm thứ hai mang tính cấp thiết nhất thời, nó được dùng để chỉ sự bảo vệ của xã hội đối với những thành viên của mình bằng một loạt những biện pháp công cộng, nhằm chống đỡ sự hẫng hụt về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, tàn tật, tuổi già, v.v.. Khái niệm dân sinh bao hàm không chỉ những vấn đề của an sinh xã hội, mà còn cả vấn đề bảo vệ sự ổn định đời sống lâu dài của nhân dân thông qua những chính sách, chủ trương được luật pháp hóa.

Xuất phát từ tính cấp thiết mà Đảng và Chính phủ ta đặt ra hiện nay về vấn đề tam nông (nông dân, nông nghiệp và nông thôn), chúng tôi muốn truy xét vấn đề dân sinh theo dòng lịch sử, xem nó đã từng được các triều đại phong kiến Việt Nam nêu và giải quyết như thế nào qua bộ sử quan trọng của nước ta là Đại Việt sử ký toàn thư. Sở dĩ chúng tôi coi vấn đề dân sinh trong lịch sử luôn gắn liền với nông dân vì nước ta là một nước nông nghiệp. Ở đó, nông dân là lực lượng dân cư luôn chiếm gần 80% dân số cả nước, luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thêm nữa, đến nay, nền kinh tế nước ta vẫn coi nông nghiệp là chủ đạo và vì vậy, có thể nói, vấn đề dân sinh trong Đại Việt sử ký toàn thư, về thực chất, là vấn đề “tam nông” trong lịch sử đất nước cần được nghiên cứu.

Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử lớn, ghi chép lại các sự kiện từ thời Hồng Bàng đến năm Ất Mão (năm 1675), tức là đến đời vua Gia Tông nhà Lê. Như vậy, xét về sử biên niên, bộ sử này đã ghi chép lại những sự kiện của gần 3000 năm; trong đó, đáng để chúng ta chú ý nhất là từ thời kỳ đất nước giành được độc lập năm 938 đến thời Lê Trung Hưng (năm 1675). Trong thời kỳ đó, việc xây dựng Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam (từ thời Lý, Trần đến thời Lê Trung Hưng) đã ít nhiều gắn liền với việc củng cố mối quan hệ quân - dân mà ở đó, vấn đề dân sinh luôn được các triều đại phong kiến chú ý. Mặc dù thước đo thịnh trị của bất kỳ triều đại phong kiến nào cũng lấy tiêu chuẩn lòng dân - ý trời làm cơ sở, song vấn đề dân sinh lại phụ thuộc vào khâu trung gian thực hiện các tiêu chuẩn đó là “thiên tử”, còn bộ máy thống trị quan liêu núp dưới chiêu bài “phụ mẫu của dân” có trách nhiệm thay trời “giáo hóa dân và trị vì thiên hạ”. Chính vì vậy, như chúng tôi đã đề cập ở trên, việc phân tích dựa trên các nguyên tắc của triết học xã hội để làm sáng tỏ vấn đề dân sinh qua từng giai đoạn lịch sử được nêu trong Đại Việt sử ký toàn thư là cần thiết, qua đó chỉ ra ý nghĩa của nó đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” ở Việt Nam hiện nay.

Để làm rõ hơn khái niệm dân sinh từ góc độ triết học xã hội, chúng tôi cho rằng, không thể bỏ qua việc phân tích các lĩnh vực đời sống xã hội. Thứ nhất, đó là lĩnh vực đời sống sản xuất vật chất xã hội, mà mục đích cao nhất của nó là thỏa mãn các nhu cầu vật chất với tư cách cơ sở phổ biến về tính tất yếu trong hoạt động lao động của con người. Con người khác với động vật trong hoạt động nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất ở chỗ, nó không thể giản đơn sử dụng những cái có sẵn trong tự nhiên như động vật, mà phải cải tạo, chế biến các sự vật tự nhiên, như C.Mác viết: “việc tạo một cách thực tiễn ra thế giới vật thể, việc cải tạo giới tự nhiên vô cơ là sự khẳng định của con người với tư cách là một sinh vật có tính loài có ý thức, nghĩa là một sinh vật đối xử với loài như với bản chất của chính mình, hoặc đối xử với bản thân mình như với một sinh vật có tính loài”(1).

Tính chất của việc chế tác sự vật từ giới tự nhiên để đảm bảo cuộc sống của con người cũng thay đổi theo quá trình lịch sử, tùy thuộc vào sự phát triển về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Khả năng cải tạo tự nhiên theo chiều hướng tích cực dần dần làm cho con người ít bị lệ thuộc vào tự nhiên hơn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã đáp ứng đáng kể nguồn lương thực cho con người hiện nay. Tuy nhiên, nếu xét lĩnh vực hoạt động sản xuất vật chất cách đây khoảng 2000 năm ở nước ta - một nước nông nghiệp lúa nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, vấn đề dân sinh lúc đó luôn là vấn đề phức tạp, đòi hỏi không chỉ sự cần cù, sáng tạo của người nông dân, mà cả chính sách cụ thể của Nhà nước về an sinh xã hội trong những trường hợp rủi ro do thiên tai gây ra, cũng như những biện pháp liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Các chính sách ấy đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Trước hết, chúng tôi đề cập đến vấn đề an sinh xã hội. Đây là vấn đề quan trọng, bởi có thể xem nó là thước đo tính đúng đắn trong đường lối trị nước của mỗi triều đại phong kiến Việt Nam. Như ở trên chúng tôi đã nói, nền nông nghiệp lúa nước của Việt Nam trong lịch sử (thậm chí cả trong giai đoạn hiện nay) bị chi phối đáng kể bởi các yếu tố tự nhiên. Đặc biệt, những vấn đề tự phát, tự nhiên luôn là mối đe dọa đến sinh mệnh của người dân và điều đó hầu như xảy ra thường xuyên, buộc nhà nước phải có các biện pháp cứu trợ, từ việc giảm thuế đến trợ cấp lương thực, thuốc men.

Ngay sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) đã thực hiện việc xá thuế cho nhân dân. Điều này ông làm không phải để cứu trợ cho dân trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai gây ra, mà thể hiện sự thông cảm với cuộc sống đang rất khó khăn của nhân dân. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa Đông, tháng 12… đại xá thuế cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thốn đã lâu, đều tha cho cả”(2).

Sang thời Trần, sử chép: “Canh Dần năm thứ 6 (1290), đói to, 3 thăng gạo trị giá 1 quan tiền, nhân dân nhiều người phải bán ruộng đất và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người khác, một người trị giá 1 quan tiền. Xuống chiếu phát thóc công để chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh”(3). Thậm chí, sự cứu trợ bằng thóc công cũng không đủ, triều đình phải kêu gọi những nhà giàu đem thóc ra cứu dân. Thời Trần Dụ Tông hoàng đế (Mậu Tuất), sử chép: “Đại Trị năm thứ 1 (1358). Từ tháng 3 cho đến mùa thu tháng 7, đại hạn và sâu ăn lúa; cá chết nhiều. Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu khuyên các nhà giàu ở các lộ bỏ thóc ra chẩn cấp cho dân nghèo, quan tư sở tại tính xem số thóc đã quyên ra bao nhiêu trả lại bằng tiền”(4). Nhà nước còn khuyến khích việc đó bằng cách ban tước phẩm cho những người dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo (năm 1361).

Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép nhiều sự kiện tương tự ở thời nhà Lê (từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng), Nhà nước trợ cấp cho dân trong trường hợp thiên tai, mất mùa, dẫn đến đói kém trong thiên hạ. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp cần kíp trước mắt, còn về lâu dài, các triều đại phong kiến Việt Nam chú ý tới lĩnh vực tổ chức sản xuất vật chất của xã hội.

Trước hết, chúng tôi muốn nói đến tinh thần làm gương của các quân vương qua việc cày ruộng tịch điền, tức là loại ruộng riêng của cung đình. Sử chép: “Đinh Hợi năm thứ 8 (987) (Tống, Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”(5). Nhâm Thân năm thứ 5 (1032), Vua Lý Thái Tông “đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền; nông dân dâng một cây lúa chiêm có chín bông thóc. Xuống chiếu đổi ruộng ấy làm ruộng ứng Thiên”(6). Năm Bính Thìn (1316), vua Trần Minh Tông còn sai tể thần, tôn thất cùng các quan gặt ruộng tịch điền(7). Như vậy, các ông vua nói trên và những ông vua khác trong lịch sử Việt Nam đã nêu gương tốt qua việc cày ruộng tịch điền, một mặt, để khích lệ tinh thần lao động của nhân dân, mặt khác, thể hiện tinh thần trọng nông, trọng dân, phần nào đó muốn xóa đi sự cách biệt giữa quân và dân. Điều đó chứng tỏ rằng, nhiều quân vương trong lịch sử Việt Nam có quan niệm khác với mẫu người lý tưởng của Nho gia theo tinh thần Khổng Mạnh (ở đó, các nhà sáng lập Nho gia thể hiện tư tưởng về sự cách biệt giữa kẻ cầm quyền với người lao động, thậm chí còn cho rằng, người làm ruộng, làm vườn (lão nông) là kẻ tiểu nhân, là kẻ lao lực (kẻ bị trị) phải làm ra của cải để nuôi kẻ lao tâm (kẻ thống trị)).

Ngoài việc nêu gương nói trên, các quân vương trong lịch sử còn chú trọng đến việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, quyết không để xảy ra tình trạng dân đói khổ. Chẳng hạn, vua Lê Thánh Tông năm Tân Tỵ, Quang Thuận năm thứ 2 (1461), tháng 3, đã chỉ huy cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn, xã rằng: “Từ nay về sau, về việc làm ruộng thì nên khuyên bảo quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc, không nên bỏ nghề gốc theo nghề ngọn, cùng là giả thác buôn bán, kỹ thuật, chơi bời dông dài, người nào có ruộng đất mà không chăm cấy trồng thì quan tư cai quản bắt trình trị tội”(8). Cũng vào thời Lê Thánh Tông, sử chép rằng: “Mùa thu tháng 8, ngày mồng 4 (Giáp Thìn 1484), định lệnh đắp bờ ruộng để chứa nước. Có sắc chỉ cho hai ty Thừa Hiến các xứ và các quan phủ huyện châu rằng: Từ nay trở đi, trong hạt xứ nào có đê vỡ ngập mất lúa mùa, mà thế có thể chứa nước để cấy chiêm, thì hai ty Thừa Hiến truyền cho các quan phủ huyện châu hà đê và khuyến nông, nên vào lúc nước lụt hơi rút, dự làm kế cứu đói cho dân, xem ngắm địa thế, tùy theo tiện nghi, đốc thúc dân làng bồi đắp bờ ruộng, cần chứa lấy nước, làm mùa chiêm, không nên bỏ phứa chức trách của mình, coi thường đau khổ của dân, ngồi nhìn mà không có kế gì, để dân phải đói”(9).

Thứ hai, trong lĩnh vực chính trị - xã hội, các vương triều đều chú trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, lấy dân sinh làm mục tiêu, lấy hiệu quả thực hiện dân sinh no ấm là sự thể hiện lòng nhân của triều đình. Có thể nói, Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) của Lý Công Uẩn là thí dụ điển hình, bởi nó mở ra một triển vọng mới cho sự phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Trung đại.

Với mục đích chọn nơi định đô để làm kế lâu dài cho con cháu muôn đời, Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, đó là nơi “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, cư dân không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”(10). Có thể nói, đây là vấn đề địa - chính trị đầu tiên được đặt ra trong lịch sử nước ta. Trên thực tế, địa - chính trị là bộ môn thuộc chính trị học ra đời vào nửa đầu thế kỷ XX, song những quan điểm về ổn định và phát triển đất nước của Lý Công Uẩn là hoàn toàn phù hợp với chức năng của bộ môn này, đó là nghiên cứu không gian địa lý và xã hội để đề ra chủ trương chính trị đúng đắn. Có thể nói, với năng lực tư duy chính trị siêu việt, Lý Công Uẩn đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng trong việc tìm kiếm địa thế cho sự định đô, mà tiêu chí quan trọng của nó là trung tâm của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Chúng tôi cho rằng, vị vua anh minh này muốn thông qua những tiêu chí địa - chính trị đó để xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

Các vị vua thời sau, trong sự nghiệp trị vì thiên hạ của mình, đã chú trọng đến những vấn đề dân sinh cụ thể hơn, đó là vấn đề an dân trên phương diện tình cảm và lý trí. Về phương diện tình cảm, họ đưa ra quan điểm “yêu nuôi nhân dân”, coi dân như những “thần dân”, “con dân”, v.v., từ đó họ đưa ra những điều chỉnh về mặt pháp lý để trị dân theo tinh thần “thuận ý trời, hợp lòng dân”. Sử chép: Tháng 10, năm 1042, vua Lý Thái Tông đã “Ban sách Hình thư. Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cất làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư sửa định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời bấy giờ, chia ra môn loại, biên ra điều khoản, làm sách Hình luật của một triều đại để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây, phép xử hình thản nhiên rõ ràng, cho nên có lệnh đổi niên hiệu làm Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”(11).

Mặc dù nhà Lý chưa đưa ra được bộ luật thành văn hoàn chỉnh, song Hình luật cũng đã góp phần bảo vệ an ninh cho dân. Sử chép: “Quí Mùi, năm Minh Đạo thứ 3, tháng 12, vua đến hành dinh Cổ Lãm, xuống chiếu rằng kẻ nào ăn cướp lúa mạ và tài vật của nhân dân, nếu đã lấy rồi thì xử 100 trượng, nếu chưa lấy được mà làm cho người bị thương thì xử tội lưu”(12). Không những vậy, Lý Thái Tông còn xem sự an vui của dân cũng chính là của mình, cụ thể vào năm Giáp Thân (1044), “mùa đông, tháng 11, vua xuống chiếu rằng: “Đánh dẹp phương xa, tổn hại việc làm nông, ngờ đâu mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu nhân dân đã no đủ thì trẫm còn thiếu với ai? Vậy xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay, để yên ủi sự khó nhọc lặn lội””(13). Điều này làm chúng ta liên tưởng tới chuyện vua nước Lỗ là Lỗ Ai Công đang lo không biết tăng thuế như thế nào để có đủ cho nhà nước chi dùng thì học trò của Khổng Tử là Hữu Nhược nhân đó đã phát biểu ý kiến của mình như sau: “Nếu trăm họ no đủ thì vua thiếu thốn với ai? Nếu trăm họ thiếu thốn thì vua no đủ với ai” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 9). Như vậy, cùng một ý, nhưng lại được phát biểu trong hai văn cảnh đối lập nhau.

Vấn đề dân sinh từ thời Lý đã mang nội dung nhân văn rất cao, đó là quan tâm đến con người như một sinh thể cao quý nhất. Chẳng hạn, “Ất Mùi, Long Thụy Thái Bình năm thứ 2 (1055), mùa đông, tháng 10 rét lắm, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày hai lần phát cơm””(14).

Tư tưởng nhân văn này còn có thể tìm thấy trong các chiếu chỉ và lệnh dụ của các vua khác. Chẳng hạn, vua Thần Tông nhà Lý năm Kỷ Dậu (1129) đã “Xuống chiếu rằng, nô tỳ của vương hầu và các quan không được cậy thế đánh quan quân và nhân dân, kẻ nào phạm thì gia chủ phải tội đồ, kẻ nô sung làm quan nô”(15). Cũng như vậy, vào thời Trần, vua Trần Nhân Tông đã răn các vệ sĩ không được thét đuổi, ức hiếp nô tì, bởi ông nhận thức rất rõ vai trò của người dân và cho rằng: “ngày thường thì có thị vệ hai bên, đến khi nhà nước hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy đi theo thôi”(16). Hay, nhà Lê Sơ đã nhiều lần ra lệnh cho các quan lại cùng người nhà của họ không được cậy quyền thế mà ức hiếp nhân dân, cấm chiếm đoạt của cải, ruộng đất hoặc mua rẻ hàng hóa của dân. Đến thời nhà Mạc, để bảo đảm an ninh cho dân khi đi lại và làm ăn sinh sống, triều đình đã cố gắng thiết lập trật tự xã hội như sau: “Nhâm Thìn (1532, Mạc Đại Chính thứ 3), Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thì thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có khi sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”(17). Về phương diện chính trị - xã hội, vua Mạc là Mạc Mậu Hợp, năm Quý Dậu (1573), đã ban chiếu mệnh gồm sáu việc, trong đó có hai việc liên quan đến dân sinh như sau: 1. Người dân nào bị nạn binh lửa mà không có hằng sản đều tha tạp dịch; 2. Dân nghèo xiêu giạt cho về bản quán, tha cho thuế dịch(18).

Từ tình cảm mang nặng tính nhân văn của các quân vương qua một số dẫn chứng nêu trên, đường lối trị nước của các vương triều đã được phát triển lên một tầm mức mới, đó là sự thể chế hóa, luật pháp hóa vấn đề dân sinh. Nhờ đó, các lĩnh vực sản xuất vật chất, chính trị - xã hội, dù trong hoàn cảnh nào, Phật giáo là quốc giáo hay Nho giáo được độc tôn, cũng luôn được kết hợp với nhau để việc trị quốc và trì quốc có hiệu quả tốt nhất.

Nhà nước phong kiến nào trong lịch sử cũng đều giương cao ngọn cờ nhân nghĩa an dân, lấy đó làm thước đo sự thịnh trị của đất nước và tính đúng đắn trong đường lối trị nước của triều đại mình. Cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của nhà Minh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã lấy mục đích an dân làm đầu. Để thực hiện được mục đích ấy, ngay từ đầu, Lê Lợi đã ra lệnh cho quân đội của mình không được xâm phạm bất kỳ thứ gì của dân, phải làm cho dân tin và theo về với đội quân chính nghĩa ấy. Đến khi giành được thắng lợi, Lê Lợi đã quyết định áp dụng luật pháp vào đường lối trị nước, nhưng đó không phải là đường lối pháp trị thuần túy như thời nhà Tần ở Trung Quốc, mà là sự kết hợp đức trị với pháp trị nhằm mục đích trị quốc, an dân theo tinh thần khuyến thiện, phòng ác. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ nhất (1428). Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy Hành khiển bàn định luật lệnh trị quân và dân, cho người làm tướng biết mà trị quân, người làm quan ở lộ biết mà trị dân, để răn dạy quân dân đều biết là có phép, phàm các công việc đều có phụ trách, dâng lên vua xem”… Hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp”(19).

Thời vua Lê Thánh Tông, năm Tân Mão, Hồng Đức năm thứ 2 (1471), tháng 11, có sắc dụ cho các quan Thừa tuyên phủ, huyện ở Sơn Nam rằng: “Bọn các ngươi là hạng phương diện chức to, thân dân trách trọng, không biết thể theo lòng nhân của triều đình yêu nuôi nhân dân, chỉ chăm làm những việc nhỏ mọn như roi vọt sổ sách. Nay sứ ty và các phủ huyện các người nên phải mau mau đi xét trong hạt, những nơi núi chằm bờ biển, chỗ nào có thể làm ruộng được, các đê đập ngòi cừ, chỗ nào có thể đắp đào được, cùng là chỗ nào có hổ lang làm hại, có kẻ cường hào xui giục kiện tụng, phong tục điêu bạc, nhân dân đau khổ, hết thảy các việc tiện lợi nên làm, những mối tệ hại nên bỏ, trong hạn trăm ngày phải tâu rõ ràng lên, nếu để chậm quá hạn, sai vệ sĩ Cấm y đi xét hỏi ra còn có việc tiện lợi nên làm và mối tệ hại nên bỏ mà các ngươi không tâu đến, thì phủ huyện phải bãi chức sung quân ở Quảng Nam, thừa ty phải giáng chức”(20).

Những trường hợp tương tự có thể tìm thấy khá nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư, tất cả đều phản ánh sự nỗ lực của các triều đại phong kiến Việt Nam trong việc thực hiện đường lối nhân nghĩa an dân, mà về thực chất là sự quan tâm lớn đến vấn đề dân sinh.

Bên cạnh đó, còn một lĩnh vực khác nữa cần được đề cập tới, đó là lĩnh vực đời sống tinh thần của xã hội. Nói đến lĩnh vực này, trước hết, chúng ta cần đề cập đến một số phương diện cơ bản của nó trên cơ sở nhận thức luận và xã hội học. Lĩnh vực nhận thức luận có các yếu tố cơ bản như: phản ánh lý tưởng, thế giới khách quan và tồn tại xã hội. Cốt lõi của phương diện này là vấn đề chân lý. Do ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, thế giới khách quan và sự phản ánh đó có mức độ nông, sâu khác nhau, cho nên từ vấn đề chân lý, cần phải làm rõ hai đầu mối của ý thức xã hội là khoa học và tôn giáo. Còn lĩnh vực xã hội học không chỉ dựa vào các yếu tố nói trên, mà còn phải xuất phát từ quan điểm đánh giá vai trò và ý nghĩa của chúng đối với hoạt động của chủ thể xã hội.

Như chúng ta đều biết, mối liên hệ giữa khoa học và triết học ở phương Đông thường không mạnh như ở phương Tây, đó là chưa nói đến truyền thống khoa học kém phát triển trong lịch sử của nước ta. Vì vậy, xét về lưỡng cực “khoa học - tôn giáo”, ý thức xã hội của nước ta trong lịch sử thường thiên về cực thứ hai hơn; ở đó, thế giới khách quan, tồn tại xã hội và lý tưởng xã hội được phản ánh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của ý thức thường nhật và tôn giáo. Về phương diện xã hội, xét trong tiến trình lịch sử mà Đại Việt sử ký toàn thưghi lại, chủ thể xã hội, về cơ bản, được chia một cách ước lệ thành hai đẳng cấp: thống trị và bị trị. Chính vì vậy, theo văn cảnh của vấn đề dân sinh trong bộ sử ký này, chúng tôi chú ý đến lĩnh vực đời sống tâm linh có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chủ thể xã hội, mà về cơ bản là thái độ của các vương triều đối với con dân của mình, tức là đẳng cấp bị trị.

Điều dễ hiểu là, trong bối cảnh xã hội với nền kinh tế truyền thống chủ yếu là nông nghiệp, khi mọi sự may rủi đều phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên vốn không được giải thích một cách khoa học, mà phần lớn chỉ dựa vào thuyết mệnh trời, thuyết “thiên nhân tương dữ” của Hán Nho, vai trò trung gian của thiên tử trong mối liên hệ trời - người trở nên cực kỳ quan trọng. Nhận sứ mệnh nuôi dạy dân, thiên tử dường như gần gũi với dân hơn, tức là thể hiện tinh thần thế tục cao hơn. Có những ông vua (như Lý Thái Tông) biết chia sẻ niềm vui với dân, cho rằng, “nếu nhân dân đã no đủ thì trẫm còn thiếu với ai?”. Song, như chúng ta thấy, đa phần các sự kiện liên quan tới dân sinh được ghi trong bộ sử mà chúng tôi đang đề cập tới đều chú ý đến những vấn đề an sinh như mất mùa, thiên tai, sâu bệnh, v.v.. Khi đó, người đứng đầu một triều đại nào đó trong lịch sử luôn thể hiện tâm trạng lo âu, muốn đi tìm nguyên nhân của vấn đề ở chính bản thân mình và rồi chính họ hoặc những trung thần đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự trừng phạt của trời. Một số dẫn chứng dưới đây sẽ góp phần làm rõ điều đó.

Thời Lê Sơ, Ất Sửu, Thái Hòa năm thứ 3 (1445), Mùa đông, tháng 10, vì có tai dị, Nhân Tông Tuyên hoàng đế đã xuống chiếu rằng: “Trẫm là người đứng đầu mà chưa biết việc đời, cho nên liền mấy năm nay tai dị luôn luôn, sấm sét thường phát, mưa dầm quá độ, nước to tràn ngập, đê phòng vỡ lở, nhà cửa của dân đổ nát, sâu bọ sinh nhiều, cắn hại lúa má chốn đồng ruộng, đầm và hồ sụt lấp, dâu và rau ngập khô. Hoặc là vì chính sự có thiếu sót mà hại đến hòa khí của trời đất, ngục tụng không công bằng mà khí vận âm dương biến đổi chăng? Muốn tiêu sự trách phạt của trời cao, phải ban rộng ơn huệ cho kẻ dưới. Các điều bớt thuế giảm tội đều có thứ bậc khác nhau”(21). Nguyên nhân dẫn đến tai họa nói trên được Lê Nhân Tông tìm thấy ở sự biến đổi theo chiều hướng bất lợi của khí âm dương, nhưng suy đến cùng, nguyên nhân ấy lại bắt nguồn từ “chính sự” của triều đình. Việc lý giải như vậy rõ ràng là theo quan điểm của Tống Nho. Còn đoạn trích dưới đây lại thiên về quan niệm tôn giáo thần bí của Hán Nho.

Thời Lê Trung Hưng, “Đinh Tỵ năm thứ 18 (1617), mùa đông tháng 10 ngày mồng 4, Tả thị lang lại bộ là Phú Xuân Hầu Ngô Trí Hòa, Tả thị lang bộ Hộ là Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ cùng với bọn Phạm Trân dâng khải lên Bình An vương rằng: “Trộm thấy năm nay về hạ tuần tháng 9 có sao lạ, đến giờ dần mọc ra ở phương Đông dài hơn 1 trượng, lại có tiếng sấm trái thì; tháng trước lại mưa ra gạo đen, mưa ra cát vàng, các việc ấy đều là quái dị, chắc có quan hệ với chính sự hiện nay. Những việc trái lẽ hại đạo, khó mà kể hết, kính xin trình bày 6 việc: 1. Xin sửa đức để cầu mệnh trời. 2. Ngăn quyền hào để nuôi sức dân. 3. Cấm phiền hà để dân sống khá. 4. Cấm xa xỉ để của dân phong túc. 5. Dẹp trộm cướp để dân ở yên. 6. Sửa quân chính để bảo hộ dân sinh”.

Hữu Thị Lang lại bộ là Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An vương rằng: “Trộm nghĩ trời xuống tai dị hay điềm lành là do ở sự có đức hay không, làm thiện thì hiện ra điềm lành, làm ác thì răn bằng tai dị… Nay chính sự thi hành không bằng năm trước, mệnh lệnh ban bố đều không thể theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm làm hà khắc tàn ngược, vét hết tài sản của dân. Những tiếng than sầu khổ cũng đủ cảm động đến trời, mà trời răn bảo bằng điềm quái lạ, người làm chúa trông thấy thế nên phải tự xét. Kính xin sự răn bảo của trời, thương nuôi dân mọn; phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một tệ gì có hại cho dân thì đều bỏ. Lại càng phải thi nhân chính cho dân… Như thế thì người dần đội ơn mà vui lòng, người xa nghe tiếng mà kéo đến. Thế là được lòng dân. Lòng dân vui ở dưới thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển làm sao sáng lành, mưa tai dị chuyển làm mưa hòa thuận, các thứ phúc đều đến cả mà vương đạo đại thành vậy””(22).

Có thể nói, khái niệm “dân sinh” lần đầu tiên đã được sử dụng trong Đại Việt sử ký toàn thư theo đúng nghĩa của từ. Trong 6 điều cần sửa, nhà cầm quyền đặt lên hàng đầu là “sửa đức để cầu mệnh trời”, “kính xin sự răn bảo của trời” để “bảo hộ dân sinh”, làm cho “khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán sầu” (Nguyễn Trãi). Nếu ông vua nào biết nghe những lời can gián, biết đi tìm nguyên nhân tự phát, tự nhiên ở chính sự và chính bản thân mình, biết chia sẻ niềm vui và nỗi lo với dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, thì triều đại của ông ta sẽ dần được ổn định và được lòng dân, nghĩa là giữ được nước. Ngược lại, những ông vua (theo quan điểm của Mạnh Tử), không ra vua, chỉ là những kẻ tàn tặc, không quan tâm đến dân, đưa ra những chính sách trị dân hà khắc, sớm muộn sẽ bị trời trừng phạt và bị thay thế bởi những ông vua khác, thậm chí thay cả triều đại.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không đề cập đến mặt trái của vấn đề dân sinh trong Đại Việt sử ký toàn thư. Song, rõ ràng là, mặc dù bộ sử này do sử thần nhà Lê là Ngô Sĩ Liên soạn, nhưng tính chính thống của Nho giáo và sự biện hộ cho những tiêu cực xảy ra trong lịch sử tồn tại của nhà Lê vẫn không thể che đậy được những sự kiện có ảnh hưởng tiêu cực đến dân sinh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, giải quyết vấn đề an sinh xã hội chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính cấp bách do các sự kiện bất khả kháng gây ra làm cho đời sống nhân dân bị cơ nhỡ, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mạng. Còn vấn đề dân sinh cần được xem xét rộng hơn, ở đó bao hàm cả lĩnh vực chính trị, pháp luật, liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Chính vì vậy, dù các triều đại phong kiến Việt Nam có sự trường tồn khác nhau, có sự suy bại khác nhau, song ở mức độ nhất định, đều tỏ ra quan tâm đến đời sống của nhân dân, luôn lo lắng tới vấn đề có được lòng dân hay không để từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp. Đó chính là bài học lịch sử quý giá nhất cho muôn đời, đặc biệt là ở những giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay ở nước ta. Vấn đề lòng tin của nhân dân và sự đồng thuận xã hội từ các cấp lãnh đạo cho đến nhân dân chỉ được thể hiện trong đời sống thực tiễn của xã hội nếu vấn đề dân sinh được xem là quốc sách quan trọng, thậm chí là quốc sách hàng đầu.

Chúng tôi cho rằng, vấn đề dân sinh là tiền đề quan trọng để thực hiện việc xây dựng xã hội phát triển hài hòa. Đó không chỉ là sự hài hòa về lợi ích vật chất và tinh thần, về thực thi dân chủ, mà còn là cả mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên như điều kiện tất yếu để đất nước phát triển bền vững.

Chắc chắn rằng, việc nghiên cứu những vấn đề dân sinh trong Đại Việt sử ký toàn thư sẽ phải được tiếp tục, bởi tính thời sự cấp bách của nó hiện đang được thể hiện ngày càng rõ nét do chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước ta không thể thiếu các luận chứng lịch sử của đất nước. Chúng tôi cho rằng, nếu như nhà nông luôn đi tìm hạt giống tốt để đạt hiệu quả cao trong sản xuất cả về lượng lẫn chất, thì chính sách của Nhà nước cũng cần phải theo con đường chọn giống đó để thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó tam nông chiếm tỷ trọng áp đảo về nhiều mặt. Một nhà nước không thể gọi là mạnh khi đời sống của nhân dân còn nghèo đói, một thể chế không thể gọi là thích hợp khi những vấn đề dân sinh bị lãng quên.

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...