Cập nhật: 28/12/2017
Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ và Trung Hoa vào Việt Nam từ rất sớm. Trong suốt quá trình du nhập, giao thoa, và phát triển, Phật giáo tùy thuận và thích nghi với văn hóa, phong tục truyền thống và đức tin bản địa của người Việt, mặt khác lại có những tác động sâu sắc tới bản sắc văn hóa Việt Nam.
Phật giáo càng phát triển, càng gắn bó sâu sắc với văn hóa dân tộc. Dấu ấn đạo Phật được thể hiện rõ nét trong kho tàng văn hóa dân tộc qua những di sản vừa có giá trị vật chất vừa mang giá trị tinh thần. Đó là những kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi đối liễn, đồ thờ cúng…
Theo Ban Thông tin và Truyền thông thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có hơn 15.000 ngôi chùa. Trong số đó, gần 600 ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử, hơn 300 di tích văn hóa, hơn 1.300 là di tích lịch sử văn hóa và hơn 130 là di sản kiến trúc nghệ thuật.
Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội, nhận định gần như mỗi làng xã đều có ít nhất một ngôi chùa. Chùa trên núi cao, trong hang sâu, nơi biên giới, hải đảo, từ những làng mạc xa xôi, hẻo lánh, cho tới các khu đô thị sầm uất. Rất nhiều ngôi chùa đã trở nên nổi tiếng, như chùa Một Cột - biểu tượng của thủ đô Hà Nội, chùa Hương Tích, địa danh hành hương và du lịch nổi tiếng với cái tên “Nam thiên đệ nhất động,” chùa Đọi Sơn ở Hà Nam, chùa Đồng ở núi Yên Tử, hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình.
Chùa Một Cột - biểu tượng của Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Có thể nói nền văn hóa Việt Nam mang 95% đặc điểm của văn hóa làng xã, trong đó chùa làng có vai trò trung tâm. Chùa không chỉ là nơi thực hành tôn giáo, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc biệt là lễ hội.
Việt Nam có gần 8.000 lễ hội truyền thống. Đa số được khởi nguồn từ Phật giáo. Những lễ hội xuân như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Bái Đính thu hút hàng triệu du khách và Phật tử gần xa.
Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày lễ riêng của Đạo Phật mà đã trở thành ngày lễ của toàn dân. Tập tục lên hương, cúng Phật ở chùa và tổ tiên tại gia vào ngày rằm và mồng một cũng tạo nên nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam.
Theo ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo, trước khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, người Việt chủ yếu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Với những đặc điểm tương đồng nhất định, tín ngưỡng Thờ Mẫu là mảnh đất màu mỡ cho Đạo Phật bén rễ sâu và phát triển.
Qua quá trình du nhập, giao thoa và tiếp biến, Đạo Phật dung hòa với tập quán bản địa, cho phù hợp tinh thần, tình cảm của người Việt Nam. Các chư Phật trong tâm tưởng người Việt không đáng sợ, mà gần gũi, được tôn thờ, và ngưỡng mộ.
Phật Quan Âm, ở một số nền văn hóa khác được mô tả là Phật ông, thì ở Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng Thờ Mẫu được mô tả là vị Phật Bà.
Phật Quan Âm còn đi vào truyền thuyết dân gian, trở nên gần gũi với hiện thân là một ni cô người Việt, nhờ tấm lòng đoan chính, đức hy sinh cao cả mà hóa thánh và được tôn là Phật Bà Quan Âm Thị Kính.
Đức Phật cũng được dân gian hóa mà thành ông Bụt, một cụ già râu tóc bạc phơ, phúc hậu, hiền từ, luôn bênh vực và che chở cho kẻ yếu. Người Việt còn tôn thờ Đức Phật của riêng mình.
Vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, đã từ bỏ ngai vàng ở tuổi 35 để lên núi Yên Tử, Quảng Ninh, tu hành. Ngài đã sáng lập ra Trường phái Trúc Lâm và được người đời tôn vinh là Phật Hoàng.
Tượng Quan Âm Thị Kính bồng trẻ lớn nhất Việt Nam ở chùa Phước Quang, Vĩnh Long. (Ảnh: Đại đức Thích Phước Ngọc cung cấp)
Ông Đặng Tài Tính, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ, cho rằng nền văn hóa Việt Nam mang tinh thần khoan dung văn hóa, một mặt bảo vệ bản sắc riêng, đồng thời sẵn sàng tiếp thu có chọn lọc những tác động tính cực từ các nền văn hóa trên thế giới. Rất nhiều đoàn tôn giáo quốc tế đến thăm Việt Nam đều bất ngờ khi biết chùa ở Việt Nam không chỉ thờ các vị Phật, mà còn thờ Mẫu, các anh hùng dân tộc.
Các cơ sở tôn giáo khác nhau nằm cạnh nhau trong một khu vực mà không hề xảy ra bất đồng. Đây chính là nét riêng của Phật giáo Việt Nam, đồng thời thể hiện sự tự do và hòa hợp trong cách thực hành tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng của người Việt.
Khu thờ mẫu ở chùa Bích Động, Ninh Bình.(Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đạo Phật hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu được kỷ niệm như Ngày của Mẹ ở Việt Nam. Lễ Vu Lan còn trở thành Tết chay Vu Lan, giúp lan tỏa văn hóa ăn chay trong xã hội. Với những giá trị văn hóa, xã hội có sức lan tỏa lớn, Lễ Vu Lan hiện được đề xuất là di sản văn hóa phi vật thể tôn giáo quốc gia.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ khi du nhập vào Việt Nam, Đạo Phật luôn gắn bó cùng vận mệnh của đất nước. Thời kỳ đất nước lầm than, nô lệ thì Phật giáo suy tàn. Khi đất nước tự do, phát triển, thì Phật giáo hưng thịnh. Phật giáo được công nhận là tôn giáo quốc gia trong một thời kỳ dài, từ đời nhà Lý (1010-1225) tới đời nhà Trần (1225-1400). Các vị vua thời kỳ này đều chú trọng xây dựng và khôi phục chùa chiền khắp nơi trên đất nước. Nhiều vị Vua quy y Tam bảo.
Suốt quá trình lịch sử, Phật giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, nhiều ngôi chùa đã trở thành căn cứ cách mạng. Các Phật tử yêu nước đồng cam cộng khổ với nhân dân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đỉnh cao là ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã mở đầu cho cao trào đấu tranh của đồng bào Phật tử miền Nam vào những năm 60 của thế kỷ 20.
Ngày nay, đại đa số chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo trên khắp cả nước đều tích cực thực hiện lời răn ân quê hương đất nước trong Tứ ân của nhà Phật. Họ còn tham gia các hoạt động của hệ thống chính trị, từ Quốc hội, đến Hội đồng nhân dân và Mặt Trận các cấp. Các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo cũng đã và đang được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo thực hiện một cách sáng tạo.
Giáo hội Phật giáo hàng năm tổ chức nhiều trai đàn, lễ cầu siêu vong linh các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì quê hương. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội, thể hiện tinh thần đạo hiếu uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân của đạo Phật nói riêng và truyền thống của người Việt Nam nói chung, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ.
Lễ cầu siêu vong linh các anh hùng liệt sỹ. (Ảnh: TTXVN)
Tiến sỹ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết Phật giáo đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Cả nước có tới hơn 40 triệu tăng ni Phật tử, chiếm hơn 40% dân số cả nước. Giáo hội Phật giáo đã thành lập 63 đơn vị Phật giáo cấp tỉnh; hàng trăm đơn vị Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, Hội Phật tử Việt Nam được thành lập ở 11 nước trên thế giới. Công tác đào tạo Phật học phát triển ở các cấp từ Cao học tới sơ cấp. Việt Nam có bốn Học viện Phật giáo, tám Lớp Cao đẳng Phật học, và 34 trường Trung cấp Phật học.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đảm bảo nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điệu kiện thuận lợi cho các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng được thực hành và phát triển; khuyến khích các tôn giáo đóng góp cho sự phát triển văn hóa xã hội; kịp thời ghi nhận công đức của các chức sắc và tăng ni.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo trong suốt 35 qua./.
Theo TTXVN
Nguồn: / 0