Núi băng trôi lớn nhất thế giới vỡ đôi

Ảnh vệ tinh hé lộ một mảnh vỡ lớn tách ra từ A-68a. Ảnh: ESA.

Ảnh vệ tinh hé lộ một mảnh vỡ lớn tách ra từ A-68a. Ảnh: ESA.

Núi băng trôi khổng lồ A-68a tác khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực năm 2017. Sau đó, nó chậm rãi trôi dạt về phương bắc. Nhìn từ trên cao, A-68a trông như một hòn đảo di động với các đỉnh nhô cao 30 m so với mực nước biển. Hồi tháng 4/2020, giới nghiên cứu tính toán núi băng trôi có diện tích 5.100 km2. Gần đây, núi băng trôi tự do này đe dọa đâm vào đảo Nam Georgia, nơi trú ẩn tự nhiên ở giữa Thái Bình Dương của hàng triệu con chim cánh cụt, hải cẩu và nhiều loài động vật hoang dã khác. Các nhà khoa học chưa rõ tại sao A-68a bị vỡ, nhưng va chạm với đáy biển nông cách bờ biển Nam Georgia vài chục kilomet có thể gây ra vết nứt, theo thông báo hôm 18/12 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Vệ tinh Copernicus Sentinel-3 của ESA chụp hình A-68a trôi dạt về phía đảo Nam Georgia trong hàng loạt bức ảnh từ hôm 29/11 đến 17/12. Trong những ngày gần đây, núi băng trôi xoay theo chiều kim đồng hồ, một đầu của nó đâm vào vùng biển nông. Tại khu vực đó, đáy biển chỉ sâu 200 m, đủ gần để mặt dưới của núi băng trôi cọ vào. Trong quá trình đó, mảnh vỡ nhỏ hơn dự kiến mang tên A-68d nhiều khả năng nứt ra.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang theo dõi núi băng trôi sẽ di chuyển về đâu. Những khối băng vỡ trước đó đều trôi về phương bắc và đi qua Nam Georgia. Nhưng họ lo ngại A-68a có thể ở ngoài khơi quá lâu, chặn ngang vùng biển gần bờ, nơi chim cánh cụt sống trên đảo kiếm ăn. "Khoảng cách thực sự mà động vật phải di chuyển để tìm thức ăn như cá và nhuyễn thể đóng vai trò rất quan trọng", Geraint Tarling, nhà sinh thái ở Hiệp hội nghiên cứu Nam Cực Anh, cho biết. "Nếu phải đi quãng đường lớn, chúng sẽ không thể trở về kịp thời để con non khỏi chết đói".

Những ảnh chụp và quan sát trong tương lai sẽ hé lộ A-68a có trở thành mối đe dọa lớn với chim biển hay không. Sau khi A-68a vỡ ra, một núi băng trôi khác ở vùng biển Weddell của Nam Cực trở thành núi băng trôi lớn nhất với diện tích 4.000 km2, theo ESA. Tên của nó là A-23a.

An Khang (Theo Business Insider)