Trung Quốc gây tranh cãi vì khóa ứng dụng giải bài tập

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hiện nay, bên cạnh việc kèm cặp của phụ huynh, các ứng dụng (app) giải bài tập thông minh là phương án hữu ích và phổ biến với học sinh Trung Quốc. Chỉ cần nhấc điện thoại, chụp câu hỏi, App sẽ hỗ trợ đưa ra đáp án và cách giải. Các ứng dụng được học sinh yêu thích vì giúp các em giải bài tập dễ dàng và nhanh chóng.

Tuy nhiên, các app này cũng là "con dao hai lưỡi" nếu không được sử dụng đúng cách. Việc để học sinh sử dụng trong thời gian dài khiến các em ỷ lại, không còn nhạy bén trong giải quyết vấn đề, có thể bị thui chột tư duy.

Một ví dụ về app giải bài tập dành cho học sinh Trung Quốc. Ảnh: NetEase

Một ví dụ về app giải bài tập dành cho học sinh Trung Quốc. Ảnh: NetEase

Nối tiếp các biện pháp luật hóa chính sách "giảm kép", ngày 13/12, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo "tăng cường kiểm soát quản lý các ứng dụng giáo dục"; trong đó, yêu cầu tạm khóa các ứng dụng giải bài tập, cung cấp đáp án cho học sinh. Sau khi được nâng cấp chất lượng và được Sở Giáo dục địa phương xem xét, nếu đảm bảo yêu cầu, các app này mới có thể tiếp tục hoạt động.

Thông báo nêu rõ, các ứng dụng giải bài tập làm thui chột khả năng tư duy, tước đi quá trình tư duy tự lập của học sinh, vi phạm luật giáo dục và giảng dạy. Và đây cũng là phương pháp học tập thiếu khoa học.

Ngay sau khi được ban hành, thông báo vấp phải làn sóng tranh cãi từ phụ huynh và giáo viên.

Nhiều giáo viên ủng hộ, cho rằng biện pháp này sẽ giúp đảm bảo khả năng tư duy độc lập của học sinh. Quá trình tự suy nghĩ và tìm ra lời giải có thể giúp các em vượt qua thử thách của nhiều dạng câu hỏi mở khác nhau. Theo báo cáo từ nhiều trường học, những học sinh dựa vào app để giải, tuy hoàn thành tốt yêu cầu làm bài tập về nhà nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong các bài kiểm tra. Hơn nữa, giáo viên chấm bài luôn cảm thấy chán nản vì nhiều học sinh có ý tưởng giải bài tập giống hệt nhau.

Hiệu trưởng một trường học ở Trung Quốc cho biết, mục đích của bài tập không phải chỉ để học sinh đưa ra đáp án mà còn giúp các em nâng cao khả năng giải quyết vấn đề, rèn luyện tư duy, tính kiên nhẫn.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng trước chính sách của chính phủ.

Đa số phụ huynh có nhiệm vụ kèm cặp con học và làm bài tập về nhà, nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng, cho nên họ phải "bí mật" sử dụng app để tìm ra lời giải. Sau đó cha mẹ sẽ tự tin hơn trong việc hướng dẫn con. Dù vậy, họ thẳng thắn thừa nhận, những ứng dụng như vậy có lợi cho cha mẹ nhưng không phù hợp để học sinh sử dụng.

Phụ huynh hướng dẫn con học tập. Ảnh: NetEase

Phụ huynh hướng dẫn con học tập. Ảnh: NetEase

Trước những tranh cãi, các chuyên gia giáo dục Trung Quốc nhận định, phụ huynh có thể không còn lựa chọn nào khác mà phải tập thích nghi dần với các chính sách đổi mới phương pháp học tập.

Trung Quốc bắt đầu giới thiệu chính sách "giảm kép" vào cuối tháng 7 và chính thức luật hóa vào tháng 10 nhằm giảm "áp lực kép" về bài tập về nhà và dạy thêm ngoài giờ ở các môn học chính. Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm đều là bất hợp pháp. Theo đó, hàng nghìn công ty, trung tâm gia sư trên khắp nước này phải đóng cửa hoặc phải chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận.

Bên cạnh chủ trương giảm tải áp lực học tập thông qua việc cấm dạy - học thêm, nước này còn khuyến khích các phương pháp học tập mang tính sáng tạo, thúc đẩy và phát triển năng lực học tập vốn có của học sinh, sau hàng loạt hiện tượng gian lận tiêu cực; chẳng hạn như học sinh sử dụng app để đối phó với thi cử, làm cho chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút.

Phương Uyên (Theo NetEase)