CA HUẾ TRONG MỖI QUAN HỆ GIỮA ÂM NHẠC CUNG ĐÌNH VÀ ÂM NHẠC DÂN GIAN

Nguyễn Thị Việt Hà

 

Huế là kinh đô chính thức và cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, là vùng đất có chiều dài lịch sử hình thành và phát triển trên 700 năm. Trên phương diện văn hóa, Huế đã tích hợp được những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa đặc sắc, tồn tại và phát triển đến hôm nay. Trong đó, phải kể đến nền âm nhạc cổ truyền mang đậm bản sắc và dấu ấn của vùng đất cố đô. Có thể, bởi sự chi phối của đặc trưng văn hóa Huế, mà âm nhạc cổ truyền Huế giữa hai dòng bác học (cổ truyền chuyên nghiệp) và dân gian (cổ truyền dân gian) ít có sự phân định rạch ròi.

1. Yếu tố cung đình

Dòng cổ truyền dân gian bao gồm các thể loại tiêu biểu khu vực đồng bằng như lý, hò, vè, hát ru con, hầu văn, sắc bùa, ngâm thơ… Dòng cổ truyền chuyên nghiệp bao gồm: âm nhạc cung đình, đây là bộ phận âm nhạc chuyên nghiệp của nhà nước phong kiến; bộ phận thứ hai là ca Huế (còn gọi là nhạc cổ thính phòng Huế, ca đàn Huế hoặc ca nhạc Huế…). Ở đây, yếu tố bác học và dân gian đã trộn lẫn vào nhau. Cái này như được sinh ra từ cái kia, bởi chúng cùng có chung một ngôn ngữ âm nhạc, một thang âm Huế, thang âm Nam hơi ai…

Về dàn nhạc

Các hình thức tổ chức dàn nhạc thính phòng Huế là tam tấu (đàn tranh, nhị, nguyệt); ngũ tuyệt (đàn tam, tỳ bà, nhị, nguyệt và tranh); đầy đủ và phổ biến là dàn Lục tuyệt (đàn tam, tỳ bà,  nhị, nguyệt, tranh và sáo trúc).

Trong tập san BAVH năm 1919 (B), chúng ta thấy ảnh một ban Lục tuyệt gồm 6 danh cầm thời bấy giờ như Ưng Dũng (Trợ Dõng), Tôn Thất Văn, Ưng Biều, Khóa Hài, Trần Trình Soạn và Hoàng Yến với các nhạc cụ từ trái qua phải là: đàn nguyệt, sáo, nhị, tranh, tỳ bà và đàn tam.

Hình thức tổ chức dàn nhạc thính phòng Huế chính là bóng dáng của dàn Ty trúc tế nhạc - ban nhạc nữ cung đình và dàn Tiểu nhạc.

Như vậy, dàn nhạc Lục tuyệt của ca Huế so với dàn Tiểu nhạc cung đình có thêm 1 đàn tranh, bớt 1 sáo trúc và nhạc cụ gõ như sinh tiền, phách, trống bản.

 

 

              Bài bản

Nguồn gốc của ca Huế bắt nguồn từ TK XVII - XVIII, với các bài bản ban đầu được lấy ra từ Tế nhạc cung đình, tức là các nhạc mục của dàn Tiểu nhạc, bao gồm các bài bản trong 10 bài liên hoàn (tên gọi khác là Thập thủ liên hoàn, Liên bộ thập chương, mười bài Ngự, mười bản Tàu). Cùng với thời gian, ca Huế ngày càng hoàn chỉnh với những sáng tác mới của các ông hoàng, bà chúa, quan lại, văn nhân, nho sĩ trong TK XIX - XX, với hệ thống bài bản gồm 2 điệu chính là điệu Bắc và điệu Nam. Có thể kể đến các nghệ sĩ ca Huế là các ông hoàng, bà chúa của cung đình như: Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725); Luân Quốc Công Nguyễn Phúc Tứ (1698 - 1753); Nguyễn Phúc Dục (1727 - 1771); Dực Tông Anh Hoàng Đế Tự Đức - Hồng Nhậm (1829 - 1883); Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870); Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820 - 1897); Tương An Quận Vương Miên Bửu (1820 - 1854); Nam Sách Quận Công Miên Ổn (1833 - 1894); Thuận Lễ Công Chúa Tĩnh Hòa (1830 - 1882); Lại Đức Công chúa Trinh Thận (1826 - 1904). Ca Huế thường được hát trong dinh các chúa, phủ đệ và cung trung nhạc của triều đình nhà Nguyễn thời kỳ sau.

2. Yếu tố dân gian

Song song là sự góp mặt của một số gia đình nghệ nhân có truyền thống dân ca như: gia đình ông Tống Văn Đạt (cùng các thế hệ con, cháu là Tống Văn Chín, Tống Văn Phước), các nghệ sĩ: Biện Nhân, Trần Quang Phổ, cậu Ba Toàn, Đẩu Nương, cậu Thứ, cậu Khánh, cậu Trương Sáu, cậu Cung, ông Bá Yến, Thông Ninh (Thông phán Châu Hữu Ninh), Bố chánh Trương Trọng Hữu, tiến sĩ Đỗ Huy Liên, cử nhân Lê Cảnh…

 

 

Trong đó, gia đình ông Tống Văn Đạt ba đời truyền nối là nghệ nhân giỏi, được phục vụ âm nhạc trong triều đình, còn gọi là đội Chín, cháu là đội Phước (chức đội trưởng đội Ngự nhạc triều Nguyễn) và một số người tài khác như đội Thức, Thập tri… Ông là học trò của Biện Nhân, một nghệ nhân đàn trứ danh thời bấy giờ, được nhiều người truyền tụng và ghi vào sử sách. Tống Văn Đạt ở trong giai đoạn phát triển và thịnh đạt của ca nhạc Huế, đã truyền dạy nghề nghiệp của mình cho nhiều người, được sự ái mộ và kính nể của họ, đáng kể là các vương tôn, công khanh cung triều Nguyễn, tài năng của ông đã có ảnh hưởng đến triều đình.

Bên cạnh đó, còn có những nghệ nhân nổi tiếng khác như: Tống Văn Chín và Tống Văn Phước (đều là con trai của ông Tống Văn Đạt); Cả Soạn (tức là Trần Trịnh Soạn), xuất thân từ một gia đình khoa bảng, là một danh cầm xứ Huế, cụ chơi nhiều loại đàn: đàn nguyệt, tranh, tỳ bà... đàn nào cụ chơi cũng giỏi, cụ đã đào tạo những học trò xuất sắc về cờ và đàn, sau này họ đều trở thanh danh kỳ, danh cầm xứ  Huế; Nguyễn Quang Tồn (thày Trợ Tồn), người học trò và cũng là tri âm, tri kỷ của cụ cả Soạn, là một danh cầm xứ Huế, thường hay đến hòa đàn với cụ cả Soạn; Ưng Biều, còn được gọi là Huyện hầu Ưng Biều, ông giỏi tất cả những loại đàn dây, nhưng nổi tiếng hơn cả là đàn nhị và đàn bầu, là danh cầm bậc thày của nhiều người sau này như NSƯT Nguyễn Hữu Ba; Ưng Dũng (còn gọi là Trợ Dũng), nhạc của ông chơi rất trang nghiêm và cao khiết, Nguyễn Ngọc Liệu, Nguyễn Chánh Tâm, Phan Đình Uyển, Nguyễn Khoa Tân (1870 - 1938), Hoàng Yến…

Có thể nói trong thời gian này, ca Huế dần phổ biến trong dân gian, với sự có mặt đông đảo của các nghệ nhân nổi tiếng, đủ mọi giai tầng trong xã hội… Âm điệu của ca Huế bắt nguồn từ ca nhạc dân gian xứ Huế và thanh âm của ca nhạc Huế phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người dân xứ Huế, nên trong tất cả các trường hợp từ hò hay lý chuyển sang ca Huế, hoặc xen kẽ vài điệu lý giữa hai bản ca Huế, sự chuyển tiếp giữa ca nhạc dân gian và ca nhạc cổ điển, chuyên nghiệp diễn ra rất tự nhiên, thoải mái, hài hòa. Âm thanh nhạc đệm, láy luyến ngân nga giữa các điệu hò, lý với các điệu ca Huế không có một sự cách ngăn xa lạ trắc trở nào cả.

Thang âm các điệu lý, hò với điệu Nam, hơi ai, hơi xuân, hơi thương… cũng chính là ngôn ngữ âm nhạc, là hơi, điệu trong ca Huế. Về thang điệu trong âm nhạc truyền thống Huế, gồm cả ca Huế và âm nhạc dân gian, âm nhạc cung đình đều sử dụng một loại thang âm duy nhất, đó là thang âm 5 bậc: hò, xự, xang, xê, cống (đô, rê, fa, son, la), tương đương với thang âm điệu chủy trong âm nhạc của người Trung Hoa, được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời. Tất cả các bậc này đều có thể làm bậc mở đầu hoặc bậc kết thúc của một bản nhạc (chuyển bậc hò). Dựa trên cơ sở thang âm này, điệu Bắc hay điệu Nam được hình thành là do sự rung nhấn, láy vỗ một số bậc nhất định, làm cho các bậc này có cao độ non, già khác nhau.

Tuy nhiên, trong âm nhạc truyền thống Huế, thang âm Bắc được sử dụng ngoài tính chất là một điệu thức Bắc (hay điệu Bắc) còn có thêm những đặc điểm khác là hai bậc xự và cống thường không ổn định, có chiều hướng già, biểu hiện rõ trong phong cách diễn tấu đàn Huế (kể cả phong cách ca Huế) là hai bậc xự và cống này thường rung.

 

 

Điệu Bắc được thể hiện như trên trong ca nhạc Huế và âm nhạc cung đình Huế, thường gọi là hơi khách, hoặc các bài bản khách. Vấn đề này không chỉ đơn thuần về kỹ thuật diễn tấu (đàn và ca) mà có ý nghĩa trong việc biến hóa tính chất màu sắc của điệu thức.

Với đặc tính trên, thang âm này là cốt cách của các bài bản khách mang sắc thái vui, từ dịu nhẹ, thanh thản đến rộn rịp, sôi nổi và cũng để diễn tả sự trang nghiêm, trịnh trọng, hùng tráng…

Từ thang âm cơ bản trên, ca nhạc Huế được thâm nhập thêm những yếu tố khác, đó là sự non, già, không điều đặn trong thang âm. Chính yếu tố này tạo cho ngôn ngữ âm nhạc dân gian và bác học Huế mang tính đặc thù, địa phương, là cốt cách tạo nên các bài bản, làn điệu mang sắc thái buồn, bi ai, vương vấn của điệu Nam.

Tạm thời quy bậc hò đô, ta có thang âm Nam như sau:

 

 

Ca Huế đã cổ điển hóa một số làn điệu dân gian như: lý giao duyên, lý tử vi, lý huê tình, lý năm canh, lý vọng phu, lý hành vân. Ca nhạc Huế chính là sự tổng kết nhuần nhuyễn hài hòa những tính cách của hai dòng nhạc chuyên nghiệp và dân gian Việt Nam.

Về chất liệu âm nhạc, giữa lý Huế và ca Huế rất khó phân biệt. Xét về cấu trúc, thể lý gọn, nhẹ, cân đối, còn các bài bản của ca Huế có nhiều lớp, nhiều sáp. Tuy nhiên, xét về âm hình giai điệu, cách luyến láy, hai thể loại lại thâm nhập lẫn nhau. Theo khảo sát của một số nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Huế, các âm hình chứa quãng 5 gián tiếp qua quãng 2 trong ca Huế rất phổ biến, nhất là bài Tứ đại cảnh. Hơn thế, đôi lúc cả một nhóm âm hình trong đường nét giai điệu có mặt trong ca Huế lẫn lý Huế, hoặc như chủ đề của lý giao duyên xuất hiện nhiều lần trong nam ai, tứ đại cảnh. Hoặc sự thâm nhập lẫn nhau rất phổ biến trong lý tử vi, am bình, nam xuân, giữa lý giao duyên với tứ đại cảnh, nam ai với nhiều dáng dấp khác nhau như mô phỏng, rút ngắn hoặc kéo dài trường độ, hoặc bóp méo âm hình… Có thể vì thế mà bậc thày đàn, nghệ nhân khi truyền nghề cho học trò thường theo công thức: thành thạo lý tử vi mới cho học am bình, nam xuân; nắm vững lý giao duyên mới được qua nam ai, tứ đại cảnh.

Sự quan hệ về chất liệu âm nhạc có rất nhiều giữa lý Huế và ca Huế, cộng thêm một vài yếu tố khác sẽ làmbiến đổi sâu sắc thể loại lý. Đó là trường hợp điệu lý tử vi và lý giao duyên. Ở đây, bóng dáng thể thơ dân gian đã mất đi trong bố cục âm nhạc, rõ rệt nhất là sự mất dần các tiếng đệm y…a, ôi...a, một đặc trưng bao quát trong thể loại lý và các làn điệu dân ca, vì thế lý tử vi và lý giao duyên không có sự trục trặc nào. Trong đó, lý tử vi, lý giao duyên và phần nào lý năm canh, lý giang nam là gần với ca Huế hơn hết.

Tính dân gian trong lý Huế còn rơi rớt lại một ít dấu vết trong cấu trúc, một vài đặc điểm mang đặc tố dân gian. Còn không gian, môi trường, phương thức trình diễn đặc trưng của nó thì đã quá mơ hồ. Có chăng, cũng chỉ từ thưở xa xưa trong ngọn nguồn sâu thẳm của lịch sử Huế mà thôi. Hiện tại, lý Huế đã là một bộ phận máu thịt của ca Huế cổ điển, có quá trình gắn bó lâu dài trong cùng một môi trường sinh hoạt và phát triển bằng tài năng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp trên dòng sông Hương, trên sân khấu ca kịch Huế, trong các buổi ca salon tại các tư thất, nhà vườn Huế…

Vậy, dòng âm nhạc dân gian cũng chính là cơ sở để hình thành và phát triển, là chiếc nôi nuôi dưỡng cho dòng âm nhạc cung đình, bác học Huế, một bộ phận đặc sắc trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Như vậy, ca Huế xuất phát từ cung đình mà không hoàn toàn là nhạc cung đình, được dân gian gìn giữ, phát triển, nhưng không hoàn toàn là âm nhạc dân gian…

3. Phương pháp tiếp cận

Để phân tích, mô tả ca Huế trong mối quan hệ với âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian, chúng tôi tiếp cận trên quan điểm âm nhạc dân tộc học. Đó là yếu tố xã hội, dân tộc, điều kiện môi trường sinh ra nó, liên quan đến ngôn ngữ, thói quen, cũng như giá trị của ca Huế đối với cộng đồng… Đặc biệt, ứng dụng các thành tựu lý thuyết của ngành âm nhạc dân tộc học trong việc phân tích các bài bản âm nhạc, nhạc cụ… tránh tình trạng quy chiếu toàn bộ tính chất âm nhạc, giá trị nghệ thuật ca Huế vào hệ thống lý thuyết âm nhạc cổ điển châu Âu, mà trong đó, thang âm bình quân chia quãng 8 thành 12 nửa cung chi phối mọi phân tích, luận giải về âm nhạc… như một số đề tài nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam bấy lâu nay.

Với cả một hệ thống bài bản, cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi một kỹ năng diễn tấu điêu luyện của cả ca công và nhạc công, ca Huế mang sắc thái địa phương rõ nét bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm ngữ điệu của giọng nói xứ Huế, hoặc nói một cách khác mang tính hệ quả là do mối quan hệ gắn bó với nền âm nhạc dân gian, dân ca xứ Huế. Đây là một đặc điểm trong tiến trình phát triển của ca Huế và cũng là một đặc điểm của nền âm nhạc cổ truyền xứ Huế, nơi mà hai thành phần âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp và cổ truyền dân gian thường xuyên tác động qua lại, gắn bó, thâm nhập, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình phát triển.

 Ca Huế là một bộ phận âm nhạc đặc sắc có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Huế, bởi ca Huế đã được hình thành bằng sự tích hợp các đặc tố của âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Huế. Có thể nói, ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình và dân gian, một thể loại đậm đà bản sắc Huế và còn in đậm dấu ấn hội tụ và lan tỏa trong lịch sử âm nhạc dân tộc.

Để phân tích ca Huế trong mối quan hệ với âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian, chúng tôi dùng phương pháp tiếp cận trên quan điểm âm nhạc dân tộc học. Đó là yếu tố xã hội, dân tộc, điều kiện môi trường sinh ra nó, liên quan đến ngôn ngữ, thói quen, cũng như giá trị của ca Huế đối với cộng đồng… Đồng thời, ứng dụng các thành tựu lý thuyết của ngành âm nhạc dân tộc học trong việc phân tích các bài bản âm nhạc, nhạc cụ… tránh tình trạng quy chiếu toàn bộ tính chất âm nhạc, giá trị nghệ thuật ca Huế vào hệ thống lý thuyết âm nhạc cổ điển châu Âu.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tags : kinh đô cuối cùng triều đại phong kiến lịch sử phát triển phương diện văn hóa giá trị vật chất tinh thần truyền thống tồn tại hôm nay âm nhạc cổ truyền bản sắc cố đô có thể chi phối bác học