Tìm hiểu thể loại Nhạc Jazz

Người ta thường nói rằng: “Có nhiều kiểu nhạc jazz khác nhau bởi lúc thì nghe giống nhạc cổ điển châu Âu, khi thì lại giống nhạc country, lúc lại như nhạc Latin hoặc nhạc rock. Có khi nó lại mang âm hưởng của rất nhiều thể loại nhạc được chơi ở nhiều nơi trên thế giới”... 

Tuy nhiên, theo nhận định của một nhà nghiên cứu về nhạc jazz - tiến sỹ Bill Taylor, một nghệ sỹ nổi tiếng, nhà nghiên cứu nhạc jazz và là cố vấn nghệ thuật của Trung tâm Kennedy thì: “Jazz là âm nhạc cổ điển Mỹ. Đây chính là cách người Mỹ chơi nhạc”.

Nhạc jazz là một thể loại nghệ thuật của người Mỹ có nguồn gốc từ châu Phi, được sản sinh từ cộng đồng những người nô lệ da đen châu Phi bị bắt và đem bán sang châu Mỹ từ những thế kỷ trước. Nhạc jazz là phương tiện biểu hiện và diễn đạt mọi tâm tư tình cảm của cộng đồng người da đen sống trên đất Mỹ, đây cũng chính là sản phẩm trực tiếp của di sản âm nhạc Mỹ gốc Phi.

Nói đến nhạc jazz, chúng ta không thể không nhắc tới nhạc blues bởi nhạc blues là nền tảng của ngôn ngữ nhạc jazz với sự phân tiết và ngữ điệu, nó cũng có xuất xứ từ cộng đồng người da đen. Phong cách thể hiện nhạc blues và jazz có chung một cội nguồn từ những bài ca tôn giáo, những bản hợp xướng của đạo Tin Lành. Ngoài ra, ragtime cũng được xem là một trong những dạng thức đầu tiên của nhạc jazz với những đặc trưng về đảo phách, ứng tác, ứng tấu và sử dụng nhiều tiết tấu đan tréo nhau...

Cùng với sự pha trộn nhiều phong cách khác nhau của các dòng nhạc blues, country, ragtime... Trong suốt hơn 90 năm qua, nhạc jazz luôn là một thể loại nhạc có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc thế giới, đặc biệt vào những năm 1920-1930 của thế kỷ trước, thời kỳ được xem là kỷ nguyên của nhạc jazz.

Trong ban nhạc jazz, mỗi nhạc công là một phong cách thể hiện riêng, có bao nhiêu nhạc công là có bấy nhiêu phong cách chơi jazz. Một yếu tố quan trọng của nhạc jazz là “swing”, có nghĩa là “ứng tác - ứng tấu ngẫu nhiên”. Nó tạo nên yếu tố thứ hai của nhạc jazz trong phong cách thể hiện. Đặc biệt, không thể giải thích cặn kẽ về “swing” mà chỉ có thể cảm nhận được nó, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thể hiện của nhạc công, tài nghệ “ứng tác - ứng tấu ngẫu nhiên” của mỗi nhạc công được xem như một cuộc “hội thoại”, bên đối bên đáp, phối hợp nhịp nhàng ăn ý, tạo nên những bất ngờ và đầy thú vị cho người nghe.

Những tên tuổi luôn gắn liền với dòng nhạc jazz trong suốt bao nhiêu năm qua kể từ khi ra đời cho đến nay đó là: Luis Amstrong (nghệ sỹ kèn trumpet); King Oliver (chỉ huy dàn nhạc); Duke Ellington (nghệ sỹ piano); Jemes Rushing (ca sĩ); Enla Fitgerald (ca sĩ); B.B. King (nghệ sỹ guitar), Laura Fygy (ca sĩ)...

Trong nhạc jazz, phong cách thể hiện của từng nghệ sỹ không phụ thuộc vào bài vở, thành phần dàn nhạc, nhìn chung, sự “phóng khoáng trong khuôn khổ”, tính hài hước và sự điêu luyện của mỗi nghệ sĩ sẽ giúp họ thể hiện thành công các bản nhạc jazz. 

Như quí vị đã thấy, thông thường, thành phần dàn nhạc của dòng nhạc jazz thường ít hơn dàn nhạc giao hưởng, nhưng có khi lại nhiều hơn nhóm nhạc rock. Những nhạc cụ chơi trong nhạc jazz thường là những nhạc cụ của châu Âu nhưng cách diễn tấu lại mang phong cách Mỹ. Sự sắp xếp trong dàn nhạc jazz thường theo các nhóm:

Nhóm Kèn: gồm các loại kèn trumpet, cornet, trombone, saxophone, clarinette.

Nhóm Gõ: gồm bộ trống và các nhạc cụ gõ.

Ngoài ra còn có các loại nhạc cụ khác như piano; banjo; guitar; contrebass...

Nhạc jazz không chỉ thành công và thu hút người nghe trong lãnh vực của mình, từ những năm 1920-1930, đã xuất hiện jazz-symphonic (jazz-giao hưởng) mà tiêu biểu là nhạc sĩ Mỹ G.Gershwin; Ivling Berlin; Robert Bermann đã tạo nên những hiệu quả bất ngờ, mở ra một phong cách mới trong thể hiện của dàn nhạc giao hưởng.

Nhạc jazz là một thứ ngôn ngữ không theo những khuôn mẫu chuẩn mực của âm nhạc cổ điển. Nghệ thuật nhạc jazz là một loại nghệ thuật sống động, không thể giải thích bằng lời, không thể phân tích theo kiểu phân tích tác phẩm của dòng nhạc cổ điển. Những nhạc công chơi nhạc blues và jazz thường là những người có năng khiếu bẩm sinh về dòng nhạc này, đặc biệt là các nhạc sỹ da đen vùng Bắc Mỹ. Hiện nay, hầu hết ở các nước trên thế giới đều có “Hội nghiên cứu nhạc jazz”, thậm chí nó đã trở thành một môn học chính thức, một khoa đào tạo chính qui trong nhiều trường dạy nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt ở châu Âu, nó như một sự kết hợp tinh tế giữa các dòng nhạc từ thuở sơ khai đến ngày nay.

Trong nhạc jazz, khái niệm về sáng tác luôn gắn liền với người thể hiện, nó gần như là sự sáng tạo tại chỗ. Một giai điệu, một nét nhạc có thể bị lãng quên ngay sau khi người nhạc công đã trình tấu nó. Tuy nhiên ngày nay, các nghệ sĩ chơi nhạc jazz thường có những sự “thể nghiệm” độc đáo nhằm liên kết giữa các dòng nhạc, phá bỏ những quan niệm của những dòng nhạc mang đặc tính riêng như nhạc cổ điển...

Một đặc điểm nổi bật cần nhấn mạnh là “tính đồng nhất” trong âm nhạc da đen ở Mỹ. Như chúng ta đã biết, trên thế giới có rất nhiều trường phái và thể loại âm nhạc như: cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, hiện đại, pop, rock, hòa tấu thính phòng... thì người da đen ở Mỹ không có sự phân biệt ấy. Với họ, chỉ có “chơi” và “hát” nhạc theo phong cách da đen bằng ngôn ngữ blues, jazz và swing theo kiểu truyền khẩu, tạo nên một tổng thể hợp nhất, một đặc trưng nổi bật của nền âm nhạc Mỹ.

Như đã nói ở trên, sự ra đời của dàn nhạc jazz-symphonic không chỉ là một sự sáng tạo độc đáo, nó còn là một bước ngoặt trong kỹ thuật trình tấu đối với các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng, họ không chỉ điêu luyện trong các tác phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn và hiện đại mà còn phải nhạy bén thích nghi với phong cách nhạc jazz trong tác phẩm của các nhạc sĩ Mỹ mà tiêu biểu là George Gershwin, Leonard Berstein, Tim Rice...

www.timhhieuamnhac.net - Ths. Hoàng Điệp

Tags : người ta cổ điển lại giống âm hưởng thể loại