Virus nguy hiểm tấn công hải cẩu có thể lây sang người

Một loại virus cúm gia cầm mới xuất hiện khiến những con hải cẩu con ở bờ biển vùng đông bắc nước Mỹ bị viêm phổi nặng, dẫn tới tử vong, và có nguy cơ gây nguy hiểm cho con người, kết quả nghiên cứu vừa cho biết.

Chủng virus cúm mới được đặt tên là cúm gia cầm H3N8, đã giết chết 162 con hải cẩu sống trên bờ biển nước Mỹ hồi năm ngoái, nghiên cứu đăng trên tạp chí vi trùng học mBio cho biết.

Hầu hết những con hải cẩu bị chết đều dưới 6 tháng tuổi. Tới nay chưa có người nào bị nhiễm chủng virus này, nhưng các nhà nghiên cứu ở ĐH Columbia (Mỹ) cảnh báo khả năng lây sang người là hoàn toàn có thể xảy ra khi virus H3n8 tiến hóa giống như virus H5N1.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi nói lên rằng cần phải giám sát các loài động vật hoang dã, dự báo và ngăn ngừa dịch bệnh", W. Ian Lipkin, giáo sư dịch tễ học ở Trường Y tế và sức khỏe cộng đồng thuộc ĐH Columbia, nói.

Virus cúm mới xuất hiện đã khiến 162 con hải cẩu chết.
Virus cúm mới xuất hiện đã khiến 162 con hải cẩu chết. (Nguồn: )

“HIV/AIDS, SARS, bệnh sốt Tây sông Nile, Nipah và đại dịch cúm là những ví dụ điển hình cho thấy bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người", Lipkin nói.

“Bất kỳ đợt dịch bệnh nào ở động vật nuôi hay động vật hoang dã đều phải được cảnh giác và coi là có nguy cơ đe dọa con người”.

Các nhà khoa học đã sắp xếp đầy đủ chuỗi gene của chủng virus mới, và thấy rằng nó xuất phát từ virus cúm gia cầm vẫn tồn tại trong cộng đồng loài chim nước kể từ năm 2002. Từ đó đến nay, virus cúm đã tiến hóa đến mức lây lan sang động vật có vú bằng cách tấn công các thụ quan trong hệ hô hấp của động vật.

Từ năm 2011, các chuyên gia động vật hoang dã đã cảnh báo ngày càng nhiều con hải cẩu trên bờ biển từ Maine tới Massachusetts bị viêm phổi và tổn thương da. Đến nay đã có 162 con chết.Trong khi đó, chủng cúm gia cầm H5N1 vẫn tương đối hiếm, nhưng nó đã khiến khoảng một nửa số người bị nhiễm thiệt mạng kể từ khi bùng phát ở Hong Kong năm 1997.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết 606 người đã bị nhiễm H5N1 kể từ năm 2003, trong đó 357 người thiệt mạng.