Năm học 2014 - 2015: Chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học (15/08/2014)

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học cũng như tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực này, ngày 14-8,  UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2014 – 2015. Hội nghị đã thu hút đông đảo đại biểu là cán bộ Mặt trận, nguyên là cán bộ hoạt động trong ngành Giáo dục và Mặt trận cùng tham gia góp ý kiến.
 
 
Đổi mới phương pháp dạy và học là những yếu tố cốt lõi 
nhằm cải thiện chất lượng giáo dục
 
Ông Nguyễn Tùng - Phó Chủ tịch UBMTTQ quận 3 phản ánh, những năm qua các trường thu rất nhiều các loại phí như: Quỹ phụ huynh học sinh, quỹ trường, quỹ lớp, phí tăng tiết, phí nước uống, phí đóng góp điện… là những khoản thu sau khi học sinh nhập học khoảng 1 tháng. Đối với những gia đình khó khăn những khoản thu này thật sự là một gánh nặng. Ông Tùng đề nghị, ngành giáo dục thành phố cần có khảo sát thực tế để có hướng dẫn các trường về việc này vào đầu năm học mới. Cũng theo ông Tùng, "Hiện nay giáo viên hoặc Ban Giám hiệu được phân công về Phòng GD&ĐT thì không còn được hưởng chế độ thâm niên giáo viên, để tránh phát sinh tâm lý giáo viên ở các trường e ngại khi được điều về làm cán bộ chuyên trách tại các Phòng GD&ĐT, tôi  đề nghị vẫn giữ nguyên chế độ này”.
 
Nói về những bất cập của giáo dục thành phố, TS. Hồ Hữu Nhựt – Ủy viên UBMTTQ thành phố cho biết, hiện nay còn thiếu nhiều trường mầm non, số lượng lớp mới chỉ huy động được 50% các cháu. Trong khi học phí đóng chưa đồng đều, có trường rất cao, có trường thấp; còn nhiều giáo viên chưa được đóng bảo hiểm xã hội. TS Nhựt đề nghị, cần chú ý đến việc xây thêm trường mầm non ở các khu công nghiệp- khu chế xuất, bởi nhu cầu gửi con của các hộ gia đình là công nhân rất lớn. Ngược lại, với hệ mầm non, hệ THPT lại xây trường ồ ạt nên rất nhiều trường, đặc biệt là trường tư không thể tuyển đủ học sinh. Trong khi đó, giáo viên lại thiếu nên xảy ra tình trạng đi mượn giữa các trường, tình trạng chạy sô rất lộn xộn làm ảnh hưởng đến chất lượng học. Về nội dung dạy và học, theo TS Nhựt cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh bằng các hoạt động cụ thể, hạn chế kêu gọi lòng yêu nước bằng khẩu hiệu.
 
Trước tình trạng nhiều vụ bạo lực học đường như đánh nhau, giết bạn, vô lễ với thầy cô, đua xe, ăn chơi sa đọa… của một bộ phận học sinh, ông Nguyễn Hữu Danh (Hội Cựu giáo chức thành phố) đề nghị, cần phải quan tâm giáo dục đạo đức xã hội, đạo lý làm người cho các em, các em phải được học các kỹ năng sống để bảo vệ mình, biết từ chối trước những điều xấu cho bản thân và cộng đồng. 
 
Một vấn đề khác được bà Đặng Hồng Nhựt – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hồ Chí Minh hết sức băn khoăn, đó là trong Báo cáo tình hình chuẩn bị năm học mới của Sở GD&ĐT thành phố, chưa thấy nói nhiều đến việc chăm lo cho người khuyết tật, đặc biệt là các cháu khuyết tật ở vùng xa, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn - nơi đó không có trường khuyết tật riêng nên các cháu phải học chung với các bạn bình thường. Điều này rất thiệt thòi cho các cháu, bởi lẽ ra các cháu phải được học ở nơi có điều kiện đặc biệt dành riêng cho học sinh khuyết tật. Bà Nhựt đề nghị, ngành giáo dục thành phố cần quan tâm hơn đến các em, đồng thời cần phải giáo dục các em bình thường không được kỳ thị mà phải giúp đỡ các bạn khuyết tật, như vậy hiệu quả giáo dục đối với các học sinh khuyết tật sẽ cao hơn.
 
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tích cực đổi mới giáo dục, đổi mới không có nghĩa là bỏ hết cái cũ để làm lại cái mới, mà đổi mới là kế thừa và có phát triển thêm, sáng kiến thêm. Trả lời thắc mắc của các đại biểu là tại sao học phí các trường tư lại cao hơn rất nhiều trường công? Ông Sơn cho biết, "đây là học phí thỏa thuận giữa trường và phụ huynh học sinh, quy định cho phép họ thực hiện như vậy. Trong quản lý, chúng tôi không phân biệt giữa trường tư và trường công, đặc biệt là về chuyên môn và về công tác tuyển sinh”.
 
Lam Hồng