Hố đen nhả vật chất với tốc độ gần bằng ánh sáng

Mô phỏng hố đen MAXI J1820 + 070 giải phóng các tia vật chất khi ăn ngôi sao. Đồ họa: New Atlas.

Mô phỏng hố đen MAXI J1820 + 070 giải phóng các tia vật chất khi ăn ngôi sao. Đồ họa: New Atlas.

MAXI J1820 + 070, cách Trái Đất 10.000 năm ánh sáng, được ví như một phiên bản thu nhỏ của hố đen siêu khối lượng (thường được tìm thấy ở trung tâm các thiên hà). Nó nặng gấp 7 lần Mặt Trời nhưng co lại với đường kính chỉ bằng thành phố London. Hố đen được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2018 khi đang "ăn ngấu nghiến" một ngôi sao và giải phóng lượng lớn vật chất.

Để hiểu rõ hơn về cách các hố đen giải phóng năng lượng vào môi trường xung quanh, các chuyên gia từ Đại học Oxford, Anh đã sử dụng hệ thống kính viễn vọng vô tuyến e-MERLIN đặt tại Đài quan sát Jodrell Bank ở Anh, kết hợp với dữ liệu từ hai kính viễn vọng VLA và MeerKAT ở Mỹ và Nam Phi, để theo dõi các vụ phóng vật chất của MAXI J1820 + 070 trong vài tháng qua.

Nghiên cứu cho thấy các tia vật chất thoát ra từ hố đen di chuyển với tốc độ tiệm cận ánh sáng ở một góc rất nhỏ đối với người quan sát, hiện tượng còn được gọi là chuyển động siêu âm trong thiên văn học.

"Bằng phương pháp quan sát vô tuyến mới, chúng tôi có thể ước tính chính xác hơn có bao nhiêu năng lượng trong mỗi lần phóng vật chất của hố đen", Tiến sĩ Rob Beswick từ Đài thiên văn Jodrell Bank cho biết. "Sự kết hợp giữa độ phân giải cao, độ nhạy và phản hồi nhanh của e-MERLIN biến nó trở thành công cụ hoàn hảo cho loại nghiên cứu này".

Vật chất giải phóng từ các hố đen như MAXI J1820 + 070 được cho là thành phần quan trọng giúp điều hòa sự phát triển của các thiên hà.

Đoàn Dương (Theo Science Daily)