Mộ tập thể chôn nạn nhân trong dịch Cái chết Đen

Một tập thể chôn các nạn nhân của đại dịch Cái chết Đen ở tu viện Thornton. Ảnh: Đại học Sheffield.

Mộ tập thể chôn các nạn nhân của đại dịch Cái chết Đen ở tu viện Thornton. Ảnh: Đại học Sheffield.

Nghiên cứu mới hé lộ thêm thông tin về quá trình chôn cất các bệnh nhân tử vong vì dịch hạch trong ngôi mộ tập thể ở tu viện Thornton, Live Science hôm 18/2 đưa tin.

Giữa thế kỷ 14, khi dịch Cái chết Đen lan tới miền bắc Lincolnshire, người dân kéo đến bệnh viện của tu viện Thornton để chữa trị. Số người tử vong tại đây nhiều đến mức các tăng lữ không thể chuẩn bị mộ riêng. Dù phải chôn hàng chục người xuống một chiếc hố nông chỉ trong vài ngày, họ vẫn sắp xếp thi thể một cách cẩn thận và tôn trọng.

Ngôi mộ chứa thi thể của 48 người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, hơn một nửa từ 17 tuổi trở xuống. Các nhà khoa học phát hiện ngôi mộ vào năm 2012. Họ thận trọng khai quật số hài cốt trong hai năm tiếp theo. Phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon cho thấy, 48 hài cốt này được chôn vào những năm 1300.

Các chuyên gia nhận định họ chết do bệnh dịch vì số lượng người chết lớn và độ tuổi cũng đa dạng. Trong khi thông thường, phần lớn mộ tại các nghĩa địa trung cổ thuộc về trẻ em và người già, đối tượng dễ mắc bệnh hoặc bị thương nặng. Ngoài ra, thời gian tử vong của các nạn nhân trùng khớp với đợt dịch hạch bùng phát ở Anh. Kết quả phân tích răng hàm của 16 người cũng chứa ADN của Yersinia pestis, vi khuẩn gây ra dịch hạch.

Các nhà khoa học từng phát hiện một số mộ tập thể của bệnh nhân dịch hạch ở London. Tại thành phố này, người dân sống gần nhau khiến dịch bệnh lan nhanh và hàng chục nghìn người chết trong giai đoạn 1348-1350.

Nhưng đến nay, giới chuyên gia chưa tìm thấy mộ tập thể nào của nạn nhân dịch Cái chết Đen ở nông thôn, ngoại trừ ngôi mộ ở tu viện Thornton. Nguyên nhân có thể là dù nhiều người chết vì dịch hạch, cuộc sống tại nông thôn vẫn diễn ra bình thường nhất có thể, theo Hugh Willmott, giảng viên cấp cao về khảo cổ châu Âu tại Đại học Sheffield, tác giả cuộc nghiên cứu.

"Khi chết, mọi người được chôn theo cách thông thường trong từng ngôi mộ riêng ở nghĩa địa. Sự xuất hiện của một ngôi mộ tập thể nghĩa là mọi thứ đang trục trặc. Chúng tôi nghĩ đó chính là những gì xảy ra tại Thornton", Willmott nói. Có lẽ căn bệnh đã giết chết thầy tu và những người đào mộ, khiến người dân địa phương không thể xử lý số người chết chồng chất. Họ đến gặp tăng lữ và cùng tìm cách chôn các nạn nhân.

Cách sắp xếp các hài cốt trong mộ tập thể. Ảnh: Đại học Sheffield.

Cách sắp xếp các hài cốt trong mộ tập thể. Ảnh: Đại học Sheffield.

Trong mộ, các thi thể được đặt sát nhưng không chồng lên nhau, chia thành 8 hàng, già trẻ xen kẽ. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy vật dụng cá nhân nào trừ một chiếc khóa thắt lưng. Có thể nó chỉ vô tình rơi xuống vì không liên kết với hài cốt nào. Sự sắp xếp các hài cốt cho thấy họ được chôn cùng lúc, không phải chia thành nhiều lần.

Dù chôn trong mộ tập thể, mỗi nạn nhân vẫn được đối xử chu đáo và xếp đặt cẩn thận. Mọi lớp bọc bên ngoài hài cốt đều đã phân hủy từ lâu. Tuy nhiên, độ bó của xương vai cho thấy các thi thể được quấn lại bằng vải liệm trước khi hạ xuống mộ.

Đầu những năm 1350, khi dịch Cái chết Đen lắng xuống ở Anh, khoảng một nửa dân số của nước này đã thiệt mạng. Tuy nhiên, xã hội không tan rã và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Trong vòng một thế kỷ, dân số đã tăng trở lại bằng với trước khi xảy ra đại dịch.

"Cái chết Đen, hay bất cứ đại dịch nào, là bi kịch cá nhân với những ai nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có lẽ đại dịch thời trung cổ này cũng mang đến một bài học quý giá về sự kiên cường và khả năng hồi phục của con người sau khi dịch bệnh kết thúc. Cái chết Đen dù rất trầm trọng nhưng không thể làm sụp đổ một nền văn minh. Con người sẽ trải qua và tiếp tục tiến lên", Willmott nhận xét.

Thu Thảo (Theo Live Science)