Vì sao tắc đường trên đỉnh Everest dễ khiến người leo núi mất mạng?

Hàng dài người xếp hàng chờ lên đỉnh Everest. Ảnh: BBC.

Hàng dài người xếp hàng chờ lên đỉnh Everest. Ảnh: BBC.

Những hàng người dài dằng dặc chờ lên đỉnh núi Everest lạnh giá có thể góp phần dẫn tới cái chết của 7 nhà leo núi trong vòng một tuần. Đám đông chen nhau dẫn tới tình trạng tắc nghẽn vô cùng nguy hiểm.

Nihal Bagwan, nhà leo núi 27 tuổi người Ấn Độ, bị kẹt trong đám tắc nghẽn hơn 12 tiếng và kiệt sức, theo Keshav Paudel ở Peak Promotion, công ty chuyên tổ chức tour leo núi Everest. Các hướng dẫn viên người Sherpa phải dìu anh về khu trại số 4, nhưng Nihal đã trút hơi thở cuối cùng ở đó.

Kiệt sức là một nguy cơ mà mọi nhà leo núi đều phải đối mặt. Nhưng tại sao tình trạng ùn tắc ở đỉnh núi Everest lại khiến nhiều người mất mạng? Tắc nghẽn giao thông đồng nghĩa với việc mọi người phải trải qua nhiều thời gian hơn ở độ cao bất lợi cho cơ thể con người. Nếu họ muốn xuống núi do cảm thấy không khỏe, thời gian chờ áp dụng những biện pháp giúp cứu sống sinh mạng sẽ lâu hơn.

Núi Everest ở độ cao 8.848 m so với mực nước biển (núi cao nhất thế giới). Tuy nhiên, nhà leo núi có thể bắt đầu gặp phải chứng say độ cao hay còn gọi là say núi cấp tính (AMS) ở độ cao thấp hơn nhiều (2.500 m), theo tiến sĩ Andrew Luks, giáo sư Khoa phổi, hồi sức cấp cứu và y học giấc ngủ ở Trường Y thuộc Đại học Washington, Mỹ.

Say độ cao không gây chết người, nhưng các triệu chứng có thể làm nhà leo núi cảm thấy khó chịu. AMS ảnh hưởng tới 77% nhà leo núi ở độ cao từ 1.850 đến 5.895 m, Luke cho biết trong nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí Sinh lý học Ứng dụng. Các nhà leo núi mắc chứng AMS thường bị đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, hôn mê và mê sảng. Theo Luks, nhà leo núi có thể tránh AMS bằng cách leo núi từ từ sau khi đạt độ cao 3.000 m, không vận động quá sức và uống thuốc chống say.

Người gặp chứng AMS nên ngừng leo núi ngay lập tức. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 1 - 2 ngày, bệnh nhân cần xuống núi. Dạng nặng hơn của say độ cao gồm phù não độ cao lớn (HACE) và phù phổi độ cao lớn (HAPE). Hai hội chứng này rất hiếm gặp nhưng có thể gây chết người.

HACE ảnh hưởng tới chưa tới 1% nhà leo núi ở độ cao trên 2.987 m. Nhiều người mắc HACE lúc đầu cũng gặp chứng AMS. Sau khi bị phù não, họ có thể mất khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp vận động, cảm thấy vô cùng mệt mỏi, thậm chí rơi vào hôn mê. Bệnh nhân HACE cần xuống núi nhanh hết mức có thể, dùng mặt nạ oxy, uống thuốc chống say hoặc nằm trong buồng bội áp di động.

Trong khi đó, HAPE ảnh hưởng tới 8% nhà leo núi ở độ cao từ 2.500 đến 5.500 m. Nếu dịch tích tụ trong phổi, nhà leo núi có thể di chuyển chậm hơn, bị ho, đôi khi ra đờm có bọt màu hồng.

Chứng tê cóng, hạ thân nhiệt và kiệt sức cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của nhà leo núi. Việc phải xếp hàng dài để leo núi và xuống núi chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. "Một người càng mất nhiều thời gian hơn ở trên ngưỡng độ cao khiến họ say, nguy cơ họ gặp phải càng lớn hơn. Nếu người nào đó không thể xuống núi do hàng người kéo dài, họ sẽ khó được điều trị kịp thời", Luks nhấn mạnh.

Khi chờ đợi trong hàng, người leo núi không ăn uống hay ngủ nghỉ. Họ cũng dần sử dụng hết nguồn oxy quý giá nếu mang theo bình dưỡng khí và phải tiếp xúc với điều kiện lạnh giá.

Quyết tâm leo lên đỉnh núi cũng góp phần dẫn tới nguy cơ. "Những người này thường phải đầu tư lượng lớn thời gian và tiền bạc vào hành trình leo núi. Vào một ngày thời tiết đẹp, thật khó để thuyết phục họ quay về bởi hàng người quá dài", Luks giải thích.

An Khang (Theo Live Science)